"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Freitag, 8. Oktober 2010

Phản quốc chi Tướng!

Lữ Giang

Sau khi bài phóng sự được viết theo kiểu “thổi ống đu đủ” dưới đầu đề “Cựu Đại Tướng Trần Thiện Khiêm đến California” được đăng trên nhật báo Người Việt online tại Orange County ngày 1.10.2010, hàng loạt bài phê phán nặng nề Tướng Khiêm được phổ biến trên các diễn đàn Internet, chẳng hạn như "Cóc kêu thì trời mưa", “Mùi tử thi Trần Thiện Khiêm đến California Friday”, “Một tên tội phạm của dân tộc lấy tư cách gì vinh danh ai?”, “Đứng dưới bàn tay nhúng chàm” v.v.

Thiếu Tá Trần Ngọc Giang, Chánh Văn Phòng của Tướng Khiệm được Tướng Khiêm cử làm Trưởng phòng An ninh Quân đội Bộ Tổng Tham mưu trong thời gian đảo chính ông Điệm, đã đưa ra nhiều bằng chứng để chứng minh Tướng Trần Thiện Khiêm là “Cơn lốc rối loạn Đệ Nhất, Đệ Nhị Cộng Hòa Việt Nam”, v.v

MỘT VÀI GHI NHẬN
 
Ông Kim Âu viết:
“Lịch sử thế giới chỉ có hai tên TT Thiệu và T T Khiêm của VNCH và ban lãnh đạo của chúng là đào nhiệm, đào ngũ, "được ăn thua chạy". Trước khi chạy còn phá nát QLVNCH, dâng lãnh thổ cho giặc Cộng theo cách "không được ăn thì đạp đổ". Máu của bao nhiêu dân quân cán chính VNCH ở tỉnh lộ 7 trong cuộc triệt thoái cao nguyên. Máu của quốc dân, đồng bào, chiến sĩ chết tức tưởi ở vùng Một. Bao nhiêu mạng người đã nằm xuống trên đường bộ vượt sang Thái Lan? Bao nhiêu sinh mạng đã chìm đắm dưới đấy đại dương? Bao nhiêu tinh hoa của đất nước đã chết thê thảm trong ngục tù của cộng sản? Bao nhiêu máu, nước mắt, sinh mạng. Tình cảnh "nước mất, nhà tan, thân nhục" chưa làm cho phường bất trí, vô lại "bưng bô - đội đĩa" thức tỉnh e rằng thời quốc mạt còn kéo dài.”
 
Trong bài “Tai sao Nam VN Thua?” được phổ biến trên các diễn đàn Internet ngày 4.10.2010, Bác sĩ Nguyễn Đức An ở Florida đã mở đầu như sau:
“Miền Nam VN mất, vì nhiều lý do cộng lại, trong đó có nguyên nhân chính là chế độ Thiệu Kỳ Khiêm quá thối nát. Do đó, dù chúng ta có các cấp chỉ huy giỏi, thanh liêm, hết lòng vì nước nhưng cuối cùng Nam VN vẫn thua trận đánh cuối cùng.”
 
Sau đó, ông đã đưa ra một số bằng chứng về sự thối nát dưới thời Thiệu Khiêm cai trị và đi đến kết luận:
“Quân đội VN anh hùng. Chúng ta có nhiều đơn vị thiện chiến đánh cho VC chạy te tua. Chúng ta có những sĩ quan giỏi và lý tưởng. Chúng ta có những tướng sạch, giỏi nhữ Nguyễn Đức Thắng, Nguyen Khoa Nam, Trần văn Hai. Chúng ta có những nhân tài Quốc gia Lý tửơng như GS Nguyễn văn Bông. Nhưng chúng ta Thua CS-BV vì bọn Đầy Tớ cho Pháp, Mỹ (quá nhiều) đã cấu kết với nhau làm Hư Hỏng Nam VN.
“Trần thiện Khiêm là một tên Đầy Tớ trung thành của Mỹ, đã làm hư hỏng Nam VN.
“Sự xuất hiện của Trần thiện Khiêm trong sinh hoạt Cộng Đồng VN-HN là một điềm xấu, báo hiệu một điều chẳng lành.”

