Từ 25 thế kỷ trước, Khổng Tử đã nói: "Dân vô tín bất lập". Chắc ông cụ có mắt thần nên đã thấy trước tình cảnh của đồng bạc Việt Nam bây giờ. Từ giữa năm 2008 đến nay, đồng tiền Việt Nam đã mất 20% giá trị so với đô la Mỹ.
Trong vòng 14 tháng, tính đến ngày 11 tháng 2 vừa qua, nhà nước đã thay đổi tỷ giá đô la tới 4 lần; trung bình cứ 3 tháng rưỡi lại phá giá đồng bạc một lần.
Vì người dân và các xí nghiệp ở Việt Nam không tin ở giá trị đồng tiền họ kiếm được – phần lớn phải kiếm bằng mồ hôi nước mắt. Dân không tin thì đồng tiền không thể đứng vững, đúng như Khổng Tử nói. Hãy lấy thí dụ một người trên mức trung lưu ở Việt Nam, trước Tết tính mua một chiếc xe Toyota để “thể hiện đẳng cấp” của mình, tách mình ra khỏi đám quần chúng lau nhau cưỡi xe gắn máy. Trước Tết đi hỏi giá, người bán xe đòi 700 triệu đồng bạc Việt Nam. Vợ chồng bàn nhau chưa quyết định được, sau Tết đi coi lại chiếc xe, hỏi đến giá thì nó đã leo lên tới 900 triệu đồng rồi! Ai còn muốn giữ đồng tiền trong mình nữa? Cho nên đua nhau đi mua đô la – dù đồng đô la Mỹ cũng đang xuống giá trên thị trường thế giới! Không mua được đô la ở các ngân hàng thương mại thì người ta đi mua “chợ đen,” gọi là “đen” mặc dù việc mua bán diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật, trong các tiệm vàng.
Người ta mất lòng tin vào đồng tiền vì giá cả tăng vọt, gọi là lạm phát. Trong tháng 2, chỉ số giá cả CPI đã tăng 12.3%. Nhưng tới giờ này mọi người tiên đoán trong tháng 3 mức lạm phát sẽ lên tới 13.5%. Vì ngay từ đầu tháng, giá điện đã tăng 15.3% và giá xăng dầu tăng trung bình 24%. Ở Miến Ðiện năm ngoái dân chúng đã đi biểu tình khi xăng dầu lên giá, kéo theo hàng ngàn nhà sư từ các chùa ra đường, cùng tham dự với dân chúng vào một phong trào chống giá sinh hoạt gia tăng! Ở Việt Nam, xăng dầu và điện là hai món tiêu thụ tăng giá mạnh nhất; nhưng còn nhiều món hàng khác cũng sẽ tăng theo. Ðặc biệt là thực phẩm, trung bình chiếm tới một nửa ngân sách các gia đình. Giới trung lưu và người nghèo còn phải chi hơn 50% vào thực phẩm. Một tổ chức quốc tế, Nomura, mới đưa ra danh sách 25 chính phủ các nước có thể bị dân biểu tình phản đối về giá lương thực và thực phẩm gia tăng. Việt Nam đứng hàng thứ 24 trong danh sách này, mức nguy hiểm thấp như vậy bởi vì Việt Nam vẫn còn là một nước xuất cảng gạo. Nhưng trong số 25 nước kể trên, có những nước như Tunisie (hàng thứ 18), Libya (thứ 16), Ai Cập (thứ 6), Liban (thứ 5), Algerie (thứ 3) thì dân chúng đã biểu tình phản đối chính phủ rồi; ít nhất chính quyền đã bị lật đổ ở 2 nước, Ai Cập và Tunisie.
Ðặc biệt là lợi tức bình quân theo đầu người ở Ai Cập cao gấp hai lần người Việt Nam, và Tunisie cao gấp 4 lần. Khi bị nạn lạm phát nó đạp, nó “xéo” trên mình mãi, không ai biết được lúc nào “con giun” Việt Nam sẽ quằn lên. Biết như vậy, cho nên nhà nước cộng sản đã phải đưa ra nhiều biện pháp chống lạm phát liên tiếp trong mấy tháng nay.
