Nhà văn Nhật Tiến - Hình Báo Người Việt
Nhà văn vẫn đứng ngoài nắng. Nhà văn Mai Thảo đã nhận định về một chân dung đã có tới hơn 60 năm cầm bút là nhà văn Nhật Tiến như vậy. Trước năm 1975, ông là một khuôn mặt văn học tiêu biểu của 20 năm văn học miền Nam và đã đoạt giải thưởng văn chương toàn quốc năm 1961. Ông là nhà văn của tuổi thơ, của những bức xúc về một cuộc chiến tranh và là một người lưu lạc suy ngẫm về thân phận của mình và của chung một thế hệ phải trải qua những ngày chiến tranh và những ngày hậu chiến tranh mà những bi thảm, những bất toàn của xã hôi lại còn đáng sợ hơn thời còn khói lửa. Ông viết với tâm cảm mà những ý nghĩ trung thực được biểu lộ không e ngại và là tiếng nói được lắng nghe từ công luận. Sau năm 1975, ông lại là chứng nhân của những cuộc đổi thay nghiệt nghã và văn chương ông ghi chép lại những thực tế đáng buồn của một thời đại đảo điên bi thảm của dân tộc Việt Nam.
Là một nhà giáo dục, ông chú trọng nhiều đến tuổi học trò.Trong một cuộc phỏng vấn, nhà văn Nhật Tiến đã phát biểu rằng công việc ra một tờ báo dành cho thiếu nhi(trong khoảng từ 10 đến 15, 16 tuổi hay trình độ từ cuối bậc tiểu học đến hết bậc trung học phổ thông) là mơ ước của ông. Nhất là trong hoàn cảnh của đất nước chúng ta khi xã hôi có nhiều hiện tượng băng hoại do văn hóa ngoại lai xâm nhập và cũng do ảnh hưởng chiến tranh. Mãi đến năm 1971 ông mới được sự tài trợ của nhà sách Khai Trí và ra mắt tờ tuần báo Thiếu Nhi vào ngày 15 tháng 8 năm 1971 và đều đặn hàng tuần đến ngày 30 tháng tư năm 1975 thì chấm dứt. Ngoài ra ông còn tổ chức nhiều sinh hoạt khác như tổ chức thư viện cho các em mượn sách về nhà đọc, tổ chức các Gia Đình Thiếu Nhi ở các tỉnh và các đô thị lớn có những buổi sinh hoạt tập thể ngoài trời, hay tổ chức các cuộc thi viết văn làm thơ cho thiếu nhi và có giải thưởng khá lớn. Nói chung là phối hợp giửa giải trí và giáo dục để các em có những sinh hoạt vui tươi và bổ ích.
Sau khi vượt biển sống ở hải ngoại, nhà văn Nhật Tiến cũng làm chủ bút tờ Tuổi Hoa của nhà văn Quyên Di một thời gian và lúc nào cũng chú tâm đến lớp tuổi măng non ở hải ngoại...
Là một nhà văn mà tính cách của lý tưởng hướng đạo sinh biêu lộ rõ ràng trong phong cách sống như những câu văn của tác giả Mai Thảo diễn tả:
"Những trong nắng và những ngoài nắng ấy, Nhật Tiến đã thấy đã trải qua, đã viết ra, đã thuật lại. Gọi đó là nắng cáo trạng, nắng bạch thư, gọi đó là nắng Ko Kra, nắng Nhật Tiến. Trước cái khuynh hướng muôn thuở của con người là sự kiếm tìm những tàn cây đầy bóng mát cho tâm hồn và đời sống văn chương bây giờ của Nhật Tiến, những vận động, những lên tiếng không ngừng của Nhật Tiến cho thấy ông vẫn lựa chọn đứng ở đó. Ngoài nắng. Giữa nắng. Thái độ ấy có thể bị nhìn là khô cứng quá khích. Hoặc với những tâm hồn bóng rợp là một đọa đầy vô ích.Tôi chỉ nhìn thấy tự nhiên và bình thường nơi người nhà văn lưu đày ở Nhật Tiến một ý muốn. Cái ý muốn được đứng cùng, đứng mãi với vượt biển thê thảm như đứng với quê nhà, với Việt nam"
Ngay lúc bây giò, ở tuổi đã cao, ông đã vừa xuất bản hai tác phẩm và vẫn mang dấu ấn vừa kể.