Trong bài “Đứng dưới bàn tay nhúng chàm” phổ biến trên Internet ngày 6.10.2010, Duyên-Lãng Hà Tiến Nhất có ghi lại một câu chuyện được Đại Tá Phạm Bá Hoa, nguyên chánh văn phòng của tướng Khiêm kể lại:
“Đầu tháng 3/2007 trong lúc nói chuyện với cựu Đại Tướng Khiêm sau khi đón ông và gia đình từ phi trường IAH sau chuyến du lịch Pháp quốc trở về Houston, nhân lúc vui vẻ, tôi (đại tá Hoa) hỏi:
-  Thưa anh Tư (đại tướng Trần Thiện Khiêm), hồi đảo chánh 1 tháng 11 năm 1963, bắt đầu từ phía Hoa Kỳ hay từ phía Việt Nam mình anh Tư?
-  Từ phía Hoa Kỳ.
-  Vậy ai là người nối vào Việt Nam mình anh Tư?
-  Ông S. (chú thích của bần bút: có lẽ là SPERA. Al Spera là cố vấn chính trị Bộ TTM)
-  Ông ấy nối vào ai vậy anh Tư?
-  Nối vào anh (đại tướng Khiêm), nhưng anh thấy việc lớn quá nên giới thiệu với Trung Tướng Minh.”

Duyên-Lãng Hà Tiến Nhất nhận xét:
“Tiết lộ trên cho thấy 3 điểm: thứ nhất, người Mỹ là kẻ chủ trương đảo chánh. Thứ hai, tướng Khiêm là người được Mỹ tín nhiệm và giao việc. Và thứ ba, tướng Minh là công cụ được tướng TTK sử dụng để thì hành lệnh của Mỹ...”

Dư luận có vẻ chú ý đến thư ngỏ của Đại Úy Nguyễn Phán, nguyên trưởng ban 3/TĐ30 BĐQ, gửi cựu Đại Tướng Trần thiện Khiêm, về chuyện ông tâm sự rằng ông “luôn luôn theo dõi các chương trình như Đại hội cứu trợ TPB, và các chương trình vinh danh người lính Quân Lực VNCH,…” và chuyện ông nói đến tham dự Đại Hội để CẢM ƠN các “chiến hữu”.

Đại Úy Phán đã đặt nhiều vấn nạn. Sau đây là ba vấn nạn chính:
(1) Cựu Đại Tướng nghĩ sao sau hơn 35 năm “vắng bóng” trong mọi sinh hoạt của tập thể các cựu lính/VNCH?
(2) Qua phát ngôn của cựu Th/tá Phan tấn Ngưu, Đại Tướng thổ lộ “tuy ở xa ông luôn luôn theo dõi các chương trình như Đại hội cứu trợ TPB…”.  Thế thì tại sao chúng tôi chưa bao giờ nhận được, dù một dollar, đóng góp vào công việc đại nghĩa nầy từ cựu Đại Tướng, để cụ thể tấm lòng, tình cảm của cựu Đại Tướng dành cho những Đồng Đội bất hạnh của chúng tôi và cũng là những thuộc cầp của cựu Đại Tướng? Trong khi đó, Người Thương Binh/VNCH, chúng tôi đã nhận được không biết bao nhiêu là NGHĨA TÌNH từ Chiến Hữu cũ, từ Đồng Hương. Họ là những binh nhất, những binh nhì, những trung sĩ, những sĩ quan cấp nhỏ như thiếu uý, trung uý,… và những con người rất bình thường của Miền Nam.
(3) Hôm nay, cựu Đại Tướng định mời một số các anh chị em đã làm việc thiện nguyện, hay làm vẻ vang cho Quân Lực/CVNCH đến “ĂN MỘT BỬA CƠM với cựu Đại Tướng, để rồi nhận sự CẢM ƠN của Cựu Đại Tướng. Riêng các thực khách đã nhận lời đến dùng cơm với cựu Đại Tướng thì tôi không rõ họ nghĩ sao. Không lẽ, họ làm việc thiện nguyện cho các Thương Phế Binh, họ đã gắn bó với sinh hoạt của tập thể cựu lính bao nhiêu năm qua,  chỉ chờ có một ngày được DÙNG CƠM VỚI Ông Cựu Đại Tướng, cựu Thủ Tướng! Người đã từ nhiệm vào ngày 25/04/1975 để ra đi trong an bình, trong khi, hơn bao giờ hềt, Tổ Quốc đang cần sự có mặt của các nhà Lãnh Đạo. Tôi không muốn so sánh quý vị với các Nhà Lãnh Đạo của Kampuchia. Thật đau lòng khi phải làm cuộc so sánh!

