"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Montag, 9. August 2010

Lại chuyện nón cối

Lữ Giang

Hôm 17.4.2009, hãng thông tấn Associated Press và các báo online ở vùng Bắc Mỹ như oregonlive.com, seattlepi.com, theolympian. com, columbian.com, onpointnews. com, article.wn.com, examiner.com, v.v. đều loan tin “Một người Việt Nam đã thắng trong một vụ kiện về mạ lỵ phỉ báng” (Vietnamese man wins defamation case).

Tờ news.newamericamedi a.org cho biết hôm 16.4.2009, Tòa Superior Court ở Thurston County, Washington State, đã đưa ra phán quyết rắng một người Việt Nam đã thắng trong một vụ kiện về mạ lỵ phỉ báng. Đây là là trường hợp đầu tiên thuộc loại như vậy ở tiểu bang Washington.

Tòa nhận thấy rằng 5 bị đơn gồm có ba ông Norman Lê, Phiệt Nguyễn, Đạt Hồ, và hai bà Nhàn Trần và Nga Phạm đã vi phạm sai lầm khi lên án ông Tân Thục Đức, một cựu Trung Úy VNCH và Hội Cộng Đồng Người Việt Thurston County (Vietnamese Community of Thurston County - VCTC) là thân cộng.

Các bị đơn bị phạt $310.000, trong số tiền phạt này ông Tân Thục Đức, hiệu trưởng Trường Việt Ngữ ở Thurston County được hưởng $225.000, và Hội Cộng Đồng Người Việt Thurston County do ông Hứa Minh Đức là chủ tịch được hưởng $85.000.

Vụ xét xử đã kéo dài trong ba tuần. Sau khi tòa tuyên án, các bị đơn đã xin tòa nguyên thẩm cho tái thẩm (retrial). Nhưng trong phiên toà ngày 29.5.2006 vừa qua, tòa đã bác đơn.

BỊ ĐÁNH TRÚNG HUYỆT

Trong khi hãng thông tấn Associated Press và các báo ở vùng Bắc Mỹ đã phổ biến tin tức về vụ án này một cách khá rộng rãi, đa số các báo Việt ngữ ở Hoa Kỳ gần như “phớt lờ” vụ án này. Trên các diễn đàn Internet, các tham dự viên thường rất năng nổ trong việc phổ biến và bình luận về các tin tức cộng đồng, tin này cũng chỉ được phổ biến rất giới hạn. Điều này rất dễ hiểu, vì đây là một lần nữa, toà án Mỹ lại đánh trúng huyệt của nhiều “xạ thủ chống cộng” trong cộng đồng người Việt hải ngoại, đó là “huyệt nón cối”!

Tường thuật lại bản án nói trên là một sự nhức nhối đối với những người xưa nay vẫn coi nón cối như một võ khí “chống cộng”, và lúc nào cũng sẵn sàng dùng nó để triệt hạ bất cứ ai có chính kiến khác với họ, xâm phạm đến các quyền lợi hay địa vị của họ trong cộng đồng. Đây là một cơn bệnh trầm kha, nó đã phá tan các cộng đồng người Việt hải ngoại ra thành nhiều mãnh và khiến những người có khả năng và thiện chí nản chí, không muốn tham gia các sinh hoạt cộng đồng hay chống cộng nữa.

Tại Orange County, Nam California, chỉ có nhật báo Người Việt khai thác vụ án này. Trong sồ báo ra ngày 19.4.2009, báo này đã dựa vào bản tin của tờ The Olympian cho phổ biến một bài nói về vụ án này dưới đầu đề “Chụp mũ “Cộng Sản” bậy bạ, năm người Việt Nam bị tòa phạt hơn $300,000”. Bài báo đã mở đầu như sau:

“Một bài học cho những người chuyên chụp mũ bậy bạ người khác vừa xảy ra tại Tòa Thượng Thẩm Washington, Thurston County, hôm Thứ Năm vừa qua, sau khi bồi thẩm đoàn đồng ý phạt và bắt năm cá nhân trong Ủy Ban Chống Cờ Việt Cộng phải liên đới bồi thường $225,000 cho ông Tân Thục Đức, cựu trung úy QLVNCH, vì đã chụp mũ ông là “Cộng Sản,” một bản tin của nhật báo The Olympian cho biết như vậy.

