"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Dienstag, 12. Oktober 2010

Khi ông Trần Thiện Khiêm trở lại với cộng đồng!

Vũ Ánh/Việt Herald
(10/08/2010)

Hồi còn nằm trong tù Cộng sản, anh em chúng tôi thường an ủi và khuyến khích nhau giữ vững tinh thần bằng những “hot news”, một thứ Anh ngữ tự chế để chỉ những tin tức nóng bỏng thẩm lậu từ ngoài vào trại qua con đường thân nhân thăm nuôi. Ở trong nghề, tôi hiểu những tin tức do những bạn tù với tôi đem vào trại sau những lần thăm gặp gia đình là những tin vô căn cứ, nhiều khi buồn cười vì mang nhiều tính khôi hài, do chính các bạn tôi “chế”ra, hoặc do chính thân nhân cũng chỉ nghe tin đồn đại thôi, nhưng vẫn nói cho người thân của mình biết để nuôi hy vọng hầu giúp họ vượt qua những hoàn cảnh khốn khó trong chốn lưu đầy.

Trong giai đoạn đầu, tôi nghiệm ra một điều. Ðó là hầu hết những tin tức đưa vào trại đều hướng vào những tin tức liên quan đến việc “trở về kháng chiến trong rừng sâu” của những ông như Nguyễn Cao Kỳ, Ngô Quang Trưởng, Dư Quốc Ðống, Bùi Thế Lân, Cao Văn Viên. Nào là ông Kỳ “râu” về Thái Lan và từ Thái Lan đã xâm nhập vùng U Minh Hạ lập căn cứ kháng chiến, nào là tướng Ngô Quang Trưởng về Rừng Lá Bình Tuy rải truyền đơn kêu gọi thanh niên gia nhập lực lượng Phục Việt, nào là tướng Dư Quốc Ðống được Mỹ hỗ trợ trở về thành lập sư đoàn nhảy dù Ðông Dương, nào là báo chí ngoại quốc đã chụp được hình tướng Bùi Thế Lân tại Bảy Núi Châu Ðốc vân vân và vân vân.

Tuy thế, có một điểm khá lạ là trong những “hot news”, các anh em bạn tù của tôi không bao giờ nhắc tới hai tướng lãnh, một là tướng Nguyễn Văn Thiệu và hai là Tướng Trần Thiện Khiêm. Có lẽ anh em tù cải tạo chúng tôi phần lớn là quân nhân và công chức nên vẫn còn lòng hờn giận nhà lãnh đạo hàng đầu của VNCH đã không giữ đúng cam kết ở lại chiến đấu bên cạnh quân đội mà bỏ đi không kèn không trống cho nên họ không còn kỳ vọng gì vào ông ấy nữa, nên cũng chẳng buồn chế ra trong tin. Còn Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm thì khỏi nói. Ông “thủ khẩu như bình” nổi tiếng trong hàng ngũ các thủ tướng của VNCH cho nên nhiệm kỳ thủ tướng của ông kéo dài từ 1969 đến 1975, và nếu không có biến cố 30 tháng 4-1975 và ông Thiệu không từ chức thì có lẽ ông Khiêm còn ngồi lâu hơn nữa.
Tướng Khiêm làm thủ tướng nhưng chưa bao giờ ông mở miệng có ý kiến về những dự luật được thảo luận ở Quốc Hội, chưa bao giờ lên tiếng hay đề nghị những phương thức chấm dứt nạn tham nhũng, nạn mua quan bán tước, chưa bao giờ tự mình đứng ra trả đũa những lời chỉ trích của phe đối lập. Hàng năm ông xuất hiện trên hệ thống truyền hình của chính phủ THVN-9 một lần để đọc thông điệp chúc tết đồng bào với nội dung vô thưởng vô phạt. Rồi thôi, rồi bắt vô âm tín. Ngoài ra, Tướng Trần Thiện Khiêm còn là một thủ tướng ít đi kinh lý hay thăm dân cho biết sự tình nhất. Vì thế, trong tù nếu có ai trong chúng tôi thắc mắc: “Không biết bây giờ ông Khiêm ở đâu ha?” sẽ bị kê tủ đứng ngay: “Mẹ kiếp, giờ này chắc người đang ôm vợ ở đâu trên đất cờ hoa, chúng mày còn trông mong gì ở cái anh ngậm miệng ăn tiền muôn năm ấy chứ!”.

Thế rồi thời gian từ 1989 đến 1992 là thời gian được thêm một tí tự do hơn ở cái nhà tù lớn hơn là Saigon, lũ chúng tôi sống nhếch nhác với nghề lao động chân tay kiếm sống. Tưởng không khí “hot news” sẽ qua đi, nhưng không, “hot news” còn bạo hơn và còn nhiều tin thú vị hơn. Công viên trước trụ sở Bộ Ngoại Giao cũ lúc nào cũng đông ngạt nguồn tin. Bọn tôi không thường xuyên đứng ngóng tin được ở công viên đó được, chỉ thỉnh thoảng ghé qua, nhưng mỗi lần ghé chiếc xích lô để đổ khách hàng đến Sở Ngoại Vụ tiện thể tạt qua đây là tôi có thể ôm một lô những bản tin “lèo” về nhà coi chơi. Tin nóng vào giai đoạn này là tin về chương trình H.O và số phận những người Việt Nam tị nạn ở các trại Ðông Nam Á và Hong Kong. Hồi đó anh em chúng tôi biết bà Nguyễn Văn Thơ, ông mục sư Nguyễn Xuân Bảo nhiều hơn là cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu hay cựu Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm.

