"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Dienstag, 10. Mai 2011

RỪNG NGẬP MẶN CẦN GIỜ ÐANG CHẾT DẦN

Ðược coi là lá phổi của cả Saigon, hiện nay vùng rừng ngập mặc Cần Giờ với hình thái địa lý độc đáo của mình đang bị cảnh báo rằng đang bước vào giai đoạn chết dần do con người, ô nhiễm và sự quản lý kém cỏi của Nhà nước Cộng sản Việt Nam. Với diện tích hơn 37,000 hecta, rừng ngập mặn Cần Giờ là nơi lưu giữ nhiều giống gene động và thực vật quý hiếm. Năm 2001, rừng ngập mặn Cần Giờ được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển của thế giới. Nhưng thời gian gần đây, tình trạng đước chết khô đã xảy ra ở hầu hết lâm viên đảo khỉ Cần Giờ. 


Dọc theo tuyến đường rừng Sác, nhiều cụm đước hai bên đường chết trắng gốc. Anh Nguyễn Văn Thanh, một người dân ở góc rừng được đánh dấu là tiểu khu 10A, cho biết trước đây tình trạng đước chết khô chỉ xảy ra ở một vài tiểu khu nhưng gần đây đước chết nhiều trên diện rộng. Cứ đà này, một thời gian nữa rừng đước tại nhiều tiểu khu có nguy cơ chết trắng. Tại tiểu khu 5B, đước chết hàng loạt khiến nhiều khoảnh rừng trống trơn. 

Người ta dễ dàng nhìn thấy nhiều rễ cây đước bị phanh nham nhở, lộ màu trắng tinh. Nhiều cây đước con 2 đến 3 tuổi không có đất bám, nằm chênh vênh bên những hố sâu hoắm. Người dân địa phương cho hay đó là hậu quả để lại của những tay săn lùng sâm đất. Gần đây do nghèo khó đưa đẩy, nhiều gia đình kéo nhau vào nuôi tôm vào rừng Cần Giờ. 

Những người này tự ý khoanh vùng, đắp bờ, chặn dòng nước đã khiến tình trạng ngập úng kéo dài, chế độ thủy triều bị thay đổi nên ảnh hưởng đến cây đước. Tuy nhiên bên cạnh đó người ta cũng nhìn thấy sự suy thoái của rừng ngày càng nhanh. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do nạn dịch sâu ăn lá, sâu đục thân gây nên. Các chuyên gia sinh học cho biết trước đây dịch sâu bệnh cũng đã khiến nhiều diện tích rừng đước bị chết trụi. 

Tuy nhiên, những năm gần đây do biến đổi khí hậu khiến thủy triều lên xuống thất thường, độ mặn tăng cao làm tầng đất trên bị khô cứng khiến cây bị chết. Phó Chủ tịch huyện Cần Giờ Ðoàn Văn Sơn cho biết việc nuôi tôm tự nhiên và các hoạt động sản xuất khác đang gây ảnh hưởng cho sự phát triển của rừng ngập mặn. Dĩ nhiên, bên cạnh những sai lầm của người dân thiếu kiến thức, còn có cả những cách làm sai lầm và thơ ơ của các nhà lãnh đạo địa phương, hết sức tùy tiện cho thuê, cho kinh doanh để thu tiền khiến khu rừng quan trọng này chết dần, ảnh hưởng đến bầu sinh quyển của Saigon. 

Hiện tại kế hoạch của các chuyên gia môi trường là phía chính quyền địa phương phải giảm dần diện tích nuôi tôm trong khu vực rừng ngập mặn, ngăn cấm việc phá rừng làm muối và đào tìm sâm đất. Về lâu dài, cần có phương án dạy nghề cho các hộ dân sinh sống trong và lân cận khu vực rừng phòng hộ. 

Nhưng hãy tự hỏi, một nhà nước và hệ thống hành chính nhiều năm liền không dẹp nổi nạn rải đinh để vá xe lấy tiền trên cây cầu Saigon, liệu có đủ khả năng để cứu một hệ sinh học hay không, câu trả lời gần như là không. 

(SBTN)