“Ngoài ông Tân Thục Đức, năm cá nhân thuộc ủy ban nêu trên còn phải bồi thường cho Cộng Đồng Việt Nam tại Thurston County, Washington, nơi ông Đức sinh hoạt, $85.000.”

Cuối bài báo đã nhắc lại ba vụ án nón cối nghiêm trọng đã xẩy ra trong cộng đồng người Việt hải ngoại trước đây:

“Hôm Tháng Hai vừa qua, Giáo Sư Nguyễn Lâm Kim Oanh, Ủy Viên Giáo Dục Học Khu Garden Grove, đã kiện ông Cao Sinh Cường, một nhà hoạt động cộng đồng của đảng Cộng Hòa Orange County, tội phỉ báng sau khi ông chụp mũ bà là “Cộng Sản.

“Bà cho rằng vì bị chụp mũ mà bà mất chức Tổng Quản Trị Học Khu Westminster hồi năm 2006. Vụ việc hiện đang do Tòa Kháng Án California thụ lý.

“Hồi năm 2003, ba cha con ông Hồ Ngộ tại tiểu bang Colorado đã thắng một vụ kiện trong đó họ bị chụp mũ “Cộng Sản,” và tòa án Denver đã phán quyết bị cáo bồi thường gần $4.8 triệu.


“Tại Saint Paul, Minnesota, ông Tuấn Phạm, một cựu quân nhân QLVNCH và là chủ chợ Capital Market, cũng bị một số người Việt Nam chụp mũ tương tự.

“Cuối cùng, tòa phán quyết bị cáo bồi thường cho ông Tuấn $693,000.”

Nhiều người tin rằng nhật báo Người Việt muốn dùng vụ án này để hù dọa những người đang tố cáo báo Người Việt là thân cộng. Bình thường, báo Người Việt thường tránh những cuộc “đụng độ” như thế trong cộng đồng. Điều này cho thấy “công an chống cộng” ở hải ngoại vẫn đang tiếp tục khống chế cộng đồng rập khuôn theo phương thức khống chế của cộng an CSVN ở trong nước.

ĐẦU ĐUÔI CỦA VỤ ÁN

Vào tháng 7 năm 2003, tại hội chợ Lakefair, một đầu bếp trong gian hàng của Hội Cộng Đồng Người Việt Thurston County (VCTC) mặc tạp dề (tablet – apron) mua ở chợ Mỹ, có hình ông già Noel đội nón đỏ có ngôi sao vàng và trên hai túi nền đỏ cũng có hai ngôi sao vàng. Sau đó, người đầu bếp này đã quay ngược mặt ngoài của tạp dề này vào bên trong.

Ngày 7.8.2003, ban đại diện của Ủy Ban Chống Cờ Việt Cộng gồm các ông Vũ Anh Tuấn, Hồ Tấn Đạt, Nguyễn Xuân Phiệt, Lê Thiện Ngọ, bà Trần Thanh Nhàn và bà Phạm Thị Nga, đã cho phổ biến “Bản Công Bố v/v Cộng Đồng Người Việt Quận Thurston trưng bày cờ Việt Cộng trá hình tại Lakefair, Olympia, Washington State”. Bản công bố đã kể lại câu chuyện xẩy ra với hình Ông Già Noel trên tạp dề mà người đầu bếp đã mặc và quy kết rằng “hình in trên áo đó muốn phô bày trước công chúng lá cở đỏ sao vàng của Cộng Sản Việt Nam”.

Bản công bố viết tiếp:
“Còn khuôn mặt Già Noel gợi cho người xem hình ảnh của Già Hồ! Đảng Cộng Sản Việt Nam đã khéo léo đội trên đầu Già Noel cái mũ có hình lưỡi liềm đỏ, tượng trưng cho cờ của đảng Cộng Sản Quốc Tế. Già Noel là biểu tượng của lòng yêu thương mang quà Noel đến cho mọi người. Còn trên tạp dề này, Gìa Hồ đeo găng boxing đánh bại Mỹ qua hình ảnh cờ Mỹ rơi hết vào trong hai găng tay.

“Chủ đích trưng ra các biểu tượng trên đây là để phổ biến sự hiện hữu của chế dộ cộng sản Hà Nội trong cộng đồng người Việt cho khoảng 250.000 người đến thăm Hội chợ, như chúng cố treo cờ VC tại SPSCC và vài nơi khác.”

