"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Montag, 2. April 2012

Ở nơi quê ấy...


Ở nơi quê ấy có những tên "quan" đánh mỗi ván cờ tướng ăn thua nhau tới 5 tỉ đồng, tức khoảng 250,000 đô-la Mỹ. Trong khi đó thì có những người dân nghèo đói, kiếm không ra, xà không thấy, cả nhà phải đi làm nghề bóc vỏ hành và xắt hành cho công ty nhà nước, họ phi lên, đóng hộp, xuất khẩu ra nước ngoài. Làm từ 4 giờ sáng (phải đến sớm mới có chỗ) tới 4-5 giờ chiều tùy theo nhà gần hay xa công ty, mỗi người mỗi ngày vừa bóc vừa xắt được khoảng từ 40 kg tới 60 kg là nhanh nhất. Mỗi ký bây giờ đã được "tăng giá" lên 700 đồng tiền công chứ trước đây giá chỉ 300 đồng rồi 500 đồng. Như vậy mỗi người mỗi ngày làm được từ 28,000 đồng tới 42,000 đồng, tức khoảng từ 1.50 tới 2.10 đô. Nhưng họ sẽ bị mù. Mù nhiều lắm. Có những gia đình có 5 người thì 4 người bị mù. Cơ quan Y tế Thế giới (WHO) cho biết cả huyện, tính cho tới nay có khoảng hơn 7,000 người đã bị mù rồi, còn nhiều người khác đang sắp bị mù. Tuy nhiên, chính quyền cho biết có tới hơn 10,000 người đã bị mù chứ không phải chỉ có hơn 7,000 người, và họ sẽ tiếp tục bị mù nếu còn làm hành. Nghèo quá, không làm thì lấy gì mà sống, dù sống rất cực nhọc.

Cái đất kỳ lạ dưới ấy là trồng cây gì cũng không hạp kể cả lúa, mà chỉ hạp với củ cải và hành. Củ cải to bằng bắp tay, có củ dài tới nửa mét mà ruột vẫn không bị xốp. Người ta nhổ lên, để ngoài đồng cho dốt dốt, đem về ngâm vào nước muối thật mặn rồi phơi khô, kêu là củ cải xá bấu, để dành ăn dần. Củ cải xá bấu ngâm nước cho mềm, xắt khoanh mỏng, nấu canh, ăn chỉ thấy mặn chứ không thấy mùi vị gì cả, và tất nhiên là không có chất bổ. Còn hành, từ bao đời nay Vĩnh Châu vẫn nổi tiếng là hành bóng bẩy, thơm và ngon nhất không nơi nào bằng. Ngày trước, người ta chỉ trồng để bán trong nước nên không có chuyện. Ngày nay, đóng hộp, xuất sang các nước Đông Nam Á nên mới có chuyện. Mùi hành làm cay mắt chỉ là một phần của vấn đề. Cái chính là do chất độc mipcin trộn lẫn với hành cho khỏi bị hư.

Hành bới lên, nếu không trộn mipcin thì chỉ để được khoảng 2 tuần lễ là bắt đầu hư. Nếu trộn mipcin, có thể để được 2 hay 3 tháng. Ngày trước, người ta trộn bằng bột DDT cộng với bột thạch cao và bột đất sét. Người làm hành, nhiều khi cay mắt, quệt tay lên, chính chất này làm họ bị mù. Sau, chính quyền thấy người mù nhiều quá, hơn nữa bột DDT rất độc, ăn vào rất có hại nên cấm dùng DDT. Công ty xuất khẩu bèn đổi sang dùng bột mipcin. Viện Đại học Cần Thơ thí nghiệm, thấy chất mipcin không nhiễm vào trong các tế bào của hành, ăn không có hại, vậy là người ta dùng bột mipcin, cũng trộn với bột thạch cao và bột đất sét, nhưng dân chúng làm hành, quệt tay lên mắt thì vẫn bị mù.

Như vậy, quý bạn đã biết cái quê hương rất nhiều người nghèo đó là huyện Vĩnh Châu, thuộc tỉnh Sóc Trăng.