Dĩ nhiên là đám tà lọt và một số người được hưởng ơn mưa móc của ông Khiêm đã cố gắng viết vài lời để bênh vực ông, nhưng họ không thể chối bỏ sự thật lịch sử được. Họ chỉ “chọi đá đường rầy xe lửa” hay đưa ra những lập luận vớ vẩn như: “Tên đó láo phét. Là lính VNCH tại sao nó hạ thấp chế độ miền Nam, gây chia rẽ phân hóa hàng ngũ Dân Quân Cán Chính VNCH, tạo cơ hội cho Cộng Sản xâm nhập lũng đoạn Cộng đồng Người Việt Tỵ Nạn? Chỉ có Việt Cộng mới đánh phá các nhà lãnh đạo VNCH...” Nói cách khác, nhóm này muốn “LẤY THÚNG ÚP VOI”, “LẤY NÓN CỐI ÚP LỊCH SỬ” để biện hộ cho tội làm mất nước của Nguyễn Văn Thiệu và Trần Thiện Khiêm! Nếu đây là CHXNCNVN thì họ đã thẳng tay với “bọn phá hoại” rồi. Nhưng đây là nước Mỹ! Thiếu Tá Phan Tấn Ngưu có dám huy động Cảnh Sát Đặc Biệt mở cuộc hành quân thủ tiêu tất cả các tài liệu trong văn khố Mỹ, rồi áp dụng điều 88 Bộ Hình Luật của Việt Cộng trừng trị “bọn phá hoại” hay không?

VÁC XÁC TRẦN THIỆN KHIÊM TỚI

Một câu hỏi được nhiều người nêu ra: Tại sao Đại Tướng Trần Thiện Khiêm lại xuất hiện lúc này trong Đại Hội Toàn Quân?

Trong cuộc phỏng vấn của nhật báo Viễn Đông ở Orange County ngày 16.9.2010, Thiếu Tá Cảnh Sát Phan Tấn Ngưu, Chủ Tịch Liên Hội Cựu Chiến Sĩ VNCH Nam California, người được ủy nhiệm đứng ra tổ chức đại hội, đã cho biết:
“Đại tướng Trần Thiện Khiêm muốn được nói lời cám ơn đến sự hy sinh vô bờ bến đến tất cả Quân, Cán, Chính VNCH cũng như Hoa Kỳ, trong cuộc chiến, mà biểu tượng là hình ảnh hai người chiến binh tại Tượng đài; sau đó trở về Hội trường họp Đại hội với tân Chủ tịch TTCSVNCH mới được bầu.”

Câu trả lời này đã đặt ra nhiều câu hỏi khác: Tướng Khiêm là một tướng bỏ chạy, một tướng đào ngũ, ông lấy tư cách gì để “CÁM ƠN” các chiến sĩ VNCH và Đồng Minh đã hy sinh trong cuộc chiến? Tại sao phải chờ đến 35 năm sau ông mới xuất hiện và nói lời “CÁM ƠN”?