Một quyết định mới ban hành hôm Thứ Ba vừa qua là Ngân Hàng Nhà Nước tăng đồng loạt ba thứ lãi suất căn bản lên 12%. Ðây là lần tăng lãi suất thứ ba kể từ ngày 17 tháng 2, cho thấy toàn thể nhóm người cầm đầu nước Việt Nam đang lo lắng như thế nào. Lo lắng trước cảnh lạm phát sẽ còn tăng thêm nữa, nhưng không ai nhìn thấy một con đường nào rõ rệt để thoát khỏi mối đe dọa lạm phát trong khi vẫn tiếp tục chủ trương đưa tiên cho các doanh nghiệp nhà nuớc làm ăn không hiệu quả! Cả bộ máy điều khiển nền kinh tế nước ta đang bị đẩy vào ngõ bí. Mở sách vở kinh tế học ra, họ đem thử các món võ chống lạm phát cổ điển ai ai cũng biết: Giảm tín dụng, tăng lãi suất, kiểm soát việc mua bán ngoại tệ và vàng, vân vân. Hôm nay họ đưa ra một biện pháp, ngày mai lại thử một biện pháp khác, cứ đem thử, rồi coi bộ máy chạy ra sao, nếu nó không chạy, lại thử một trò mới.
Dù không đi học về kinh tế và không đọc Khổng Tử, ai cũng biết: Ðiều quan trọng nhất lòng tin. Khi một chính quyền loay hoay không làm gì được để ngăn chặn giá cả gia tăng triền miên, thì người dân không còn tin nữa. Trong một bài đề nghị các biện pháp ổn định kinh tế toàn thể (vĩ mô), Tiến Sĩ Trần Du Lịch nhắc đến việc thay đổi hối suất, đã cảnh cáo rằng điều quan trọng nhất là phải “phá vỡ tâm lý lạm phát kỳ vọng,” (tức là lòng người cứ nghĩ rằng tỷ lệ lạm phát sẽ còn nhích lên, nhích lên không biết bao giờ mới ngừng – cũng gọi là kỳ vọng lạm phát). Ông Trần Du Lịch viết: “Ðầu tiên, phải cho thị trường thấy rằng, việc điều chỉnh tỷ giá lần này là ổn định và giữ được giá VND (đồng bạc Việt Nam) như mức hiện nay trong cả năm 2011.” Ở Việt Nam, chính quyền không nghe lời một cố vấn kinh tế của chính họ! Họ giảm giá trị đồng tiền 4 lần trong 14 tháng, mỗi lần giảm một tý. Họ tăng lãi suất cũng theo lối từ từ nhích từng bước một: Trong vòng một tháng tăng 3 lần (ngày 17 tháng 2 tăng một lãi suất từ 9% lên 11%, ngày 22 tháng 2 tăng một lãi suất khác lên 12%, ngày 8 tháng 3 tăng cả ba thứ lên 12%). Hậu quả đầu tiên là người dân cũng như giới kinh doanh, trong nước và ngoại quốc, không ai biết đâu mà lần!
Ðến lần tăng lãi suất cuối cùng này, Ngân Hàng Nhà Nước không đưa ra một lời giải thích nào cả. Mà giới đầu tư quốc tế thì người ta trông vào để tìm hiểu trong tương lai nhà nước Việt Nam sẽ làm gì, muốn biết kinh tế Việt Nam sẽ đi về đâu. Ông Mark Hildebrandt thuộc ngân hàng JP Morgan Chase ở Singapore nhận thấy là quyết định tăng lãi suất mới nhất này “khó hiểu” (puzzling). Trong bức thư gửi cho các khách hàng của mình, Hildebrandt đã viết: “Thị trường không chờ đợi quyết định (tăng lãi suất) này của Ngân Hàng Trung Ương Việt Nam, và Ngân Hàng Trung Ương cũng chưa giải thích gì cả.” Muốn tạo được niềm tin trong giới đầu tư (market confidence), Hildebrandt nhận xét, nhà nước Việt Nam phải “cải thiện trong việc giải thích về cái khung chính sách (policy framework) của họ, truyền đạt cho thị trường biết những quyết định của họ và lý do của các quyết định đó.”
Tại sao Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam đã không làm cái bổn phận tối thiểu này? Có thể vì chính họ cũng không biết gì cả. Không ai có một cái “khung chính sách.” Cũng không biết rõ những lý do tại sao mình phải làm cái gì, vào lúc nào. Cứ theo cái “thực đơn chống lạm phát,” nay làm một tý, mai làm một tý nữa!
