Dành thời gian đọc, sau đó phân tích các lỗi ngụy biện ở một
bài viết như bài “Kính thưa ‘quý cô cái gì cũng muốn’” của tác giả Hoàng Thắng
trên "Petro Times"
(http://www.baomoi.com/Home/AmNhac/w...)
là một việc có lẽ chỉ nên làm trong lúc rảnh quá. Tuy nhiên, xét thấy sự ngụy
biện đang lan tràn trong tất cả các cuộc tranh luận trên mạng, trên không gian
báo chí, không loại trừ cả không gian học thuật, nên tôi nghĩ việc chỉ ra các
lỗi ngụy biện sơ đẳng trong bài viết này cũng là điều cần thiết. Bên cạnh các
lỗi ngụy biện là một số sai sót về kỹ thuật viết báo, tôi cũng sẽ cố gắng chỉ
ra một phần.
Xin lưu ý: Đây là bài viết phân tích về ngụy biện và báo
chí, không nhận xét và không phán xét tác giả Hoàng Thắng.
Trích: “Trong bài trả lời phỏng vấn của mình, ca sỹ Mỹ Linh
cho rằng: Thuế chồng lên thuế, phí chồng lên phí, chất lượng công trình giao
thông chưa tương xứng với những khoản tiền mà dân phải đóng… và cuối cùng là
kết luận một câu xanh rờn “Đề xuất giải pháp đó, theo tôi, chứng tỏ anh Đinh La
Thăng quá kém cỏi!”
Chỉ chờ có thế, các trang mạng đua nhau đăng lại bài phỏng
vấn ca sỹ này với tiêu đề “Bắt dân đóng phí, anh Đinh La Thăng quá kém cỏi!” Đã
không ít người tung hô cho bài phỏng vấn này của Mỹ Linh, đơn giản vì đó là lời
nói của một người nổi tiếng. Tuy nhiên, để nói về hàm lượng kiến thức hay tư
duy trong câu nói thì cũng chưa được nhiều cho lắm”.
Về khía cạnh nghiệp vụ báo chí, để đảm bảo tính khách quan,
nhà báo không được sử dụng tính từ, phó từ, nhất là các tính từ và phó từ mang
tính phán xét, nặng hơn nữa là có hàm ý miệt thị. Các động từ, nếu không đảm
bảo trung tính, cũng không được dùng. Trong đoạn viết trên đây, tác giả Hoàng
Thắng, ngược lại, đã sử dụng ít nhất ba từ không khách quan: “xanh rờn”, “đua
nhau”, “tung hô”.
Suy luận “đơn giản vì đó là lời nói của một người nổi tiếng”
là quá đơn giản. Người ta “tung hô” (nếu có) ý kiến của ca sĩ Mỹ Linh có thể
còn vì nhiều nguyên nhân khác, như: cô ấy đẹp, cô ấy là dân thường (giống người
ta) chứ không phải lãnh đạo, cô ấy là phụ nữ, cô ấy đã nói đúng điều người ta
thích, v.v.
2.
Trích: “Mặc dù phát biểu văng mạng rằng “thuế chồng thuế,
phí chồng phí” nhưng xin cam đoan là nữ ca sỹ sẽ chẳng thể nào chỉ ra nổi “phí
chồng phí” ở đâu. Bởi đơn giản: Việc phân định có hay không chuyện “phí chồng
phí” đang được các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia kinh tế tranh luận
quyết liệt và chưa có hồi kết. Những phát ngôn của “người đẹp hát” cũng chỉ có
thể là… nghe người ta nói thế thì biết thế thôi.
Còn kết luận phê phán kiến thức của Bộ trưởng Bộ GTVT “Bắt
dân đóng phí chứng tỏ anh Đinh La Thăng kém cỏi” thì có lẽ là nên miễn bàn vì
đơn giản: Tiến sỹ Đinh La Thăng cũng sẽ không bao giờ tranh cãi với ca sỹ Mỹ
Linh về âm nhạc”.
Tác giả sử dụng các từ và lối diễn đạt sau đây: “văng mạng”,
“phát ngôn của ‘người đẹp hát’”, “nghe người ta nói thế thì biết thế thôi”,
“miễn bàn”… Về khía cạnh báo chí, lỗi lặp lại như ở trên: chủ quan, cảm tính,
hàm ý miệt thị cá nhân. Có dấu hiệu của ngụy biện “tấn công cá nhân” với cách
gọi Mỹ Linh là “người đẹp hát” trong ngoặc kép.
