"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Freitag, 23. Dezember 2011

Phỏng vấn ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm về Bài giảng có nội dung “Cánh chung”

Phỏng vấn ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm về Bài giảng có nội dung “Cánh chung”
Sau khi một bài giảng của ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm được đưa lên các mạng lưới điện toán và tạo nên những thắc mắc xung quanh “Cánh chung luận”. Mới đây ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm đã có bài trả lời trên website của TGP Sài Gòn.

WGPSG – Phóng viên của WGPSG (PV) đã có cuộc gặp gỡ và phỏng vấn ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm (ĐGM) về Bài giảng có nội dung “Cánh chung” của ngài như sau:

PV: Thưa Đức cha, trong những ngày gần đây, một số anh chị em giáo dân cảm thấy hoang mang khi đọc trên mạng internet những lời phê phán bài giảng của Đức cha dịp lễ Chúa Kitô Vua, ngày 20-11-2011, tại Nhà thờ chính tòa Sàigòn. Con cũng đi dự lễ hôm đó nhưng con nhớ Đức cha không giảng giống như người ta phát trên mạng. Xin Đức cha cho biết rõ hơn.


ĐGM: Đúng thế, ngày lễ Chúa Kitô Vua vừa rồi, 20-11-2011, tôi mới ở Hà Nội về và đến Nhà thờ chính tòa để chủ sự Thánh Lễ khai mạc Công nghị giáo phận. Trong bài giảng hôm đó, tôi gợi ý về định hướng cho Công nghị chứ không nói về Cánh chung. Còn bài người ta phát trên mạng là bài giảng từ năm 1999, cũng ở Nhà thờ chính tòa.

PV: Như vậy là đã 12 năm rồi! Tại sao lại lấy bài giảng của 12 năm trước và gán cho Đức cha mới giảng, kèm theo nhiều lời phê phán như vậy?

ĐGM: Tôi không biết. Điều này chắc anh phải đi hỏi những người đưa tin thôi.

PV: Trong những lời phê bình bài giảng, nhiều người tập trung vào điều mà Đức cha gọi là Cánh chung luận. Đức cha có thể giải thích rõ hơn không?

ĐGM: Đã có nhiều vị giải thích việc này rồi, tôi chỉ xin thêm một chút. Từ “Cánh chung luận”, chúng ta dịch từ eschatologie trong tiếng Pháp hoặc eschatology trong tiếng Anh, được ghép bởi eschaton là sự cuối cùng, và logos là lời, hoặc như Đức Bênêđictô XVI hiện nay hay cắt nghĩa là lý trí, tư tưởng. Như thế, hiểu chung là suy tư về sự cuối cùng.
Với người công giáo, nói đến cánh chung luận là nói đến suy tư về những sự cuối cùng của đời người và thế giới, cụ thể là Chết, Phán Xét, Thiên Đàng, Hỏa Ngục. Cho nên còn gọi là Tứ Chung.
Câu hỏi đặt ra là: Những anh chị em ngoài công giáo, kể cả những người không tín ngưỡng, họ có suy tư về sự cuối cùng không, ví dụ, về cái chết? Và điều gì sẽ xảy ra sau khi chết? Trịnh Công Sơn chắc chắn không phải là người công giáo, tại sao âm nhạc của ông tràn ngập suy tư về cái chết: “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi, đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt, trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt, rọi suốt trăm năm một cõi đi về”? Và nhiều bài khác nữa, đến nỗi có người nói cái chết là nỗi ám ảnh khôn nguôi trong các sáng tác của ông. Mà đâu chỉ một mình Trịnh Công Sơn, hầu như đã làm người, ai cũng có suy nghĩ về sự chết và thế giới sau cái chết.
Nếu ai cũng băn khoăn về cái chết thì các tôn giáo và những hệ thống triết học có thể không quan tâm đến chăng? Đúng hơn là tôn giáo nào cũng cố gắng đưa ra câu trả lời cho những vấn nạn sâu nhất của lòng người, trong đó có câu hỏi về cái chết và về thế giới mai sau. Thế nên, nếu hiểu cánh chung luận là suy tư về sự cuối cùng, thì có thể nói tôn giáo nào và hệ thống triết học nào cũng hàm chứa một cánh chung luận nào đó.

PV: Nhưng còn với chủ nghĩa Marx thì sao?

ĐGM: Karl Marx cũng cung cấp một viễn tượng về thế giới tương lai như điểm đến của lịch sử. Đó là một thế giới lý tưởng, trong đó không còn cảnh người bóc lột người, mọi người bình đẳng với nhau, làm việc theo khả năng và hưởng thụ theo nhu cầu. Một tác giả đã gọi đó là cánh chung luận nội thế (eschatologie intra-mondaine). Và viễn tượng đó thu hút không ít người trên thế giới.

PV: Thưa Đức cha, nhiều người khó chịu về nhận xét này!

