Nam Nguyên, RFA
2011-02-26 * Lạm phát tăng vật giá đã trở thành câu chuyện của mọi người mọi nhà, cơn bão giá đã đẩy lùi những thông tin dồn dập về cách mạng hoa lài từ Trung Đông đang mon men sang Châu Á.
Chóng mặt các bà nội trợ
VnExpress ngày 24/2 trích lời Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nói với bà nhà rằng mọi người phải tính toán cho phù hợp. Ông Kiên đã đáp lời như thế khi nội tướng than phiền bây giờ cầm 100.000 đồng đi chợ chẳng mua được gì. Nhận định của ông Phó chủ tịch Quốc hội rất thẳng thắn: “Bài toán lạm phát giờ đây đã trở thành câu chuyện của mọi gia đình.”
Cũng như phu nhân Phó chủ tịch Quốc hội, một bà nội trợ ở TP.HCM cũng bị bão giá làm cho chóng mặt. Nhận xét của một cư dân bình thường được chúng tôi ghi nhận sau khi giá xăng tăng quá cao so với ước đoán:
“Đang ngồi xem thời sự TV thấy các ông bà ấy nói là tìm đủ mọi biện pháp để kềm giá, nhưng nói là một chuyện còn thực tế xăng mà lên, điện mà lên như thế thì đương nhiên tất cả mọi thứ nó phải lên.
Người dân làm thế nào được bây giờ, không chịu cũng phải chịu. Tâm lý chung ai người ta cũng tặc lưỡi lên thì lên chứ mình làm được cái gì, thay vì ăn năm miếng bây giờ ăn hai, ba miếng thôi. Coi như là cái tâm trạng của sự cam chịu thôi chứ làm thế nào bây giờ.”
Nếu như bão giá ập vào nhà mọi gia đình, thì cũng như Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, ông Nguyễn Văn Thanh Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Vận tải Ô tô đã làm công tác tư tưởng với bà xã:“Lạm phát động đến đầu tiên là các bà nội trợ nhậy cảm nhất, bởi vì nó đến tức khắc, bà vợ tôi thì cũng phải điều chỉnh tiết kiệm hơn mua sắm những gì tối cần thiết thôi.”
Dù đã tiên đoán trước nhưng doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, đại lý và cả người tiêu dùng không thể ngờ được mức tăng giá nhiều đến thế. mỗi lít xăng tăng giá gần 3.000đ thành 19.300đ. Với mức tăng giá này ngành vận tải đường bộ sẽ phải nhanh chóng tăng giá cước, từ xe tải, xe đò, xe buýt cho tới taxi và thậm chí cánh xe ôm.
Từ Hà Nội chiều tối 24/2, ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam phát biểu với chúng tôi là có thể phải tăng giá cước khoảng 10%, nhưng nói chung còn chờ tính toán và làm thủ tục mất vài ngày.
Lạm phát động đến đầu tiên là các bà nội trợ nhậy cảm nhất, bởi vì nó đến tức khắc, bà vợ tôi thì cũng phải điều chỉnh tiết kiệm hơn mua sắm những gì tối cần thiết thôi.
PCT TTHH Vận tải Ô tô Nguyễn Văn Thanh
“Xu thế như vậy thì dù thế nào cũng phải tăng, nhưng xăng tăng tới gần 20% thì cũng là điều bất ngờ. Theo như ông Bộ trưởng Tài chính trả lời phỏng vấn nói là đúng ra xăng dầu phải tăng tới mấy chục phần trăm thì chúng tôi cũng chả hiểu số liệu này ở đâu ra.
Đương nhiên giá cước sẽ phải điều chỉnh vấn đề là sẽ điều chỉnh ở thời điểm nào. Doanh nghiệp không thể vừa tăng giá xăng dầu trong chốc lát là có thể điều chỉnh được giá cước ngay.”
Lạm phát tăng vật giá đã làm chính phủ Việt Nam bối rối, Theo Tuổi Trẻ Online ngày 24/2 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã từ Hà Nội chủ trì hội nghị trực tuyến với 63 địa phương triển khai nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát.
Trong hội nghị, ông Vũ Văn Ninh Bộ trưởng Tài chính biện giải cho quyết định tăng giá xăng dầu và điện trong bối cảnh lạm phát tăng cao. Ông cho biết mức tăng giá xăng dầu vẫn là chưa đi theo giá thị trường thế giới mà chỉ từng bước thực hiện lộ trình.