Với cách diễn đạt “miễn bàn về…”, tác giả phạm lỗi ngụy biện
“Appeal to Ridicule”, tạm dịch là “Lố bịch hóa”, nghĩa là (chưa gì đã) chế nhạo
ý kiến của người nói thay vì chỉ ra lỗi của người đó. Ví dụ (trích tài liệu của
TS. Michael C. Labossiere, dự án Nizkor, 1995):
Chắc chắn là đối thủ xứng đáng của tôi tuyên bố là chúng ta
nên giảm bớt học phí rồi, nhưng điều này thật nực cười.
Ủng hộ ERA à? Tất nhiên rồi, khi nào phụ nữ trả tiền đồ uống
đã! Haha!
3.
Trích: “Cô ca sỹ còn đưa ra bằng chứng khá ngô nghê là “Ai
bảo bắt cái ô tô oằn mình chịu đủ thứ thuế, thứ phí… là sẽ giúp giảm thiểu được
tai nạn giao thông, khi mà đi xe máy ở Việt Nam mới là dễ bị tai nạn nhất! Chỉ
mới cách đây hơn hai tuần thôi, vào đúng ngày 8/3, chị bạn tôi vừa mất một câu
con trai 10 tuổi cũng vì hai bố con chở nhau đi xe máy, bị người ta quệt phải.
Còn trước đó đi ôtô thì không sao, nhưng ô tô đã phải bán vì bố mẹ cháu không
chịu nổi cơn tăng giá, phí.”
Lấy ví dụ thế thì chả hóa ra chỉ có đi ôtô như Mỹ Linh mới
an toàn còn những người đi xe máy đều nguy hiểm cả. Chẳng lẽ an toàn giao thông
chỉ là thứ người giàu người riêng hưởng?”.
Tương tự trên, tác giả dùng từ “ngô nghê” là vi phạm nguyên
tắc báo chí, vì vừa chủ quan, vừa cảm tính, vừa miệt thị cá nhân.
Ở đây, nếu muốn phản bác Mỹ Linh, tác giả hoàn toàn có thể
chỉ ra lỗi ngụy biện trong ý kiến của ca sĩ Mỹ Linh. Tuy nhiên, thay vì thế,
tác giả đã đánh phủ đầu bằng miệt thị, chế nhạo, và vẫn không có cơ sở khoa học
nào. Ý kiến của tác giả, do không được chứng minh, cho nên cũng không có lý hơn
Mỹ Linh là bao nhiêu.
“Lấy ví dụ thế thì chả hóa ra chỉ có đi ôtô như Mỹ Linh mới
an toàn còn những người đi xe máy đều nguy hiểm cả”. Thật ra thì, căn cứ vào
lời được trích dẫn trên báo, thì ca sĩ Mỹ Linh không nói rằng CHỈ có đi ô-tô
thì mới an toàn. Tác giả phạm hoặc là lỗi quy chụp, hoặc là lỗi trích dẫn. Một
khi đã phạm lỗi quy chụp hoặc lỗi trích dẫn rồi thì các lập luận tiếp sau đó
của người phạm lỗi không còn ý nghĩa nữa.
Tuy nhiên, ở đây cứ giả sử rằng chúng ta chấp nhận lỗi này
của tác giả, giả sử rằng Mỹ Linh có ý cho rằng đi ô-tô an toàn hơn đi xe máy,
thì Mỹ Linh vẫn đúng thay vì tác giả. Theo thống kê, tính trên 1 mile (dặm,
tương đương 1,6 km), đi xe máy có nguy cơ gặp tai nạn cao hơn từ 30 đến 40 lần
so với đi ô-tô. Còn khi tai nạn xảy ra, người đi xe máy có xác suất bị thương
cao gấp 3 lần người đi ô-tô, và xác suất tử vong cao gấp 15 lần. Đây là các
thống kê của US National Traffic Safety Board.
“Chả hóa ra chỉ có đi ô-tô như Mỹ Linh mới an toàn”. Đưa cụm
từ “như Mỹ Linh” vào, tác giả đã phạm lỗi ngụy biện “Appeal to Spite”, tạm dịch
là “gây thù chuốc oán”. Đây là ngụy biện theo đó, thay vì đưa bằng chứng cho
thấy một người nào đó (Mỹ Linh) nói như vậy là sai, thì lại tìm cách làm cho
người đó bị số đông ghét bỏ.
