Dư chấn “náo loạn” mạng xã hội
Sự kiện một loạt những dư chấn do động đất tại Myanmar xảy ra 9h tối qua (ngày 24/3) đã khiến cho người dân Hà Nội hoảng hốt và lo lắng. Nhưng cư dân mạng còn tỏ ra lo lắng hơn khi có dư chấn mọi người chỉ biết chen nhau thoát thân bằng… thang máy.
Sau cơn dư chấn nhỏ, một “cơn bão” dư luận trên các mạng xã hội về nó đã được dịp bùng bổ. Trên các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter…hàng loạt những status và link được truyền đi khắp nơi. Từ một vài status của các bạn Hà Nội cảm nhận được sự rung lắc của động đất, ngay sau đó tin tức được lan rộng ra với mức độ chóng mặt. Ngay sau dư chấn, các bạn trẻ được phen tưng bừng kể và bình luận trên mạng, chủ đề “dư chấn” nhanh chóng trở thành topic hot trên các diễn đàn. Đặc biệt, còn có cả một số nữ sinh viên ở Hà Nội còn gọi điện về nhà khóc lóc với bố mẹ ở quê làm cả nhà cũng được phen náo loạn.
Người dân nhốn nháo thoát thân tại khu Trung Hòa – Nhân chính (Nguồn: VietNamNet) |
Đến đêm khuya, chủ đề này vẫn còn trở nên “nóng hổi” trên các diễn đàn hay mạng xã hội khi các bạn trẻ Hà Nội tưng bừng chia sẻ cảm giác được chứng kiến dư chấn. Thậm chí, một số thành viên khác bày tỏ sự ghen tị, tiếc nuối vì… không cảm thấy gì (!). Sau đó là hàng loạt topic có nội dung như “Đại họa năm 2012 đến sớm?”, “Ngày tận thế”…thu hút không ít thành viên “nhảy vào” bày tỏ, bình luận rùm beng trên các mạng xã hội.
Chen lấn thoát thân
Một sinh viên ở kí túc xá ĐH Ngân hàng chia sẻ: “Mình ở tầng 3, đang học bài thì thấy đồ đạc rung rinh, chưa kịp định thần thì thấy cả kí túc xá chạy ra như ong vỡ tổ. Phòng mình cũng lao ra chen nhau, có người chạy mất cả dép”.
Khu tập thể sinh viên Làng Sinh Viên Hacinco đã được một phen náo loạn khi động đất xảy ra. Mọi người vừa chạy vừa hô to “ Động đất, động đất”. Nhiều sinh viên các trường đại học đang sinh sống tại đây cuống cuồng thoát ra ngoài sân.
Người dân hoảng loạn sau dư chấn tại Hà Nội (Nguồn: VietNamNet) |
Điều đáng nói là hầu hết các sinh viên chỉ nghe đến hai từ “động đất” đã nháo nhào chen lấn nhau để chạy tạo nên một cảnh tượng rất hỗn loạn. Mà không ít ai chịu nghĩ đến trường hợp khi có động đất thì gạch đá từ trên trần nhà, mái nhà rớt xuống, đồng thời các đồ đạc sẽ bị lay đổ, do đó càng di chuyển những đồ vật này càng dễ đổ, rơi vào người rất nguy hiểm.
Chia sẻ với VTC, Anh Bùi Hoàng Tính, một người dân sinh sống tại chung cư trên phố Nguyễn Chí Thanh cho biết: “Tiếng một người bên ngoài cửa hô lên “động đất, chạy mau” và hàng trăm người không ai bảo ai chạy thục mạng ra phía cầu thang máy, lúc này đã có rất nhiều người chen lấn”. Tâm lí “mạnh ai nấy chạy” đã khiến nhiều người được phen chen lấn, xô đẩy nhau đến phờ phạc chỉ sau một rung chấn nhỏ.
Cũng theo nguồn tin VTC, một cán bộ Viện Vật lý địa cầu cho biết: Việc đi cầu thang máy khi xảy ra động đất là điều tối kỵ khi có biểu hiện xảy ra thảm họa thiên nhiên. Khi xảy ra động đất, người dân cần tìm quanh chỗ mình có gầm bàn hay gầm giường thì nên núp dưới đó. Phải đợi cho hết rung thì mới di chuyển tới nơi lánh nạn. Đặc biệt, tuyệt đối không được dùng thang máy vì khi có động đất thì hay kèm theo mất điện và nếu dùng thang máy thì sẽ bị kẹt”.
Tuy nhiên, khi thấy có rung chấn thì hầu hết người dân đều đổ xô ra ngoài và tìm lấy phương tiện thoát thân nhanh nhất. Nhà nào có thang máy đều chật kín người đua nhau đi xuống. Nghiên cứu cho thấy có khá nhiều người bị thương là do cố ra khỏi tòa nhà cao tầng ngay lập tức hoặc chạy sang các chỗ khác cùng tòa nhà. Hầu hết thương vong liên quan tới động đất do bị tường đổ, các mảnh kính bị vỡ và văng vào người...
Trước tình trạng này, một bạn có nickname là Hanu đã chia sẻ trên một diễn đàn: “Nhật Bản chịu được thảm họa động đất vừa qua là vì họ rất bình tĩnh, cứ chen lấn, hoảng loạn như hôm qua nếu nước mình có động đất thật thì không biết hậu họa sẽ đến nhường nào”.
Nhiều bạn đọc khác cũng lên tiếng: “Mọi người cũng đừng lo quá. Cập nhật kinh nghiệm người Nhật để trang bị cho mình kiến thức tối thiểu để đối phó nếu có động đất thôi, chen nhau chạy không phải là thượng sách những lúc này”.
N. Lê (Tổng hợp)