Cũng trong ngày 7.8.2003, ông Vũ Anh Tuấn, lấy tư cách là Đồng Chủ Tịch Ủy Ban Chống Cờ Việt Cộng đã gởi email đi nhiều nơi “Công Bố Cộng Đồng Người Việt Quận Thurston đã trưng bày cờ Việt Cộng” và yêu cầu có biện pháp.

Các email kế tiếp của Ủy Ban đã yêu cầu các cộng đồng và cơ quan truyền thông của người Việt trên thế giới tẩy chay và trục xuất ông Tân Thục Đức và các thành viên hội đồng quản trị VCTC ra khỏi cộng đồng vì “họ đang làm việc cho CSVN.”

Ủy Ban đã mở cuộc họp báo vào ngày 17.8.2003 tại Rainier Community Center, Seatle, và hai cuộc họp báo khác tại Olympia và Tumwater để tố cáo như đã nói trên, và cho rằng ông Tân Thục Đức và Hội Cộng Đồng Người Việt Thurston County là những người yểm trợ cho chế độ CSVN, thành viên của đảng CSVN, v.v.

Ủy Ban còn tố cáo rằng trong một buổi văn nghệ vinh danh một nhà thơ Việt Nam tổ chức tại Olympia năm 1997, một người trong ban nhạc do ông Tân Thục Đức mời đến đã đánh vài nốt nhạc trong bài quốc ca của Việt Nam Cộng Sản.

Ông Tân Thục Đức cũng bị tố cáo đã không treo cờ VNCH tại nơi ông dạy học là Trường Việt Ngữ Hùng Vương.

Kể từ khi vụ việc xảy ra, ban đại diện Hội Cộng Đồng Người Việt Thurston County chỉ còn lại 4 người, vì 11 người khác đã rút lui vì sợ bị chụp mũ. Riêng ông Tân Thục Đức còn bị đe dọa giết.

CÂU CHUYỆN XẨY RA TRƯỚC TOÀ

Ngày 3.3.2004, Luật sư Gregory M. Rhodes đã đại diện ông Tân Thục Đức và Hội Cộng Đồng Người Việt Thurston County truy tố các bị đơn sau đây ra Toà Superior Court của Washington State tại Thurston, về tội mạ lỵ phỉ báng:

- Norman Le và Phu Le, chồng và vợ;
- Tuan A. Vu và Huynh T. Vũ, chồng và vợ;
- Phiet X. Nguyen và Vinh T. Nguyen, chồng và vợ;
- Đat T. Ho và “Jean Doe” Ho, chồng và vợ;
- Nga T. Pham và Tri V. Duong, vợ và chồng;
- Nhan T. Tran và Mam M. Võ, vợ và chồng.

Ngày 30.3.2009, Toà Superior Court của Washington State tại Thurston với bồi thẩm đoàn, đã bắt đầu xử vụ này. Việc lấy lời khai các nguyên đơn, bị đơn và nhân chứng kéo dài đến 3 tuần. Chúng tôi xin tóm lược một vài đoạn chính để cho “đạo quân nón cối” thấy rằng những chuyện bịa đặt của họ nếu được đưa ra toà sẽ như thế nào:

1.- Vụ cái tạp dề

Khi chất vấn một nhân chứng là Đại Tá Hứa Yển Lến, Luật sư Nguyễn Tâm, đại diện các bị can, đã chiếu lên screen hình cờ đỏ sao vàng của Việt Cộng và hỏi:
- Có phải đây là cờ CSVN không?

Đại Tá Lến trả lời:
- Đúng!

Luật sư Tâm chiếu hình cô gái mặc áo đỏ sao vàng đã từng được triển lãm tại Nam California và hỏi đó có phải là cờ CSVN không.

Đại Tá Lến cũng trả lời:
- Đúng.

Luật sư Tâm lại chiếu hình lá cờ đỏ sao vàng lớn và hỏi: Nếu hình này mà nhỏ cở này (đưa bàn tay chỉ kích thước của lá cờ) có phải là cờ CSVN không?

Đại Tá Lến vẫn trả lời “Đúng!”, nhưng bất thần ông quát lớn giữa toà:
- Tôi đến làm chứng cho ông Đức, tại sao cứ chiếu lá cờ này trước mặt tôi vậy?

Luật sư Tâm vội xin lỗi rồi đi vào chủ đề chính. Ông đưa các tạp dề lên và hỏi Đại Tá Lến:
- Đây là cái gì?

Đại Tá Lến trả lời:
- Đó là cái tạp dề...

Luật sư Tâm lại hỏi:
- Có phải lá cờ không?

