Mẹ Nấm – Vậy là cuối cùng, người ta cũng công bố con số thực sự (cái này mình đọc trên báo thì mình nói thực sự, còn nó thực tới mức nào thì mình không chắc lắm) – đã chi cho đại lễ Ngàn năm Thăng Long.
Hà Nội đã chi gần 266 tỷ đồng cho đại lễ
266.000.000.000(VNĐ) : 19.500 (VNĐ – Tỷ giá $ hiện hành trên VN Express) = 13.641.026$ (Con số đã làm tròn)
(Không biết mình quy ra $ như vậy có đúng không nữa, nhiều con số 0 quá chóng cả mặt).
Theo Phó chủ tịch UBND thành phố Hoàng Mạnh Hiển, dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long, Hà Nội đã chi cho 3 nhóm việc gồm: công tác tuyên truyền các hoạt động văn hoá, lễ tân và quà tặng.
Theo dự toán đầu năm, HĐND thành phố đã xác lập chi cho đại lễ 350 tỷ đồng. Đến thời điểm này, số đã chi là 265,9 tỷ đồng.
Trong đó, các hoạt động tuyên truyền, văn hoá, nghệ thuật và tổ chức đại lễ, dự toán hơn 251 tỷ đồng, thực tế đã chi 250 tỷ đồng, tiết kiệm 1,3 tỷ đồng.
Công tác lễ tân dự kiến là 10 tỷ, thực chi là 7,6 tỷ đồng. Quà tặng cho các đại biểu dự toán là 9,2 tỷ, thực chi 8 tỷ 248 triệu đồng, chênh lệch 952 triệu.
Theo ông Hiển, thành phố luôn quán triệt tinh thần tiết kiệm, chống lãng phí, tránh sai phạm, cụ thể đã cắt giảm các khoản không thiết thực, không hợp lý như chuyển địa điểm tổ chức đêm hội 1000 năm Thăng Long vào tối 10/10 từ Hồ Tây về sân vận động Mỹ Đình; không tổ chức chức liên hoan nghệ thuật quốc tế; cắt tiết mục bắn súng thần công, giảm các mô hình văn hoá thiết kế quanh sân Mỹ Đình…
Việc lựa chọn mẫu biểu tượng quà tặng cho đại biểu cũng được chắt lọc với tinh thần tiết kiệm như tặng biểu tượng logo, sách đã tiết kiệm hàng chục tỷ đồng. (Theo VNExpress)
Vậy hẳn là phải vui mừng, vì còn rất là tiết kiệm đấy nhé các bác.
Tôi không hình dung ra được thế nào là tiết kiệm, là chống lãng phí khi người ta ném tiền vào các công trình mừng đại lễ kém chất lượng, các lễ hội nhạt màu truyền thống, và các buổi trình diễn thiếu tính chuyên nghiệp trong tổ chức và kiểm soát.
Tôi không tưởng tượng ra được, thế nào là truyền thống tự hào dân tộc khi đại lễ qua đi và để lại trong lòng người nghe, người xem, nỗi hân hoan, vui mừng, và cả chán ngán trước tính ồn ào, rực rỡ, màu sắc của lễ hội.
Tôi không tưởng tượng ra được tương lai của một đất nước sẽ như thế nào, khi người ta luôn vồ vập, hồ hởi trước những khoản vay vốn.
Nhưng – tôi biết chắc một điều, nếu có thể biểu lộ cảm xúc của mình – thì những con số trên đây – sẽ khóc cho tương lai của tôi và con cháu mình.