"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Sonntag, 11. März 2012

Huyền thoại về ngoại lệ Trung Quốc


Wang Yuan-kang
Người dịch: Huỳnh Phan
06-03-2012


Wang Yuan-kang: Là một độc giả thường xuyên và thích đọc blog này, tôi cảm ơn Steve Walt về lời mời đóng góp trong mục bài viết của khách về mối quan hệ giữa quyền lực, văn hóa, và cách ứng xử trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc.

Steve và những người khác đã viết về ngoại lệ của Mỹ. Sẽ không làm các bạn ngạc nhiên khi biết rằng Trung Quốc cũng có nhãn hiệu riêng của mình. Hầu hết người Trung Quốc, dù là người bình thường hoặc thuộc tầng lớp tinh hoa chính trị, kinh tế, và học thuật, đều nghĩ lịch sử Trung Quốc là một nền văn minh sáng chói ở trung tâm của mọi thứ dưới bầu trời, tỏa ra một nền văn hóa lộng lẫy và yêu chuộng hoà bình. Bởi vì Nho giáo yêu mến sự hài hòa và ghê tởm chiến tranh, phiên bản này miêu tả một Trung Quốc không hành xử hung hăng, cũng không phải là một thế lực bành trướng trong suốt 5.000 năm lịch sử vẻ vang. Thay vào đó, một trật tự thế giới hiền từ, nhân đức của Trung Quốc nằm đối lại với nền chính trị quyền lực độc ác, tàn nhẫn ở phương Tây.

Chính phủ hiện thời ở Bắc Kinh đã nhận chủ nghĩa ngoại lệ Trung Quốc vào khái niệm về ” sự trỗi dậy hòa bình”. Người ta có thể tìm thấy nhiều ví dụ về đường hướng tư tưởng này trong các sách trắng chính thức và các phát biểu của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, Thủ tướng Ôn Gia Bảo, và các quan chức khác. Thông điệp rõ ràng: lịch sử độc đáo, văn hóa hòa bình, và tư duy phòng thủ của Trung Quốc đảm bảo một cường quốc sẽ trỗi dậy một cách hòa bình.

Tất cả các nước đều có xu hướng xem lịch sử nước mình là ngoại lệ, và niềm tin này thường tiếp tục một liều hư cấu nặng. Dưới đây là ba huyền thoại hàng đầu về chủ nghĩa ngoại lệ Trung Quốc đương đại.

Huyền thoại1: Trung Quốc không bành trướng khi mạnh lên

Nhiều người Trung Quốc tin chắc rằng Trung Quốc không có truyền thống bành trướng ra nước ngoài. Tuy nhiên, ghi nhận thực tế cho thấy điều trái lại. Lịch sử triều đại nhà Tống (960-1279) và triều Minh (1368-1644) cho thấy, Trung Hoa Nho giáo khó mới có thể là một nhà nước hiếu hòa. Ngược lại, các nhà cai trị thời Tống và Minh thích giải quyết tranh chấp bằng vũ lực khi họ cảm thấy đất nước mạnh lên, và nói chung, Trung Quốc là kẻ bành trướng bất cứ khi nào họ có sức mạnh vượt trội. Là một kẻ bá quyền trong khu vực, đầu triều Minh, Trung Hoa đã thực hiện 8 cuộc tấn công quy mô lớn vào người Mông Cổ, sáp nhập Việt Nam thành một tỉnh của Trung Quốc, và thiết lập sự thống trị về hải quân trong khu vực.

Nhưng Trung Hoa Nho giáo cũng có thể thích ứng và hòa giải khi không đủ sức mạnh để đánh bại kẻ thù. Ví dụ, nhà Tống chấp nhận địa vị chư hầu thấp kém trước đế chế Kim hùng mạnh hơn hồi thế kỷ mười hai. Các lãnh đạo Trung Quốc biện minh cho quyết định của họ bằng cách viện dẫn việc Nho giáo ác cảm đối với chiến tranh, lập luận rằng Trung Quốc nên sử dụng thời gian hòa bình để củng cố sức mạnh và tranh thủ thời gian cho tới khi phát triển được khả năng tấn công. Tóm lại, các nhà lãnh đạo Trung Hoa Nho giáo rất nhạy cảm để cân nhắc sự cân bằng quyền lực, cũng giống như chủ nghĩa hiện thực mô tả.