Sóc Trăng, do tiếng Srok Kh'leang của Khmer mà ra. Srok tức cái "xóm", cái "xứ", cái "cõi". Kh'leang là cái "kho", cái "vựa", "chỗ chứa bạc". Srok Kh'leang là "nơi có kho chứa bạc" của vua Khmer ngày trước, tiếng Việt phiên âm là "Sóc Kha Lang".

Dưới thời Minh Mạng, Sóc Kha Lang được vua ra lệnh đổi thành Nguyệt Giang. Nguyệt Giang có nghĩa là "Sông Trăng" vì ở đây có con sông lớn, rất đẹp (sông Mỹ Thanh).

Trước năm 1975, thị xã Sóc "Trang" được gọi là thị xã Khánh Hưng, còn tỉnh Sóc Trang được gọi là tỉnh Ba Xuyên (xin dừng lầm với An Xuyên là tỉnh Cà Mau). Sau 1975, những tiếng Khánh Hưng, Ba Xuyên bị bỏ đi, nhà "miền Nam học" Vương Hồng Sển (chồng bà Năm Sa Đéc) là người gốc ở Sóc Trang, rất yêu Sóc Trang nên đề nghị lấy lại cái tên Sóc "Trăng" liên quan tới thời Minh Mạng, và từ đấy được gọi là tỉnh Sóc "Trăng". Nay, thị xã Sóc Trăng đã trở thành Thành phố Sóc Trăng, cách Sài Gòn 240 km.

Mới đây, Sóc Trăng nổi tiếng vì có vụ các "quan" đánh cờ tướng với nhau mỗi ván ăn thua tới 5 tỉ đồng tức cỡ 250,000 đô-la Mỹ, trong khi dân chúng thì rất nghèo. Bây giờ xin mời quý bạn xem qua cho biết để so sánh giữa cái giàu của các quan với cái nghèo của người dân như thế nào. Mỗi ván cờ ăn thua 5 tỉ đồng thì đến Công tử Bạc Liêu ngày trước cách đấy 60 km cũng phải chịu thua, mặc dầu về chữ nghĩa các “quan” chỉ mới học tới... bổ túc văn hóa!

I. Vụ các quan đánh cờ ăn thua bạc tỉ

Chiều ngày 22/12/2011, ông Nguyễn Thanh Lèo, phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Sóc Trăng, đến công an trình báo việc bị ông Trần Văn Tân, Giám đốc Trung tâm Sát hạch và Cấp giấy phép lái xe loại 3, thuê người dọa giết và xiết nợ ông với số tiền 22 tỉ đồng. Theo trình bày của ông Lèo, thời gian qua ông và ông Tân đã nhiều lần đánh cờ tướng ăn tiền, mỗi ván từ 1 đến 5 tỉ đồng. Đến khi số nợ lên tới 22 tỉ thì ông chỉ có thể trả ông Tân được 5 tỉ. Đòi nợ không được, ông Tân đã thuê giang hồ đến nhà ông Lèo dọa giết cả gia đình và xiết nợ.

Công an "đặt bẫy", tối 22/12/2011, khi hai người vào quán bi da máy lạnh tiếp tục sát phạt nhau bằng cờ tướng thì họ ập tới bắt quả tang.

Ông Đinh Văn Mười, phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Sóc Trăng, bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi đánh bạc. Chiều cùng ngày, công an đã tiến hành khám xét nơi ở và nơi làm việc của ông Mười.

Kẻ được thuê đòi nợ đã ra đầu thú!

Kẻ được ông Trần Văn Tân thê đòi nợ và đe dọa giết cả nhà ông Lèo là Nguyễn Thanh Hùng (có tên gọi khác là Hùng "cải lương") đã ra đầu thú. Theo tìm hiểu của các phóng viên, Hùng "cải lương" năm nay 50 tuổi, hiện ngụ tại đường Trương Công Định, khóm 4, phường 2, Thành phố Sóc Trăng. Trước đây Hùng làm nghề bốc vác, đã có gia đình, nhưng sau đó bỏ vợ, cặp với một phụ nữ khác là em gái của một nhân vật có thế lực trong giới kinh doanh ở Sóc Trăng, nên cuộc sống có nhiều thay đổi. Hùng giã từ nghề bốc vác, chuyển sang nghề "cho vay nóng" và sau đó trở thành một trùm môi giới cờ bạc tại Sóc Trăng.

