Theo tử vi, số tôi thuộc “thân cư di”(1). Nhưng chắc lúc trẻ
bị tuần, triệt hay sao đó nên cứ quanh quẩn Hà Nội. Hết Trần Hưng Đạo rồi lại
sang Yết Kiêu (2). Bây giờ thì xa hơn tí, dời về Hàng Bài (3). Thi thoảng vào
Sài Gòn hay các tỉnh phía Nam công tác, hội thảo, hội nghị. Đi xa thì cũng kiếm
được tí, vài cái phong bì. Cái nào thấy mong mỏng, nhẹ quá, hay gạo, khô, mắm…
thì lại bồi dưỡng cho tay “cán bộ đường lối”(4), theo hầu mình suốt mấy ngày
đường, cho tí quà cho vợ con hắn mừng.
Ấy thế qua tuổi 50, hình như hết tuần, hết triệt hay sao?
Tôi lại liên tục được chọn mặt gửi tiền, nhờ làm cửu vạn hay sao mà tôi liên
tục được đi xuất ngoại? Ban đầu chỉ được đi các nước bạn như Campuchia, Lào,
sau qua đến các nước từng là bạn như Balan, Đức…và hai năm sau tôi lại được qua
làm việc tại đất nước của thằng đế quốc, "sen đầm" thế giới: nước Mỹ.
Đến một nhà văn quân đội, chính trị, đường lối, chính sách
của Đảng và nhà nước thuộc như cháo mà còn ăn nói linh tinh như thế, tôi tự nhủ
phải cẩn thận và giữ mình. Cũng may trước khi đi, các đại ca gọi lên động viên
và nhờ xách giùm “vài thứ” nhậy cảm và dặn: “chú đi cứ yên tâm, qua đấy có
người nhận và sẽ lo cho chú tất tần tật”. Tính tôi cũng vô tư, mà có cái quái
gì phải lo, chuyện của Đại ca, cũng như chuyện của mình. Mà lạ gì! Ngửi là thấy
mùi Franklin (5) mới cứng rồi!
Đến Mỹ sau mười mấy tiếng bay ngồi ê cả đít, lưng mỏi lại
trái giờ, lần đầu tiên trên xe từ phi trường IAH (6) về sứ quán tôi tít thò lò,
chỉ lơ mơ thấy đường sao rộng và cứ lên đèo xuống núi liên tục. Vừa lơ mơ ngủ
vừa thắc mắc xứ cao bồi Mỹ sao mà thành phố gì mà như ở trên núi?
Ngày hôm sau, sau khi giao những thứ nhậy cảm. Tôi vùi đầu
vào đống hồ sơ, tài liệu, húp mì tôm mang theo vì không quen bơ thừa sữa cặn,
trong suốt mấy ngày liền. Đến cuối tuần, con người nhậy cảm (tôi đặt nick name
cho người nhận những thứ mà các đại ca giao) rủ tôi đi cải thiện tí. Sẳn buồn
lại thèm rượu, tôi ok liền.
Ra khỏi sứ quán, tôi hết ối rồi lại oái, ngỡ ngàng với quá
nhiều thứ, phải nói là khủng khiếp.
- Ấn tượng làm tôi hãi hùng nhất lại là bát phở ăn sáng. Gọi
là bát thì quả là người thích đùa dzai. Phải gọi là cái chậu thì đúng hơn. Nó
to vật vã, nhiều thịt, nhiều bánh, sức tôi chắc no tới chiều.
- Cốc nâu đá thì chỉ có trong các cửa hàng bia hơi hay bia
“đối chứng” trong Sài Gòn mới có. Nó như ly cối uống bia, nhưng không có quai
cầm. Kiểu này là tới sáng mai khỏi ăn sáng!
- Sau chầu ăn sáng, lang thang vào các Mall “sang” như
Maccy’s, cầm theo tấm sớ táo quân mà vợ và các đại ca vợ dặn, lại thêm một lần
giật mình. Vincom Hà Nội… vứt. Các khu shopping ở Orchild road Singgapore chỉ
là muỗi.
- Siêu thị thì thừa mứa, giá cả tương đương VN, chỉ rau là
đắt.
- Cái cảm giác như lên đèo, xuống dốc, trong lúc gật gà gật
gù ngủ gà ngủ vịt trên xe trên đường từ phi trường về, hóa ra là hệ thống đường
vượt, tránh tại các giao lộ trên Freeway. Hệ thống này hàng mấy tầng, đan chéo,
đan xen, nhìn sợ vãi vì… éo mẹ sao mà bọn đế quốc này nó ăn gì mà có thể nghĩ
ra và thiết kế được hay thế! Những entrane, exit (7) được thiết kế thật hợp lý
và khoa học. Vào những đường cua mà “người nhậy cảm” vẫn quất 50 miles, tôi cứ
bám vào xe và sợ, mặc dù đã đeo seatbell. Hắn bảo tôi: “Ông anh cứ yên tâm, bọn kỹ sư Mỹ này, chúng nó làm những đường cua đều
tính toán hết lực ly tâm rồi, bác cứ yên tâm!” Sợ vãi trong quần. Qua trạm
thu phí, xe hắn vẫn chạy thẳng phom phom, không phải ghé trạm để thẩy xu vào (8)
vì trên xe hắn đã mua con chip gì đấy, qua trạm, tự động máy trừ vào tài khoản,
hắn giải thích.
