"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Mittwoch, 14. September 2011

Vài tư tưởng của Khalil Gibran

Nguyễn Ước dịch

Áp bức

Khốn khổ thay cho một dân tộc đón tiếp kẻ xâm lăng nó bằng tiếng trống.
Khốn khổ thay cho một dân tộc khi ngủ thì căm thù áp bức nhưng khi thức thì chấp nhận nó.
Khốn khổ thay cho một dân tộc chỉ cất cao giọng nói khi đi đàng sau quan tài và chỉ ngữa mặt khi nằm trong nghĩa địa.
Khốn khổ thay cho một dân tộc chỉ nổi loạn khi chiếc cổ của nó bị kê trên đoạn đầu đài.

Công dân

Là thừa nhận các quyền của kẻ khác trước khi đòi hỏi các quyền của chính mình, nhưng luôn luôn ý thức về chúng.
Là được sống tự do trong ngôn từ và hành động, nhưng đồng thời biết rằng tự do của mình lệ thuộc vào tự do của người khác.
Là tạo ra cái hữu dụng và cái xinh đẹp bằng đôi tay mình, và trong yêu thương và tin tưởng, ngưỡng mộ những cái được người khác tạo ra.
Là sản xuất qua lao động và chỉ bằng lao động, tiêu pha dưới mức làm ra của mình để con cái các bạn không bị lệ thuộc vào sự trợ giúp của nhà nước khi các bạn không còn nữa.

Người yêu nước

Có phải bạn là kẻ làm chính trị đang nói với lòng mình rằng: “Ta sẽ sử dụng xứ sở cho lợi lộc của riêng ta?” Nếu thế, bạn chẳng là gì cả mà chỉ là ký sinh trùng sống trên da thịt của người khác.
Hoặc bạn là người yêu nước nhiệt thành, kẻ đang thì thầm vào tai của cái tôi bên trong bạn rằng: “Tôi tha thiết phục vụ đất nước mình như một tôi tớ trung thành.” Nếu thế, bạn là một ốc đảo trong sa mạc sẵn sàng làm nguôi cơn khát của kẻ lữ thứ.


Công lý

1.

Công lý trần gian gây nên dở cười dở khóc về việc sử dụng sai lạc từ ngữ đó.
Và nếu người chết chứng kiến điều đó, y sẽ chế nhạo sự công bằng trong thế giới này.
Đúng thế, chúng ta phát cho người phạm pháp nhỏ nhặt cái chết và nhà tù, trong khi ban vinh quang, tài sản và hoàn toàn tôn kính cho những tên đạo tặc lớn lao.
Ăn  cắp một đóa hoa chúng ta gọi là bần tiện, còn ăn cướp một cánh đồng là hiệp nghĩa; kẻ giết một thể xác thì phải chết còn kẻ giết tinh thần thì được tự do.

2.

Công lý nào thể hiện thẩm quyền khi nó giết kẻ giết người?
Khi nó bỏ tù kẻ trộm cướp?
Khi nó đổ bộ lên một lân bang và tàn sát dân chúng ở đó?
Công lý nào khi nghĩ tới nhà cầm quyền là kẻ giết người đang trừng phạt kẻ sát nhân và là kẻ trộm đang kết án tên ăn cắp

3.

Khi người này giết người khác, dân chúng bảo y là tên sát nhân, nhưng khi Phó vương giết y, dân chúng lại bảo ông đã thực thi công lý. Khi người này lẻn vào trộm đồ của tu viện, người ta dè bỉu y là quân trộm cướp, nhưng khi Phó vương cướp đi sự sống của y thì ông là đấng đáng tôn kính.
Khi một phụ nữ phản bội chồng, người ta bảo đó là một con đàn bà gian dâm, nhưng khi Phó vương hạ lệnh bắt cô ta phải bước đi trần truồng trên đường phố để sau đó bị ném đá cho tới chết thì ông là người cao thượng.
Làm đổ máu người khác là phi pháp, nhưng ai làm cho hành động ấy của Phó vương thành hợp pháp? Ăn cắp tiền bạc của người khác là tội phạm nhưng khi Phó vương lấy đi sinh mạng của người khác thì đó lại là một cử chỉ cao thượng. Phản bội chồng có thể là một hành động xấu xa nhưng việc ném đá tới chết những linh hồn đang sống thì quang minh chính đại.
Chúng ta có buộc lòng phải đáp trả cái ác bằng cái ác và nói đó là Luật pháp? Chúng ta có buộc lòng phải chiến đấu chống băng hoại này bằng một băng hoại khác lớn lao hơn và nói đó là Phép tắc? Chúng ta có buộc lòng phải chế ngự tội ác bằng một tội ác nặng hơn và nói đó là Công lý?