Theo ông Ninh nếu điều chỉnh theo đúng giá thị trường thì xăng phải tăng giá từ 34%-40% giá hiện hành. Riêng về điện, Bộ trưởng Tài chính ước tính để áp dụng giá theo cơ chế thị trường thì giá điện sẽ phải tăng 62% thay vì 15%. Ngành điện bị lỗ 28.000 tỷ đồng trong năm ngoái và số lỗ này sẽ lên tới 57.000 tỷ đồng nếu tính đến hết năm nay.
Vẫn theo Tuổi Trẻ Online, phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định nhiệm vụ trọng tâm hiện nay của cả nước là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì được sản xuất và an sinh xã hội. Thủ tướng chỉ đạo thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ thận trọng, kiểm soát tăng trưởng tín dụng dưới 20%, ưu tiên tín dụng cho sản xuất nông nghiệp công nghiệp phụ trợ. Người đứng đầu chính phủ Việt Nam lần đầu tiên nói tới nguyên tắc điều hành minh bạch cụ thể. Cùng với việc kiềm chế lạm phát, phải giảm dần lãi suất theo hướng hợp lý, coi lãi suất là một trong những công cụ kiềm chế lạm phát.Một điểm đáng chú ý, để giảm thiểu tình trạng khan hiếm ngoại tệ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo các Tập đoàn Kinh tế, Tổng Công ty Nhà nước dứt khoát phải bán hết số ngoại tệ đang có cho Ngân hàng. Thủ tướng muốn lệnh của ông phải được thi hành ngay sau khi Hội nghị trực tuyến kết thúc. Người đứng đầu chính phủ xác định phải thực hiện được mục tiêu tăng thu từ 7-8%, tiết kiệm chi tiêu 10%, dứt khoát phải giảm bội chi xuống dưới 5%, xem giảm bội chi là giảm cầu giảm lạm phát.
Thắt lưng buộc bụng
Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định, mức giá nông sản tăng cao, đây là thời điểm tốt để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, góp phần cải thiện đời sống nhân dân.
Trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi, ông Nguyễn Trí Ngọc Cục trưởng Cục trồng trọt Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn nhìn nhận là giá vật tư nông nghiệp đầu vào đang tăng theo tỷ giá tiền đồng và đô la Mỹ, cũng như mặt bằng giá hàng hóa trên thế giới. Tuy vậy Ông Nguyễn Trí Ngọc nhận định là chính phủ chỉ đạo bảo đảm lợi nhuận cho nông dân trồng lúa.
...tôi nói với vợ con phải ráng thắt lưng buộc bụng tiết kiệm được phần nào thì nên tiết kiệm chứ bây giờ không phải như hồi xưa muốn mua gì mua, ...Một nông dân ĐBSCL
“Hiện nay lúa của đồng bằng sông Cửu Long chúng tôi đang thu hoạch. Giá lúa 5.500đ tới 6.000đ/kg với giá đầu vào hiện nay thì người nông dân cũng có lợi nhuận 30% so với giá thành sản xuất.”
Chúng tôi hỏi chuyện một nông dân đồng bằng sông Cửu Long về sự kiện giá lúa cao, giá cá tra cũng tăng, tương ứng giá thành sản xuất, như vậy có thể xem là nước lên thuyền lên hay không. Người nông dân lập tức biểu lộ thái độ bất bình:
“Nhà nước mình nói thì hay lắm, mấy ổng chưa đi xuống tới vùng sâu vùng xa, thực tế dân bây giờ khổ lắm. Lúa bây giờ bán 5.700đ-5,800đ/ kg thì đâu có lời bao nhiêu so với giá phân lên quá trời.
Đối với nông dân tất cả mọi mặt hàng đều lên giá hết, tôi nói với vợ con phải ráng thắt lưng buộc bụng tiết kiệm được phần nào thì nên tiết kiệm chứ bây giờ không phải như hồi xưa muốn mua gì mua, đi chợ lấy 500 ngàn hết tiền mà chưa đầy giỏ.”
Trên các báo mạng mà chúng tôi xem được, trong hội nghị trực tuyến 24/2 không thấy Thủ tướng Việt Nam kêu gọi nhân dân tiết kiệm thắt lưng buộc bụng để tồn tại với lạm phát tăng vật giá. Có lẽ ông Nguyễn Tấn Dũng là người đứng đầu chính phủ đầy may mắn vì nhân dân của ông, đều đã tự thắt lưng buộc bụng với sức chịu đựng phi thường.Việt Nam là một quốc gia với những bối cảnh đầy mâu thuẫn, được đánh giá cao về bảo đảm an ninh lương thực, sớm vượt qua khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nhưng các chuyên gia thì lại nhíu mày vì như phát biểu của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên trên VnExpress: “Chính phủ để chỉ số vật giá, lạm phát tăng gần gấp đôi tăng trưởng kinh tế là một thách thức trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ mục tiêu của năm 2011.”