Đại Tá Lến nói:
- Không, đó là cái tạp dề dùng ở nhà bếp.

Luật sư Tâm liền cho chiếu lại hình cô gái mặc áo có hình cờ đỏ sao vàng đã triển lảm ở Nam Cali và hỏi Đại Tá Lến:
- Sao lúc nãy ông nói hình này là lá cờ (CSVN)?

Đại Tá Lến hỏi lại Luật sư Tâm:
- Ông có thấy tượng Hồ Chí Minh kế đó không?

2.- Chuyện ông Tân Thục Đức không treo cờ vàng

Luật sư Gregory M. Rhodes của các nguyên đơn đã hỏi bị đơn Trần Thanh Nhàn:
- Bà có tới Trường Việt Ngữ ở Olympia không?

Bà trả lời:
- Không

Luật sư Rhodes lại hỏi:
- Bà có gọi điện thoại hỏi ông Tân Thục Đức về việc từ chối treo cờ (VNCH) tại Trường Việt Ngữ không?

Bà trả lời:
- Không.

Luật sư Rhodes nói:
- Thế mà bà có thể ký tên vào đơn tố cáo ông Tân Thục Đức (từ chối treo cờ)?

Luật sư Rhodes hỏi tiếp:
- Sự kiện ông Tân Thục Đức tổ chức Họp Mặt Mùa Thu năm 2002 có liên hệ gì với cuộc Cách Mạng Mùa Thu của Hồ Chí Minh (như đã nói trong Bản Công Bố) không?

Bà không hiểu câu hỏi hay không thể trả lời được, nên Luật sư Rhodes phải lặp đi lặp lại nhiều lần. Bà đành im luôn.

Buổi chiều, Luật sư Rhodes đã hỏi một bị can khác là ông Hồ Tấn Dạt về những câu hỏi mà ông đã hỏi bà Trần Thanh Nhàn vào buổi sáng. Ông Đạt biện minh rằng ông ở xa hàng trăm miles nên không có tới Trường Việt Ngữ Olympia và cũng không điện thoại hỏi ông Tân Thục Đức. Ông cũng không trả lời được câu hỏi về cuộc Họp Mặt Mùa Thu đã nói trong Bản Công Bố.

Sau đó, Luật sư Rhodes đã quay qua hỏi bị can Nguyễn Xuân Phiệt:
- Ông Tân Thục Đức cho biết ông có tới Trường Việt Ngữ và đã thấy ở đó có treo cờ (VNCH), điều đó có đúng hay không?

Ông Phiệt trả lời:
- Có. Nhưng sau đó vài ba phút ông ấy có lấy xuống hay không, tôi không biết.

Luật sư Rhodes lại hỏi:
- Ông có thấy học sinh Trường Việt Ngữ đã chào cờ vàng (VNCH) và hát quốc ca (VNCH) trước khi vào lớp học hay không?

Ông Phiệt nói:
- Tôi không để ý...

Các nhân chứng khác đã khai rằng họ có thấy cờ VNCH được treo ở Trường Việt Ngữ và các em học sinh có chào cờ và hát quốc ca VNCH trước khi vào lớp.

Chúng tôi xin nói rõ trên đây chỉ là tóm lược vài câu chuyện xẩy ra tại phiên tòa. Khi nào có bản transcript (bản đánh máy lại bản tốc ký) của phiên toà, chúng tôi sẽ đăng nguyên văn để độc giả thấy sự thật bi thảm như thế nào. Tuy nhiên, một vài thí dụ cụ thể nói trên cũng đủ để cho “đạo quân nón cối” thấy rằng không phải họ muốn đội thứ nón cối gì lên các đối thủ của họ cũng được. Khi đáo tụng đình, những sự bịa đặt của họ để chụp mũ sẽ bị đưa ra trước ánh sáng ngay.

3.- “Public figure” và “actual malice”

Thông thường, luật sư của bị đơn thường nêu lên rằng nguyên đơn là “public figure”, tức một nhân vật nổi tiếng, nên phải chịu những sự phê phán của dư luận. Lúc đó, luật sư của nguyên đơn phải chứng minh rằng bị đơn có “actual malice”, có nghĩa là “có ác ý hiển nhiên”, tức vu khống người khác mặc dầu biết sự việc mình phát biểu là dối trá mà vẫn phát biểu không cần kiểm chứng hư thật.

“Actual malice” cũng là yếu tố để toà quyết định số thiệt hại bị trừng phạt.

