"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Sonntag, 1. April 2012

Cuộc họp thượng đỉnh của BRICS có thể làm lệch bàn cờ chính trị kinh tế thế giới?



Ngày 29/03 vừa qua, tại New Delhi, thủ đô Ấn độ, đã diễn ra cuộc họp thượng đỉnh 5 quốc gia đang trổi dậy, đại diện cho 40% dân số thế giới, đây là cuộc họp thượng đỉnh lần thứ tư của 5 quốc gia này, với mục đích là tiến tới việc thiết lập một ngân hàng phát triển chung và nhằm biến sức mạnh kinh tế của mình thành sức mạnh chính trị, ngoại giao trên trường quốc tế.

Từ đó có người suy đoán rằng 5 quốc gia với sức mạnh kinh tế đang lên này có thể làm sai lệch bàn cờ quốc tế hiện nay trong lãnh vực kinh tế, chính trị và ngoại giao.

Có phải thế không?

Năm quốc gia BRICS là 5 quốc gia, bắt đầu bằng chữ cái đầu theo tiếng Anh và tiếng Pháp:

Brésil:
Diện tích là 8 547 400km2 ; dân số : 193.823.000 người; thủ đô là Brasilia, trong đó có Rio de Janeiro; tổng sản lượng tính theo giá thật (prix réel) hay khả năng mua bán (pouvoir d’achat) là 2.517,9 tỷ $, sản lượng hàng năm tính theo đầu người và khả năng mua bán là 12.916,9 $ ( Theo Le Monde – Le Bilan du Monde – édition 2012).

Russie:
Diện tích là 17.075.400km2; dân số là 141.800.000 dân; thủ đô là Moscou; tổng sản lượng, tính theo khả năng mua bán: 1.884,9 tỷ $; sản lượng hàng năm tính theo đầu người là 13.235,6 $.

Inde:
Diện tích là 3.287.260km2; thủ đô: New Delhi; dân số; 1.155.142.900 dân; tổng sản lượng tính theo khả năng mua bán: 1.843,4 tỷ $; sản lượng tính theo đầu người: 1.527,3 $.

Chine:
Diện tích: 9.598.050km2; dân số: 1.334.425.000 dân; tổng sản lượng quốc tính theo khả năng mua bán: 6.988,5 tỷ $; sản lượng tính theo đầu người: 5.183,9 $; thủ đô là Bắc kinh.

Sud Afrique:
Diện tích 1 221 040 km2; thủ đô: Prétoria; dân số: 49.523.300 dân; tổng sản lượng tính theo khả năng mua bán: 422,0 tỷ $; sản lượng tính theo đầu người: 8.342,2 $.

Nhìn vào diện tích, dân số và kinh tế của 5 quốc gia trên chúng ta thấy có quốc gia đứng đầu thế giới về diện tích, đó là Nga, sau đó là Trung cộng đứng thứ tư, chỉ sau Canada (9.970.610 km2) và Hoa kỳ (9.629.090 km2); về dân số là có 2 nước đứng đầu thế giới: Trung cộng và Ấn độ; về kinh tế tổng sản lượng của 5 nước là 13.656,7 tỷ $, gần bằng Hoa kỳ (15.000 tỷ), chiếm gần ¼ tổng sản lượng toàn cầu, với dân số chiếm 2.834.714.200 dân, chiếm hơn 1/3 dân số địa cầu với 7 tỷ người.

Đứng về quân sự, trong 5 nước, có nước đứng thứ nhất thứ nhì về thực tế quân sự với số đầu đạn nguyên tử, số tàu ngầm, số chiến sa, vì do đế quốc cộng sản Liên sô trước kia để lại, đó là Nga; nước đứng thứ nhì về ngân sách quốc phòng với hơn 100 tỷ, chỉ thua Hoa kỳ với ngân sách khỏang 600 tỷ.

Từ những con số trên, bảo rằng 5 cường quốc vừa kể không có ảnh hưởng về kinh tế, chính trị, ngoại giao trên trường quốc tế thì không đúng.

Chắc chắn là có, nhất là theo những người thích nghiêng về con số, theo trường phái nghiêng về lượng (quantité), hơn là nghiêng về phẩm (qualité), cho rằng lượng sinh ra phẩm. Bảo rằng trường phái lượng này hoàn toàn sai thì cũng không đúng, nhưng cho rằng hoàn toàn đúng, thì cũng không ổn. Nên xét một cách sâu xa hơn là xét hời hợt, rồi đưa ra những lời tiên tri, để trở thành định luật.

Có ảnh hưởng, nhưng chuyện chính đó là xem ở mức độ nào?
Có phải là tổ chức BRICS có thể làm lệch cán cân quốc tế đương thời hay không?

