"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Dienstag, 28. September 2010

THAM THÌ THÂM

Đỗ Lực

(Lc 16:1-13)
Lòng tham thể hiện qua nhiều hình thức cụ thể. Cuối tháng 7 năm 2007 vừa qua, ÐHY Phạm Minh Mẫn đã lên tiếng tố cáo: “Thực tế cho thấy là giai cấp vô sản biến nhân dân thành vô sản, và tự biến mình thành một giai cấp mới mà tôi nghe nhiều người gọi là tư sản đỏ. Ngày nay khi mà một viên chức Nhà Nước phải chia 1.000 tỷ đồng cho người vợ ly dị, thì không còn là tư sản nữa, mà phải gọi là tư bản hay đại gia đỏ. Lâu lâu rồi, tôi thấy báo chí tường thuật lời ông Tổng Bí Thư tuyên bố tham nhũng là quốc nạn. Có lẽ là quốc nạn cho người dân, chớ còn đối với nhiều đày tớ của nhân dân, đó là cơ hội tốt để trở thành đại gia đỏ.” [1]

Lời tố cáo này cũng như tiếng kêu dân oan phải chăng là muối bỏ bể hay tiếng kêu trong sa mạc ? Nếu quốc nạn chỉ là quốc nạn, có lẽ vấn đề sẽ dễ giải quyết. Nhưng khi quốc nạn trở thành cơ hội lớn cho kẻ cầm quyền, ai dám nhìn thẳng vào sự thật để tìm hướng giải thoát ? Dụ ngôn hôm nay sẽ cho chúng ta thấy tất cả sự thật và những hệ lụy về lòng tham vô đáy của con người.

MÃNH LỰC ÐỒNG TIỀN

Hình ảnh ông phú hộ xuất hiện nhiều lần trong Tin Mừng. Mỗi lần một vẻ và một ý nghĩa khác nhau. Hôm nay, ông phú hộ không phải là vai chính, nhưng lại có quyền định đoạt cho sự việc diễn tiến và vạch trần tất cả sự thật của người quản lý, nhân vật chính trong dụ ngôn hôm nay.

Ngày xưa, theo phong tục Do thái, vẫn có những người nhân danh ông chủ cho vay cắt cổ . Người quản lý bất chính vì đã phung phí tài sản ông chủ và bóc lột tận xương tủy những người nghèo khổ. Suốt bao năm tháng, người quản lý đã sống phè phỡn với một mối lợi lớn từ những khách hàng.

Ông chủ đã nghe báo cáo từ lâu. Nhưng ông chưa muốn ra tay. Ðợi ngày tháng chín mùi, ông mới quyết giành quyền làm chủ trên tài sản. Ông truyền người quản lý tính sổ. Cháy nhà mới ra mặt chuột. Anh gọi từng con nợ đến viết lại hóa đơn. Các con nợ mừng quá khi thấy số nợ bỗng nhiên sụt giảm lạ thường. Người nợ một trăm thùng dầu ôliu làm sao không mừng khi món nợ nhẹ hẳn một nửa ? Người nợ một ngàn giạ lúa cũng sửng sốt khi thấy được viết lại biên lai còn tám trăm. Họ bán tín bán nghi trước sự kiện bất ngờ.

Họ là những con nợ suốt đời bị đè nén, khai thác, áp bức dưới tay người quản lý hà khắc và tham lam này. Bây giờ tự nhiên người quản lý dễ thương lạ lùng. Phải có động lực mạnh lắm mới làm cho tên quản lý “ăn năn, hối cải” và quay một góc 180 độ. Thực ra, không phải anh ta hối lỗi, nhưng tự chau chuốt hình ảnh mình để gieo thiện cảm nơi các con nợ, đề phòng lúc anh bị sa thải. Xưa nay những con nợ vẫn là những con bò sữa lý tưởng. Bây giờ, tin dữ đánh ngang tai, anh vội tìm đường chạy theo để tiếp tục vắt sữa. Anh đúng là người khôn khéo và đầy âm mưu trước tình thế biến đổi quá nhanh.