Dĩ nhiên, “đạo quân nón cối” khi chụp mũ người khác thường chỉ nói ra những điều họ biết chắc là dối trá mà vẫn cứ nói, và vì biết đó là sự dối trá nên không khi nào họ kiểm chứng trước khi nói. Do đó, một khi bị đưa ra tòa “đạo quân nón cối” thường phải lãnh đủ vì đối phương có thể chứng minh “ác ý hiển nhiên” của họ một cách dễ dàng. Cứ xem Luật sư Rhodes quây các bị đơn như đã nói trên, chúng ta cũng có thể thấy rõ điều đó.

Vụ án này cũng cho thấy nón cối đã được xử dụng để hạ nhau trong việc tranh chấp giữa các phe nhóm trong Cộng Đồng Thurston trong nhiều năm qua. Đây cũng là tình trạng đã xẩy ra tại các cộng đồng người Việt khác như ở San José, Orange County, Los Angeles, Houston, Atlanta, v.v. Sau nón cối Việt Cộng là nón cối Việt Tân!

NHỮNG CHUYỆN ĐÁNG BUỒN

Vụ một số thành viên trong Ủy Ban Chống Cờ Việt Cộng bị tòa Thurston phạt $310.000 là vụ thứ ba toà án Mỹ đã giáng những đòn chí tử xuống “đoàn quân nói cối”. Hai vụ trước đã xẩy ra tại Denver, Colorado và Minnesota.

1.- Nón cối từ cửa Phật

Hai tờ báo ở Denver, Colorado, là tờ “Rocky Mountain News” ngày 6.9.2003 và tờ “The Denver Post” ngày 7.9.2003 đã đề cập đến một bán án mà những kẻ chuyên bán nói cối trong cộng đồng người Việt không thể không biết đến. Dưới đầu đề “Chị em thắng một vụ kiện chống lại nhà chùa” (Sisters win suit against temple) tờ “Rocky Mountain News” viết:

“Một gia đình Việt Nam bị chụp mũ cộng sản sau khi họ tố cáo một nhà sư ở Denver đã có hành vi tình dục bất chánh, đã thắng gần 5 triệu đô la hôm thứ sáu qua một vụ kiện về mạ lỵ phỉ báng.

“Bản án đã kết thúc một vụ tai tiếng làm chia rẽ cộng đồng Phật Giáo Việt Nam tại Denver trong 5 năm qua.

“Hai chị em Hồ Thị Thu và Hồ Thi Thi, và người cha là Hồ Ngộ, nói rằng Tu Viện Phật Giáo Việt Nam tại Colorado và người tăng sĩ trụ trì, Lê Kim Cương, đã phát động một chiến dịch triệt hạ uy tín gia đình của họ sau khi hai chị em tố cáo nhà sư tấn công tình dục họ là những người đang vị thành niên.

“Sau bốn tuần xét xử, một bồi thẩm đoàn thuộc Tòa Quận Hạt Denver đã bắt Ban Quản Trị chùa Như Lai và nhà sư Lê Kim Cương phải bồi thường thiệt hại cho họ $4.800.000 về sự mạ lỵ phỉ báng, có hành động xâm phạm thô bạo và tác trách. Bồi thẩm đoàn cũng xác nhận nhà sư Lê Kim Cương có phạm tội bạo hành tình dục (sexual battery)”

Gia Đình của ông Hồ Ngộ đã khóc và ôm lấy bồi thẩm đoàn sau khi bản án được tuyên đọc. Cô Hồ Thị Thu, lúc đó đã 29 tuổi, nói với ký giả tờ Rocky Mountain News: “Tôi cảm thấy nhẹ nhàng sự việc đã kết thúc và cảm thấy vui sướng là sự thật đã được phơi bày.”

2.- Cũng phát xuất từ lá cờ vàng

Tờ Minneapolis dBusinessNews và hầu hết các báo ở Minnesota ngày thứ ba 23.3.2006, đều đăng một bản tin dưới đầu đề như sau: “Một người 70 tuổi đã được tòa quyết định ban cho 659.000 đô (thật sự là 693.000 đô) trong một vụ kiện về mạ lỵ phỉ báng ở St. Paul”.

