"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Samstag, 18. Februar 2012

Bầu cử quái đản ở Mỹ


Lữ Giang

Chúng ta nhớ lại, trong cuộc bầu cử Tổng Thống Mỹ năm 2000, ngày 28.10.2000 chương trình Agenda của Mỹ đã làm một cuộc phỏng vấn bình luận gia và nhà văn Gore Vidal về cuộc tranh cử giữa Gore và Bush. Câu hỏi được đặt ra như sau: Có cái gì khác biệt giữa Gore và Bush? Qua cuộc tranh luận, người ta thấy cả hai cứ nói quanh quẩn chung quanh vấn đề thuế khóa, trong khi có những vấn đề như sự nghèo khổ, công bình xã hội... lại không được bàn đến? Gore Vidal đã phán những câu nẩy lửa như sau:

“Ồ, chúng ta nắm chắc hệ thống chính trị của nước Mỹ trong 50 năm gần đây. Chúng ta có bầu cử nhưng không có quan điểm chính trị. Chúng ta có một đảng chính trị - đảng công ty Mỹ quốc, một đảng về tài sản - và đảng đó có hai nhánh. Một nhánh được gọi là Dân Chủ, một nhánh được gọi là Cộng Hòa. Vậy, chính yếu là cùng một người vừa tài trợ cho Gore vừa tài trợ cho Bush.
“Chỉ có những khác biệt nhỏ. Bush cởi mở hơn, không giấu giếm trong việc bênh vực người giàu...”

Những gì Gore Vidal nhận định năm 2000, sau này đã đúng hết rồi, kể cả việc “Bush cởi mở hơn, không giấu giếm trong việc bênh vực người giàu.” Lịch sử cũng đang tái diễn như vậy: Hiện nay nước Mỹ đang tổ chức một cuộc bầu cử rất xôm tụ, với những thủ tục bầu cử rất rườm rà, phức tạp và tốn kém nhất thế giới.

NHỮNG CHUYỆN QUÁI LẠ

Trước khi nói về những thủ tục bầu cử ở Mỹ, chúng tôi xin lưu ý ngay ba điểm chính sau đây:
Thứ nhất, nước Mỹ theo chế độ “Đảng cử dân bầu”. Đảng không cử là kể như chào thua.

Thứ hai, các cử tri không được bầu chọn trực tiếp ứng cử viên tổng thống hay tổng thống. Các cử tri chỉ được bầu Các Đại Biểu Tại Đại Hội Đảng Toàn Quốc (National Convention Delegates) để bầu các ứng cử viên tổng thống và bầu Cử Tri Đoàn (Electoral College) để bầu tổng thống.

Thứ ba, kết quả cuộc bầu tổng thống không căn cứ vào tổng số phiếu của cử tri mà căn cứ vào số phiếu của cử tri đoàn. Vì thế, trong lịch sử đã có những trường hợp ứng cử viên tổng thống được số phiếu bầu của dân chúng nhiều nhất lại thất cử, còn ứng cử viên ít phiếu hơn lại thắng cử!

Để giúp độc giả có một khái niệm rõ hơn về  cuộc bầu cử quái đản ở Mỹ, trong bài này chúng tôi sẽ nói qua về hai đảng chính ở Mỹ và thủ tục bầu cử sơ bộ kỳ cục ở Mỹ. Trong một bài khác, chúng tôi sẽ nói đến thủ tục bầu cử tổng thống.

ĐẢNG DÂN CHỦ VÀ ĐẢNG CỘNG HOÀ

Ở Mỹ, có hai đảng lớn nhất là Đảng Dân Chủ và Đảng Cộng Hòa. Ngoài hai đảng lớn này còn có một số đảng nhỏ được thành lập và hoạt động đúng theo luật pháp, có thể tổ chức bầu sơ bộ để chỉ định ứng cử viên thống, đó là các đảng sau đây: Đảng Xanh (Green Party), Đảng Xã Hội Hoa Kỳ (Socialist Party USA),Đảng Tự Do (Libertarian Party), Đảng Hiến Pháp (Constitution Party) và Đảng Cải Cách Hoa Kỳ (Reform Party USA). Ở đây chúng tôi chỉ nói đến hai đảng Dân Chủ và Cộng Hoà.