Khi người quản lý tính sổ lại, mới thấy rõ số nợ thực sự của mỗi thân chủ. Có thể nói “tiền cò” anh quản lý “chém” khá đẹp. Ai nợ hàng trăm, anh lấy lời hẳn một nửa. Ai nợ hàng ngàn, anh lấy hai mươi phần trăm. Bản chất con người của anh đã phơi bày công khai. Anh đã bị bả vật chất lôi cuốn vào đường gian ác ngay trong công việc đời thường. Anh đã trở thành gánh nặng cho nhiều người, nhất là người nghèo. Ðáng lẽ công việc phục vụ của anh phải đem lại nhiều lợi ích và làm cho nhiều gia đình hạnh phúc, anh đã biến nó thành một cuộc áp chế và đem lại nỗi thống khổ lẫn bất hạnh cho biết bao gia đình. Thế nên, ở bất cứ địa vị và nghề nghiệp nào, con người cũng có thể xây dựng hay phá hoại. Tất cả đều tùy thuộc tấm lòng. Nếu họ chỉ hướng về của cải mà tôn thờ, đương nhiên của cải biến thành một vị hung thần sai khiến họ. Tình vợ chồng, nghĩa đồng bào cũng biến tan trước ánh hào quang của thần của cải. Anh trở thành con người bất chính, bất trung và bất công.

Bất chính vì anh đã táng tận lương tâm khi đi theo sự hướng dẫn và thôi thúc của thần của cải mà lún sâu vào con đường vô đạo. Anh tin tưởng tuyệt đối vào mãnh lực đồng tiền. Tự bản chất “Tiền Của bất chính,” (Lc 16:9) vì có khuynh hướng dẫn con người vào con đường bất lương. Vì đồng tiền mà anh đã bất chấp mọi nguyên tắc đạo đức và không màng chi tới sự sống vĩnh cửu.

Bất trung vì anh qua mặt chủ mà tự đặt những tiêu chuẩn chi phối công việc, lũng đoạn sự nghiệp và tài sản của ông. Anh đã bán rẻ danh dự ông chủ để mua lấy lợi lộc cho cá nhân và gia đình mình. Nếu không nhờ lời tố cáo, chắc chắn ông còn bị mọi người hiểu lầm là một tay cường hào ác bá. Anh đã đi ngược lại tất cả mọi nguyên tắc phục vụ của một người đầy tớ nhân dân. Sở dĩ anh sống sót qua bao năm tháng, vì anh đã khéo nịnh hót ông chủ. Nhưng đã đến lúc lời nịnh hót không còn che đậy nổi tính gian trá và gian ác của anh nữa. Tất cả mọi toan tính và hành vi gian lận đều bị phơi bày ra ánh sáng. Thế là sự nghiệp tan tành theo mây khói.

Bất công vì anh đã lợi dụng chức vụ để bóc lột tận xương tủy những người thiếu nợ. Chỉ vì túng quẫn và phải lo cho gia đình sống sót, họ đã phải cam lòng chấp nhận một số tiền lời quá sức chịu đựng. Ðồng tiền đã đẩy anh tới một vị thế giả tạo. Của cải hứa hẹn cho anh quyền kiểm soát mọi sự. Nhưng anh lại không kiểm soát được chính mình. Cuối cùng anh cũng chẳng kiểm soát được ai. Ngược lại, chính anh bị của cải chi phối và thống trị. Anh đã khuynh loát và lừa đảo cả chủ lẫn khách hàng. Với cả đống tiền của kiếm ăn bất chính qua bao năm, tại sao anh còn phải lo quá xa về tương lai, mà phải lấy lòng từng người như thế ? Hóa ra, tiền của bất chính không ở yên bao giờ. Có lẽ anh đã thiêu rụi trong các hộp đêm, sòng bài v.v. Có lẽ thâu đêm suốt sáng, anh ngồi dính chặt xuống chiếu. Có lúc thắng nhưng cũng có lúc thua. Nhưng đống tiền của cũng chẳng đem lại cho anh sức khỏe, hạnh phúc hay sự sống vĩnh cửu được. Từ hư vô, tiền của lại trở về hư vô. Không còn gì phi lý và vô nghĩa hơn.