Rồi cũng đến ngày sang định cư ở Hoa Kỳ, vùng đất tự do và dân chủ nhưng cũng là nơi phơi bầy tất cả sự thật về những nhà lãnh đạo hàng đầu của VNCH nhanh chân chạy sang đây trước. Sang định cư đúng lúc xảy ra một vụ kiện cáo của Mặt Trận Hoàng Cơ Minh ở San Jose, rồi nghe bạn bè kể lại hoạt động của mặt trận này, hoạt động của ông Thiệu, một số các ông tướng trung tâm của những “hot news” khi còn ở trong trại giam Cộng sản, tôi đâm ra hoài nghi sự thông minh của mình. Ngồi gặm những chiếc hamburger đầu tiên trên đất Mỹ, lòng tôi nặng trĩu lo âu không biết làm sao kiếm được công việc làm khi bắt đầu làm lại cuộc đời từ tuổi 51 và nghe các bạn bè nói đến chuyện đi tìm lãnh tụ với giọng khinh bạc: “Mẹ kiếp, lo kiếm chân bus boy, rồi sau đó tìm cách đi học lại đi con. Bọn mình đã tiêu phí quá nửa đời chỉ vì nghe lệnh mấy anh lãnh tụ này rồi. Sau khi chạy trước sang đây, họ chuyển sang người nhái tuốt luốt”. Tôi còn ngây thơ: “Già như vậy còn nhái nhiếc gì nữa?”. Một thằng cười hộc lên: “Nhái tức là lặn kỹ đó thằng ông nội này. Tù cộng sản lâu thế mà đ... vỡ ra được!

Thế rồi thời gian thấm thoát qua đi. Và phải đợi đến khi thế hệ chúng tôi có cháu nội, ngoại đầy đàn rồi mấy ông thợ lặn hàng đầu của VNCH mới xuất hiện gọi là “đến với cộng đồng” nhân cơ hội có một vài nhà hoạt động cộng đồng này vẫn chưa dứt được cái bệnh “thích tìm lãnh tụ xưa để suy tôn”. Hết lễ giỗ Ngô Ðình Diệm lại đến lễ giỗ Nguyễn Văn Thiệu. Mà ông nào cũng có người thương người ghét, ông nào cũng để lại nhiều nạn nhân, ít ân sủng. Vì thế mà cộng đồng cứ rối tinh rối mù, phe phái ngày càng nhiều, rạn nứt khắp nơi, khắp chốn. Gần đây, không biết lý do nào thúc đẩy mà mấy ông trong Tập Thể Chiến Sĩ lại đưa ông tướng 4 sao “thủ khẩu như bình” Trần Thiện Khiêm ra làm cái dù cho một hội đoàn cựu quân nhân được coi như quan trọng vào bậc nhất ở hải ngoại. Cái tập thể của những người từng mặc áo lính này lúc đầu đưa ông Tướng Lê Minh Ðảo ra thì còn tạo được niềm hy vọng, vì dù muốn dù không ông Ðảo cũng là một vị tướng đánh trận đánh cuối cùng rất ngoạn mục và nổi tiếng thế giới trước 30 tháng 4 năm 1975. Ông cũng là vị tướng đương quyền vào lúc ấy không bỏ chạy trước địch quân và bằng lòng chung số phận thất trận rồi bị tù đầy rất lâu cùng với những sĩ quan và binh sĩ VNCH. Rồi đến tiến sĩ Nguyễn Xuân Vinh, hoạt động được vài năm thì cũng “cháy” luôn. Ðến nay tập thể chiến sĩ lại đưa một khuôn mặt xa lạ với cộng đồng với các hội đoàn quân đội ở đây là Tướng Trần Thiện Khiêm ra làm “bùa hộ mạng” thì đúng như nhận định của nhiều người “quả là hết thuốc chữa”. Bệnh đi tìm lãnh tụ của một số các ông cựu binh đã trở thành ngày càng nặng, không còn hy vọng gì chữa khỏi nữa khi cố tình đưa ông thủ tướng “ngậm miệng ăn tiền” ra làm mẫu mực lãnh tụ.

