Lê Diễn Đức
Đầu năm Tân Mão. Không cảm thấy chút không khí nào của ngày Tết nơi quê người. Ngoài trời tuyết ngập trắng xoá. Những hàng cây trơ trọi và run rẩy. Năm nay ở Mỹ mùa đông khác thường. Rét mướt kéo xuống cả những vùng vốn ấm áp như Nam California, Atlanta hay Houston.
Tôi đón Tết qua những lời thăm hỏi, vui đùa, chúc tụng nhau với bạn bè bốn phương trên Facebook.
Facebook đã làm thay đổi thế giới, thậm chí góp phần tạo nên những cuộc cách mạng mà sức mạnh nối kết đã phá vỡ thành luỹ cường quyền tại Tunisia, Ai Cập, Jordan, Yemen… Các chế độ độc tài khác đang run sợ trước “chiến thắng của công nghệ mới”, của “kỷ nguyên dân chủ hoá qua Internet và điện thoại di động”. [1]
Người ta đã bầu chọn xong những sự kiện nổi bật nhất, nhân vật xuất sắc nhất của năm 2010.
Báo chí Việt Nam, bắt chước phương Tây, cũng bình cũng chọn, nhưng gặp ngay chuyện ê chề đến mức bài đăng rồi phải gỡ xuống. Số là, nhiều tờ đã ầm ĩ thao tác, xử lý (recycle) cựu y tá, đương kim Thủ tướng, đang bê bối từ bauxite Tây Nguyên, tàu cao tốc đến đống phế liệu của Vinashin, trở thành “nhân vật xuất sắc nhất châu Á năm 2010” qua sự nâng bi của một “tiểu tốt” trên một trang web “vô danh” bên nước Đức. [2]
Sau những trao đổi với bạn hữu trong nước, tôi suy ngẫm về một số điều mà mình đã quan tâm và viết, đồng thời tìm tòi những khả năng tiến triển từ đó.
Độ dài của chế độ và con số 16 năm
Các nhà bất đồng chính kiến Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Kim Anh, Lê Thăng Long và Trần Huỳnh Duy Thức đã bị đưa ra xét xử sơ thẩm cuối năm 2009, đầu năm 2010 và sau đó phúc thẩm vào khoảng giữa năm 2010 với tội danh bị quy chụp là “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79 Bộ Luật Hình sự.
Chung cuộc, Lê Thăng Long đã lãnh án 3,5 năm tù giam và 3 năm quản chế; Nguyễn Tiến Trung 7 năm tù giam; Lê Công Định 5 năm tù giam, Trần Kim Anh 5,5 năm tù giam và Trần Huỳnh Duy Thức 16 năm tù giam.
Các bài viết của tôi “Những nhà dân chủ thích sống nhục” trên “Talawas” và “Những hiệp sĩ thực thụ và những “anh hùng” ngã ngựa!” trên Blog cá nhân (đã bị tin tặc đánh sập từ ngày 4/09/2010) nhận định về sự khuất phục của Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung và Trần Kim Anh, đã gây nhiều tranh cãi trong dư luận của bạn đọc.
Nguyễn Tiến Trung, Tổng thư ký Đảng Dân Chủ, trước toà đã phủ nhận chính mình, cho rằng những hành động của mình là “nông nỗi”, là “vi phạm pháp luật”, xin được khoan hồng.
Lê Công Định, cũng là thành viên chủ chốt của Đảng Dân Chủ, trước toà đã xác nhận quan điểm về dân chủ và nhân quyền của mình là do bị lôi kéo, bị ảnh hưởng bởi tư tưởng phương Tây, vi phạm luật pháp CHXHCN Việt Nam và cũng xin được khoan hồng.
Tôi vẫn bảo lưu nhận định của mình, cho dù không được nhiều người chia sẻ. Từng mến phục bao nhiêu trước đó, thì sau hành động này của họ tôi cảm thất vọng bấy nhiêu. Hàng chục các nhà bất đồng chính kiến có hoàn cảnh tương tự trong khoảng hơn hai thập niên nay, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung và Trần Anh Kim là những trường hợp ngoại lệ.
Bản chất của người muốn làm chính trị là phải có bản lĩnh và ý chí bất khuất, như Lê Thị Công Nhân đã nói: “Muốn có tự do phải chấp nhận hy sinh”.
Còn với Trần Trần Huỳnh Duy Thức, hiệp sĩ - như cách gọi cảm mến và kính trọng của tôi, khi nhìn vào cuộc cách mạng của dân chúng Ả Rập đòi xoá bỏ chế độ độc tài, cải cách chính trị, một cuộc cách mạng không lãnh tụ, không đảng phái tổ chức, tôi lạc quan hơn với lời gọi: “Trần Huỳnh Duy Thức ơi! Anh hãy nói thật lớn cho chế độ cộng sản nghe thấy: Liệu chính quyền các ông có tồn tại đến 16 năm nữa để cầm tù tôi hay không?”.