Xin nói rõ: Lý do không phải vì các chuyên gia ở Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam không học kinh tế, xin đừng ai nghi oan cho họ. Lý do chính là vì cấp trên của họ, những người nắm quyền tuyệt đối ngồi trong Bộ Chính Trị, không ai dám đưa ra một quyết định nào dứt khoát! Trên mù mờ, ngập ngừng, sợ hãi, thì bên dưới còn biết đâu là lần! Những người nắm quyền tối hậu trên đó không dám dứt khoát mổ xẻ để chữa trị tận cơ cấu cả nền kinh tế nửa tự do, nửa chỉ huy này. Không dám quyết định điều gì có thể làm thiệt thòi tới quý vị quan chức, nhất là những người ngồi trong Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng.
Sách vở kinh tế khắp thế giới không thể đem áp dụng ở Việt Nam được, vì cơ cấu nền kinh tế nước ta chưa thực sự là kinh tế thị trường. Việc tăng lãi suất ở Mỹ có thể tạo ra một tác động dây chuyền, là tất cả các xí nghiệp và tư nhân cùng phản ứng theo một hướng: Họ đều giảm chi tiêu. Vì họ khó vay được tiền dễ dãi như trước. Nhưng ở Việt Nam và Trung Quốc thì khác. Nhà nước Việt Nam định giảm tốc độ gia tăng của tín dụng, từ mức 23% năm ngoái sẽ xuống chỉ còn tăng 20% thôi. Nhưng liệu chỉ tiêu đó có đạt được hay không? Ở bên Tàu người ta đã tăng lãi suất nhiều lần, đã tăng dự trữ tối thiểu ở các ngân hàng thương mại nhiều lần, nhưng vẫn chưa giảm được số nợ mới phát hành và cơn sốt nhà cửa đang đe dọa nổ bùng như bong bóng. Lý do vì các ngân hàng thương mại ở các nước cộng sản không hành động như các ngân hàng tư bản; các xí nghiệp ở đó lại càng khác các nước tư bản. Lãi suất tăng nhưng người ta vẫn đi vay và cho vay thoải mái, vô tư! Bởi vì không ai cần quan tâm đến mức lời lỗ của xí nghiệp hay ngân hàng mình cả! Ðằng nào thì việc thăng quan tiến chức của họ chỉ được đặt trên “quan điểm, lập trường” và sức mạnh của phe cánh, chứ không tùy thuộc con số lời lỗ! Mất chức quản đốc xí nghiệp hay ngân hàng thì có khi họ lại được đưa lên ngồi ở một địa vị khác, an nhàn hoặc béo bở hơn nhiều!
Cứ như thế, kinh tế Việt Nam bước chập chờn trong cảnh tương lai bất định. Ðảng Cộng Sản không thể nghe khuyến cáo của ông Trần Du Lịch: “Nếu chúng ta tăng giá theo kiểu lâu lâu nhích một tí thì chỉ tin đồn thôi cũng khiến không ít người sợ. Thà là tăng một lần rồi giữ ổn định mức tăng đó trong một thời gian dài để người dân, doanh nghiệp có kế hoạch sản xuất, kinh doanh lâu dài của mình. Như vậy, mới có thể chấm dứt được lạm phát kỳ vọng hiện nay.” Ông Sherman Chan, một nhà kinh tế thuộc ngân hàng HSBC ở Hong Kong nhận xét sau lần tăng lãi suất vừa qua ở Việt Nam: “Chúng tôi nghĩ lãi suất sẽ còn tăng thêm nữa. Lý do chính là áp lực lạm phát còn tiếp tục tăng tốc độ (continue to accelerate).”
Bây giờ nhà nước Việt Nam lại đưa ra một quyết định cứng rắn khác: Cấm mua bán đô la. Hiện nay trong dân gian, người ta giữ 22 tỷ rưỡi đô la Mỹ. Trong khi kho dự trữ ngoại tệ của nhà nước chỉ còn từ 10 đến 14 tỷ thôi. Nếu một số bạn hàng bán cho Việt Nam ngưng không cho các nhà nhập cảng ở nước ta mua chịu, hay các chủ nợ không cho tạm ngưng trả tiền lãi nữa, thì con số 14 tỷ đó sẽ tiêu tan trong một tháng. Hỏi các chủ nợ của Vinashin thì biết tại sao người ta không muốn cho người Việt Nam mua chịu hay hoãn trả nợ!