Lịch sử của Đảng Dân Chủ và Đảng Cộng Hoà rất dài, chúng tôi chỉ nêu lên những nét chính và nói về sự khác biệt giữa hai đảng.

1.- Đảng Dân Chủ

Đảng Dân Chủ có nguồn gốc từ đảng Cộng Hòa–Dân Chủ (Democratic - Republican) do Thomas Jefferson thành lập năm 1792. Dù vậy, một số học giả cho rằng đảng này ra đời vào năm 1828, do những người ủng hộ Andrew Jackson và các cựu thành viên Đảng Liên Bang (Federalist) tiến hành thành lập.

Lập trường chủ đạo của Đảng Dân Chủ kể từ thập niên 1930 thường có khuynh hướng tự do và thường được xem là “dân chủ xã hội”. Bên trong đảng Dân Chủ lại tồn tại nhiều khuynh hướng khác nhau hơn trong Đảng Cộng Hoà và các đảng khác ở các nước tiên tiến, vì đảng này thường không có đủ quyền lực để kiểm soát các đảng viên.

Trong thực tế, Đảng Dân Chủ ủng hộ quyền tự do dân sự, tự do xã hội, bình đẳng, cơ hội đồng đều, và chính quyền có thể điều tiết các doanh nghiệp tự do khi cần phải điều hòa. Đảng chủ trương chính quyền nên giữ một vai trò chính trong nỗ lực giảm nghèo và xoá bỏ những bất công xã hội. Vì thế, một số người đã gọi Đảng Dân Chủ là đảng của người nghèo.

Chỉ quan sát thời gian gần đây thôi, chúng ta cũng thấy Đảng Dân Chủ cũng có lúc đã tạo được thế đứng thượng phong trong chính quyền Mỹ: Năm 2004, số cử tri ghi danh vào Đảng Dân Chủ là 72 triệu người, tức 42,6% tổng số 169 triệu cử tri, trong khi Đảng Cộng Hoà chỉ có 55 triệu. Đến cuộc bầu cử 2006, Đảng Dân Chủ chiếm đa số trong Quốc Hội. Nhưng trong cuộc tuyển cử năm 2010, Đảng Dân Chủ đã mất đa số tại Hạ Viện, chỉ còn chiếm được đa số ở Thượng Viện. Đa số thống đốc tiểu bang là đảng viên Dân Chủ. Tổng thống đương nhiệm là Barack Obama, một thành viên đảng Dân Chủ.

2.- Đảng Cộng Hoà

Đảng Cộng hòa (tiếng Anh: Republican Party, thường được gọi là GOP, viết tắt của "Grand Old Party") được thành lập năm 1854 do các thành viên trước đây của các Đảng Whig, Dân chủ Democrats miền Bắc, và Free-Soilers là những người chống lại sự bành trướng của chế độ nô lệ với khẩu hiệu là “free labor, free land, free men” (lao động tự do, đất đai miễn phí, con người tự do). Nhưng chủ trương của Đảng biến đổi dần qua các thời đại.

Trong thế kỷ 21, về đối nội, Đảng Cộng Hòa chủ trương một ngành hành pháp mạnh hơn, giảm thuế (cho nhà giàu), bảo vệ quyền sở hữu súng và bớt các quy định cho các đại xí nghiệp hoạt động tự do hơn, nhưng lại bảo thủ về phương diện xã hội. Về đối ngoại, Đảng Cộng Hoà chủ trương chiến tranh ngăn chận để đánh bại chủ nghĩa khủng bố và “xúc tiến dân chủ” trên toàn cầu. Nói cách khác, đảng này chủ trương bành trướng.

Như đã nói ở trước, số thống kê năm 2004 cho thấy Đảng Cộng Hòa có 55 triệu cử tri, tức chỉ khoảng 1/3 tổng số cử tri, còn số cử tri của Đảng Dân Chủ lên đến 72 triệu. Các cuộc thăm dò mới đây cũng cho thấy khoảng từ 20% đến 33% người Mỹ tự nhận là thành viên Đảng Cộng Hòa.