Cái bóng Hồ Thu Hồng, tại sao?
Trong bài “Vụ án bà Ba Sương và hậu trường Đại hội Đảng lần thứ XI” trên “Talawas” ngày 13/04/2010 tôi đã nói đến nỗi ám ảnh của lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) trước con số 100 người ký tên sẵn sàng đi tù thay cho chị Ba. Họ sợ sự nổi loạn của 25 ngàn nông dân chịu ơn cưu mang của chị Ba, sự bất bình sôi sục của xã hội về thái độ bội bạc của nhà nước với một phụ nữ tháo vát, nhân hậu đã hai lần được tặng danh hiệu “Anh hùng lao động”. Giữ nguyên bản án bất công và mờ ám, biên giới an toàn của quyền lực có nguy cơ bị đe doạ.
Và vì thế, Toà án Tối cao đã chấp thuận đề nghị giám đốc thẩm của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, huỷ bỏ hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm, điều tra lại từ đầu. Gần một năm trôi qua, dường như ĐCSVN đã cho nhấn chìm vụ này? Tuyệt nhiên không còn tin tức nào nữa trên báo chí!
Thế mới biết mức độ tráo trở khủng khiếp của ngành tư pháp dưới sự lãnh đạo của ĐCSVN. Nhà chức trách tùy tiện bắt giam, hành hạ bất kỳ ai khi muốn, hung hăng cáo buộc, quy kết tội, đưa ra bản án sai trái, nhưng đến khi thấy khó nuốt, rứt giây động rừng thì lặng lẽ đánh bài chuồn!
Liệu có cần một hồi chuông đánh thức dư luận, đòi nhà nước phải minh bạch hoá vụ án chị Ba Sương không, hay báo chí lề phải chỉ là viên đá ném xuống nước, khuấy động trong chốc lát rồi chìm nghỉm?
Bàn về vụ án chị Ba Sương, lúc ấy tôi cũng đã đề cập đến những đòn tấn công vào Thủ tướng Dũng trước đại hội ĐCSVN lần thứ 11.
Tôi đã lưu ý, Nguyễn Tấn Dũng nắm thế thượng phong vì có quan hệ - anh em, với tướng Nguyễn Chí Vịnh, nhân vật chủ chốt của Tổng Cục 2, - chiến hữu, với an ninh công an, nơi ông Dũng xuất phát tiến lên đài danh vọng và có nhiều tay chân tin cậy, đáng kể nhất là Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Văn Hưởng.
Hai gọng kìm an ninh, tình báo quân đội và công an có sức chế ngự như chiếc vòng kim cô, khuynh loát tất cả những ai tay đã nhúng chàm. Trong một đất nước mà tham nhũng được ngầm hiểu như một hình thức phân bổ lợi lộc, tạo keo kết dính nhau để giữ độc quyền cai trị, thử hỏi có quan chức nào của Đảng CSVN hoặc con cháu họ không bị hở sườn?
Điều này đã được chứng minh trong những ngày cuối và trong quá trình đại hội lần thứ 11 của ĐCSVN. Ba Dũng vừa phản công đối thủ, vừa mặc cả ở cung đình, song song dùng an ninh đè bẹp mọi phản ứng bất lợi của báo chí, khoá miệng những người có trách nhiệm trong bộ máy nhà nước dám phê phán thủ tướng.
Nguyễn Tấn Dũng đã phản công hiệu quả sau các đòn ra trước của Trương Tấn Sang, lật ngược ván cờ, làm không ít người hụt hẫng.
Chức Tổng bí thư Đảng tuy không vào Ba Dũng nhưng lọt vào Nguyễn Phú Trọng, một con người thiếu quyết đoán (với biệt danh “Trọng Lú”), sợ trách nhiệm và không có hậu thuẫn của công an, quân đội.
Ghế Chủ tịch quốc hội thuộc về Nguyễn Sinh Hùng tham lam, hốc hách, một đàn em gần gũi, chén chú chén anh của Ba Dũng.
Ngoài Lê Hồng Anh, phe an ninh trong Bộ Chính trị được bổ sung Trần Đại Quang, cộng thêm Lê Thanh Hải, còn Nguyễn Chí Vịnh trở thành Uỷ viên Trung ương Đảng chính thức, vây cánh của Nguyễn Tấn Dũng trong nhiệm kỳ tiếp này rất mạnh, có thể bao quát toàn bộ sân chơi và thao túng mọi dự án.