Tuy có nhiều cách trả lời khác nhau, nhưng câu trả lời chính xác hơn cả là ban tổ chức sợ Đại Hội Bất Thường của Tập Thể Chiến Sĩ VNCH hải ngoại ở Westminster ít ai đến, nên Tướng Nguyễn Khác Bình phải vác xác Tướng Trần Thiện Khiêm từ Bắc Cali xuống để câu khách. Chính Thiếu Tá Ngưu cũng phải xác nhận rằng Đại Hội dự trù có khoảng 80 người đến tham dự, nhưng nhờ có Tướng Khiêm, số người tham dự đã tăng gấp đôi.

Đàn em ông Khiêm và những người hưởng ơn mưa móc của ông đã tìm đến gặp ông tay bắt mặt mừng. Một số người hiếu kỳ cũng đã đến xem ông lúc này như thế nào... Nếu không có ông Khiêm, Cảnh Sát sẽ chiếm đa số.

Đại Hội đã bầu Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại làm Chủ Tịch Hội Đồng Đại Diện thay thế Đại Tá Nguyễn Xuân Vinh xin từ nhiệm “vì lý do sức khỏe”. Và cái xác của Tướng Trần Thiện Khiêm đã được dựng lên trong Hội Đồng Tư Vấn của Tập Thể!

TÊN ĐẦY TỚ TRUNG THÀNH

Vào tháng 6 và tháng 7 năm 2008, các báo An Ninh Thế Giới, Công An Nhân và Nhân Dân Việt Nam ở trong nước có đăng nhiều kỳ một bài nói về Tướng Trần Thiện Khiêm của Văn Thư dưới đầu đề “Tướng Trần Thiện Khiêm của chính quyền Sài Gòn cũ: Đòn xóc hai đầu” hay “Trần Thiện Khiêm của chế độ Sài Gòn cũ: tham thì thâm, lừa thầy, phản bạn”. Loạt bài này cho thấy ký giả trong nước bắt đầu viết lịch sử bớt bôi bác, nhưng vì họ không phải là nhân chứng của thời cuộc và không có cơ hội tham khảo các tài liệu mới được giải mã, nên không thấy được mặt trái đàng sau.

Bác sĩ Nguyễn Đức An nói: “Trần thiện Khiêm là một tên Đầy Tớ trung thành của Mỹ, đã làm hư hỏng Nam VN”. Câu nói này rất chính xác. Tuy nhiên, trước khi đi xa hơn, chúng ta cần xác định Tướng Khiêm xuất thân từ trường nào, vì đây là một vấn đề đang được tranh luận.

Đa số các tài liệu nói năm 1946 - 1947 ông tốt nghiệp Chuẩn Úy HSQ cao cấp trường Viễn Đông Đập Đá. Nhưng viết như vậy là sai. Phải đến năm 1948 trường Đập Đá ở Huế mới được thành lập.

Thật ra, Tướng Khiêm đã tốt nghiệp École d'Elèves-Officiers d'Extrême-Orient của Pháp ở Đà Lạt khoá 1946–1947. Vì số khóa sinh quá ít nên người Pháp gọi là Peloton Inter-Armes d'Extrême-Orient (Khoá Liên Quân Viễn Đông). Chỉ có 16 sĩ quan tốt nghiệp khóa này, trong đó có Nguyễn Khánh, Trần Thiện Khiêm, Trần Ngọc Tám, Dương Văn Đức, Lâm Văn Phát, Bùi Hữu Nhơn, Cao Hảo Hớn, Dương Ngọc Lắm, v.v.

Đến năm 1948, theo sáng kiến của Thủ Hiến Phan Văn Giáo, Trường Sĩ Quan Hiện Dịch mới được lập tại Đập Đá, Huế. Nguyễn Hữu Có, Nguyễn Văn Thiệu, Đặng Văn Quang, Trần Văn Trung, Tôn Thất Đính... là những người học khoá đầu tiên ở đây. Sau hai khoá, tháng 10/1950 Bảo Đại cho dời trường này về Đà Lạt và gọi là École Militaire Inter-Armes de Dalat (sau đổi thành Trường Võ Bị Quốc Gia theo Sắc Lệnh số 325-QP ngày 10.4.1963). Còn École d'Elèves-Officiers d'Extrême-Orient của Pháp ở Đà Lạt được dời ra Vũng Tàu và gọi là École Militaire Nuoc Ngot.

