Sáng nay, Thứ Sáu 1-10-2010, Đại lễ Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long được khai mạc tại Hà Nội. Trong diễn văn khai mạc, ông Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ chính trị đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN), bí thư thành ủy Hà Nội, sau khi ôn lại công đức của tiền nhân, đã xưng tụng Hồ Chí Minh, lãnh tụ sáng lập đảng CSVN như sau: “Người được toàn thể nhân dân tôn kính gọi là Bác Hồ; được nhân loại tôn vinh Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới. Người đã nêu cao chân lý của dân tộc, đồng thời cũng là chân lý lớn của thời đại: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”
Câu nầy là một câu tuyên truyền mẫu của CSVN, cả hai vế: 1) Vế đầu nói rằng Hồ Chí Minh được nhân loại tôn vinh là “anh hùng giải phóng dân tộc”. 2) Vế thứ hai cho rằng Hồ Chí Minh được nhân loại tôn vinh là “danh nhân văn hóa thế giới”.
Cả hai vế nầy đều cần phải xét lại vì càng ngày người Việt Nam càng thấy rõ những sai lầm của Hồ Chí Minh và đảng CSVN, và chính Hồ Chí Minh là tội đồ dân tộc vì đã đưa dân tộc vào vòng lệ thuộc Trung Cộng. Riêng bài nầy xin đề cập đến vế thứ hai là Hồ Chí Minh có được nhân loại tôn vinh là danh nhân văn hóa thế giới hay không?
Sở dĩ bài nầy chỉ đề đến chuyện danh nhân văn hóa thế giới, vì trong lễ khai mạc sáng nay, có cô Irina Bokova, tổng giám đốc cơ quan UNESCO tham dự. UNESCO là chữ viết tắt của United Nations Educational, Scientific and Cultural Organization tức Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (LHQ).
Trong bài diễn văn trình bày tại buổi lễ nầy, cô Irina Bokova nói như sau: “As it did for the centenary of the birth of Ho Chi Minh, the General Conference of UNESCO adopted a resolution calling upon the world’s countries to celebrate with you today.”
Như thế rõ ràng cô Irina Bokova hoàn toàn không đề cập gì đến việc UNESCO phong tặng Hồ Chí Minh là danh nhân văn hóa thế giới, vì sự thật, Hồ Chí Minh chưa bao giờ được UNESCO thừa nhận là một danh nhân văn hóa thế giới. Xin hãy trở lại từ đầu câu chuyện nầy.
Tổ chức UNESCO, trụ sở đặt tại Paris, hằng năm có thông lệ nhắc nhở sinh nhật thứ 100 của các vĩ nhân các nước thành viên LHQ. Vào năm 1987, phái đoàn Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN), nhân được luân phiên tham gia vào ban Chấp hành Tiểu ban Văn hóa UNESCO, đã đề cử Hồ Chí Minh (1890?-1969), lãnh tụ sáng lập đảng CSVN, vào “Danh sách danh nhân văn hóa thế giới”, nhân dịp 100 năm sinh niên của nhà chính trị nầy (1990).(1)
Theo sách Records of the General Conference [Tổng kết Đại hội đồng) của Hội nghị khóa 24 của UNESCO diễn ra tại Paris từ ngày 20-10 đến ngày 20-11-1987, tập 1 (bằng Anh ngữ, 215 trang), chủ đề “Resolutions” [Quyết nghị], phần B là “General programme activities” [Chương trình hoạt động tổng quát]), mục 18 là “External relations and public information” [Quan hệ ngoại vi và thông tin cộng cộng], tiểu mục 18.65 ghi nhận việc đề cử vinh danh Hồ Chí Minh vào năm 1990 (trang 134-135), kết thúc như sau: “Yêu cầu ông Tổng giám đốc UNESCO thực hiện những giai đoạn thích hợp để kỷ niệm một trăm năm sinh niên chủ tịch Hồ Chí Minh, và yểm trợ những hoạt động tưởng niệm trong dịp nầy, đặc biệt những hoạt động tại Việt Nam.”(2)
1. Ngoài Hồ Chí Minh, trong danh sách được đề nghị vinh danh năm 1990 còn có các nhân vật: Phya Anuaman Rajadhon (Thái Lan), Thomas Munzer (Đức), Anton Semionovitch Makarenko (Liên Xô), Jawaharlal Nerhu (Ấn Độ) và Sinan (Thổ Nhĩ Kỳ).(UNESCO, sđd., phần “Mục lục”, tr. VII.) Lời tuyên dương tất cả các nhân vật được đề cử, kể cả Hồ Chí Minh, do nhà cầm quyền các nước liên hệ soạn trình. Sau khi được Tiểu ban Văn hóa chấp thuận, Đại hội đồng UNESCO đã thông qua đề nghị trên mà không thảo luận. Lúc đó, Tổng giám đốc UNESCO là ông M’Bow, người Phi Châu. Ông M’Bow giữ chức vụ nầy hai nhiệm kỳ liên tiếp nhờ sự hậu thuẫn của Liên Xô, các nước cộng sản và các nước Á Phi chống đối Hoa Kỳ.