Không ngẫu nhiên mà Hồ Thu Hồng (tự Beo) đã tí tửng viết: “Chính phủ và cuốc hội nhiệm kỳ này tuy hai mà một tình thương mến thương tay trong tay mắt trong mắt. Chưa thể nói trước thế là may hay rủi nhưng có điều chắc chắn, tàu cao tốc sẽ khởi công và bauxite đào thêm mấy khoảnh nữa, đúng chỉ đạo của blog Beo lâu nay, chả còn ọ ẹ ò e gì”. (Tôi tô đậm để nhấn mạnh).
Ghê thật! Có sự huyênh hoang, ngạo mạn nào hơn không?
Mọi người đều biết bà Hồng là ai. Dư luận không lạ lẫm gì mối quan hệ giữa bà Hồng và tướng Nguyễn Văn Hưởng. Điều này càng cho thấy hơn sự bệnh hoạn, sa đoạ của cái cơ chế bị một phe nhóm lũng đoạn đến đau đớn, ô nhục!
Chúng ta nhớ lại, nhờ nắm Tổng Cục 2 và an ninh, Lê Đức Anh khi giữ chức Chủ tịch nước đã trên cơ tất cả, quyền lực bao trùm. Đến lượt Nguyễn Minh Triết, vì không có sân sau, chức chủ tịch nước chỉ còn mang tính biểu tượng.
Cũng tương tự với chức Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng của Lê Đức Thọ, khét tiếng một thời. Nắm chắc các điểm yếu về nhân thân của từ Hồ Chí Minh đến Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Trần Đức Hoàn…, ông Sáu Búa đã “chém” thô bạo những ai không thuận với mình. Trương Tấn Sang với cùng chức phận nhưng không có vũ khí hiểm hóc đó.
Giờ đây, số phận Chủ tịch nước của Trương Tấn Sang sẽ là viễn cảnh ngồi xơi nước, giống Nguyễn Minh Triết, được đội vương miện đẹp nhưng phẩm chất kém, sau mấy năm nữa sẽ về “vui thú điền viên”.
Ít có khả năng biến động cơ cấu nhân sự cho đến khi Quốc hội nhóm họp hợp thức hoá các quyết định của Đảng vào tháng 5 tới.
Vốn không phải tay vừa, tôi đồ rằng, Tư Sang có thể chưa nhường bước hoàn toàn. Ông ta sẽ còn tìm cách củng cố đồng minh trong đảng cho nhiệm kỳ của mình, để ít nhất không rơi vào bi kịch bị Ba Dũng coi thường.
Tuy nhiên, Tư Sang có ít nhiều tai tiếng từ các vụ án Epco-Minh Phụng, Năm Cam và những bí mật khác (người ta đồn đại về quan hệ nam nữ) mà chỉ an ninh, tình báo mới nắm rõ. Ba Dũng sẽ chỉ nhắm mắt làm ngơ khi Tư Sang bằng lòng với quyền được ngồi yên.
Mặc dù, ý thức được chặng cuối của con đường danh vọng, tôi cho rằng, Nguyễn Tấn Dũng, sẽ không vì thế mạnh của mình mà làm mưa làm gió. Một số uỷ viên còn lại và mới trong Bộ Chính trị và những người đã ra đi nhưng còn thế lực, chẳng ưa tính độc đoán của Ba Dũng, sẽ cố gắng ngăn chặn, không để Ba Dũng quá lạm quyền.
Mặc khác, cắm con trai Nguyễn Thanh Nghị vào Ban chấp hành Trung ương, rất có thể tham vọng trở thành tổng thống đầu tiên của một Việt Nam “mới” của Nguyễn Tấn Dũng sẽ chuyển nhượng sang cho thế hệ con cháu!
Cho nên, Ba Dũng sẽ vừa chạy đua với thời gian, tận thu chuyến tàu vét cuối cùng, vừa khôn ngoan giải quyết những vấn đề nổi cộm, củng cố phe nhóm, rải thảm cho con mình đi lên.
Nhưng không dễ dàng!
Nhận chức thủ tướng từ năm 2006, Nguyễn Tấn Dũng đã mắc phải những sai lầm lớn về chính sách quản lý tài chính, tiền tệ, tỷ giá. Từ đầu năm 2008, nền kinh tế Việt Nam đã bị tổn thương nghiêm trọng. Lạm phát bùng nổ vào giai đoạn này với hơn 22%, tăng trưởng xuống 6,7%. Cơn địa chấn tài chính đã đến Việt Nam trước khi có khủng hoảng thế giới.