Những tài liệu liên quan đến Tướng Trần Thiện Khiêm là một đầy tớ trung thành của CIA đưa miền Nam tới ngày diệt  vong đã được chúng tôi trình bày rất nhiều lần với những bằng chứng khó có thể tranh cãi được. Ở đây chúng tôi chỉ nhắc lại những điểm chính.

Sau khi ông Diệm bị lật đổ, có 4 nhân vật được CIA dùng để lãnh đạo miền Nam theo ý họ, đó là Trần Thiện Khiêm, Nguyễn Khánh, Nguyễn Văn Thiệu và Đặng Văn Quang. Nhưng chỉ có Trần Thiện Khiêm và Đặng Văn Quang là “agent”, còn Nguyễn Khánh và Nguyễn Văn Thiệu chỉ là con bài.

Trong một cuộc phỏng vấn, Tướng Nguyễn Khánh quả quyết với tôi Tướng Trần Thiện Khiêm là một nhân viên (agent) của CIA có trả lương. Qua các tài liệu được giải mã, chúng ta thấy Tướng Khiêm được CIA giao cho giữ những vị trí then chốt trong các biến cố tại miền Nam:

Trong cuộc đảo chánh ngày 1.11.1960, Tướng Trần Văn Đôn tiết lộ rằng khi đem quân về Sài Gòn, Đại Tá Khiêm có tiếp xúc với Đại Sứ Mỹ Durbrow và Tướng McGarr, người cầm đầu cơ quan MACV. Hai viên chức này không hoàn toàn ủng hộ ông Diệm, nhưng đã khuyên không nên lật đổ ông Diệm, chỉ cho ông ấy một bài học như vậy là đủ rồi. Thực ra, mục tiêu của cuộc đảo chánh này là xem phương thức và khả năng đối phó của ông Diệm, đồng thời biến Tướng Khiêm thành “con cưng” của ông Diệm để làm nội ứng.

Tài liệu cho thấy Tướng Khiêm là người chỉ huy cuộc đảo ngày 1.11.1963, còn Đại Tá Thiệu đưa Sư Đoàn 5 về thực hiện. Đảo chánh xong, Mỹ để cho Tướng Dương Văn Minh quậy làm miền Nam suy sụp, rồi cho Tướng Khiêm làm “chỉnh lý” ngày 30.1.1964 và đưa người của Mỹ lên cầm quyền để đổ quân vào. Cuộc đảo chính này được báo Mỹ gọi là “Pentagon’s Coup”. Tướng Khánh được đưa ra làm quốc trưởng bù nhìn, còn Tướng Khiêm nắm thực quyền. Nhưng vì tham vọng, Tướng Khánh đã làm hỏng kế hoạch của Mỹ và bị Phật Giáo chống đối. Mỹ bảo Tướng Khiêm đi lánh nạn, loại tướng Khánh và đưa Tướng Nguyễn Văn Thiệu lên thay. Nhưng vì kẹt vụ Phật Giáo, Mỹ phải dùng Tướng Kỳ và Tướng Loan để dẹp Phật Giáo. Sau khi dẹp xong vụ Phật Giáo, Mỹ loại Tướng Kỳ, dựng Tướng Thiệu lên và đưa Tướng Khiêm về.