Huyền thoại 2: Bảy chuyến đi của Trịnh Hòa thể hiện bản chất hoà bình của cường quốc Trung Quốc

Đầu thế kỷ mười lăm, Trung Quốc đã tổ chức bảy chuyến hải trình ngoạn mục do Trịnh Hòa chỉ huy, tới Đông Nam Á, tiểu lục địa Ấn Độ, Trung Đông, và Đông Phi. Người Trung Quốc muốn chỉ ra rằng hạm đội Trịnh Hoà đã không chinh phục một tấc đất, không giống người phương Tây hung hăng, tàn bạo, chiếm hầu hết thuộc địa trên thế giới. Ngược lại, đơn giản họ chỉ là đại sứ hòa bình trong việc khám phá những nơi kỳ lạ.

Tuy nhiên, quan điểm đơn giản này đã bỏ qua sức mạnh của hạm đội hải quân to lớn với 27.000 binh sĩ, trên 250 chiếc tàu, cho phép người Trung Quốc gây “kinh hãi” người nước ngoài, khiến họ phải khuất phục. Hạm đội Trung Quốc tham gia vào các hoạt động “phô trương sức mạnh” rộng rãi, mở rộng hệ thống cống nạp Nho giáo và trừng phạt các nước ngang bướng. Kết quả là nhiều người nước ngoài đến kinh đô nhà Minh để cống nạp. Hơn nữa Trịnh Hoà, người được cho là hòa hiếu, đã  sử dụng sức mạnh quân sự ít nhất ba lần, thậm chí ông ta còn bắt cả vua nước Sri Lanka thời đó và giải giao về Trung Quốc vì không tuân phục triều Minh. Có lẽ chúng ta nên để cho đô đốc này tự nói:
“Khi chúng tôi đến các nước khác, chúng tôi bắt các vị vua man rợ, thiếu tôn trọng và chống lại nền văn minh Trung Hoa. Chúng tôi tiêu diệt binh lính băng đảng đã cướp bóc một cách liều lĩnh. Nhờ vậy, các tuyến đường biển trở nên thông thoáng và yên bình và các dân tộc ở nước ngoài có thể sinh sống an toàn.”

Huyền thoại 3: Vạn lý Trường thành của Trung Quốc tượng trưng cho một quốc gia bận tâm với việc phòng thủ

Có lẽ bạn đã nghe nói điều này trước đây: Trung Quốc tuân thủ một đại chiến lược “thuần phòng thủ”. Trung Quốc xây Vạn lý Trường thành không phải để tấn công mà để phòng thủ.

Vâng, điều đầu tiên bạn cần nhớ là Vạn lý Trường thành là, nó không phải đã luôn có ở đó. Tường thành mà chúng ta thấy ngày nay được xây dựng vào thời Minh Trung Hoa và nó được xây chỉ sau khi Trung Quốc tiến hành hàng loạt cuộc tấn công người Mông Cổ nhưng đã bị thất bại. không có bức tường thành nào vào đầu thời Minh, vì vào thời điểm đó, Trung Hoa có ưu thế về sức mạnh và không cần phòng thủ thêm. Lúc đó, Trung Quốc thích tấn công hơn. Trung Hoa thời Minh xây Vạn lý Trường thành chỉ sau khi sức mạnh tương đối đã bị suy giảm.

Về bản chất, mặc dù có nền văn hóa và thể chế khác biệt nhưng Trung Hoa Nho giáo đã hành xử không khác gì mấy so với các cường quốc khác trong lịch sử. Như chủ nghĩa hiện thực cho thấy, cấu trúc hỗn độn của hệ thống này buộc nó phải cạnh tranh quyền lực, xem thường các yếu tố cá nhân và trong nước.

Như vậy, lịch sử Trung Quốc cho thấy, cách hành xử của Trung Quốc trong chính sách đối ngoại rất nhạy cảm với sức mạnh tương đối của họ. Nếu sức mạnh của họ tiếp tục gia tăng, Trung Quốc sẽ cố mở rộng phạm vi ảnh hưởng ở Đông Á. Chính sách này chắc chắn sẽ đưa Trung Quốc vào một cuộc cạnh tranh an ninh với Hoa Kỳ trong khu vực và cả ngoài khu vực. Washington đang thoát khỏi sự phân tâm về Iraq và Afghanistan và đang “xoay” về phía châu Á. Ngạn ngữ Trung Quốc có câu: “Một rừng không thể có hai cọp”. Hãy chuẩn bị đi. Trò chơi đang diễn ra.

........................
Wang Yuan-kang (Vương Nguyên Khang) là phụ tá giáo sư Khoa Xã hội học và Trường Hành chánh và Công vụ, Đại học Western Michigan. Ông là tác giả của Harmony and War: Confucian Culture and Chinese Power Politics (Hài hoà và Chiến tranh: Văn hóa Nho giáo và Chính trị Quyền lực của Trung Quốc).

Nguồn: Foreign Policy
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012
Bản tiếng Việt © Huỳnh Phan