Sau đó, bài báo cho biết:

“Một cựu quân nhân Miền Nam Việt Nam, một người đã bị tù hơn hai năm sau chiến tranh Việt Nam và sau đó được Tổng Thống George W. Bush chỉ định vào Hội Giáo Dục Việt Nam tại St, Paul (St. Paul's Vietnamese Educational Foundation - VEF) đã thắng 659.000 đô (thật sự là 693.000 đô) trong một vụ kiện về mạ lỵ phỉ báng chống lại 7 bị đơn đã bị bồi thẩm đoàn đồng thanh xác nhận đã gây thiệt hại cho cơ sở thương mại và danh tiếng của ông ta. Tuấn J. Phạm, 70 tuổi, vợ ông ta là Mai Vũ và chợ Capital Market của họ ở đường University, đã thắng trong bản án hôm thứ tư ngày 22.3.2006, trong một cuộc chiến đầy thù hận đã gây chia rẻ trong cộng đồng người Việt tại Twin City và đã được tranh luận sôi nổi trên các chương trình phát thanh của người Việt trên toàn quốc.”

Vụ này do Tòa Liên Bang ở Ramsey County (Ramsey County Second Judicial District Court) ở Minnesota thụ lý và xét xử.

Cho đến khi phiên xử bắt đầu vào sáng thứ hai ngày 20.3.2006, nhiều bị đơn vẫn tin tưởng rằng “chính nghĩa tự do và lá cờ vàng ba sọc đỏ sẽ thắng”, Vì trong 18 tội phạm được gán cho ông Phạm Ngọc Tuận, có tội phạm đã ra lệnh hạ cờ vàng ba sọc đỏ. Nhưng qua các cuộc thẩm vấn tại phiên tòa, họ không nghe nói gì đến biểu tượng cờ vàng ba sọc đỏ mà chỉ được yêu cầu chứng minh ông Phạm Ngọc Tuận là tay sai Cộng Sản và đã vi phạm 18 tội đã được họ liệt kê. Không ai chứng minh được gì hết, kể cả chứng minh ông Tuận đã ra lệnh hạ cờ vàng, nên tòa đã tuyên phạt như trên.

CỜ VÀNG VÀ ĐẠO QUÂN NÓI CỐI

Ngày 2.2.2009, Hội Đồng Thành Phố Santa Ana, một thành phố lớn nhất tại Orange County, California, đã đưa ra nghị quyết như sau: “Chúng ta phải công nhận lá Cờ Vàng là biểu tượng của cộng đồng Việt Nam. Đây là một biểu tượng của dân chủ.” Rất nhiều hội đồng thành phố tại những nơi có đông cử tri người Mỹ gốc Việt đi bầu cũng đã làm như vậy.

Chúng ta nhớ lại, ngày 5.8.2006, Thống Đốc Arnold Schwarzenegger của tiểu bang California, đã đưa ra quyết định như sau: "Kể từ nay lá cờ (Vàng Ba Sọc Đỏ) được phép treo trên tất cả các cơ sơ của tiểu bang khi có các sinh hoạt của cộng đồng người Việt".

Tuy nhiên, nhiều người Việt tỵ nạn đã không phân biệt được biểu tượng với mục tiêu. Mục tiêu chính mà chúng ta đang nhắm tới là liên kết mọi người và mọi phe nhóm, không phân biệt biểu tượng, để giải phóng đất nước khỏi áp bức và nghèo đói. Chúng ta cũng không thể đem biểu tượng của chúng ta áp đặt lên trên những người hay phe nhóm không công nhận hay coi trọng nó. Đó là nguyên tắc dân chủ mà chúng ta đang đòi hỏi cộng sản phải tuân theo.

Rất tiếc “đạo quân nón cối” thường dùng lá cờ vàng ba sọc đỏ làm nón cối để hạ nhau, nhất là gây ra sự ngăn cách giữa những người đầu tranh từ phiá bên kia với nhũng người đấu tranh ở hải ngoại, gây khó khăn cho những nỗ lực liên kết để tạo sức mạnh đầu tranh.

Có thể nói sự quậy phá của “đạo quân nón cối” đã vô hiệu hoá hay phá vỡ nhiều nỗ lực chống cộng ở hải ngoại gấp trăm lần Nghị Quyết 36 của đảng CSVN. Nó cũng đã phá vỡ nhiều sinh hoạt cộng đồng. Chỉ có tòa án Mỹ mới ngăn chận được “đạo quân nón cối”. Nhưng đạo quân này chỉ biến đi khi thế hệ di dân đầu tiên của chúng ta qua đi. Đó là một điều bất hạnh cho dân tộc.