"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Dienstag, 22. März 2011

Khi đảng thực thi 'luật rừng' với 2 nữ sinh vị thành niên

image
Hình minh họa (internet)

Bùi Tín

Vụ án Hà Giang vừa được xử phúc thẩm ngày 10-3-2011. Các em Nguyễn Thúy Hằng và Nguyễn Thị Thanh Thúy đã được tự do trở về gia đình. Các báo trong nước như Thanh niên, Luật pháp đưa tin với nhận định: «Luật pháp đã được thực thi», «Hai nữ sinh Hằng và Thúy đã được tự do».

Sự thật là thế nào? Có thật pháp luật, công bằng đã được thực thi không? Đã có thể khép lại hồ sơ của vụ án không? Xã hội nước ta đều vui mừng, thỏa mãn, nhẹ nhõm trước kết luận của phiên tòa phúc thẩm ở Hà Giang ngày 10-3-2011 chăng?

Không, hoàn toàn không phải vậy!

Ngay ngày 11-3, các đài phát thanh VOA, RFA, RFI…đã chỉ ra những điều không bình thường của phiên tòa. Tại sao lại xử kín, không cho báo trong nước và báo nước ngoài tham dự, không cho cả người thân trong gia đình - mẹ của 2 em Hằng và Thúy, vào dự? Tại sao không cho luật sư bảo vệ các em? Tại sao không cho phép luật sư Trần Đình Triển tham dự khi ông tình nguyện biện hộ miễn phí cho các em? Cuối cùng luật sư xin vào dự chỉ để tìm hiểu về vụ án, cũng bị từ chối với một lý do rất vớ vẩn: «Hôm nay tòa không làm việc».

Dân báo online là báo trong nước đưa tin kịp thời và đầy đủ về vụ án này. Báo này cho biết phiên tòa phúc thẩm Hà Giang đã tạo nên nhiều bức xúc nghiêm trọng trong xã hội. Phiên tòa tuy trả tự do cho 2 em Hằng và Thúy nhưng lại tạo nên nhiều câu hỏi mới, tạo nên nhiều vấn đề mới mà ngành tòa án, hệ thống tư pháp, Uỷ ban Kiểm tra trung ương đảng, Ban bí thư trung ương đảng phải giải đáp.

Luật sư Trần Đình Triển là một luật sư có tâm và có tầm, được dư luận quý mến, tin cậy. Chính luật sư Triển đã có công phá án tại phiên tòa phúc thẩm ngày 27-1-2010, buộc chánh án phải tuyên bố hủy bỏ bản án sơ thẩm tháng 11-2009 để điều tra lại từ đầu. Luật sư Triển đã tố cáo trước tòa những việc làm phạm luật của ngành công an Hà Giang, như bắt các em ký tên khống trên giấy trắng rồi tùy tiện điền vào sau, buộc các em viết giấy từ chối luật sư bào chữa cho mình. Giữa phiên tòa luật sư Triển công khai báo tin là có đến 16 quan đầu tỉnh - chủ tịch tỉnh, cán bộ trong tỉnh ủy, sở công an, ban tuyên giáo, ngành hải quan, ngành ngân hàng tỉnh - đã có quan hệ tình dục cưỡng bức các em, cho các em số điện thoại riêng của mình, số xe hơi của mình để tiện việc đưa đón các em, danh sách này đã được báo Tuổi Trẻ gọi là danh sách đen các nhân vật VIP.

Do sức ép của công luận, ngày 5-7-2010 Ủy ban kiểm tra trung ương đảng ra thông báo công khai cho biết về những sai phạm ngiêm trọng của Chủ tịch tỉnh Nguyễn Trường Tô, đã bị cách cả 3 chức (phó bí thư tỉnh ủy, Trưởng ban cán sự đảng, Chủ tịch tỉnh); về sự bênh che của bí thư tỉnh ủy, ủy viên trung ương đảng Hoàng Minh Nhất và của thiếu tướng giám đốc công an tỉnh Nguyễn Binh Vận, yêu cầu 2 ông này kiểm điểm, hứa hẹn danh sách đen sẽ được làm rõ. Sau đó, mọi sự lại im lìm, khó hiểu, nhùng nhằng kéo dài, chờ cho qua Đại hội XI.

Nay Đại hội XI đã xong, tình hình có vẻ yên ổn, lãnh đạo đảng cho rằng sẽ có thể trở lại như cũ, nghĩa là thực hiện chế độ đảng trị, xử án theo ý mình, theo lợi ích riêng của đảng, bất chấp công bằng, bất chấp các điều khoản của Bộ luật tố tụng hình sự, nghĩa là theo «luật rừng».

Dưới đây là những biểu hiện của «luật rừng» rõ rệt nhất:

Tên gọi của vụ án vẫn cứ gọi là «vụ án mua bán dâm của vị thành niên». Không có gì sai hơn là tên gọi này. Có thể khẳng định nếu không có tên hiệu trưởng ma cô Sầm Đức Xương đứng ra bịp bợm, dọa dẫm, mua chuộc các em, rằng: «không nghe theo, không ngoan ngoãn vâng lời các quan chức thì dù học giỏi cũng không được lên lớp, cũng không được đỗ khi thi, còn bị điểm hạnh kiểm xấu», thì không có vụ án này. Bọn nhóm quan đầu tỉnh tham nhũng hoang dâm đầu sỏ của vụ án nghĩ ra mưu dùng tên hiệu trưởng đầy thú tính làm tay sai đắc lực. Tên hiệu trưởng này hiểu rõ tâm lý các em là rất sợ bị điểm đạo đức xấu, rất sợ bị điểm thấp, rất sợ thi không đỗ, không được lên lớp, sẽ bị gia đình rầy la, nên lợi dụng nỗi lo sợ ấy, biến các em thành những kẻ nô lệ tình dục.