Nhà nước phải thu đô la vào túi. Cho nên đài truyền hình công bố tin bốn người đã bị bắt vì đổi 8 tỷ rưỡi đồng lấy 400,000 đô la. Cho thiên hạ sợ. Tại Hà Nội, các cửa hàng vàng ở phố Trần Nhân Tôn, phố Hà Trung không ai lai vãng mua bán đô la nữa. Các cửa hàng vẫn mua bán đô la với du khách ngoại quốc, họ chỉ là những cái cửa cho những ngân hàng của nhà nước làm ăn thêm. Bây giờ nhà nước “bị đẩy đến chân tường” (backed into a corner theo một nhà phân tích nước ngoài), cấm mua bán đô la là một biện pháp “bắt buộc dân Việt Nam phải dùng tiền Việt Nam!”
Nhưng, đúng như ông Khổng Tử đã nói, điều quan trọng nhất là Lòng Tin. Hồi đầu tháng, ông Trần Du Lịch viết: “Chúng ta phải trả lời được câu hỏi, bao giờ tốc độ tăng giá được kìm lại?” Ðây là nỗi thắc mắc của tất cả mọi người dân, mọi nhà đầu tư người Việt cũng như người ngoại quốc. Nếu người dân không tin ở đồng tiền thì họ sẽ tìm cách chạy. Những người có hàng tỷ để đổi đô la cũng là những người có thế lực để chạy nhanh hơn đám quần chúng nhân dân thấp cổ bé miệng. Không biết các người có thế, có quyền đang đi tìm cửa nào khác để vẫn chuyển được tiền sang đô la! Còn đám người nghèo khổ đang đình công đòi tăng lương khắp nơi cũng biết cách tự bảo vệ trước cảnh lạm phát gia tăng. Không đủ tiền để mua vàng hay đô la, mỗi khi lãnh lương về người ta có thể sẽ đổi ngay tiền lấy các thứ khác. Họ sẽ đi mua gạo, mua dầu, mua đường, mua và tích trữ bất cứ cái gì mà giá trị không bị mất vì chế độ kinh tế thị trường theo định hướng vớ vẩn. Cứ như vậy, thì lạm phát sẽ còn tăng thêm nữa. “Bao giờ tốc độ tăng giá được kìm lại?” Bao giờ lòng người tin tưởng. Như ông Người Buôn Gió mô tả, khi mà người dân nghe nhà nước nói gì cũng nghĩ: “Lại nói như Sản” thì lòng tin rất khó được dựng lại.
Ngô Nhân Dụng
Trong vòng 14 tháng, tính đến ngày 11 tháng 2 vừa qua, nhà nước đã thay đổi tỷ giá đô la tới 4 lần; trung bình cứ 3 tháng rưỡi lại phá giá đồng bạc một lần.
Vì người dân và các xí nghiệp ở Việt Nam không tin ở giá trị đồng tiền họ kiếm được – phần lớn phải kiếm bằng mồ hôi nước mắt. Dân không tin thì đồng tiền không thể đứng vững, đúng như Khổng Tử nói. Hãy lấy thí dụ một người trên mức trung lưu ở Việt Nam, trước Tết tính mua một chiếc xe Toyota để “thể hiện đẳng cấp” của mình, tách mình ra khỏi đám quần chúng lau nhau cưỡi xe gắn máy. Trước Tết đi hỏi giá, người bán xe đòi 700 triệu đồng bạc Việt Nam. Vợ chồng bàn nhau chưa quyết định được, sau Tết đi coi lại chiếc xe, hỏi đến giá thì nó đã leo lên tới 900 triệu đồng rồi! Ai còn muốn giữ đồng tiền trong mình nữa? Cho nên đua nhau đi mua đô la – dù đồng đô la Mỹ cũng đang xuống giá trên thị trường thế giới! Không mua được đô la ở các ngân hàng thương mại thì người ta đi mua “chợ đen,” gọi là “đen” mặc dù việc mua bán diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật, trong các tiệm vàng.