MUÔN SỰ CỦA CHUNG

Ngày nay, từ trong gia đình đến ngoài xã hội, đầy dẫy kinh nghiệm cay đắng về tiền bạc. Nhiều người không thoát khỏi ma lực của đồng tiền. Nhưng giữa những cám dỗ ghê sợ đó, con người vẫn luôn nắm vai quyết định. Cần phải vận dụng tất cả sự khôn ngoan và trí thông minh để biến tiền của thành một phương tiện không phải để mua lấy hạnh phúc hay nước trời, nhưng để mở rộng mối tương quan bạn hữu, nhất là những bạn hữu có khả năng đón tiếp ta vào nước trời, tức những người nghèo. Nếu chúng ta dùng tiền của giúp đỡ những người túng thiếu hay giúp người khác tìm thấy Chúa Kitô, cuộc đầu tư trần gian sẽ đem lại lợi nhuận vĩnh hằng. Khi vâng theo thánh ý Thiên Chúa, chúng ta sẽ không còn xử dụng của cải một cách ích kỷ nữa.

Ðáng sợ nhất là khi đồng tiền lôi kéo con người xa vòng đạo lý. Chỉ vì đồng tiền, con người có thể đánh mất chính mình và trở thành bất nhân, bất lương, bất tín và vô trách nhiệm. Bởi thế, Chúa mới căn dặn chúng ta phải trung kiên khi đang nắm trách nhiệm.[2] Thi hành sứ mệnh giữa bao nhiêu cám dỗ của quyền lực, tiền bạc, và cả những phương tiện cần thiết cho cuộc sống không phải là chuyện đơn giản và dễ dàng. Ngay cả Giáo hội cũng không thoát khỏi những cám dỗ đó. Nhiều nơi còn lợi dụng thanh thế để có phương tiện dồi dào giúp việc truyền giáo. Họ gọi huy chương nhà nước cấp cho giám mục là cái dù cần thiết để che chở những hoạt động truyền giáo ở địa phương. Thử hỏi sứ mệnh đích thực còn tồn tại trong những điều kiện như thế không ? Chúa Kitô không cần đến những cái dù như thế. Người cần lòng trung thành với sứ mệnh, chứ không cần của cải và phương tiện vật chất dư thừa.

Lập trường trên càng được củng cố khi Chúa nói : “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được.” (Lc 16:13) Lệ thuộc vào của cải là sống đối nghịch với giáo huấn của Chúa. Người khuyên chúng ta sống hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa Cha. Ðó là một trong những đặc tính của người môn đệ Chúa Kitô (Lc 12:22-39). Sống giữa hai quyền lực Thiên Chúa và thần tài (mammon)[3], con người phải có một lựa chọn dứt khoát. Mỗi quyết định đều ảnh hưởng tới sứ mệnh cao cả của mình. Không thể có thái độ trung dung. Không thể có hòa giải giữa Thiên Chúa và thần tài. Bắt cá hai tay đem lại những hậu quả khôn lường. Bao nạn nhân đang đau khổ vì lập trường “ba phải” của nhiều người trách nhiệm. Ðó là một thái độ bất công đối với người dưới quyền, nhất là những người nghèo khổ và thấp cổ bé họng.

Cảm thông với những người kém may mắn và đau khổ là một giáo huấn quan trọng. Suốt lịch sử cứu độ, đề tài trung tín với đạo đức giao ước thường xuất hiện. Chúng ta thấy những khía cạnh quan trọng của đạo đức đó trong các bài đọc tuần này. Quyền lực và tiền bạc được xử dụng như những phương tiện đàn áp để cướp đoạt những nhu cầu cơ bản nhất khỏi những người kém may mắn.