Ngoài việc "cho vay nóng" và môi giới cờ bạc, Hùng còn được nhiều người biết đến khi có mối quan hệ xã hội rất rộng, nhất là với các đối tượng có thành tích bất hảo tại Sóc Trăng. Chính vì vậy Hùng đã được ông Trần Văn Tân - Giám đốc Trung tâm Đào tạo Tài xế Lái xe loại 3 - thuê đi đòi nợ ông Lèo.

Khi vụ việc bị đổ bể, Hùng "cải lương" bỏ trốn khỏi địa phương nhưng sau đó đã ra trình diện tại cơ quan điều tra.

Sự giàu có của các "quan"

Ông Nguyễn Thanh Lèo, phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Sóc Trăng được dân chúng Sóc Trăng biết đến do sự giàu có, tiêu tiền như nước của ông ta. Ông cũng "nổi tiếng" về vụ bị gia đình ông Lâm Văn Tú, ngụ tại phường 1, Thành phố Sóc Trăng, kiện cáo đòi lại khu đất mà ông đã chiếm đoạt để xây ngôi biệt thự ở cạnh quốc lộ 1A. Tòa án và tỉnh ủy Sóc Trăng đã ra lệnh cho ông Lèo phải thỏa thuận, trả cho gia đình ông Lâm Văn Tú sở đất ông đã chiếm đoạt để xây ngôi biệt thự hiện tại, nhưng ông không chấp hành, ông Tú cũng không làm gì được.

Trước đây ông Lèo chỉ là bí thư phường 6 Sóc Trăng, không hiểu sao ông lại lên tới phó giám đốc Sở Giao thông vận tải nhanh đến như thế.

Còn ông Trần Văn Tân, "bạn cờ" của ông Nguyễn Thanh Lèo thì theo dân chúng ở Sóc Trăng, vốn là một "đại gia" có tiếng, luôn đi ôtô xịn có giá hàng chục tỉ đồng và là chủ nhiều quán cà phê, quán ăn, quán karaoke lớn ở Sóc Trăng. Trước đây ông là nhân viên của Công ty bia Sóc Trăng, nhưng vì lý do nào đó đã bị cho nghỉ việc. Sau đó, ông xin vào làm trong Trường dạy lái xe thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, rồi được điều về Trường Kỹ thuật và Nghiệp vụ lái xe, chi nhánh Sóc Trăng. Sau hết, ông được chuyển sang làm giám đốc Trung tâm Sát hạch và Cấp giấy phép lái xe hạng 3 cho đến nay. Ông cũng có trang trại nuôi bò, nuôi cá và lò giết mổ gia súc ở phường 5, Sóc Trăng. Nhà hàng Cánh Buồm trên đường Lê Duẩn và tiệm cà phê Cánh Buồm Xanh rất lớn ở đường Nguyễn Văn Linh đều là của ông. Ngoài ra, ông còn đầu tư kinh doanh nhiều mặt hàng khác tại Cần Thơ.

Cùng học bổ túc văn hóa

Theo thông tin trên báo Tuổi Trẻ, ông Lèo và ông Tân đều là học viên bổ túc văn hóa của tỉnh Sóc Trăng và cùng học đến lớp 9. Tuy nhiên sau đó, cả hai đều có những bước tiến về công danh khá ly kỳ.

Vào thời điểm những năm 1990, ông Lèo là cán bộ của huyện Thạnh Trị, sau được về làm trưởng ban điều hành vận tải, Giám đốc Công ty GTVT, trưởng ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng thị xã Sóc Trăng (nay là thành phố Sóc Trăng).

Trong khoảng thời gian này, ông cũng từng đảm nhiệm chức Bí thư Đảng ủy phường 6, thị xã Sóc Trăng, từng ứng cử vào BCH Đảng bộ thị xã liên tiếp trong hai nhiệm kỳ từ 2000-2010 và được đề bạt chức Phó chủ tịch UBND thị xã nhưng không được ủng hộ.