Quyết định đề cử Hồ Chí Minh vào “Danh sách danh nhân văn hóa thế giới” bị Cộng đồng người Việt hải ngoại phản đối khắp nơi trên thế giới. Tại Paris, nơi đặt trụ sở của UNESCO, Uỷ Ban Tố Cáo Tội Ác Hồ Chí Minh (UBTCTAHCM) được thành lập, do ông Nguyễn Văn Trần làm Tổng thư ký. Uỷ ban nầy đã hoạt động tích cực như sau:
1) UBTCTAHCM vận động người Việt và báo chí Việt ngữ ở hải ngoại (Bắc Mỹ, Úc Châu, Âu Châu, Nhật Bản) viết thư cho UNESCO vạch trần tội ác của Hồ Chí Minh và chế độ cộng sản trong nước, đồng thời phản đối việc đề cử Hồ Chí Minh vào danh sách danh nhân văn hóa thế giới. Ý kiến phản đối lên đến khoảng 20,000 thư, đều được Giám đốc phụ trách vùng Đông Nam Á của UNESCO chuyển cho Đại diện của Hà Nội tại UNESCO. Ngoài ra, có người còn viết sách tố cáo Hồ Chí Minh đã ăn cắp thơ của người khác làm thơ của mình trong tập thơ Ngục trung nhật ký (Nhật ký trong tù). (Lê Hữu Mục, Hồ Chí Minh không phải là tác giả “Ngục trung nhật ký”, Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, Canada, 1990.)
2) UBTCTAHCM liên lạc và kêu gọi Uỷ Ban Tương Trợ Việt-Miên-Lào và Hội Người Pháp Đông Dương (ANAI: Association Nationale des Anciens D’Indochine) gồm gia đình Pháp kiều, cựu quân nhân Pháp phục vụ tại ba nước Đông Dương, lên tiếng tố cáo Hồ Chí Minh và đảng CSVN đã vi phạm nhân quyền đối với tù binh Pháp sau chiến tranh Đông Dương. Lúc đó, một học giả Pháp nổi tiếng là Jean-François Revel, tác giả các sách: Ni Marx ni Jesus (1970), La tentation totalitaire (1976), Comment les démocraties finissent (1983), khi nghe tin UNESCO dự tính vinh danh Hồ Chí Minh đã viết một bài báo vào đầu năm 1990, nói rõ Hồ Chí Minh đã lợi dụng ước mơ tự do để nô lệ hóa dân chúng, và cho rằng “đây là một trường hợp phạm tội gia trọng, một vụ ăn cắp, một vụ lừa bịp không hơn kém…”(3)
3) UBTCTAHCM liên hệ với Thị xã Paris và một số dân biểu, nghị sĩ Pháp, đề nghị họ đưa vấn đề ra trước Quốc hội Pháp, nhằm yêu cầu chính phủ Pháp có ý kiến với UNESCO về đề nghị vinh danh HCM, vì trụ sở của tổ chức nầy đặt tại Paris.
Trong khi cuộc vận động đang diễn tiến, thì lúc đó có ba sự kiện quan trọng xảy ra:
1) Trong nội bộ UNESCO, ông tổng giám đốc M’Bow thôi giữ chức tổng giám đốc, và ông Frederic Mayer, nhân sĩ Tây Ban Nha, đắc cử chức Tổng giám đốc. Ông Mayer không ủng hộ nhóm thiên tả, và không ủng hộ việc đề cử Hồ Chí Minh vào “Danh sách danh nhân văn hóa thế giới”. Ông Mayor tuyên bố không thể hủy bỏ quyết nghị năm 1987 vì chỉ có Đại hội đồng của UNESCO mới có quyền nầy, nhưng ông cũng cho biết UNESCO sẽ không tổ chức lễ vinh danh Hồ Chí Minh. Thực tế là ngân khoản năm 1990 do ông tổng giám đốc Mayer soạn thảo không có ngân khoản cho công việc nầy. Ngoài ra, hồ sơ lưu trữ về những hoạt động trong hai năm 1990, 1991 của UNESCO hoàn toàn không đề cập gì đến việc vinh danh Hồ Chí Minh.(4)
2) Tại Việt Nam, số người vượt biên càng ngày càng cao. Từ năm 1975 đến năm 1989 (trước thời điểm Cao Uỷ Tỵ Nạn LHQ ra lệnh khóa sổ các trại tỵ nạn, không nhận người vượt biên), số người vượt biên đến được nơi tạm dung lên đến khoảng 900,000 người, không kể số người tử nạn trên đường vượt biên.(5)
3) Các nước cộng sản Đông Âu bắt đầu lung lay và sụp đổ từ cuối năm 1989 đầu năm 1990.