Một là tác phẩm" Hành Trình Chữ Nghĩa", viết như một thôi thúc của một đời trôi nổi theo thời thế và buộc chặt với chữ nghĩa. 60 năm tuy dài đối với một đời người nhưng chỉ là một tích tắc của lịch sử hay văn học. Và mỗi tác giả nếu tạo được những dấu ấn sẽ không bao giờ mờ phai theo thời gian. Với tác giả Nhật Tiến, ông đã viết trong lời mở đầu:
"... Thông thường những dấu ấn
trên đường đi ta vốn chỉ nên coi là những kỷ niệm. Mà kỷ niệm nào trong quá khứ
dù vui hay buồn thì cũng chỉ nên ghi gói trong lòng. Cuộc hí trường trong đời
một con người bất quá cũng chỉ kéo dài trong giới hạn dăm bảy chục năm, nhiều
lắm là trăm năm. Rồi hai tay buông xuôi. Mọi thứ trên hình hài sẽ trở về với
cát bụi.
Nhưng hình hài thì trở về với cát bụi còn những dấu ấn để lại trong phạm vi tinh thần thì có sẽ phai mờ trong lớp bụi thời gian hay không?
Tôi nghĩ là không. Vì nếu nó phai mờ trong trí nhớ để không còn được ai nhắc nhở thì lịch sử đâu còn lý do gì mà tồn tại? Cho nên trong sinh hoạt chữ nghĩa, đừng tưởng cứ hạ bút xuống rồi là phủi tay hết trách nhiệm. Rất có thể một vài năm sau có khi cả chục năm sau hay lâu lắc hơn nữa, ở những thế hệ kế tiếp cũng vẫn có người lần mò vào thư viện tìm đọc lại những trang sách báo cũ để tìm hiểu về các lớp cha anh với những gì họ đã làm, đã đóng góp cho lịch sử và ngay cả về phương thức xử thế đạo đức nhân cách của họ nữa..."
Với cá tính và tinh thần của một người hướng đạo, nhà vănNhật Tiến đã viết và không ngại những vấn đề tế nhị và nhạy cảm để nêu ra những vấn đế mà ông nghĩ rằng cần thiết để làm sáng tỏ trong mục đích phục vụ nhân sinh. Tác phẩm "Hành Trình Chữ Nghĩa" đã được viết với mục đích đó, ở một thời điểm gần như cuối đời nhìn lại một thời đã qua...
Hai là tác phẩm "Nhà Giáo Một Thời Nhếch Nhác", ghi chép của một nhà giáo dưới mái nhà trường XHCN sau ngày 30 tháng tư năm 1975. Con người mô phạm đã có một dấu ấn rõ nét trong con người nhà văn bởi vì trước khi là nhà văn ông đã là một nhà giaó va hầu như suốt cuộc đời ở Việt Nam ông đã giảng dạy nhiều thế hệ học trò. Ngay cả việc ông chủ trương tuần báo Thiếu Nhi cũng với cung cách của một nhà giáo dục ý thức được rằng tuổi trẻ là tương lai của dân tộc.
Nhưng hình hài thì trở về với cát bụi còn những dấu ấn để lại trong phạm vi tinh thần thì có sẽ phai mờ trong lớp bụi thời gian hay không?
Tôi nghĩ là không. Vì nếu nó phai mờ trong trí nhớ để không còn được ai nhắc nhở thì lịch sử đâu còn lý do gì mà tồn tại? Cho nên trong sinh hoạt chữ nghĩa, đừng tưởng cứ hạ bút xuống rồi là phủi tay hết trách nhiệm. Rất có thể một vài năm sau có khi cả chục năm sau hay lâu lắc hơn nữa, ở những thế hệ kế tiếp cũng vẫn có người lần mò vào thư viện tìm đọc lại những trang sách báo cũ để tìm hiểu về các lớp cha anh với những gì họ đã làm, đã đóng góp cho lịch sử và ngay cả về phương thức xử thế đạo đức nhân cách của họ nữa..."