ĐGM: Tôi hiểu, nhưng cần phân biệt giữa ghi nhận và lượng giá. Thực tế thế nào, cứ ghi nhận như vậy. Còn lượng giá đúng hay sai, thành công hay thất bại, điều đó tùy mỗi người và lịch sử sẽ chứng minh. Để minh họa điều này, chỉ cần đọc lại một trang sách của nhà thần học Joseph Ratzinger, bây giờ là Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI. Ngài viết về tác động của chủ nghĩa Marx tại trường đại học Tubingen vào thời điểm 1967 như sau:

“Chủ thuyết hiện sinh đã sụp đổ, và cuộc cách mạng mác-xít thắp lên nhiệt tình cho cả trường đại học, lay động nó đến tận nền tảng. Ít năm trước đây, người ta vẫn còn hi vọng các phân khoa thần học là thành trì chống lại sự cám dỗ của chủ nghĩa Marx. Bây giờ tình hình đảo ngược: những phân khoa thần học lại trở thành trung tâm của hệ ý thức mác-xít. Việc đưa chủ thuyết hiện sinh vào trong thần học, như Bultmann đã làm, không phải là không có những nguy hiểm cho thần học. Như tôi đã nói, trong Kitô học của tôi, tôi đã cố gắng chống lại “phương pháp” giảm trừ của chủ thuyết hiện sinh (existentialist reduction), cách riêng trong giáo huấn về Thiên Chúa. Lúc này lúc khác, tôi còn cố gắng vận dụng cả tư tưởng của Marx để tạo lực đối trọng, bởi lẽ ở cội rễ chủ nghĩa cứu thế – Do thái của nó (Jewish-messianic roots), chủ nghĩa Marx vẫn còn giữ được những yếu tố chủ đạo của Kinh Thánh. Thế nhưng sự phá hủy thần học đang diễn ra (qua việc chính trị hóa thần học như được quan niệm trong chủ nghĩa cứu thế của Marx), lại còn sâu xa hơn, vì chủ nghĩa Marx lấy niềm hi vọng trong Kinh Thánh làm nền tảng nhưng lại đảo ngược niềm hi vọng ấy, bằng cách vẫn giữ nhiệt tình tôn giáo nhưng lại loại trừ Thiên Chúa ra và thay thế vào đó bằng hoạt động chính trị của con người. Niềm hi vọng vẫn còn đó, nhưng đảng chiếm vị trí của Thiên Chúa, và cùng với đảng là chủ nghĩa độc tài chuyên chính, thực hành thứ “tôn giáo” vô thần, sẵn sàng hi sinh tất cả nhân tính cho thần tượng giả tạo của nó. Bản thân tôi đã thấy khuôn mặt kinh sợ của thứ đạo đức vô thần này, sự đe dọa của nó về mặt tâm lý, sự buông thả khiến cho người ta, một khi đã đạt được mục đích ý thức hệ rồi, có thể vứt bỏ mọi quan tâm đạo đức vì coi đó là cặn bã tư sản. Tất cả những điều đó thật đáng báo động ở tự nó, nhưng còn trở thành thách đố khủng khiếp hơn nữa đối với nhà thần học khi thấy hệ ý thức đó lại được cổ võ nhân danh đức tin và Giáo Hội bị sử dụng như một công cụ” (Joseph Ratzinger, Milestones, Memoirs 1927-1977, Ignatius Press, San Francisco: 1998, 137). 

Cũng vì thế, nhà thần học Joseph Ratzinger quyết định giã từ Tubingen để về Regensburg, nơi ngài giảng dạy cho đến khi được gọi làm giám mục.

Như thế, một đàng, nhà thần học Jospeh Ratzinger ghi nhận sự cuốn hút của chủ nghĩa Marx trong môi trường đại học lúc đó, hơn nữa ngài còn vận dụng tư tưởng của Marx khi giảng dạy thần học. Đàng khác, ngài đánh giá chủ nghĩa ấy ở chiều sâu để thấy được mối nguy hiểm trên nhiều bình diện. Cho nên, cần phân biệt giữa ghi nhận và lượng giá.

PV: Cảm ơn Đức cha đã trích dẫn những nhận định sâu sắc của nhà thần học Joseph Ratzinger. Tại sao Đức cha lại nói về điều này trong bài giảng?

ĐGM: Câu hỏi của anh liên quan đến một câu hỏi khác: Tôi giảng cho ai? Lúc đó, mỗi Chúa nhật, tôi dâng lễ tại Nhà thờ chính tòa lúc 18:30. Cử tọa của tôi là các bạn sinh viên và các anh chị trung niên, phần đông là người học thức. Họ được học về chủ nghĩa Marx ở đại học. Họ không xa lạ gì về những điều tôi nói. Điều quan trọng là khởi đi từ đó, tôi muốn trình bày về Vương quốc Chúa Kitô, Vương quốc của Đấng chịu đóng đinh trên thập giá, Vương quốc của tình yêu chứ không phải hận thù, và chỉ có tình yêu mới đem lại sự sống.

PV: Đức cha có muốn nói gì thêm về vấn đề này không?

ĐGM: Tôi tôn trọng ý kiến mọi người. Nếu mong muốn điều gì, tôi chỉ mong mọi người tôn trọng lẫn nhau khi thảo luận về bất cứ vấn đề gì. Tôi vẫn nhớ lời căn dặn của Đức Bênêđictô XVI về việc truyền thông. Ngài dùng bốn từ để diễn tả sự truyền thông chân chính: trung thực, cởi mở, tôn trọng người khác, có tinh thần trách nhiệm. Giữ được như vậy, các phương tiện truyền thông sẽ là những phương tiện tuyệt vời để loan báo Tin Mừng tình thương và sự sống.

PV: Xin chân thành cảm ơn Đức cha.

Nguồn: http://tgpsaigon.net