Rất nhiều bạn trẻ ở cả thành thị lẫn nông thôn ở Việt Nam nói họ không biết gì và không cần quan tâm đến kỳ cuộc bầu cử Quốc hội và những ứng cử viên cho ghế Đại biểu Quốc hội khóa 12 vào tháng 5 tới.
Trong tháng 3 này, trong nước đang có hàng loạt hoạt động chào mừng 80 ngày thành lập (26/3/1931- 26/3/2011) của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Đây là tổ chức kế cận, "cánh tay phải" của Đảng Cộng sản trong thang bậc quyền lực và lãnh đạo thanh niên về lý tưởng chính trị.
Rất nhiều lãnh đạo Việt Nam, như các ông Vũ Mão, Hồ Đức Việt, Vũ Trọng Kim, Hoàng Bình Quân từng là cựu Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản.
Đương kim Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng từng là bí thư Bấm Trung ương Đoàn và hàng trăm cán bộ cao cấp khác của Việt Nam cũng từng là cán bộ của Đoàn chuyển sang.
Đoàn hay bao xi-măng?
Mặc dù ở Việt Nam có tới hơn 7 triệu Đoàn viên, chiếm tới gần 70% số thanh niên (thống kê năm 2010), và con số này không ngừng tăng lên, các sự kiện chào mừng trên cũng không làm các bạn trẻ hào hứng.
Từng gắn bó với TƯ Đoàn và tổ chức Đoàn cơ sở, nhiều cán bộ Đoàn cho hay: "Hoạt động không thiết thực, không tạo quyền lợi và đảm bảo quyền lợi đến thanh niên nên các bạn trẻ coi Đoàn như một tổ chức tham gia cho vui."
"Ở rất nhiều cơ sở, Đoàn viên không biết cán bộ phụ trách mình là ai. Đừng nói đến lãnh đạo TƯ Đoàn là ai."
Đoàn chẳng là gì so với hai 'cuốc' bốc xi -măng với thật nặng với tiền công 300 ngàn. Một thanh niên
Tiến, một sinh viên Đại học ở Hà Nội, còn nói:
"Chúng tôi cần việc làm sau khi ra trường với lương khoảng 5 triệu đồng một tháng. Muốn có một chỗ ở tốt để không phải thuê nhà trọ, chứ không để ý đến các phong trào Đoàn."
Ở nông thôn, quan điểm của giới trẻ cũng tương tự.
"Có việc làm là vui", Tuấn, một lao động nhập cư nhìn về phía một buổi văn nghệ dành cho thanh niên ở chân cầu vượt Cầu Giấy nói.
Tuấn đang chờ người ta đến gọi đi làm.
Về chuyện vào Đoàn, Tuấn tếu táo: "Hình như có vào. Nhưng vào bao giờ không nhớ. Cửu vạn chuyên nghiệp không cần biết hay nhớ nhiều thứ như thế."
Tuấn, 23 tuổi, quê Hiệp Hòa cũng nói chưa bao giờ thấy cán bộ Đoàn nào nói sẽ tạo việc làm cho mình nên "Đoàn chẳng là gì so với hai 'cuốc' bốc xi -măng thật nặng với tiền công 300 ngàn".
Đại hội Đảng CS Việt Nam khóa XI vào mới diễn ra vào tháng 1/2011.
Nhưng chứng kiến nhiều kì bầu cử Quốc hội trước, tại điểm bỏ phiếu, tôi thấy các bạn trẻ không mảy may xem xét các ứng cử viên là ai, họ như thế nào, quan điểm tranh cử của họ là gì.
Thiếu không gian dân chủ
Phải khó khăn lắm tôi mới chứng kiến được hai cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm phạm Hoàng Sa và Trường Sa của giới trẻ Việt Nam. Một là vào tháng tháng 12/2007 ở cả Hà Nội và TP HCM, hai là mới đây ngày 9/10/2010 tại vườn hoa Lý Thái Tổ, Hà Nội.
Lần đầu với hàng ngàn bạn trẻ tụ tập ở nhà văn hóa Thanh niên TP HCM và trước cửa Đại sứ quán TQ tại Hà Nội đã thật sự làm cho dư luận Việt Nam vốn “yên ổn” bỗng dưng như được tiếp lửa.
Giới trẻ Việt Nam còn kêu gọi mỗi thanh niên nhịn ăn sáng góp tiền cho quân đội mua tàu chiến hiện đại chống hành động xâm lăng của Trung Quốc. Nhiều trang diễn đàn được đông đảo giới trẻ Việt Nam thể hiện quyết tâm của mình.
Tuy nhiên cả hai cuộc biểu tình hiếm hoi mà giới trẻ Việt Nam bày tỏ thái độ chính trị với Đảng cộng sản về vận mệnh đất nước nhanh chóng bị dập tắt. Tại Hà Nội và TP HCM, nhiều bạn trẻ tham dự biểu tình bị kỉ luật nặng nề. Trong đó có một số SV bị đuổi học.
Nhiều bạn trẻ bức xúc trước việc này nhưng đành nín thinh.
Mới đây, Nguyễn Tiến Trung, sinh năm 1983, một thanh niên cấp tiến hoạt động cho phong trào dân chủ của Đảng Dân chủ Việt Nam bị bắt và kết án 7 năm tù và 3 năm quản thúc.
Nguyễn Tiến Trung bị buộc tội "hoạt động để lật đổ chính quyền nhân dân".
Vụ án Nguyễn Tiến Trung cũng không được giới trẻ Việt Nam biết đến nhiều.
Trừ một số bạn trẻ hiểu biết do có thông tin còn đa số cho rằng Trung là "kẻ phản động", như cụm từ được Nhà nước Việt Nam sử dụng cho bất kì ai có ý tưởng nào chống lại sự lãnh đạo độc quyền của Đảng Cộng sản.
Vì thế nên cũng không có nhiều thanh niên dám làm những việc tương tự như Nguyễn Tiến Trung.
Những buổi sinh hoạt chính trị của Đoàn Thanh niên tổ chức đều rất hình thức.
Các vấn đề của tổ chức và vấn đề của đất nước bị biến thành những buổi văn nghệ "vui là chính", theo kiểu "cờ đèn kèn trống" bấy lâu nay.
Nhiều người từng hoạt động cách mạng trước và sau năm 1945 cho rằng đó quả thực là điều đáng sợ đối với tương lai lâu dài của Việt Nam.
"Điều ấy chỉ là một cơ sở cho thấy thanh niên Việt Nam hiện nay thua xa thế hệ chúng tôi về thái độ chính trị và vận mệnh dân tộc, " một cán bộ lão thành cách mạng 83 tuổi có 60 năm tuổi Đảng sống tại Nam Định so sánh.
Ông kết luận: "Điều nguy hiểm hơn là ngay cả những trí thức trẻ cũng như vậy".