Với cá tính và tinh thần của một người hướng đạo, nhà vănNhật Tiến đã viết và không ngại những vấn đề tế nhị và nhạy cảm để nêu ra những vấn đế mà ông nghĩ rằng cần thiết để làm sáng tỏ trong mục đích phục vụ nhân sinh. Tác phẩm "Hành Trình Chữ Nghĩa" đã được viết với mục đích đó, ở một thời điểm gần như cuối đời nhìn lại một thời đã qua...
Hai là tác phẩm "Nhà Giáo Một Thời Nhếch Nhác", ghi chép của một nhà giáo dưới mái nhà trường XHCN sau ngày 30 tháng tư năm 1975. Con người mô phạm đã có một dấu ấn rõ nét trong con người nhà văn bởi vì trước khi là nhà văn ông đã là một nhà giaó va hầu như suốt cuộc đời ở Việt Nam ông đã giảng dạy nhiều thế hệ học trò. Ngay cả việc ông chủ trương tuần báo Thiếu Nhi cũng với cung cách của một nhà giáo dục ý thức được rằng tuổi trẻ là tương lai của dân tộc.
Hình bìa
Truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc Việt Nam tưởng là một truyền thống bất diệt nhưng đến thời kỳ Cộng sản thì không còn nữa và sự phá sản giáo dục đã nhìn thấy rõ suốt hơn ba chục năm Cộng sản chiếm đoạt được cả nước và điều hành đất nước theo một chủ nghĩa không tưởng lai căng Mác - Lênin.
Nhà văn Nhật Tiến viết về thực trạng giáo dục khi ông còn ở Việt Nam và là một chứng nhân. Đó chỉ là khởi đầu của thảm trạng và đến nay có nhiều sự kiện thực tế không thể tưởng tượng nổi đã xảy ra. Vong bản, ảnh hưởng của Cộng sản Trung Hoa khi soạn chương trình học về lịch sử và ngôn ngữ. Thi cử thì gian lận có tổ chức. Bằng cấp giả mạo tràn lan. Đạo đức học đường bị suy vi trầm trọng, thầy mất tư cách, học trò hỗn láo như những trường hợp kể lại tràn lan trên báo chí. Thời Cộng sản là một thời đại tệ hại nhất của lịch sử Việt Nam. Ông viết:
".. Khi thời thế thay đổi, nhất lại là sự thay đổi ý thức hệ này qua ý thức hệ khác, thì hầu như mọi vốn liếng tinh thần của nhà giáo tưởng sẽ tồn tại lâu dài với những chuẩn mực vốn đã trở thành truyền thống lâu đời, thì nay đã hoàn toàn đảo lộn, bị tróc gốc đến độ như tôi đã có cảm giác rằng mình kiêm nhiệm cùng một lúc cả hai vai trò: vừa là thầy giảng dạy, vừa là tên học trò cứ bị nhà trường uốn nắn thường xuyên từ tác phong, cử chỉ cho đến lời ăn tiếng nói...
Nhưng trải qua 4 năm trời trầy trật dưới một mái nhà trường XHCN tôi phát giác ra rằng ở đây người ta không những không trang bị điều gì tốt đẹp thêm cho cho nhận thức của nhà giáo mà tệ hơn lại còn không cho phép các thầy cô được làm trọn vẹn vai trò của một nhà giáo đúng nghĩa.
Bởi vì, một nhà giáo đúng nghĩa thì không dối trá với học trò ngay trên bục giảng hay ngay trong bài giảng của mình. Nhà giáo đúng nghĩa cũng không thể tiếp tay với nhà trường để xô đẩy học sinh vào những vùng trời mê muội như lôi kéo, dụ dỗ, nhồi nhét vào đầu óc non nớt của chúng những thứ không nhằm phục vụ cho tương lai của chúng cũng như tương lai đất nước mà chỉ nhằm phục vụ cho những ý đồ đen tối của guồng máy đang cai trị.
Nói một cách cụ thể nếu coi tâm hồn của những trẻ thơ như là một tờ giấy trắng thì cũng đã có một số người trong đám nhà giáo chúng tôi sau 30-4-1975 cũng đã từng bôi đen lên những tờ giấy trắng đó bằng những bài giảng phải tuân theo sát sạt những "pháp lệnh" của nhà nước..."