Thực ra nhìn bề ngoài thì to lớn như vậy, nhưng có nguời cho đó là một anh khổng lồ không có hồn, không có chính trị đồng nhất, chẳng khác nào như Tổ chức Những Quốc gia Không Liên kết vào thập niên 50, 60, 70 bao gồm phần lớn những nước Á Phi, Nam Mỹ thời đó. Nay tổ chức này đã chết vì không có một đường lối chính trị nhất quán, có tính cách thời thượng nhiều hơn.

Năm quốc gia trong BRICS, nói như kiểu Việt Nam, là đồng sàng, dị mộng, ngồi lại với nhau, nhưng trong thâm tâm của mỗi quốc gia đều đặt quan trọng bang giao với Mỹ, ngồi lại để dễ mặc cả với Mỹ. Nếu Mỹ sẵng sàng chấp nhận mặc cả của mình, thì sẵn sàng bỏ 4 nước khác.

Trong đó có thể nói 2 nước lớn là Trung cộng và Nga sô, không nói chi đến Ấn độ, Brésil và Nam Phi, đã có những liên hệ từ lâu và mật thiết với Mỹ. Thêm vào đó, 3 nước chính là Trung Cộng, Nga và Ấn độ, vấn đề tranh chấp biên giới vẫn còn đó, cộng thêm với sự khác biệt về văn hóa, chính trị.

Theo như một nhà bình luận chính trị Ấn độ, thì: «Quan niệm của tổ chức BRICS, đầu tiên là làm thế nào để thế giới độc cực trở thành đa cực.»

Đây là điều tốt, vì cái gì độc cũng là có hại như độc khuynh, độc đảng, độc quyền, vì đó là độc tài, không nghĩ đến người khác, không có đối thoại, không nghĩ đến dân, không nghĩ đến quốc gia khác.

Tuy nhiên bảo tổ chức này có thể tạo ra một đồng tiền tệ để thay thế đồng Đô la Mỹ, và có thể làm lệch bàn cờ thế giới thì con đường còn xa.

Hiện nay đồng đô là Mỹ vẫn là đồng tiền mà những ngân hàng quốc gia thế giới dự trữ nhiều nhất với 70% trữ lượng, 15% trữ lượng đồng Euro và 15% trữ lượng đồng tiền của những nước khác. Ngay cả nước Trung cộng, trữ lượng đồng Đô la Mỹ vẫn cao nhất so với những đồng khác. Để tạo ra một đồng tiền có thể được thế giới dùng nhiều làm phương tiện trao đổi, phải có nhiều điều kiện, phải có một nền kinh tế to lớn, phải có một hạ tầng cơ sở kinh tế trải khắp thế giới. Bằng chứng là đồng Euro, đã được sinh ra từ cả chục năm nay, kinh tế Âu châu, mặc dầu hiện bị khủng khoảng, nhưng vẫn có một nền tảng vững chắc và một ảnh hưởng rộng lớn trên trường quốc tế. Thế mà dự trữ đồng Euro trong những ngân hàng quốc tế mới chỉ bằng 1/5 đồng Đô la. Nói chi đến việc đồng tiền mà tổ chức BRICS mong muốn có chung, nhưng chưa ra đời.

Thêm vào đó tổ chức BRICS còn muốn ảnh hưởng về vấn đề chính trị, ngoại giao như thông cáo cuối cùng của cuộc họp thượng đỉnh, muốn ảnh hưởng đến chính trị hiện nay của Syrie, của Iran và vấn đề nợ của Âu châu.

Đây là ý nguyện, thì không có chi phải nói nhiều, nhưng để trở thành sự thật, để ảnh hưởng chính trị quốc tế, làm lệch cán cân quốc tế, thì con đường còn xa, nếu không muốn nói là khó thành hiện thực, vì 2 nước quan trọng trong BRICS là Trung cộng và Nga sô vẫn bằng cách này hay cách khác đi theo chế độ độc tài, phản lại chiều hướng tiến bộ của văn minh nhân loại là tôn trọng nhân quyền, tôn trọng dân chủ; và đi trái lại chiều hướng tiến bộ của văn minh nhân loại, thì dễ bị tự hủy hoại hơn là lớn mạnh. Nếu tổ  chức BRICS, trong đó có Trung cộng bị nổ  tung, vì  những mâu thuẫn nội bộ, và trong đó Nga sô gặp khó  khăn chính trị quốc nội , như những cuộc biểu tình chống lại cuộc bầu cử tổng thống của Poutin vừa qua (1), thì tương lai, ngay cả là tương lai gần của BRICS, sẽ đi về đâu, nói chi đến tương lai xa là thành lập đồng tiền chung, thành lập cơ chế cho tổ chức, rồi mới có thể nói đến ảnh hưởng rộng lớn.

Paris ngày 30/03/2012
Chu chi Nam