Có thể là vì không quen “ánh đèn sân khấu chính trị” ở quận Cam, hoặc vì xa rời đồng hương đến 35 năm rồi, nên Tướng Khiêm có vẻ “lạng quạng” ngay khi ông nói rằng ông nhờ ông Phan Tấn Ngưu tổ chức bữa cơm cho ông gặp mặt anh em cựu chiến sĩ VNCH để cám ơn họ đã chiến đấu để bảo vệ đất nước. Lập tức những lời lẽ của ông Trần Thiện Khiêm đã bị phản ứng ngay từ phía những người có thể là đồng đội với ông trước đây. Phản ứng ấy không có gì khó hiểu hay khó giải thích. Cách ông Khiêm đến với họ làm sự giận dữ trong lòng họ lại bùng lên. Lý do: từ ngày 25 tháng 4 năm 1975 tới nay, nghĩa là từ ngày gia đình ông và gia đình ông Thiệu lên chiếc C-118 rời khỏi Việt Nam giữa lúc đất nước nghiêng ngửa tới tháng 9 năm 2010, ông chưa nói một lời nào gọi là chia sẻ những nỗi đau và những nỗi nhục mà các đồng đội của ông phải nhận lãnh sau ngày Miền Nam Việt Nam sụp đổ, chưa từng một lời an ủi các đồng đội của ông đang giam thân trong các nhà tù trên khắp lãnh thổ Việt Nam nhân chiến dịch nhân quyền mà Tổng Thống Ronald Reagan mở ra năm 1982, chưa một lần nào ông lên tiếng ái ngại, an ủi những người vợ lính có chồng, con đang bị trả thù trong chốn lưu đầy, chưa một lần ông lên tiếng hay có hành động trợ giúp, hoặc đến thăm những đồng hương tỵ nạn trên các đảo tỵ nạn ở Ðông Nam Á, Hồng Kông, chưa một lần nào ông quan tâm đến những đồng hương khi họ chân ướt chân ráo đến nước Mỹ, chưa một lần nào ông bỏ ra một vài chục đô la để gởi đến các thương phế binh VNCH còn kẹt tại quê nhà... Nghĩa là chạy sang được Ðài Loan, Anh rồi tới Mỹ, chưa một ngày nào ông cũng như ông Thiệu tỏ ra quan tâm chứ đừng nói gì đến sự giúp đỡ đồng hương và đồng đội của ông tại nước Mỹ cũng như ở Việt Nam. Làm lãnh đạo mà như thế thì ngày nay không trách được có những người viết trên e-mail, trên các trang mạng gọi ông Khiêm là cái “thây ma” đã rữa thối.

Cá nhân, cũng như rất nhiều bạn tù với tôi không hề giận dữ tướng Khiêm, nhưng chúng tôi cho rằng ông Khiêm không xứng đáng làm tướng, và càng không xứng đáng ngồi vào ghế lãnh đạo. Chúng tôi cũng thừa biết ông mang những 4 sao, ngồi vào ghế “thừa tướng” thời đại cũng chỉ do phe cánh và người Mỹ đặt vào. Có điều chúng tôi rất ngạc nhiên, là với thành phần lãnh đạo chóp bu như thế mà mãi 30 tháng 4, 1975 Miền Nam Việt Nam mới rơi vào tay Cộng sản thì cũng là điều lạ. Nhưng suy đi nghĩ lại thì mới ngộ ra được rằng sỡ dĩ thượng tầng của VNCH thối nát, thiếu sáng suốt, dựa dẫm, phe phái mà VNCH vẫn đứng vững được cho tới hết tháng Tư năm 1975 được là nhờ sức chiến đấu, tinh thần, nhiệt tình và xương máu của quân đội VNCH. Nhưng nghĩ được như thế lòng lại đau thắt như có ai cắt từng đoạn. Hóa ra, một số các nhà lãnh đạo chóp bu của VNCH chỉ biết thổi kèn thúc quân và chúng tôi lao vào trận, đến khi nhìn lại để mong nhờ họ trợ giúp tinh thần giữa lúc đất nước nghiêng ngửa thì đã thấy các ông ấy lên máy bay rời khỏi Việt Nam mất hút! Than ôi!

Nhưng nghĩ cho cùng, thôi thì 35 năm đã trôi qua. Cộng đồng đã nếm trải nhiều cay đắng và phũ phàng vì sự thật diễn ra trước mắt. Ðất nước đã mất, cộng đồng đã nát tan vì chia rẽ, vì những trò múa rối chính trị, vì những mưu độc của Cộng sản, vì những tiếp tay của những kẻ lợi dụng chiêu bài chống Cộng để gây rối trong cộng đồng. Bây giờ, dù có chỉ trích cách mấy thì những tấn tuồng nói trên cũng sẽ lại tái diễn. Vấn đề của chúng ta ngày nay là bằng mọi giá hãy để những ông lãnh tụ trước đây của VNCH nằm yên trong những kho chứa. Bởi vì khi những “mummy” này được khóa vào đúng vị trí của nó và không ai có thể đem ra trưng bày được, thì sẽ không còn những tranh cãi trong cộng đồng nữa. Lúc ấy có hy vọng cộng đồng được sống bình yên và đồng hương có thể nắm tay nhau để chỉ hướng vào mục tiêu duy nhất: chống Cộng. (V.A.