BẦU CỬ SƠ BỘ Ở MỸ

Mỗi tiểu bang đều có luật lệ về bầu cử sơ bộ riêng, không tiểu bang nào gióng tiểu bang nào. Mỗi đảng đều có một ủy ban phối hợp được gọi là Ủy ban Toàn Quốc, đó là Ủy Ban Toàn Quốc Đảng Cộng Hoà (The Republican National Committee) và Ủy Ban Toàn Quốc Đảng Dân Chủ (The Democratic National Committee). Tại mỗi tiểu bang và mỗi County đều có một Ủy Ban như vậy. Ủy Ban có nhiệm vụ thi hành Điều Lệ của Đảng, phối hợp chiến lược gây qũy và tranh cử, tổ chức Đại Hội Đảng.

Bầu cử sơ bộ để chọn ứng cử viên cho mỗi đảng thường kéo dài từ Tháng Giêng đến Tháng Sáu, phần lớn tập trung vào Tháng Hai và Ba. Đại Hội Đảng thường được tổ chức vào Tháng Bảy hay Tám, để đại diện của các tiểu bang bầu đại diện đảng ra tranh cử tổng thống.

Năm nay, thời gian của các cuộc bầu cử sơ bộï bắt đầu vào ngày 3/1 tại Iowa và sẽ kết thúc vào ngày 26/6 tại Utah. Riêng Đảng Dân Chủ không tổ chức bầu sơ bộ, vì ông Obama được coi là ứng cử viên chỉ định của Đảng.

Thủ tục bầu cử sơ bộ là một thủ tục rất phức tạp, ngay những người ở Mỹ cũng khó tưởng tượng nổi. Mỗi tiểu bang có những thể thức bầu cử sơ bộ (primary elections) khác nhau, nhưng có thể quy vào hai loại sau đây: Bầu cử theo phương thức đầu phiếu phổ thông, tiếng Mỹ gọi là PRIMARY và bầu cử theo các cuộc họp nhóm, tiếng Mỹ gọi là CAUCUS.

Điều cần lưu ý là dù bầu theo thể thức Primary hay Caucus, cử tri chỉ bầu các đại biểu tham dự đại hội (convention delegates) bầu ứng cử viên tổng thống chứ không trực tiếp bầu chọn ứng cử viên ra tranh cử, chính các đại biểu mới có quyền chọn.

1.- Đầu Phiếu Phổ Thông (Primary)

Trong các tiểu bang theo thể thức đầu phiếu phổ thông, các cử tri đã ghi danh đầu phiếu đều có thể đi bầu và thể thức bầu là bỏ phiếu kín. Cử tri có thể chọn bất cứ ứng cử viên nào đã ghi danh.

(a) Hai loại đầu phiếu

Thể thức đầu phiếu phổ thông lại được chia làm hai loại (types of primaries), đó là loại đóng và loại mở (closed and open). Luật tiểu bang có thể chọn một trong hai loại.

Tại các tiểu bang theo loại bầu đóng, các cử tri ghi danh vào đảng nào phải bầu cử tại đảng đó. Ví dụ, một cử tri đã ghi danh vào đảng Cộng Hòa chỉ có thể bỏ phiếu trong đảng Cộng Hòa.
Tại các tiểu bang theo loại bầu mở, tất cả các cử tri đã ghi danh có thể bỏ phiếu cho bất cứ đảng nào, nhưng chỉ được chọn một đảng mà thôi. Đã bầu ở đảng này không được bầu tại đảng khác nữa.
Hầu hết các tiểu bang đều chọn loại bầu đóng.

(b) Tên ghi trên lá phiếu

Tên trên các lá phiếu cũng được ghi khác nhau tùy theo luật tiểu bang. Tại hầu hết các tiểu bang, tên các ứng cử viên tổng thống đều xuất hiện trên lá phiếu. Trái lại, trong một số tiểu bang, chỉ tên các đại biểu tham dự hội nghị (convention delegates) xuất hiện trên lá phiếu mà thôi.

(c) Đại biểu cam kết hay không cam kết

Luật tiểu bang còn ấn định các đại biểu “cam kết” (pledged) hay “không cam kết” (unpledged). 
Ở một số tiểu bang, các đại biểu bị bắt buộc phải "cam kết" (pledged) bỏ phiếu cho người chiến thắng trong tiểu bang tại đại hội toàn quốc.