Mặc dù là một nhà văn nhưng ông là một nhà giáo dạy môn vật lý là một môn học thuộc khoa học tự nhiên nên cũng ít bị để ý soi mói hơn là những thầy cô dạy những môn học như triết, văn hoặc sinh ngữ... Bài giảng dạy học trò phải bị bắt buộc soạn sẵn thành một hồ sơ gọi là " Giáo án" và đây chính là một dây cương tròng cổ mọi nhà giaó thời Cộng sản. Mỗi giáo viên đều phải có một cuốn sổ gọi là sổ giáo án để soạn bài và những bài soạn này phải được Ban Giám Hiệu kiểm tra đóng dấu rồi mới được đem dùng. Đã thế trong giờ học cuốn sổ này phải đặt ở bàn cuối lớp sát hành lang để bất chợt Hiệu Trưởng hay Hiệu Phó đi kiểm tra xem thầy cô có dạy đúng như trong giáo án không. Bất cứ môn học nào, giáo án cũng được soạn theo một khuôn mẫu ấn định sẵn mà ở đó mục đích về chính trị bao giờ cũng quan trong hơn hết và sự kiểm soát tư tưởng suy nghĩ của cả thầy cô và học trò cũng là phần hệ trọng. Chính vì thế, người giáo viên khi soạn giáo án phải lồng vào trong bài học những chủ đích của chế độ. Những môn học như toán, như vật lý, hóa học,... cũng phải cố gắng nhồi nhát vào những tư tưởng tuyên truyền cho chế độ Cộng sản và nêu ra những tính mà những người cầm quyền gọi là ưu việt. Và giáo án còn phải nêu ra những quan hệ bản thân và đó chính là một cách kiểm tra tư tưởng khiến cho cả thầy trò trong trường học của chế độ Cộng sản bị dắt đi vào những con đường định sẵn mà chính trị là mục tiêu chính của giáo dục XHCN.
Từ trường học với thầy cô, với đám học trò, tác giả Nhật Tiến ghi chép lại rộng rãi hơn đến những môi trường lầm than của xã hội mà trong đó người dân bị lừa dối bởi những người cầm quyền vừa ngu dốt vừa hãnh tiến chủ trương tuyên truyền dối gạt để cai trị. Tất cả đều được ngụy trang bằng những chiêu bài thật tốt đẹp thật lý tưởng nhưng thực chất chỉ là cái bánh vẽ không tưởng. Ông kể lại những sự thực đã trải qua, đã chứng kiến tận mắt. Giá trị của trường học tự nhiên bị hạ thấp một cách khó tưởng tượng. Thầy giáo cô giáo không được nể trọng như xưa nữa mà bị dòm ngó kiểm soát có khi còn hơn là những đứa học trò của mình nữa. Sống trong hoàn cảnh ấy, làm sao còn tâm trí để chú tâm vào công việc giảng dạy. Xã hội như vậy, giáo dục như vậy đã tạo thành những con người của XHCN chỉ biết chạy theo lợi nhuận với mục đích làm giàu mà quên đi những giá trị tinh thần cao quý của dân tộc.
Chân dung nhà giáo của một thời nhếch nhác ấy được phác họa từ những người trong ban giám hiệu đến những thày cô với những nét đặc biệt. Như hình ảnh của một hiệu trưởng:
"Còn ông hiệu trưởng mới đổi về này không cần giới thiệu chúng tôi cũng biết ông ta là gốc bộ đội vừa được chuyển ngành. Bởi trong cương vị một Hiệu Trưởng một trường trung học ông ta vẫn bận bộ quần áo bộ đội tới trường để điều hành công việc. Hơn thế nữa bên hông ông ta lúc nào cũng kè kè một khẩu súng lục không biết để làm gì ngoài chuyện thị uy với đám giáo viên trong vùng mới "giải phóng". Ấy vậy mà ông ta vẫn gọi chúng tôi là các "đồng chí".
- Các đồng chí cũng nên nhớ rằng nhà nước chuyên chính vô sản sẵn sàng đập tan mọi âm mưu bạo loạn của bọn phản động tàn dư của bọn tay sai nước ngoài để bảo vệ vững chắc nhà nước xã hội chủ nghĩa. Chúng ta dân chủ với mọi đồng chí nhưng dứt khoát là phải chuyên chính với mọi tàn dư phản động.