Người ta mất lòng tin vào đồng tiền vì giá cả tăng vọt, gọi là lạm phát. Trong tháng 2, chỉ số giá cả CPI đã tăng 12.3%. Nhưng tới giờ này mọi người tiên đoán trong tháng 3 mức lạm phát sẽ lên tới 13.5%. Vì ngay từ đầu tháng, giá điện đã tăng 15.3% và giá xăng dầu tăng trung bình 24%. Ở Miến Ðiện năm ngoái dân chúng đã đi biểu tình khi xăng dầu lên giá, kéo theo hàng ngàn nhà sư từ các chùa ra đường, cùng tham dự với dân chúng vào một phong trào chống giá sinh hoạt gia tăng! Ở Việt Nam, xăng dầu và điện là hai món tiêu thụ tăng giá mạnh nhất; nhưng còn nhiều món hàng khác cũng sẽ tăng theo. Ðặc biệt là thực phẩm, trung bình chiếm tới một nửa ngân sách các gia đình. Giới trung lưu và người nghèo còn phải chi hơn 50% vào thực phẩm. Một tổ chức quốc tế, Nomura, mới đưa ra danh sách 25 chính phủ các nước có thể bị dân biểu tình phản đối về giá lương thực và thực phẩm gia tăng. Việt Nam đứng hàng thứ 24 trong danh sách này, mức nguy hiểm thấp như vậy bởi vì Việt Nam vẫn còn là một nước xuất cảng gạo. Nhưng trong số 25 nước kể trên, có những nước như Tunisie (hàng thứ 18), Libya (thứ 16), Ai Cập (thứ 6), Liban (thứ 5), Algerie (thứ 3) thì dân chúng đã biểu tình phản đối chính phủ rồi; ít nhất chính quyền đã bị lật đổ ở 2 nước, Ai Cập và Tunisie.
Ðặc biệt là lợi tức bình quân theo đầu người ở Ai Cập cao gấp hai lần người Việt Nam, và Tunisie cao gấp 4 lần. Khi bị nạn lạm phát nó đạp, nó “xéo” trên mình mãi, không ai biết được lúc nào “con giun” Việt Nam sẽ quằn lên. Biết như vậy, cho nên nhà nước cộng sản đã phải đưa ra nhiều biện pháp chống lạm phát liên tiếp trong mấy tháng nay.
Một quyết định mới ban hành hôm Thứ Ba vừa qua là Ngân Hàng Nhà Nước tăng đồng loạt ba thứ lãi suất căn bản lên 12%. Ðây là lần tăng lãi suất thứ ba kể từ ngày 17 tháng 2, cho thấy toàn thể nhóm người cầm đầu nước Việt Nam đang lo lắng như thế nào. Lo lắng trước cảnh lạm phát sẽ còn tăng thêm nữa, nhưng không ai nhìn thấy một con đường nào rõ rệt để thoát khỏi mối đe dọa lạm phát trong khi vẫn tiếp tục chủ trương đưa tiên cho các doanh nghiệp nhà nuớc làm ăn không hiệu quả! Cả bộ máy điều khiển nền kinh tế nước ta đang bị đẩy vào ngõ bí. Mở sách vở kinh tế học ra, họ đem thử các món võ chống lạm phát cổ điển ai ai cũng biết: Giảm tín dụng, tăng lãi suất, kiểm soát việc mua bán ngoại tệ và vàng, vân vân. Hôm nay họ đưa ra một biện pháp, ngày mai lại thử một biện pháp khác, cứ đem thử, rồi coi bộ máy chạy ra sao, nếu nó không chạy, lại thử một trò mới.
Dù không đi học về kinh tế và không đọc Khổng Tử, ai cũng biết: Ðiều quan trọng nhất lòng tin. Khi một chính quyền loay hoay không làm gì được để ngăn chặn giá cả gia tăng triền miên, thì người dân không còn tin nữa. Trong một bài đề nghị các biện pháp ổn định kinh tế toàn thể (vĩ mô), Tiến Sĩ Trần Du Lịch nhắc đến việc thay đổi hối suất, đã cảnh cáo rằng điều quan trọng nhất là phải “phá vỡ tâm lý lạm phát kỳ vọng,” (tức là lòng người cứ nghĩ rằng tỷ lệ lạm phát sẽ còn nhích lên, nhích lên không biết bao giờ mới ngừng – cũng gọi là kỳ vọng lạm phát). Ông Trần Du Lịch viết: “Ðầu tiên, phải cho thị trường thấy rằng, việc điều chỉnh tỷ giá lần này là ổn định và giữ được giá VND (đồng bạc Việt Nam) như mức hiện nay trong cả năm 2011.” Ở Việt Nam, chính quyền không nghe lời một cố vấn kinh tế của chính họ! Họ giảm giá trị đồng tiền 4 lần trong 14 tháng, mỗi lần giảm một tý. Họ tăng lãi suất cũng theo lối từ từ nhích từng bước một: Trong vòng một tháng tăng 3 lần (ngày 17 tháng 2 tăng một lãi suất từ 9% lên 11%, ngày 22 tháng 2 tăng một lãi suất khác lên 12%, ngày 8 tháng 3 tăng cả ba thứ lên 12%). Hậu quả đầu tiên là người dân cũng như giới kinh doanh, trong nước và ngoại quốc, không ai biết đâu mà lần!