Tương tự, “Chẳng lẽ an toàn giao thông chỉ là thứ người giàu
người riêng hưởng?”, cũng là lỗi ngụy biện “gây thù chuốc oán”.
4.
Trích: “Hàm lượng “chất xám” trong phát biểu của ca sỹ Mỹ
Linh có lẽ cũng chỉ nên bàn đến thế. Cái cần bàn của chúng ta ở đây là thái độ
xây dựng, cách phát ngôn của những “con người công chúng” với công việc chung,
với lợi ích chung của cả xã hội.
Trong khi cả hệ thống chính trị, cả xã hội đang sôi sục để
cùng chung lưng đấu cật tìm ra biện pháp tháo gỡ vướng mắc, giải bài toán ách
tắc giao thông thì “người của công chúng” lại đăng đàn và phát ngôn một cách vô
trách nhiệm như thế”.
“Hàm lượng “chất xám” trong phát biểu của ca sỹ Mỹ Linh có
lẽ cũng chỉ nên bàn đến thế”: chủ quan, cảm tính, miệt thị, xúc phạm cá nhân.
“Trong khi cả hệ thống chính trị, cả xã hội đang sôi sục để
cùng chung lưng đấu cật tìm ra biện pháp tháo gỡ vướng mắc, giải bài toán ách
tắc giao thông thì “người của công chúng” lại đăng đàn và phát ngôn một cách vô
trách nhiệm như thế”. Tác giả phạm các lỗi ngụy biện sau đây:
- gây thù chuốc oán (Appeal to Ridicule), đã phân tích ở trên
- có dấu hiệu của ngụy biện “viện đến tình cảm của số đông”
(Appeal to Emotion): “trong khi cả hệ thống chính trị, cả xã hội đang sôi
sục…”. Sở dĩ mới là “có dấu hiệu”, vì ngụy biện này của tác giả, ngay cả khi
được sử dụng, vẫn không có hiệu quả. Trong khi cả hệ thống chính trị, cả xã hội
đang sôi sục để cùng chung lưng đấu cật tìm ra biện pháp… thì Mỹ Linh cũng vậy,
cô ấy cũng đang góp một tiếng nói trong cái hệ thống chính trị và cái xã hội
đó, cho dù nó có vô trách nhiệm (như tác giả đã miệt thị một cách ngụy biện,
thiếu căn cứ) hay không.
- đe dọa (Appeal to Fear): Đây là kiểu ngụy biện trong đó thay
vì lập luận, đưa ra bằng chứng cho thấy Mỹ Linh sai thì lại có hàm ý đe dọa:
Tất cả mọi người đều đang như thế này mà cô lại như thế kia à?
- “sức ép về bằng chứng” (Burden of Proof): Ví dụ của ngụy
biện này như sau: “Theo tôi, chắc chắn là có ma. Vì sao à? Thì anh thử chứng
minh xem? Đấy, anh không chứng minh được là không có ma. Như vậy tức là có ma”.
Ở đây, tác giả cũng đẩy sức ép về bằng chứng sang cho ca sĩ
Mỹ Linh: Cô có biện pháp tháo gỡ vướng mắc, giải bài toán ách tắc giao thông
không mà cô dám lên tiếng?
5.
Trích: “Ngay sau khi cô ca sỹ này đăng đàn vài ngày, tại
cuộc họp của Thành ủy Hà Nội bàn về vấn đề chống ùn tắc, Bí thư Thành ủy Hà Nội
Phạm Quang Nghị tâm sự “Gia đình tôi đã hạn chế đi xe cá nhân để giảm ùn tắc”.
Sự gương mẫu của Bí thư Phạm Quang Nghị hẳn sẽ là một tấm gương lớn cho nhiều
người noi theo.
Ông cho rằng: “Nhiều cá nhân khi bị đụng chạm quyền lợi thì
phản ứng gay gắt. Bỏ ra cả tỉ đồng mua xe thì không công khai rằng tiền từ đâu
ra, trong khi đóng vài triệu xây dựng đường thì phản ứng”.
Lỗi nghiệp vụ báo chí: “Sự gương mẫu của Bí thư Phạm Quang
Nghị hẳn sẽ là một tấm gương lớn cho nhiều người noi theo” là một cách viết suy
diễn, chủ quan, cảm tính (chưa nói đến sự thiếu công bằng, và dụng ý xu nịnh).