- Các đồng chí nên nhớ dạy theo đúng sách giáo khoa với giáo án đi kèm chính là một Pháp lệnh. Ai không tuân theo Pháp lệnh là chống đối nhà nước là phản động là bán nước.
Nói xong câu này ông ta còn đưa tay xốc cái thắt lưng quần khiến cho khẩu súng lục cứ bị đẩy lên chìa ra trước mặt mọi người..."
Trong hoàn cảnh ấy, nhà văn cũng nhìn lại chính chân dung mình trong đời sống đã thay đổi đến rùng mình đó. Ví dụ như một trường hợp đang giảng bài trong lớp thì nghe gọi tên mình trên loa phóng thanh lên văn phòng nhận nhu yếu phẩm. Mà nhu yếu phẩm là niềm vui hiếm hoi của thầy cô với đồng lương eo hẹp và cũng là một phần thưởng của chế độ cho công nhân viên chức. Một cô giáo cùng tổ đã mang phần cá được chia vào trong lớp học để trao cho ông một cách thật bình thường. Tự nhiên ông cảm thấy buồn và suy tư:
"Loay hoay với những ý nghĩ trong đầu rồi cuối cùng toi cũng đành phải bước ra nhận xâu cá và cất lên một lời cám ơn cô, nghe rất nhạt nhẽo. Chắc cô cũng đã thấy vẻ mặt khó đăm đăm của tôi lúc đó nên thẩy xâu cá vào lòng bàn tay của tôi xong là cô quay ngoắt đi thẳng không bình luận thêm một lời về công khó của mình nữa.
Khi cô giáo đi khỏi rồi tôi mệt mỏi tay cầm xâu cá chân bước lên bục giảng. Đột nhiên cả lũ học trò cùng phá lên cười, xen vào đó tôi còn nghe thấy cả những tiếng vỗ tay nữa. Tôi đột nhiên biến thành một thứ diễn viên hề đang ra mắt khán giả trên sân khấu. Vào cái giây phút này bài giảng Quang học về Thấu kính chẳng có liên hệ gì tới xâu cá tôi cầm trên tay. Tôi có cảm giác như mình vừa bị đẩy tuột từ vai trò một thầy giáo nghiêm chỉnh xuống vai trò của anh đứng bán xâu cá ngay ở giữa chợ trời! Còn bọn học trò thì chắc chẳng nghĩ ngợi gì xâu xa hay dè bỉu gì về cái chuyện ấy đâu. Chắc chúng nó chỉ thấy vui vui khi thấy ông Thầy đang đứng trên bục mà tay lại cầm xâu cá, một hình ảnh trái khoáy so với dáng vẻ nghiêm chỉnh của thầy mọi ngày. Có lẽ trong cả cuộc đời lấm lem cùng bụi phấn cả Thầy lẫn trò chúng tôi chưa bao giờ lại bị nhập vai trong một pha như thế này trên bục giảng và trong lớp học. Thế rồi " Niềm vui" của lũ học trò bỗng đem lại cho tôi một ý nghĩ bất cần. Tôi chẳng còn ngần ngại hay giữ gìn ý tứ gì nữa. Cầm xâu cá trên tay tôi cũng giơ lên cao cho cả lớp nhìn thấy. Bây giờ thì tôi nhận ra đó là một xâu độ 4,5 con cá bạc má có vẻ còn tươi vì máu cá còn dính đỏ trên sợi lạt buộc. Qua sợi lạt buộc tôi cũng thấy cả gần trăm con mắt của lũ học trò đang đổ dồn vào xâu cá. Một đứa lên tiếng: "Cá còn tươi đó a thầy!" Một đứa khác ngồi ở cái bàn gần xế chỗ tôi đứng cũng lên tiếng: "Xâu cá này đem chiên giòn với mỡ thì phải biết! Hết cỡ!"