Tình hình trước mắt không lạc quan. Tăng trưởng năm 2010 khoảng 6% nhưng lãi suất ở mức hai con số và có thể còn tăng tốc, dân chúng đổ xô rút tiền khỏi ngân hàng để mua vàng và bất động sản, uy tín về môi trường đầu tư trượt dốc - sẽ là bài toán vĩ mô cam go, khó giải cho một người ở tầm Nguyễn Tấn Dũng. Con tàu kinh tế Việt Nam sẽ còn tiếp tục bị chao đảo bởi con người này.
Tờ “Foreign Policy” nhắc lời nhà kinh tế Herb Stein "Nếu cái gì không thể tiếp tục mãi mãi, thì nó sẽ dừng lại", trong bài “Vietnam's muddled economy and 'meddlesome priest'” hôm 10/01/2011, nhận định câu nói này đúng với “những hy vọng về tăng trưởng bền vững trong một hệ thống dễ vỡ như của Việt Nam, nơi mà Đảng Cộng sản vẫn lên kế hoạch cho nhiều hoạt động kinh tế và cố gắng trong tuyệt vọng để bảo vệ các doanh nghiệp nhà nước khỏi các luật chơi của thị trường. (…) Thống kê cho thấy sự kém hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam: Các doanh nghiệp này sử dụng 40% vốn đầu tư trong nước, nhưng chỉ sản xuất 25% tổng sản phẩm quốc gia. Sự phân bổ nguồn vốn sai lầm như vậy gây hậu quả tai hại, chẳng hạn như lạm phát, xếp hạng tín dụng bị hạ thấp, lãi suất tăng, và thị trường chứng khoán đình trệ”.
Vẫn chưa biết hiệu ứng domino của Vinashin tiến tới mức nào, nhưng đã nhìn thấy những Vinashin khác đang ngấp nghé bờ vực. Bài toán “tái cơ cấu”, giảm nợ, giãn nợ cho Vinashin thực chất chỉ là trò đánh bùn sang ao, lấy tiền của doanh nghiệp này đỡ doanh nghiệp kia, với mục đích làm lắng dịu dư luận, nhưng món nợ hơn 4 tỷ đôla và hậu quả kéo theo nằm ở một con nợ duy nhất: ngân sách nhà nước và nợ công.
Trong khi đó nợ công, tốc độ tăng nợ, khả năng trả nợ, dự trữ ngoại tệ suy yếu, nhập siêu cao, thâm thủng ngân sách trên 5% … đều đang báo động đỏ (sẽ được bàn đến trong một dịp khác).
Vào ngày 1 tháng 2, Chủ tịch nước sắp về hưu Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh phải xử lý nghiêm minh vụ Vinashin và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phải là người chịu trách nhiệm. Đây cũng rất có thể là bắt đầu của tín hiệu trả đòn đã được nói ở trên.
Với vụ in tiền giấy polymer, báo Úc vài ngày nay nhắm thẳng vào Lê Đức Thúy và Lương Ngọc Anh, Tổng Giám đốc công ty phát triển công nghệ, một công ty cổ phần với 200 cổ đông, trong đó có gia đình Nguyễn Tấn Dũng, Lê Đức Thúy.
Kịch bản của vụ này rồi sẽ như PCI với Huỳnh Ngọc Sĩ? Nếu có sức ép mạnh của phía chính phủ Úc, Việt Nam không thể làm ngơ. Thế nhưng, anh Ba đã qua cơn sóng gió, vẫn tại vị, chắc chắn sẽ quẳng phao cứu đàn em, nhưng nếu cần, trước mắt phải có người diễn tốt vai dê tế thần!
Kế luận
Còn rất nhiều người trong nước hoặc ngộ nhận, hoặc thiếu kiến thức về thực chất phát triển của Việt Nam trong hơn hai thập niên qua. Tôi muốn nói với họ rằng, đất nước Việt Nam xứng đáng với tầm phát triển cao hơn nhiều nếu không bị lùng bùng trong thể chế độc quyền lãnh đạo, không bị ai kiểm soát và chính sách kinh tế tư bản giả cầy pha lẫn với chủ nghĩa xã hội giả tạo.
“Việt Nam sẽ không bao giờ đạt đến tiềm năng của mình dưới một chính phủ vô trách nhiệm, luôn cố gắng bịt miệng những công dân sáng tạo nhất…” – kết luận của tạp chí “Time” trong bài đã dẫn của “Foreign Policy”. ■
------------------------------------------------------
- [1]: Nhận định về tình hình Ai Cập trong ngày 29/01/201 của nhà chính trị học nổi tiếng, chủ tịch quốc hội (Knesset) Israel Reuwen Riwlin.
- [2]: Link dẫn: “Trò lừa đảo mang tên `Báo chí nước ngoài ca ngợi Nguyễn Tấn Dũng’”, Đàn chim Việt 13/01/2011.
© Lê Diễn Đức – 2011 Radio Free Asia