Cuộc vận động của UBTCTAHCM, phản ứng của Cộng đồng người Việt khắp thế giới, và ba sự kiện trên đây đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến UNESCO. Cuối cùng UNESCO quyết định không thi hành việc đề cử Hồ Chí Minh vào “Danh sách danh nhân văn hóa thế giới”. UNESCO cũng thông báo cho nhà cầm quyền Hà Nội biết, đại để như sau:
- UNESCO không tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm sinh niên của Hồ Chí Minh tại Paris, cũng thư tại Hà Nội.
-Thuận cho Tòa Đại sứ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam ở Paris thuê một phòng tại trụ sở UNESCO để tự tổ chức, nhưng UNESCO không cử đại diện tham dự lễ.
- Trong buổi lễ, ban Tổ chức không được tuyên truyền rằng UNESCO đã đề cao Hồ Chí Minh là danh nhân văn hóa thế giới, không được treo ảnh Hồ Chí Minh trong hội trường.
- Thiệp mời chỉ được ghi là “tham dự buổi văn nghệ”.
Sau khi UNESCO quyết định như trên, để vớt vát thể diện, tòa Đại sứ CHXHCNVN tại Paris đã thuê một phòng tại trụ sở UNESCO ở Paris để tổ chức buổi trình diễn văn nghệ vào trưa ngày 12-5-1989, đúng một tuần lễ trước sinh nhật của Hồ Chí Minh.(6) Buổi trình diễn văn nghệ nầy, quy tụ khoảng 70 người hiện diện, bao gồm cả ban tổ chức và nhóm “Việt kiều Yêu nước” là tổ chức do CSVN lập ra. UNESCO và chính phủ Pháp không cử đại diện đến dự. Chỉ có các nước cộng sản gởi người đến tham dự là Cuba, Bắc Hàn, Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc, Lào và Cambodia.
Trong buổi trình diễn văn nghệ nầy, ông Đại sứ CHXHCNVN tại Pháp là Phạm Bình không đọc diễn văn, mà chỉ có ông Nguyễn Kinh Tài, đại diện CHXHCNVN tại UNESCO đọc bài viết ngắn về ý nghĩa buổi lễ, ca tụng sự nghiệp của Hồ Chí Minh, nhưng theo đúng tinh thần quyết định sau cùng của UNESCO, là không đề cập gì đến vấn đề danh nhân văn hóa thế giới.
Tòa Đại sứ CSVN lập kế hoạch tổ chức trình diễn văn nghệ kỷ niệm lãnh tụ của họ vào buổi trưa ngày 12-9, đúng một tuần lễ trước ngày sinh của ông Hồ, nhắm tạo bất ngờ để tránh bị biểu tình phản đối, nhưng Uỷ ban Quốc tế Trần Văn Bá (UBQTTVB) (mới được thành lập nên không là thành viên của UBTCTAHCM), đã kịp thời tổ chức một cuộc biểu tình phản kháng, gồm khoảng trên 100 người Việt, tại công trường Fontenoy, gần trụ sở UNESCO.
Đại diện của đoàn biểu tình là các ông Trần Văn Tòng, Chủ tịch UBQTTVB, cùng với học giả Oliver Todd, thành viên sáng lập UBQTTVB và bà Anne Marie Goussard, Tổng thư ký Hội Quốc tế Nhân quyền, đến gặp ban Giám đốc UNESCO để hỏi rõ mục đích và ý nghĩa của buổi sinh hoạt văn nghệ do CSVN tổ chức tại một phòng họp của UNESCO. Ban Giám đốc UNESCO xác nhận với phái đoàn Uỷ ban Quốc tế Trần Văn Bá rằng, đây là buổi văn nghệ do Tòa Đại sứ CHXHCNVN tại Pháp tổ chức, chứ không phải là lễ vinh danh Hồ Chí Minh của UNESCO.