Ngôn sứ Amos vẽ ra một bức tranh rất ảm đạm. Người cầm quyền thường lạm dụng tha nhân. Ðó là một tội đại bất công. Ngôn sứ Amos mô tả những nhà buôn nóng ruột muốn những ngày thánh mau kết thúc để có thể trở lại trò buôn bán gian lận và bất chính. Cân thiếu, giá cao, bàn cân sai lệch, và những món hàng kém phẩm chất là những mánh lới mà ngày nay chúng ta vẫn còn quan tâm. Như hàng hóa Trung quốc mang những hóa chất độc hại hay chất chì đã tạo một phản ứng dây chuyền trên khắp thế giới. Bởi thế, chúng ta thấy lòng tham vẫn còn là đặc tính cố hữu. Ngôn sứ Amos tiên báo cảnh sụp đổ của Vương quốc phía Bắc Israel vì thiếu đạo đức giao ước. Trong tương quan giao ước giữa Thiên Chúa và dân Người, lòng cảm thương và quan tâm tới người bất hạnh được coi là những đức tính nổi bật giữa cộng đoàn. Thiên Chúa không dung thứ những ai lạm dụng những người yếu thế.

Tin Mừng hôm nay đã vạch mặt kẻ lạm dụng đó. Người quản lý đã lợi dụng hoàn cảnh nghèo hèn để khai thác triệt để những người yếu thế, cùng đường. Ông không hề ý thức “của cải dành cho mọi người, nên phải nỗ lực làm cho mọi người có đủ điều kiện cần thiết để phát triển toàn diện, để mọi người có thể cộng tác vào việc làm cho thế giới ngày càng nhân bản hơn, để mỗi người đều có thể tặng hiến và nhận lãnh, và để việc tiến bộ của người này không cản trở sự phát triển của người khác và thành cớ khiến họ rơi vào cảnh nô lệ.”[4] Người quản lý bao giờ cũng tìm cách chiếm hữu càng nhiều càng tốt. Anh đã không thắng được cơn cám dỗ tầm thường. Ngược lại, dù bị cám dỗ một cách nặng nề, Chúa đã vượt qua để dạy chúng ta cách nhờ ân sủng mà chiến thắng.

Người quản lý hoàn toàn thiếu ý thức “của cải là một thiện ích phát xuất từ Thiên Chúa và được người chủ xử dụng để lưu chuyển hầu cả người túng nghèo cũng được hưởng dùng nữa.”[5] Ngược lại, anh đã làm cho nguồn lợi chảy ngược về chính mình và đánh đống trong kho nhà anh. Anh không thấy mình phải dùng của cải để “mưu ích cho tha nhân và xã hội.”[6] Thực tế, anh sống nhờ mồ hôi nước mắt người khác, ngược hẳn với nguyên tắc đạo đức. Của cải bất chính tố cáo anh không tha thiết gì với công lý và tình liên đới. Anh sẵn sàng hy sinh người khác để mưu lợi cho mình. Bởi vậy, ông chủ nhận thấy anh không còn phục vụ hữu hiệu trong công việc quản lý tài sản ông nữa. Việc tăng thêm của cải và nhu cầu chia đều tài sản cho mọi người chắc chắn làm cho con người và toàn thể xã hội sống trong tình liên đới hầu chống lại “cơ chế tội lỗi,” nguyên nhân sinh ra nghèo đói triền miên, kém phát triển và xuống cấp. Các cơ chế này được xây dựng và củng cố do nhiều hành động cụ thể đầy ích kỷ của con người.[7] Chung quanh người quản gia trong Tin Mừng hôm nay là cả một đám lâu la và những kẻ “dính máu ăn phần.” Ðã đến lúc phải chấm dứt cảnh người bóc lột người!

TỪ QUỐC NẠN TỚI GIÁO NẠN

Nếu không ai dám đụng tới quản gia, chắc chắn anh sẽ phá tán hết của cải ông phú hộ. Rất may ông phú hộ biết lắng nghe lời tố cáo. Nếu không, biết bao dân oan vẫn tiếp tục sống trong cảnh đè nén suốt đời.

Không phải bất cứ lời tố cáo nào cũng có giá trị. Nhưng chẳng lẽ coi tất cả mọi lời tố cáo như nhau ? Không bao giờ có thể dẹp hết quốc nạn, vì không có tiếng nói đối lập. Người ta định đưa vào nhà trường môn học chống tham nhũng. Dĩ nhiên, không ai phủ nhận vai trò giáo dục. Nhưng tham nhũng là vấn đề ngoài xã hội người lớn, chứ không phải trong thế giới người chưa lớn.