Ðến lần tăng lãi suất cuối cùng này, Ngân Hàng Nhà Nước không đưa ra một lời giải thích nào cả. Mà giới đầu tư quốc tế thì người ta trông vào để tìm hiểu trong tương lai nhà nước Việt Nam sẽ làm gì, muốn biết kinh tế Việt Nam sẽ đi về đâu. Ông Mark Hildebrandt thuộc ngân hàng JP Morgan Chase ở Singapore nhận thấy là quyết định tăng lãi suất mới nhất này “khó hiểu” (puzzling). Trong bức thư gửi cho các khách hàng của mình, Hildebrandt đã viết: “Thị trường không chờ đợi quyết định (tăng lãi suất) này của Ngân Hàng Trung Ương Việt Nam, và Ngân Hàng Trung Ương cũng chưa giải thích gì cả.” Muốn tạo được niềm tin trong giới đầu tư (market confidence), Hildebrandt nhận xét, nhà nước Việt Nam phải “cải thiện trong việc giải thích về cái khung chính sách (policy framework) của họ, truyền đạt cho thị trường biết những quyết định của họ và lý do của các quyết định đó.”
Tại sao Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam đã không làm cái bổn phận tối thiểu này? Có thể vì chính họ cũng không biết gì cả. Không ai có một cái “khung chính sách.” Cũng không biết rõ những lý do tại sao mình phải làm cái gì, vào lúc nào. Cứ theo cái “thực đơn chống lạm phát,” nay làm một tý, mai làm một tý nữa!
Xin nói rõ: Lý do không phải vì các chuyên gia ở Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam không học kinh tế, xin đừng ai nghi oan cho họ. Lý do chính là vì cấp trên của họ, những người nắm quyền tuyệt đối ngồi trong Bộ Chính Trị, không ai dám đưa ra một quyết định nào dứt khoát! Trên mù mờ, ngập ngừng, sợ hãi, thì bên dưới còn biết đâu là lần! Những người nắm quyền tối hậu trên đó không dám dứt khoát mổ xẻ để chữa trị tận cơ cấu cả nền kinh tế nửa tự do, nửa chỉ huy này. Không dám quyết định điều gì có thể làm thiệt thòi tới quý vị quan chức, nhất là những người ngồi trong Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng.
Sách vở kinh tế khắp thế giới không thể đem áp dụng ở Việt Nam được, vì cơ cấu nền kinh tế nước ta chưa thực sự là kinh tế thị trường. Việc tăng lãi suất ở Mỹ có thể tạo ra một tác động dây chuyền, là tất cả các xí nghiệp và tư nhân cùng phản ứng theo một hướng: Họ đều giảm chi tiêu. Vì họ khó vay được tiền dễ dãi như trước. Nhưng ở Việt Nam và Trung Quốc thì khác. Nhà nước Việt Nam định giảm tốc độ gia tăng của tín dụng, từ mức 23% năm ngoái sẽ xuống chỉ còn tăng 20% thôi. Nhưng liệu chỉ tiêu đó có đạt được hay không? Ở bên Tàu người ta đã tăng lãi suất nhiều lần, đã tăng dự trữ tối thiểu ở các ngân hàng thương mại nhiều lần, nhưng vẫn chưa giảm được số nợ mới phát hành và cơn sốt nhà cửa đang đe dọa nổ bùng như bong bóng. Lý do vì các ngân hàng thương mại ở các nước cộng sản không hành động như các ngân hàng tư bản; các xí nghiệp ở đó lại càng khác các nước tư bản. Lãi suất tăng nhưng người ta vẫn đi vay và cho vay thoải mái, vô tư! Bởi vì không ai cần quan tâm đến mức lời lỗ của xí nghiệp hay ngân hàng mình cả! Ðằng nào thì việc thăng quan tiến chức của họ chỉ được đặt trên “quan điểm, lập trường” và sức mạnh của phe cánh, chứ không tùy thuộc con số lời lỗ! Mất chức quản đốc xí nghiệp hay ngân hàng thì có khi họ lại được đưa lên ngồi ở một địa vị khác, an nhàn hoặc béo bở hơn nhiều!