Sau khi ban Giám đốc UNESCO xác nhận như trên, trong cuộc họp của Uỷ ban Quốc tế Trần Văn Bá tại trung tâm Maubert Mutualité (Paris 5ème) vào lúc 6 giờ chiều cùng ngày 12-5-1989, ông Oliver Todd đã lên diễn đàn tường trình lại cuộc tiếp xúc với Ban Giám đốc UNESCO. Trong khi tường trình, ít nhất ông Oliver Todd đã hai lần nói rõ rằng Ban Giám đốc UNESCO xác nhận rằng UNESCO không tổ chức vinh danh Hồ Chí Minh, và cũng cho biết buổi trình diễn văn nghệ nhân kỷ niệm một trăm năm sinh niên Hồ Chí Minh vào chiều hôm đó, là do sáng kiến của Tòa Đại sứ CHXHCNVN mà thôi.
Cũng cần ghi nhận thêm, ông Bùi Tín, vào năm 1990 còn là đại tá bộ đội CSVN, đã có mặt tại Hà Nội trong buổi lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Hồ Chí Minh, do CSVN tổ chức tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội, ngày 19-5-1990, cho biết không có đại diện của UNESCO đến dự.(7)
Như thế là rõ ràng là Hồ Chí Minh chưa bao giờ được tổ chức UNESCO vinh danh là danh nhân văn hóa thế giới. Đó là sự thật của câu chuyện được các tài liệu của UNESCO ghi nhận. Nếu ai chưa tin, thì xin mời sưu tra hồ sơ lưu trữ của UNESCO. Hồ sơ của UNESCO vẫn còn đó, rộng mở cho tất cả những nhà nghiên cứu, kể cả những nhà nghiên cứu của CHXHCNVN. Thời đại nầy là thời đại thông tin tiến bộ, mọi dữ kiện đều được ghi nhận cụ thể, nên mọi người có thể sưu tra trong các văn khố, nhất là những nguồn tin không thuộc loại bí mật quốc gia, như việc vinh danh một nhà hoạt động chính trị, chẳng cần gì phải để thời hạn lâu ngày mới công bố.
Trong lễ khai mạc kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, ông Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ chính trị đảng CSVN, bí thư thành ủy Hà Nội, thật sự cũng không dám nói là UNESCO vinh danh Hồ Chí Minh. Ông chỉ lắt léo chơi chữ là Hồ Chí Minh được “nhân loại tôn vinh Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới….” để tránh bị UNESCO khiển trách, nhưng đồng thời ông Phạm Quang Nghị lập lờ như thế nhằm kiếm cách đánh lừa người nghe trong nước có cảm tưỏng rằng Hồ Chí Minh đã được UNESCO tôn vinh là danh nhân văn hóa thế giới, vì ông đã trình bày điều đó ngay trước mặt cô Irina Bokova, tổng giám đốc UNESCO.
Đúng là trò tuyên truyền bịp kiểu CVSN
(Toronto, 1-10-2010)
© Trần Gia Phụng
Chú thích:
1. Nghiêm Văn Thạch, tài liệu đưa lên Internet ngày 4-1-2005, và tài liệu Phan Văn Song đưa lên Internet vào cuối tháng 5-2005. Theo Bùi Tín, bài đưa lên Internet và các báo đăng lại vào tháng 8-2005, thì thư đề nghị do bộ trưởng cộng sản Võ Đông Giang, chủ tịch UNESCO của Việt Nam, ký ngày 14-7-1987.
2. Nguyên văn Anh ngữ: ”Requests the Director-General of UNESCO to take appropriate steps to celebrate the centenary of the birth of President Ho Chi Minh and to lend his support to commemorative activities organized on that occasion, in particular those taking place in Viet Nam.” Để truy tìm các quyết nghị của UNESO, xin vào: http://unesdoc.unesco.org/ulis/cfgdoc_25c.html, tại khung “Simple search”, điền chữ “Resolutions”. Muốn xem riêng quyết nghị năm 1987, xin kéo xuống “UNESCO. General Conference; 24th; 1987.”
3. Bản dịch đăng trên nguyệt san Thế Kỷ 21, Garden Grove, California, số 120, tháng 4-1999, tt. 31-32.
4. Đại hội đồng UNESCO được triệu tập hai năm một lần, nên hai năm mới có một bản tổng kết sinh hoạt UNESCO. (1986-1987, 1988-1989, 1990-1991).
5. Theo thống kê do Cao Uỷ Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc đưa ra năm 2000, được nhà báo Giao Chỉ ghi lại trong bài “Lịch sử 30 năm định cư tỵ nạn 1975-2005”, nhật báo Người Việt Online, ngày 1-4-2005.
6. Bài nói chuyện của bác sĩ Nguyễn Ngọc Quỳ, một nhà hoạt động chính trị kỳ cựu tại Paris, trước Cộng đồng Việt Nam tại Montréal, ngày Chủ nhật 25-4-2004.
7. Bùi Tín, bài báo đã dẫn.