4.

Tặng phẩm có nguồn gốc từ công lý thì lớn lao hơn mọi tặng phẩm nảy sinh từ lòng từ thiện.

Tự do

1.

Họ nói với tôi rằng nếu bạn thấy một người nô lệ đang ngủ, đứng đánh thức y dậy kẻo y đang mơ tới tự do.
Tôi bảo họ rằng nếu bạn thấy một người nô lệ đang ngủ, hãy đánh thức y dậy và giải thích cho y về tự do.

2.

Tôi yêu tự do; tình tôi yêu sự tự do chân chính lớn lên theo với tầm hiểu biết ngày càng cao về tình trạng đồng bào tôi đang đầu hàng sự nô lệ, áp bức và bạo quyền, và về thái độ họ phục tùng những ngẫu tượng đáng kinh tởm được dựng lên bởi các thời đại quá khứ và được chà bóng bởi đôi môi khô rang của những người nô lệ.
Nhưng tôi yêu những người nô lệ với tình tôi yêu tự do, vì họ mù quáng hôn lên hàm của các quái vật hung ác; trong trạng thái vô tri đầy sung sướng, họ không cảm thấy nọc của những con rắn độc đang mỉm cười, và họ vô tình tự đào huyệt cho mình bằng những ngón tay của mình.

3.

Chết cho tự do cao thượng
hơn sống trong bóng tối phục tùng nhu nhược,
vì kẻ sẵn lòng ôm lấy cái chết
với thanh gươm Chân lý nắm trong tay
sẽ trở thành bất diệt với sự Hằng cửu của Chân lý,
vì Sự sống không mạnh bằng Cái chết
và Cái chết không mạnh bằng Chân lý.

4.

Cuộc sống không có Tự do như thể xác không linh hồn, và Tự do không có Tư tưởng giống như thần trí hoang mang…
Cuộc sống, Tự do và Tư tưởng là ba trong một, kéo dài vô tận và chẳng bao giờ qua đi.

5.
 
Tới khi nào dân tộc còn say ngủ?
Tới khi nào họ còn tiếp tục vinh danh
những kẻ được tiếng vĩ nhân
nhờ các khoảnh khắc lợi thế?
Còn bao lâu nữa họ thôi lơ là
những người làm cho họ có khả năng nhận ra
vẻ đẹp tinh thần họ,
biểu tượng của hòa bình và yêu thương?
Tới khi nào loài người thôi vinh danh kẻ chết
và lãng quên người sống
đang trang trải cuộc đời bị khốn khổ bủa vây
và tự hút cạn mình như những đèn dầu đang cháy
để soi lối cho kẻ vô minh,
dẫn họ vào con đường sự sáng?


6.

Các ngươi có thể xiềng xích đôi tay ta, các ngươi có thể cùm đôi chân ta, nhưng các ngươi không thể làm cho tư duy của ta bị nô lệ, vì nó tự do.

Nổi loạn

1.

Cuộc sống không có Nổi loạn như bốn mùa không có mùa xuân; và Nổi loạn mà không có Chính đáng giống như mùa xuân trong sa mạc khô cằn…
Cuộc sống, Nổi loạn và Chính đáng là ba trong một, bất phân ly và bất biến.

2.

Có phải Thượng đế đã hà hơi sự sống vào con người chúng ta để rồi đặt nó dưới bàn chân của thần chết? Có phải ngài đã ban cho chúng ta sự tự do để chúng ta biến nó thành một hình bóng của nô lệ? Kẻ dập tắt ngọn lửa tinh thần mình bằng chính bàn tay của mình, tức là tên vô đạo trong mắt của Trời vì Trời bày ra lửa để bùng cháy trong tinh thần của chúng ta. Kẻ không nổi loạn chống áp bức tức là đang đối xử bất công với chính mình.

Nguồn: Trích từ Minh triết của Kahlil Gibran (The Wisdom of Kahlil Gibran), Joseph Sheban tuyển, Philosophical Library, Inc., 1975; Nguyễn Ước dịch, sắp xuất bản.