Đọc lại những trang sách của "Nhà Giaó Một Thời Nhếch Nhác" tôi như mường tượng lại một thời đã qua với những nét bôi đen lem luốc của lịch sử dân tộc. Đã hơn ba chục năm, và hình như ít nhà văn hay tác giả nào nhắc lại những chuyện thật xảy ra dưới mái trường được gọi là XHCN đó. Nhưng tấn thảm kịch của đất nước phải được nhìn lại để những kinh nghiệm sống như thế sẽ giúp ích cho những đời người sau. Thử tưởng tượng, mấy chục năm sau, những lớp hậu sinh sẽ giở lại những trang sách và họ sẽ hiểu được những nhọc nhằn của một thời kỳ mà tất cả đều phục vụ cho mục tiêu chính trị kể cả giáo dục.
Với những người tạm gọi là chứng nhân của một thời kỳ suy đồi nhất sau năm 1975, khi hồi tưởng lại là những cơn ác mộng. Lúc đó, mọi người trong xã hội phải bắt buộc diễn một vở kịch của giả trá, vẫn phải nói dối trong khi lương tâm dằn vặt vì sự bắt buộc ấy. Sự thực không ai dám nói ra và tất cả hình như ở trong trạng thái lo sợ bị rình rập theo dõi. Chế độ công an trị làm mọi người không ai tin ai, và lúc nào cũng có cảm tưởng có những tên điềm chỉ sẵn sàng báo cáo tất cả những sinh hoạt cá nhân của mình. Ngay cả vấn đề tư tưởng, cũng bị theo dõi, uốn nắn, trừng phạt nếu có những suy tư đi ngược lại khuôn mẫu của chế độ đặt ra. Nền giáo dục của chế độ độc tài như vậy có ảnh hưởng rất lâu dài cho đến tận tương lai sau bởi vì những hệ quả của nó.
Viết một cuốn hồi ký ghi chép lại những sinh hoạt giữa thầy và trò sau tháng 4 năm 1975 dưới mái trường XHCN có thực sự cần thiết không?
Nhà văn Nhật Tiến trả lời thực sự rất cần. Ông viết:
"Bởi nó là cội nguồn cho những sự tróc gốc đạo đức sẽ diễn ra trong xã hội Việt Nam trong nhiều năm sau đó. Khi nền tảng của chính sách giáo dục dựa trên những điều giả trá, những mưu toan ngoài giáo dục, lại được điều hành bởi những đầu óc thiển cận hẹp hòi đầy tự kiêu tự mãn thì thành quả của giáo dục nó sẽ ra sao ai cũng có thể thấy trước. Thấy mà chẳng ai dám nói ra có khi còn góp phần phụ họa làm cho bộ mặt giáo dục ấy càng ngày càng thêm thảm hại mà chứng cớ cụ thể là sự tuột dốc về đạo đức xã hội ngày nay đã hiện ra rõ rành rành. Bởi vì nó đã trổ hoa kết trái và tiết ra nhiều độc tố hơn là hương thơm sau nhiều chục năm được vun trồng.
Bởi chính nó, cái thành quả giáo dục ấy đã tạo nên tình trạng đạo lý suy đồi ở cả trong gia đình lẫn ngoài xã hội ngày nay. Các trang tin tức quốc nội bây giờ đã đăng lên không thiếu gì những câu chuyện khó tin mà có thật với nhan nhản những con người không còn mang tính người. Mấy chữ" mac ke no" tức "mặc kệ nó" nghe tưởng vô thưởng vô phạt nhưng đã hàm chứa một triết lý sống cực kỳ tồi tệ và bi đát của một xã hội vô cảm mà hàng ngàn năm qua ta chưa bao giờ thấy hiện diện một cách lan tràn trên đất nước. Và cũng bởi chính nó tức cái thành quả giáo dục ấy mà những điều kiện an toàn của xã hội đã bị đảo lộn như luật pháp không còn nghiêm minh, tiền bạc mua được công lý chức quyền có thể đổi trắng thay đen, tiếng kêu của dân oan từ nhiều năm qua vẫn còn vang lên từ khắp mọi miền đất nước..."
Và, dù tuổi đã già, và trí nhớ một phần nào giảm sút, nhà văn Nhật Tiến vẫn viết để hoàn thành một tâm nguyện gần như cuối đời là tác phẩm " Nhà Giáo Một Thời Nhếch Nhác" một ghi chép chân thực về một thời đại đặc biệt của dân tộc gửi cho những thế hệ sau...
Nguyễn Mạnh Trinh