Tại các tiểu bang khác, các đại biểu có thể “cam kết” hay “không cam kết”. Khi không cam kết (unpledged), họ có quyền tự do bỏ phiếu cho bất cứ ứng cử viên nào mà họ muốn tại đại hội.

2.- Bầu Theo Họp Nhóm (Caucus)

Chữ Caucus có gốc từ tiếng của người da đỏ, có nghĩa là cuộc họp của các trưởng bộ lạc. Ở đây, chữ Caucus chỉ đơn giản là các cuộc họp được mở ra cho tất cả các cử tri đã ghi danh vào đảng, tại đó các đại biểu tại đại hội đảng toàn quốc được bầu.

Caucus có thể được tổ chức tại bất cứ nơi nào có thể họp được trong toàn tiểu bang, như các trường học, nhà thờ, thư viện, nhà của tư nhân, v.v. Trong cuộc bầu cử Caucus vừa qua tại tiểu bang Iowa, đã có 1.774 phòng họp như thế. Mỗi ứng cử viên có thể cử một phát ngôn viên đến các phòng họp để trình bày.

Các cử tri tham dự được chia thành từng nhóm theo các ứng cử viên mà họ hỗ trợ. Các cử tri chưa quyết định chọn ai, sẽ họp lại thành nhóm riêng. Đại biểu của các ứng cử viên thường đến nói chuyện tại các nhóm này để thuyết phục những cử tri chưa có quyết định.

Cử tri trong mỗi nhóm được mời phát biểu lý do ủng hộ ứng cử viên của họ và cố gắng thuyết phục người khác tham gia vào nhóm họ. Sau những lời phát biểu, những người tham dự ghi sự lựa chọn của mình trên một mảnh giấy. Vào cuối các cuộc họp, ban tổ chức kiểm phiếu và cho biết có bao nhiêu đại biểu mà mỗi ứng cử viên đã giành được.

Gióng như trong phương thức đầu phiếu phổ thông, tùy theo quy định của các tiểu bang, các đại biểu được đề cử trong các cuộc bầu Caucus cũng được chia làm hai loại: đại biểu cam kết và đại biểu không cam kết.

3.- Phương Pháp Ấn Định Số Đại Biểu

Đảng Dân Chủ và Đảng Cộng Hòa đã sử dụng các phương pháp khác nhau để ấn định số đại biểu tại đại hội toàn quốc.

Đảng Dân Chủ sử dụng phương pháp tỷ lệ: Mỗi ứng cử viên được trao tặng một số đại biểu theo tỷ lệ họ được ủng hộ trong cuộc đầu phiếu phổ thông hay trong các cuộc họp Caucus của tiểu bang.

Thí dụ tại một tiểu bang có 20 đại biểu tham dự đại hội Đảng Dân Chủ và có ba ứng cử viên ra tranh cử, tỷ lệ phân chia đại biểu sẽ như sau: Nếu ứng cử viên "A" nhận được 70% trong các cuộc đầu phiếu phổ thông và bầu Caucus, ứng cử viên "B" 20% và ứng cử viên "C" 10%, ứng cử viên "A" sẽ nhận được 14 đại biểu, ứng cử viên "B" được 4 đại biểu và ứng cử viên "C" 2 đại biểu.

Trong Đảng Cộng Hòa, mỗi tiểu bang có thể chọn phương pháp tỷ lệ hay phương pháp "người chiến-thắng-thu-tất-cả" (winner-take-all) các đại biểu

4.- Đại Hội Đảng Toàn Quốc

Mục tiêu của Đại Hội Đảng Toàn Quốc (National Party Convention) là bầu ứng cử viên tổng thống và ấn định Cương Lĩnh (Platform) của đảng.

Năm nay, Đảng Cộng Hoà sẽ nhóm họp Đại Hội Đảng vào những ngày 27 đến 30 tháng 8 tại Tampa, Florida, để chọn Ứng Cử Viên Tổng Thống cho Đảng Cộng Hoà.

Đảng Dân Chủ sẽ nhóm họp Đại Hội Đảng vào những ngày 3 đến 6 tháng 9 tại Charlotte, North Carolina. Hầu như không có ai tranh giành chức vị này trong Đảng, nên đương kim Tổng Thống Barack Hussein Obama sẽ là Ứng Cử Viên Đảng Dân Chủ.