Ngụy biện “Appeal to Authority”, tạm dịch là “viện dẫn thẩm
quyền”: Đây là cách viện dẫn ý kiến của một người thực ra không phải là nhân
vật chính đáng để có thể được trích dẫn. Phía trên bài, tác giả có ý cho rằng
Mỹ Linh, với tư cách ca sĩ, không xứng đáng để nói về chính sách thu thuế và
phí của Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng. (Trong khi thực ra Mỹ Linh hoàn toàn có
thể phát biểu với tư cách một người dân có sở hữu ô-tô, và sử dụng ô-tô để tham
gia giao thông). Vậy ở đây, ông Phạm Quang Nghị – với các chuyên ngành ông từng
học là lịch sử và triết học trường Nguyễn Ái Quốc – có phải là nhân vật xứng
đáng hơn Mỹ Linh để được tác giả viện dẫn, muốn số đông phải noi theo?
6.
Trích: “Nữ ca sỹ Mỹ Linh: Nhà rộng 1,3 hecta, hai vợ chồng
mỗi người một chiếc xe hơi. Đấy là chưa kể xe của Mỹ Linh là xe Mitsubishi
Grandis có 7 chỗ ngồi. Như vậy là một mình nữ ca sỹ mỗi khi ra đường đã chiếm
diện tích bằng 4 người đi xe máy. Hẳn nữ ca sỹ cũng muốn đóng phí cho “đỡ ngại”
với mọi người!
Tôi cũng xin cược rằng: Ca sỹ Mỹ Linh với son phấn, váy vóc
xúng xính, quần áo thời trang chắc hẳn sẽ hiếm khi dám rời xế hộp của mình để
leo lên xe bus, chung tay góp phần giảm ách tắc giao thông như Bộ trưởng Thăng.
Đơn giản thôi, xế hộp có, lên xe bus làm gì, vừa đông người vừa… hỏng váy!”.
Ngụy biện “gây thù chuốc oán” được sử dụng triệt để. Bên
cạnh đó là ngụy biện “tấn công cá nhân” (Personal Attack), một loại lỗi ngụy
biện kinh khủng bởi vì nó rất… vô học.
7.
“Chuyện Mỹ Linh đăng đàn khen chê cũng nhắc chúng ta nhớ lại
một cái bệnh rất xấu mà truyền thông đang mắc phải: Khi nhà nước cần lấy ý kiến
về một vấn đề gì đó thì không ít người nhảy vào chê bai một cách thiếu khách
quan, không mang tính xây dựng:
Lấy ý kiến về công trình xây dựng thì hỏi ý kiến… nhà thơ.
Lấy ý kiến về việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm thì hỏi… nhà văn
hóa.
Lấy ý kiến về chính sách giao thông, các kỹ sư còn chưa kịp
nói gì thì ca sỹ, nghệ sỹ đã… lên tiếng ầm ầm”.
Nếu bàn ra ngoài văn bản thì có thể đồng ý với tác giả phần
nào, tuy nhiên, xét trên văn bản, đây là những đoạn viết chủ quan, cảm tính,
miệt thị, không bằng chứng.
8.
Trích: “Ai cũng thừa nhận rằng: bất cứ một cuộc đại phẫu nào
cũng phải chịu đau, trong cuộc sống muốn có được thứ này thì phải hi sinh thứ
khác, muốn đạt được cái đại cục thì phải hi sinh cái tiểu tiết. Còn nếu muốn
cái gì cũng được, chắc phải lên… thiên đàng – thông minh và xinh đẹp như Mỹ
Linh, chắc sẽ hiểu điều đó!
Người dân yêu mến Bộ trưởng Đinh La Thăng vì ông là con
người hành động. Không lẽ giờ Bộ trưởng phải “nằm im thở khẽ”, đừng đụng chạm
đến quyền lợi của ai thì mới làm cho nữ ca sỹ hài lòng!”.
Xin nhắc lại một đoạn ở trên: Ở đây có lỗi nghiệp vụ báo
chí: “Người dân yêu mến Bộ trưởng Đinh La Thăng vì ông là con người hành động”
là một cách viết suy diễn, chủ quan, cảm tính (chưa nói đến sự thiếu công bằng,
và dụng ý xu nịnh).
Ngụy biện “gây thù chuốc oán” được sử dụng triệt để. Bên
cạnh đó là ngụy biện “tấn công cá nhân” (Personal Attack), một loại lỗi ngụy
biện kinh khủng bởi vì nó rất… vô học.
heo blog Đoan Trang