- Đến nhà một gia đình “cơ sở”* để nhậu bữa chiều, ngủ lại
qua đêm, mai em đưa bác đi tham quan tiếp. Chào hỏi, xã giao qua quýt, tôi ra
sân trước hút thuốc, vì biết tôi nghiện thuốc nặng nên chủ nhà đã tắt còi báo
động. Chung quanh khu hắn ở, nhà nào cũng có vườn hoa trước sảnh cửa chính,
được tỉa tót cẩn thận. Lại những quả giật mình đến tròn mắt.
*Đường nội bộ, vắng nhưng những chiếc ô-tô tự động ngừng
trước những bảng hiệu Stop signe(9), ít ra cũng một phút, chẳng camera, chẳng
thấy thằng police nào.
*Chim cu đậu trên mái nhà, chim quái gì; không phải quạ, màu
xám nhảy, chạy tưng tưng trên bải cỏ, trên đường. Nếu ở VN là rôti với nướng
mọi hay nướng ngói ngay.
Uống rượu sân sau, bãi cỏ rộng, hàng rào gỗ cũ, trời nóng,
ngồi trong mái hiên nhà, không dám dzô dzô vì sợ làm phiền hàng xóm dù nhà nào
nhà nấy cách nhau một khoảng sân bên hông cỡ 3m có hàng rào và nhà cửa kính vì
điều hòa chạy suốt ngày, kính làm mất tự do quá!
Trao đổi với tay thổ địa, dĩ nhiên theo thói quen nghiệp vụ,
khai thác đối tượng về những điều ngạc nhiên đến bất ngờ đã được “thực tế khách
quan, sinh động” chứng kiến, thì được nghe:
“Anh xem vậy mà không
phải vậy, tụi Mỹ này là “siêu cộng sản! Ở Mỹ cục thuế còn ghê răng hơn bọn FBI
hay NSA(10)! Trốn thuế còn quá tội phạm quốc gia. Em đi làm, lương 25 USD/giờ
(11) vợ làm cô giáo tiểu học, lương cở 20USD/giờ, nhà trả góp đã được 15 năm (cỡ
450m2 theo đơn vị tính VN, trong đó nhà 250m2, còn lại là vườn, sân trước, sân
sau), tiền thuế sở hữu (12), bảo hiểm y tế, xe … Còn tích lũy lại không bao
nhiêu!“ v.v…và v.v…
Thú thật, tôi tửu lượng hơi bị tốt, sau bao năm chinh chiến,
trải bao đời thủ trưởng, hết cuốc lủi, bia hơi Trúc Bạch… sang hơn thì Jonh đỏ,
Jonh đen, Gold vàng, Chiavas 18, 21, Blue Label, Balintime 17,21,30 năm, rồi
Chivas 25, 35 năm, gần đây là Macquelin 30 năm(13), cỡ một chai vẫn vô tư… Nhưng
nghe tay cơ sở này nói, tự nhiên muốn say, muốn ói ra mật xanh mật vàng!
Mịa, ngẫm mình hàm đại tá, lương tướng hệ số 8.6 quy ra thóc
tất tần tật 14 triệu/tháng. Cafe, thuốc lá, ăn sáng, xăng cộ, hiếu hỷ(14),
nhiều khi không đủ để có cái cho vào mồm, may mà còn có vài “đầu kéo”(15). Vợ
không tức thời thôi nhà nước, ra ngoài bươn chải, ba bố con có nước húp cháo
hoa qua ngày! Lạm phát, giá cả tăng, rồi phí chồng phí, thuế chồng thuế, hết bố
Đinh La Thăng đòi thu phí hạn chế lưu thông sau khi đã áp dụng thu có sơ sơ 8
loại phí và phụ thu trên phương tiện xe mô-tô, ô-tô, rồi lại bố nào đó đòi
nghiên cứu và áp dụng thuế tài sản, vì các nước trên thế giới đều áp dụng từ
đời tám hoánh nào rồi sau khi đã trấn lột thuế đất, thuế “đất phi nông nghiệp”.
Trong khi đó cơ sở hạ tầng ngày càng nát như tương, ổ trâu,
ổ voi, tắc đường, tai nạn xe cộ, số người chết vì tai nạn giao thông còn hơn số
thương vong suốt hơn 20 năm chiến tranh đau lòng của Dân tộc!