Tại đại hội đảng, mỗi tiểu bang sẽ gửi một phái đoàn (delegation) đại biểu đến tham dự đại hội. Con số đại biểu thường được ấn định tùy theo dân số của tiểu bang, theo sự quy định trong nội quy của đảng và cũng có khi do luật tiểu bang. Mỗi đảng ấn định một số đại biểu khác nhau, chẳng hạn như tại California, tiểu bang lớn nhất, Đảng Dân Chủ định số đại biểu là 441, trong khi Đảng Cộng Hòa định là 173.

Năm 2004, Đảng Dân Chủ có 4.353 đại biểu (delegates) và 611 người thay phiên (alternates). Còn Đảng Cộng Hoà có 2509 đại biểu và 2.344 người thay phiên.

Năm nay Đảng Cộng Hoà ấn định số đại biểu là 2.286 và ai được 1.444 phiếu sẽ thắng. Trong khi đó số đại biểu Đảng Dân Chủ có thể lên đến 6.000.

Như đã nói ở trước, tùy theo sự ấn định của luật lệ tiểu bang, các đại biểu tham dự đại hội đảng phải bỏ phiếu cho ứng viên chiếm được nhiều phiếu nhất trong tiểu bang, hay được biểu bỏ phiếu tùy ý. Ứng viên nào chiếm được đa số phiếu của tổng số đại biểu sẽ đắc cử đại diện cho đảng trong cuộc tranh cử tổng thống.

Đại hội sẽ cử ra một số người soạn thảo Cương Lĩnh của đảng. Cương Lĩnh này thường có tính cách lý tưởng hơn là thực tế. Đôi khi Cương Lĩnh lại bị chính trị hoá.

MỘT VÀI NHẬN XÉT

Tuy cuộc bầu cử sơ bộ đang được tiến hành, chúng tôi có một số nhận định như sau:

1.- Bầu cử ở Mỹ tiền rất quan trọng. Tiền này do các người ủng hộ và các nhà đại tư bản đứng đàng sau hậu trường đóng góp. Trong cuộc bầu cử Tổng Thống năm 2008, ông Obama quyên góp được $513.557.218, còn ông McCain được $346.666.422.

2.- Các nhà chính trị và đại tư bản Mỹ coi bầu cử quan trọng hơn cả quyền lợi quốc gia, chính sách đối nội và đối ngoại... Nếu phải hy sinh bất cứ thứ gì để họ có thể thắng cử, họ sẽ làm.

3.- Nếu phải chọn giữa ông Mitt Rumney và ông Newt Gringrich, các nhà đại tư bản sẽ chọn ông Mitt Rumney, vì cũng như ông McCain, ông Newt Gringrich có tính khí ngang bướng và bất thường, khó điều khiển được. Họ thường chọn những người dễ điều khiển như ông George W. Bush hay có thể thoả hiệp được như Obama. Chọn một người ngang bướng hay bất bình thường, khi không xài được mà phải “bụp”, sẽ gây ra nhiều rắc rối.

4.- Có vẽ kỳ này Đảng Cộng Hoà không quan tâm đến cái ghế Tổng Thống Mỹ lắm. Trong hai nhiệm kỳ 8 năm, để thỏa mãn lòng tham vô đáy của giới đại tư bản Mỹ, Tổng Thống Bush đã làm kinh tế Mỹ suy sụp. Ông Obama là người được giao trách nhiệm đưa đất nước qua giai đoạn khó khăn. Hết giai đoạn này, họ mới tính chuyện làm ăn trở lại, nên Obama có thể vẫn được cho ngồi đó.

5.- Đảng Cộng Hòa đang quan tâm đến việc lấy lại Thượng Viện trong tay Đảng Dân Chủ, vì Đảng Dân Chủ bị bầu lại đến 16 ghế, trong khi Đảng Cộng Hòa chỉ 8 ghế. Kiếm được một nữa số ghế của Đảng Dân Chủ, Đảng Cộng Hòa có thể làm chủ cả Hạ Viện lẫn Thượng Viện.

Nhưng trong vụ bảo vệ nhà giàu một cách quá trắng trợn vừa qua, Đảng Cộng Hòa đã bị mọi giới nguyền rủa, nên cũng khó lấy được nhiều lá phiếu của cử tri.

Ngày 14.2.2012
Lữ Giang