Nên nhớ rằng những kẻ hoang dâm vô độ này đã đày đọa các em từ năm 2005, cho đến năm 2009 mới bị phát hiện. Cũng xin nhớ rằng năm 2009 đã có em nữ sinh 13 tuổi bị chúng làm cho bộ phận sinh dục bị thương tổn, theo kể lại của một bà mẹ ở thị xã Hà Giang muốn dấu tên.

Tất cả các em đều là vị thành niên khi bị chúng cưỡng dâm. Vu cáo các em «bán dâm» là sự dựng đứng bỉ ổi, là đổi trắng thay đen, là xúc phạm danh dự các em và gia đình. Ngay em Nguyễn Thúy Hằng (sinh năm 1992), em Nguyễn Thị Thanh Thúy (sinh năm 1991) bị chúng hành hạ khi còn ở tuổi vị thành niên, các em đều chưa đến 18 tuổi khi vụ án xảy ra.

Rõ ràng trong vụ án này nạn nhân là các em nữ sinh trong trắng thơ dại, và tội phạm rõ ràng là nhóm quan chức cộng sản đầu sỏ của tỉnh, nằm trong Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh, công an, tuyên giáo, giáo dục, hải quan, ngân hàng tỉnh, là những kẻ tội phạm đầu sỏ, thâm độc với tên tay sai ma cô Sầm Đức Xương, cái chức hiệu trưởng của hắn thật là mỉa mai ô nhục.

Vì sao tên Xương lại được tòa phúc thẩm giảm 18 tháng tù, từ 10 năm 6 tháng hạ xuống 9 năm tù giam ? Báo Dân Trí online cho rằng đó là để xoa dịu tên này, không để hắn la to lên rằng hắn chỉ là tay sai, tội nhẹ hơn các quan chức ra lệnh cho hắn, mà sao các quan chức đó là tội phạm đầu sỏ lại tránh khỏi sự trừng phạt của luật pháp. Điểm phi lý nhất là đây.

Trên đây đều là những biểu hiện hùng hồn của việc áp dụng luật rừng, luật của kẻ hung bạo, cậy cường quyền để áp bức dân đen.

Vậy những người dân lương thiện cần làm gì trước vụ án Hà Giang theo công tâm của mỗi người? Không ai có thể thờ ơ, vì áp dụng luật rừng ở Hà Giang thì ai, người công dân nào, ở bất kỳ một nơi khác, cũng có thể bị án oan sai như thế.

Các em Hằng và Thúy có thể phát đơn kiện những tên tội phạm đầu têu của vụ án, kháng án cuộc xử phúc thẩm phi pháp vừa qua, cung cấp thêm chứng cứ, mướn luật sư bảo vệ cho mình. Hai em có thể hỏi rằng tòa xử 2 em án treo, bản án cũ bị hủy, vậy tại sao 2 em lại phải ngồi tù 15 tháng qua. Hai em không có tội, nhất là khi còn vị thành niên. Vậy những kẻ gây hại cho các em, xử án oan các em phải đền bù thiệt hại về vật chất (cả về sức khỏe) và danh dự cho các em. Có những tổn thất không bù đắp được, như việc học bị đình trệ. Gia đình 2 em Hằng và Thúy cũng như của gần 20 em nữ sinh khác ở Hà Giang từng bị hãm hại có thể kiện những kẻ thủ phạm thật sự của vụ án này, là nhóm quan chức dâm ô. Không thể tạm hài lòng là dù sao 2 em đã được về nhà, không thể để 2 em mang tiếng xấu.

Tập thể phụ huynh học sinh của huyện Vị Xuyên, của tỉnh Hà Giang có thể gửi đơn kiện bọn tội phạm trong vụ án trên, hoặc gửi đại biểu Quốc hội tỉnh, hoăc gửỉ cả Quốc hội để đòi công lý thật sự cho vụ án oan này.

Đoàn thanh niên mà các em là thành viên chẳng lẽ lại im lặng khi thành viên của mình lâm nạn hiểm nghèo, bị xử án oan trái đến tận cùng như thế? Không gì ô nhục cho Đoàn Thanh niên hơn là khi bí thư Huyện đoàn Vị Xuyên khuyên các em «vâng lời, hầu hạ chu đáo» các quan đầu tỉnh trong hành động cưỡng hiếp này. Và Bộ giáo dục nữa, khi học sinh của mình bị hãm hại đến vậy, bị xử án kiểu rừng rú như thế, vẫn im lặng được hay sao? Phiên họp cuối cùng Quốc hội khóa 12 này sẽ để vụ án Hà Giang ô nhục cho bọn tội phạm, ô nhục cho cả một chế độ chính trị bênh che nó, trôi vào dĩ vãng hay sao?

Để soi tỏ cái chế độ tư pháp độc đảng kỳ dị này, xin nhắc lại lời của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trịnh Ngọc Dương tháng 10-2008 được truyền bá rộng rãi: «Ở nước ta xử đúng cũng được, xử sai cũng được, xử hòa cũng được, xử thắng cũng được». Một tuyên ngôn, một lời thú nhận đáng sợ. Cũng như nữ luật sư Ngô Bá Thành, đại biểu Quốc hội, từng nói: «Ở Việt Nam ta có một rừng luật, nhưng khi xét xử lại áp dụng luật rừng!»

Vụ án Hà Giang là dịp tốt để đổi mới thật sự nền tư pháp cực kỳ phi pháp đã tồn tại quá lâu.