Vinashin, EVN, PETR VN, Sông Lô, Sông Đà… lỗ hàng ngàn tỷ…
tiền quá giấy lộn!
Đến lương một ông thứ trưởng bộ Xây dựng dành dụm hơn 40
năm, còn chưa mua nổi một cái nhà dành cho người có thu nhập thấp!
Quyền lợi và nghĩa vụ của người dân VN, không tương xứng.
Khi kêu gọi nghĩa vụ của dân thì viện dẫn mọi lý do, nào là theo thông lệ …
quốc tế của các nước phát triển, thậm chí còn cao hơn gấp nhiều lần. Nhưng khi
đề cập đến quyền và lợi ích hợp lệ của người dân thì câu thường được nghe giải
thích là: “VN là nước có đặc thù riêng,
từ một xuất phát điểm thấp, kinh tế nông nghiệp lạc hậu v.v…, cho nên, bởi vậy,
tại, vì, thì, là…“ Phúc lợi xã hội hầu như bằng không.
Những năm gần đây, Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam đang đẩy
mạnh Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa đất nước, từng bước hội nhập với quốc tế,
học tập các nước tiên tiến, đặc biệt là các chính sách tài chính, thuế khóa của
các nước “siêu cộng sản” nhưng về khía cạnh phúc lợi xã hội của người dân VN,
thì lại ”theo đặc thù riêng của Việt Nam?”
50 tuổi đầu mới biết: Siêu cộng sản chỉ có xách dép cho siêu
lừa, và những thằng bị lừa thì chỉ có nước vừa xin vừa chửi! Cũng giống như dân
làm ăn bị lừa khi tiền mình nhưng trong túi người khác khi bán chịu, bán gối
đầu, vừa năn nỉ để nó trả tiền vừa rủa thầm! Tương tự, tài nguyên, tiền thuế
của dân đóng cho chính phủ VN, nhưng mỗi khi đòi hỏi quyền lợi chính đáng,
người dân VN vừa xin vừa rủa thầm!
Phải sửa lại lời phát biểu của nhà văn quân đội nào đó:
“Xã hội của những nước
Tư bản phát triển ngày hôm nay là ác mộng với Marx!“.
Vì nếu biết đích đến của Tư bản giẩy chết như ngày hôm nay
thì có thằng chó nào theo cho đến tận 25/12/1991(16). Ngoại trừ mấy thằng giả
danh cs còn sót lại cho đến ngày hôm nay.
Như những thằng tự xưng CS Việt Nam chẳng hạn.
Tiên sư nó, biết thì đã
muộn rồi!
Nhưng còn hơn không.
Không có gì là muộn!
Hà Nội 04/04/2012
Oanh Yến Thị Phạm
……………………………
1-Thân cư di: đi xa mới có xìn.
2-Phố Trần Hưng Đạo :nơi có Sở CA TP Hà Nội, Phố Yết Kiêu:
Bộ CA ở số 44.
3- Phố Hàng Bài: Tổng cục 2 Tổng cục An ninh sắp dời về 40
Hàng Bài.
4- Cán bộ đường lối: Tài xế.
5- Franklin: Trên tiền mệnh giá 100 USD, có in hình bố này.
6- Phi
trường IAH:phi trường Houston, Texas.
7- Entrane:
đường vào; Exit: đường ra.
8- Các trạm thu phí của các đường cao tốc Mỹ chỉ lấy tiền
xu, thường thì 1.50 USD, người lái xe vừa mất thì giờ để kiếm xu vừa phải trả
phí cao, nên đa số đều mua thẻ …(quên mẹ nó mất rồi) gắn trên xe.
9- Stop Signe: bảng tín hiệu ngừng trên chiều không ưu tiên
cho cả hai chiều.
10- FBI, khỏi giải thích. NSA: an ninh quốc gia, nội địa,
tương tự Tổng cục 2 An ninh VN.
11- 25 USD/giờ tương đương 4000 USD/tháng.Ở Mỹ luật lao động
quy định làm việc 40 tiếng/tuần. 20 USD/giờ tương đương 3200 USD/tháng. Hich
làm …éo gì lương cao thế, thèm.
12- Thuế sở hữu tài sản, tùy theo Tiểu bang, tùy theo từng
năm theo định giá của Bang về giá trị căn nhà đang ở.
13- Phong trào uống rượu của các Đại ca. Hiện đang thịnh hành
Macquelin 30 năm, giá cở 800-1000USD/chai.
14- Hiếu hỷ: chuyện dzui, chuyện buồn như ma chay, cưới hỏi,
sinh nhật chó, mèo v.v…
15- Đầu kéo: Là những thằng đi trả tiền nhậu cho các đại ca.
16- Ngày Gorbachev tuyên bố giải thể Đảng CS Nga.
*Gia đình cơ sở: giống như nằm vùng trước 1975.