Khi đang làm Bí thư Đảng ủy phường 6 thì ông được cất nhắc lên làm Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Sóc Trăng.

Về ông Tân, cũng báo Tuổi Trẻ cho biết, ban đầu chỉ là tài xế của Sở Thương mại tỉnh Sóc Trăng. Sau đó nhờ cưới được con của một "đại gia", ông ta liên tiếp được cất nhắc lên làm quản đốc nhà máy bia Sài Gòn-Sóc Trăng, làm hiệu phó trường Kỹ thuật nghiệp vụ giao thông vận tải rồi leo lên làm giám đốc Trung tâm đào tạo lái xe loại 3 của tỉnh.


"Vua" chiếm đất

Ông Nguyễn Thanh Lèo hiện đang sở hữu một ngôi biệt thự trị giá hàng chục tỷ đồng cùng khu đất rộng hơn 1,000 mét vuông nằm sát quốc lộ 1A, thuộc phường 2, Thành phố Sóc Trăng.

Tuy nhiên, khu đất gia đình ông Lèo đang ở chính là đất mà ông Lèo đã chiếm đoạt của gia đình ông Lâm Văn Tú trong suốt hơn 20 năm qua.

II. Đồng bào nghèo ở Sóc Trăng

Thưa quý bạn, như phần mở đầu chúng tôi đã trình bầy, Sóc Trăng là một tỉnh không lấy gì làm giàu có cho lắm, ruộng đất ít, không thẳng cánh cò bay như ở Bạc Liêu giáp giới với nó. Đất lại xấu, trồng lúa không tốt. Nhất là huyện Vĩnh Châu, cả huyện có 163,918 nhân khẩu (dân số năm 2011) thì có tới hơn 10,000 người "đã bị mù", còn con số "sắp bị mù" chưa biết rõ là bao nhiêu nhưng được quý vị Việt kiều ở Mỹ, Úc, Canada có lòng từ thiện giúp đỡ, hoặc đóng góp cho họ mổ mắt, hoặc trao quà cho họ, tình trạng cũng đỡ phần nào.

Hôm 26/12/2011, như thông lệ hằng năm, tôi theo anh em trong tuần báo Văn Nghệ bên Úc đi giúp đồng bào nghèo tại các tỉnh, như Rạch Giá, Sóc Trăng, Cần Thơ, Long An, Bảo Lộc...; các trại tâm thần ở Di Linh, Lâm Đồng…; các trại mồ côi ở ngoài Trung rồi sang Biển Hồ Campuchia. Theo tôi thấy, hai nơi mà các đồng bào nghèo khổ của chúng ta đông nhất là ở Biển Hồ Campuchia và tại Vĩnh Châu của tỉnh Sóc Trăng.

Tại sao đồng bào gốc Việt ở Biển Hồ lại nghèo quá mức đến như vậy? Bởi vì như quý bạn đã biết, Biển Hồ là một cái "biển" nước ngọt rất lớn, chiều dài lúc cạn tới 342 km (lớn hơn chiều dài từ Sài Gòn xuống tới Cà Mau); chiều ngang chỗ rộng nhất là 120 km, còn chỗ hẹp nhất là 34 km. Lớn như thế nhưng tới mùa mưa, diện tích tăng gấp 6 lần.

Nước của Biển Hồ Campuchia được cung cấp bởi con sông Mekong, phát nguyên từ cao nguyên Tây Tạng chảy xuống, qua Trung Quốc, qua Miến Điện (Myanmar), qua Thái Lan và Lào, xuống tới Campuchia, chứa vào Biển Hồ rồi theo sông Cửu Long (sông Tiền và sông Hậu) của Việt Nam đổ ra biển.

Những năm trước đây Biển Hồ nhiều cá vô cùng, có thể nói đó là cái "vựa cá", nuôi sống 1/3 dân số Campuchia với 13.5 triệu người (số liệu năm 2009), ấy là chưa kể số cá từ Biển Hồ hay từ sông Mekong đưa xuống sông Tiền và sông Hậu Việt Nam.

