Vũ Quang Việt
(TBKTSG) Ở Việt Nam, khái niệm sở hữu toàn dân trong Luật Đất đai đặt
ra một số vấn
đề:
1. Luật Đất đai Việt Nam chủ yếu hạn chế quyền tư hữu về
ruộng đất đối với nông dân. Trừ đất ở, đất đai không thuộc về công dân. Trong
khi mọi tài sản khác đều có chủ và quyền sở hữu được luật pháp bảo vệ. Như thế
Luật Đất đai đã tước đoạt quyền sở hữu của cải của nhân dân, đặc biệt là nông
dân. Ở bất cứ nước nào, của cải lớn nhất của dân là đất nhưng ở Việt Nam thì
không thể. Nông dân chỉ có thể là người nghèo hoặc thoát nghèo chứ không
bao giờ vươn lên làm giàu từ mảnh đất của mình
được.
3. Ở các nước không có ý niệm sở hữu toàn dân như ở Mỹ,
quyền công hữu đất đai và tài nguyên thuộc về các địa chỉ rõ ràng: chính phủ
liên bang hoặc chính quyền tiểu bang, hay thành phố (60% thuộc tư hữu, 40% thuộc
công hữu, trong đó 28% thuộc chính phủ liên bang, 9% thuộc chính phủ bang và
chính phủ cấp tương đương tỉnh hay thành phố, 2% thuộc dân da đỏ). Không có đất
đai, tài nguyên nào lại thuộc huyện, xã như ở Việt Nam. Quyền sở hữu và trách
nhiệm được quy định rất rõ ràng. Để bảo đảm lợi ích chung của khu vực mà lợi
ích có thể mâu thuẫn nhau, đất đai bờ biển có thể thuộc khu vực rộng lớn (vượt
trên bang, tỉnh, thành phố) thì có cơ quan công quyền liên tiểu bang/liên tỉnh
sở hữu để giải quyết nhu cầu chung về hạ tầng cơ sở. Thí dụ, có Port Authority
of New York and New Jersey sở hữu đất đai và bờ biển thuộc hai bang New York và
New Jersey để quản lý chung nhằm phát triển giao thông (phi cảng, hải cảng, cầu
cống, đường sá nối liền hai bang) hoặc có Tennessee Valley Authority sở hữu đất
đai và tài sản khác nhằm chống lũ lụt, xây dựng giao thông, quản lý đất đai,
cung cấp điện, phát triển kinh tế chung ở khu vực sông Tennessee. Đây là các
công ty công không vì mục đích lợi nhuận, do các bang khu vực cử người quản lý,
điều hành, không dựa vào thuế của dân mà dựa vào phí dịch vụ. Đất đai và tài
nguyên công thuộc công quyền được quy định rất rõ ràng. Cách quản lý theo khu
vực như trên tránh cho việc cạnh tranh xây dựng cảng, khu công nghiệp theo kiểu
phong trào như ở Việt Nam.
4. Quan điểm về kinh tế vùng, công quyền vùng, quy hoạch,
trách nhiệm vùng gần như chưa có ở Việt Nam. Ngay cả đến cơ sở của ngân hàng
trung ương hiện nay nằm ở tỉnh và thành phố có thể bị lợi ích cục bộ ảnh hưởng
thay vì thực hiện chính sách vùng. Làm thống kê cũng thế, số liệu cũng bị lợi
ích địa phương bóp méo. Đây là điều cần suy nghĩ.
5. “Nhà nước” được định nghĩa là các cơ quan công quyền
tỉnh, thành phố và huyện. Cho nên sở hữu toàn dân biến thành sở hữu của các cơ
quan công quyền các loại, chứ không còn là thuộc toàn dân thực sự. Chính nhà
nước trung ương và tỉnh cũng không biết để quản lý các hoạt động sử dụng đất
đai của địa phương (các cơ quan công quyền theo luật chỉ phải theo quy hoạch
chung, nhưng địa phương lại có quyền đề nghị thay đổi quy hoạch và thực tế thì
quy hoạch chung này chưa chắc đã có và nếu có thì biết ai sẽ kiểm soát việc
thực thi và có khả năng kiểm soát đến đâu). Kết quả là đất đai và tài
nguyên thiên nhiên không còn nằm trong quyền sử dụng vì lợi ích quốc gia mà vì
lợi ích cục bộ, thậm chí để làm giàu cá nhân.
Tôi cũng xin nói thêm một ý về việc thu hồi đất. Hiện nay
Luật Đất đai cho phép thu hồi đất với hai loại mục đích:
• Điều 39 - Thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng,
an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng
• Điều 40 - Thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển
kinh tế
1. Nhà nước thực hiện việc thu hồi đất để sử dụng vào mục
đích phát triển kinh tế trong trường hợp đầu tư xây dựng khu công nghiệp, khu
công nghệ cao, khu kinh tế và các dự án đầu tư lớn theo quy định của Chính phủ.
Việc thu hồi đất được thực hiện theo quy định tại điều 39
của luật này.
2. Đối với dự án sản xuất, kinh doanh phù hợp với quy hoạch
sử dụng đất đã được xét duyệt thì nhà đầu tư được nhận chuyển nhượng, thuê
quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của các tổ chức kinh tế,
hộ gia đình, cá nhân mà không phải thực hiện thủ tục thu hồi đất.
Hai mục đích thu hồi đất trên hoàn toàn khác nhau. Điều 39
là vì lợi ích chung. Điều 40 lẫn lộn mục đích chung và mục đích tư. Ở các nước
thường chỉ cho phép thu hồi vì lợi ích chung. Lấy đất của nông dân, của một tư
nhân này để giao cho một tư nhân khác (làm sân golf chẳng hạn) không thể gọi là
vì mục đích chung. Có những trường hợp hiếm hoi cần thu hồi thì cần có luật đặc
biệt bảo vệ quyền lợi bình đẳng của tư nhân, không thể coi một tư nhân làm sân
golf, làm công nghiệp hơn tư nhân là nông dân. Chỉ cần có sự đi đêm giữa quan
chức và nhà đầu tư tư nhân thì nông dân không còn có quyền gì nữa.