Để kềm hảm Tướng Thiệu, CIA tuyển dụng Tướng Đặng Văn Quang, Phụ Tá An Ninh Phủ Tổng Thống, làm “agent” với nhiệm vụ báo cáo các hành vi của Thiệu cho Mỹ biết. Tuy nhiên, trong cuộc họp ngày 14.4.1974 tại Cam Ranh, có Tướng Quang tham dự, Tổng Thống Thiệu ra lệnh rút khỏi Cao Nguyên và cấm không được cho Mỹ biết. Tướng Quang sợ Thiệu, không dám cho Mỹ biết, nên khi khám phá ra, CIA đã sa thải Tướng Quang. Theo Trung Tá Trần Tích, Trưởng Phòng Quản Trị Quân Đoàn II cho biết chính Đại Tá Lê Khắc Lý, Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn II, đã tiết lộ tin này cho Mỹ biết. Tướng Phú định bắn nhưng bị can gián nên lại thôi.

Khi biết miền Nam sắp mất, đầu tháng 4/1975, CIA ra lệnh cho Tướng Khiêm phải từ chức, “bán cái” cho Nguyễn Bá Cẩn để chuẩn bị ra đi và đầu hàng. Nguyễn Bá Cẩn quá yếu kém về chính trị, tưởng bở nên “cắn câu”. Tổng Thống Thiệu không hề hay biết chuyện đó và cho đến khi đi qua bên kia thế giới ông vẫn chưa hay biết!

MỘT CUỘC RA ĐI NHỤC NHÃ

Frank Snepp kể lại:
Tối 25.4.1975, CIA lập ra hai toán, một toán đến Bến Bạch Đằng áp tải Tướng Thiệu, một toán vào khu gia đình tướng lãnh ở trong Tổng Tham Mưu khống chế Tướng Khiêm. Khoảng 21 giờ, một chiếc xe Mercedes màu xám chở Tướng Thiệu từ Bến Bạch Đằng tới nhà Tướng Khiêm, nơi đó Tướng Timmes và một số viên chức cao cấp của Việt Nam đã đợi sẵn. Xe chở Tướng Thiệu vào đến Tân Sơn Nhứt lúc 21 giờ 30 và đi thẳng ra chỗ đậu máy bay. Các xe đi theo đã đến bao vây xe của Thiệu gióng hệt một cảnh trong phim trinh thám. Một chiếc C-118 của Không Quân Hoa Kỳ đã chờ sẵn. Đại Sứ Martin cũng đứng đợi đó từ trước. Chung quanh máy bay có thủy quân lục chiến Mỹ mặc thường phục dàn chào. Tướng Thiệu lủi thủi leo lên máy bay, sau đó là Tướng Khiêm và đoàn tùy tùng.

Chúng ta nhớ lại khi Mỹ tháo chạy khỏi Nam Vang ngày 12.4.1975, Thủ Tướng Sarak Matak đã từ chối không ra đi. Ông đã gởi cho ông John Gunther Dean, Đại Sứ Dean Mỹ ở Cambodia, một điện văn như sau:

“Thưa Đại nhân và Thân hữu, tôi thành thật cám ơn về bức thư của ngài và về việc ngài dành cho tôi chỗ để đến nơi tự do. Than ôi, tôi không thể ra đi theo cách hèn nhát như vậy. Còn về ngài, và đặc biệt về đại quý quốc, tôi không bao giờ nghĩa rằng các ngài lại có ý định bỏ lại những người đã chọn tự do. Các ngài đã từ chối không bảo vệ chúng tôi nữa. Chúng tôi không có thể làm gì được. Ngài lên đường, tôi chúc ngài và qúy quốc tìm thấy hạnh phúc dưới bầu trời... Tôi đã mắc một sai lầm duy nhất là tin vào những người Mỹ!”

Đây là một điện văn lịch sử. Thủ Tướng Sarak Matak đã ở lại và bị Khmer Đỏ giết.

Thôi, hãy nghe lời Thánh Kinh: “Let the dead bury their dead” Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết (Lc 9:60).

Điều chắc chắn, không thể để các tướng đào ngũ, các tướng bỏ chạy và các tướng đầu hàng đứng ngang hàng với những chiến sĩ đã tuẩn tiết hay đã chiến đấu đến giờ phút cuối cùng.

Ngày 6.10.2010
Lữ Giang