Cứ như thế, kinh tế Việt Nam bước chập chờn trong cảnh tương lai bất định. Ðảng Cộng Sản không thể nghe khuyến cáo của ông Trần Du Lịch: “Nếu chúng ta tăng giá theo kiểu lâu lâu nhích một tí thì chỉ tin đồn thôi cũng khiến không ít người sợ. Thà là tăng một lần rồi giữ ổn định mức tăng đó trong một thời gian dài để người dân, doanh nghiệp có kế hoạch sản xuất, kinh doanh lâu dài của mình. Như vậy, mới có thể chấm dứt được lạm phát kỳ vọng hiện nay.” Ông Sherman Chan, một nhà kinh tế thuộc ngân hàng HSBC ở Hong Kong nhận xét sau lần tăng lãi suất vừa qua ở Việt Nam: “Chúng tôi nghĩ lãi suất sẽ còn tăng thêm nữa. Lý do chính là áp lực lạm phát còn tiếp tục tăng tốc độ (continue to accelerate).”
Bây giờ nhà nước Việt Nam lại đưa ra một quyết định cứng rắn khác: Cấm mua bán đô la. Hiện nay trong dân gian, người ta giữ 22 tỷ rưỡi đô la Mỹ. Trong khi kho dự trữ ngoại tệ của nhà nước chỉ còn từ 10 đến 14 tỷ thôi. Nếu một số bạn hàng bán cho Việt Nam ngưng không cho các nhà nhập cảng ở nước ta mua chịu, hay các chủ nợ không cho tạm ngưng trả tiền lãi nữa, thì con số 14 tỷ đó sẽ tiêu tan trong một tháng. Hỏi các chủ nợ của Vinashin thì biết tại sao người ta không muốn cho người Việt Nam mua chịu hay hoãn trả nợ!
Nhà nước phải thu đô la vào túi. Cho nên đài truyền hình công bố tin bốn người đã bị bắt vì đổi 8 tỷ rưỡi đồng lấy 400,000 đô la. Cho thiên hạ sợ. Tại Hà Nội, các cửa hàng vàng ở phố Trần Nhân Tôn, phố Hà Trung không ai lai vãng mua bán đô la nữa. Các cửa hàng vẫn mua bán đô la với du khách ngoại quốc, họ chỉ là những cái cửa cho những ngân hàng của nhà nước làm ăn thêm. Bây giờ nhà nước “bị đẩy đến chân tường” (backed into a corner theo một nhà phân tích nước ngoài), cấm mua bán đô la là một biện pháp “bắt buộc dân Việt Nam phải dùng tiền Việt Nam!”
Nhưng, đúng như ông Khổng Tử đã nói, điều quan trọng nhất là Lòng Tin. Hồi đầu tháng, ông Trần Du Lịch viết: “Chúng ta phải trả lời được câu hỏi, bao giờ tốc độ tăng giá được kìm lại?” Ðây là nỗi thắc mắc của tất cả mọi người dân, mọi nhà đầu tư người Việt cũng như người ngoại quốc. Nếu người dân không tin ở đồng tiền thì họ sẽ tìm cách chạy. Những người có hàng tỷ để đổi đô la cũng là những người có thế lực để chạy nhanh hơn đám quần chúng nhân dân thấp cổ bé miệng. Không biết các người có thế, có quyền đang đi tìm cửa nào khác để vẫn chuyển được tiền sang đô la! Còn đám người nghèo khổ đang đình công đòi tăng lương khắp nơi cũng biết cách tự bảo vệ trước cảnh lạm phát gia tăng. Không đủ tiền để mua vàng hay đô la, mỗi khi lãnh lương về người ta có thể sẽ đổi ngay tiền lấy các thứ khác. Họ sẽ đi mua gạo, mua dầu, mua đường, mua và tích trữ bất cứ cái gì mà giá trị không bị mất vì chế độ kinh tế thị trường theo định hướng vớ vẩn. Cứ như vậy, thì lạm phát sẽ còn tăng thêm nữa. “Bao giờ tốc độ tăng giá được kìm lại?” Bao giờ lòng người tin tưởng. Như ông Người Buôn Gió mô tả, khi mà người dân nghe nhà nước nói gì cũng nghĩ: “Lại nói như Sản” thì lòng tin rất khó được dựng lại.
Ngô Nhân Dụng