Nay thì gần như hết rồi. Bọn bành trướng Trung Quốc dự định xây 14 cái đập thủy điện trên sông Lan Thương, tức thượng nguồn của sông Mekong. Chúng mới xây được 4 đập mà Biển Hồ đã vô cùng cạn kiệt, cá không còn nữa, xe có thể chạy trên mặt đất khô rang mà cách đây 2 hay 3 năm đã từng là đáy hồ.

Năm kia, chúng tôi sang Campuchia, buổi trưa sơ Thu và sơ Vân cho chúng tôi ăn cơm với cá. Năm ngoái, chúng tôi sang Campuchia, các sơ cho ăn cá với thịt heo kho, mua của thuyền Campuchia đi bán dạo. Năm nay, chúng tôi sang, chỉ có thịt heo kho và canh "chạy qua hàng rau" mà thôi. 

Tôi hỏi: "Biển Hồ hết cá rồi hay sao, sơ?"
Sơ trả lời: "Hết rồi, chính quyền Campuchia đang có kế hoạch đưa dân lên sống trên đất liền, người Việt Nam mình chẳng có giấy tờ gì cả, không phải Campuchia mà cũng chẳng phải Việt Nam, không biết lúc đó sẽ làm sao đây".

Sẽ làm sao đây? Không thể biết được. Thôi thì lá lành đùm lá rách, mỗi năm sang Campuchia một lần, đem quà của độc giả qua phát cho đồng bào, coi như giúp họ "sống tạm" ít lâu chứ biết làm thế nào bây giờ?

Còn về đồng bào mù ở huyện Vĩnh Châu tỉnh Sóc Trăng, ngoài những người mù ra, tôi còn thấy có những gia đình thuộc hoàn cảnh rất tội nghiệp. Hình dưới đây là một chị phụ nữ mà chồng bị suy thận ở thời kỳ cuối, không tiền thuốc men, chỉ nằm chờ chết, trong khi đó thì hai đứa con còn nhỏ của chị đều bị tâm thần. Lúc chúng tôi chụp hình, một đứa cứ gào la và liên tục đập tay lên đầu trông rất kỳ lạ. Nếu bất cứ một người mẹ nào gặp hoàn cảnh của chị thì cũng phát điên lên được, chết còn sướng hơn. Cùng trong tấm hình với chị là hai ông bà già và cô con gái của họ, cả ba đều mù. Chúng tôi hỏi, ông bà cho biết nhà có ba người, ông bà mù trước do làm hành, rồi đến cô con gái cũng mù do làm hành. "Bị mù như vậy thì lấy gì mà sống hả bác?". "Ai cho đồng nào thì ráng mà sống chớ biết sao bây giờ...".


Còn nhiều, còn nhiều hoàn cảnh đáng thương khác mà tôi không thể kể hết. Họ sống nhờ vào lòng từ thiện của quý vị độc giả. Theo tôi nghĩ, nếu các ông "quan" ở nơi quê hương nghèo khó đó cũng có tấm lòng từ thiện như quý vị, thay vì đánh cờ tướng mỗi ván ăn thua nhau từ 1.5 tới 5 tỉ đồng để rồi bị bắt, họ bỏ ra 1 triệu đồng là có thể mổ mắt cho một đồng bào của họ thoát khỏi bị mù. Một tỉ đồng tức 1,000 triệu đồng, có thể mổ mắt cho 1,000 bệnh nhân. Năm tỉ đồng tức 5,000 triệu đồng, có thể mổ mắt cho 5,000 bệnh nhân. Cứu cho 5,000 người thoát khỏi bị mù chẳng sướng hơn chơi một ván cờ để rồi bị bắt và bị cách chức, mang tiếng mang tăm hay sao?

Nói vậy thì nói chứ đối với mấy ông "quan", họ chỉ ăn của người khác thôi chứ bỏ ra cho người khác một đồng còn khó hơn con lạc đà chui qua cái lỗ kim.

Tony Nguyen