Chỉ vì lòng dạ ích kỷ của con người, tham nhũng và hối lộ đã trở thành quốc nạn ngoài xã hội, còn trong Giáo hội thì sao ? Có ai lắng nghe lời tố cáo của những người thiện chí không ? Phải chăng tố cáo là xúc phạm đến những vị lãnh đạo GHVN ? Có lẽ đã có nhiều lời tố cáo về nhiều vấn đề trong GHVN, nhưng các ông chủ GHVN vẫn “giả điếc làm ngơ.”

Ngoài xã hội, có quốc nạn. Trong GHVN, có giáo nạn. Giáo nạn hay quốc nạn đều trầm trọng như nhau. Nếu không, mấy ngày tháng qua đã không nở rộ những ý kiến đòi chấm dứt “mục vụ xin tiền.” Dĩ nhiên giáo nạn diễn ra không ồn ào như quốc nạn, nhưng cũng đủ làm cho GHVN không tiến xa hơn, nếu không muốn nói đang hoang phí bao nhiêu tài sản và nhân sự, chỉ vì không có tiếng nói “đối lập” trong GHVN. Nếu ai lên tiếng, sẽ bị xếp vào hàng chống cha chống Chúa, phá hoại Giáo hội, xúc phạm đến các giám mục v.v. Xưa nay, ai cũng tin Chúa Thánh Thần luôn hoạt động trong các đấng vít vồ. Nhưng nhìn vào các kết quả và hoạt động, mới thấy tinh thần thế tục không phải không ngự trị trong guồng máy lãnh đạo GHVN. Có thể liệt kê một số những giáo nạn đang hoành hành trong GHVN:

1. “Mục vụ xin tiền,” “mục vụ đô la,” hay “giám mục ăn xin” đều là những tên gọi khác nhau, diễn tả phần nào thực trạng giáo nạn trong GHVN. Nếu đồng tiền đã được dùng đúng mục tiêu như các giám mục, linh mục, tu sĩ đã nói khi cổ động bà con Hải Ngoại, vấn đề đã không bao giờ được đặt ra. Nhưng có biết bao cảnh “mượn đầu heo nấu cháo,” tư túi, hoang phí v.v. Chẳng lẽ không ai có quyền đụng tới các người đã lạm dụng đó à?

2. Phụng vụ chắp vá: Một cảnh nhiễu nhương trong các nhóm hay ủy ban phụng vụ trong GHVN. Cảnh con ông cháu cha, bạn bè, phe cánh đua nhau chiếm những ghế chóp bu trong một số ủy ban, bất kể khả năng chuyên môn, đã làm cho nền phụng vụ Việt nam nát như tương. Bao nhiêu nguồn nhân sự, tài sản, thời giờ đã bị lãng phí chỉ vì những tự ái, tự kiêu của một số người lãnh đạo. Gần nửa thế kỷ sau Vatican II, GHVN vẫn chưa hoàn thành nổi bản dịch Thánh Lễ Rôma ! Rùa bò cũng không chậm như vậy !

3. Mục vụ xây cất: Nhiều vị giám mục dùng tiền Hải Ngoại một cách vô cùng phung phí. Họ xây những tòa giám mục lộng lẫy hơn cả các Giáo hội bên Âu Mỹ, trong khi dân chúng chung quanh chết đói. Có những giám mục, linh mục đập bỏ các ngôi thánh đường còn mới để xây những công trình “để đời” lớn hơn. Vô tình đồng hương Hải Ngoại đã góp phần làm cho GHVN có bộ mặt khang trang để giúp nhà nước tuyên truyền cho tự do tôn giáo.

4. Nịnh thần: Ðây là những người đang phá hoại GHVN. Họ có thể là người đang làm việc trong nước hay viết lách ở Hải Ngoại. Họ tâu hót ồn ào cốt để ngăn cản các giám mục nghe biết sự thật. Họ tưởng chỉ có mình mới xây dựng GH khi tôn thần tôn thánh các giám mục. Còn những ai nói khác, nói ngược hay tố cáo sự thật đều là những kẻ phá hoại. Ðó là quan điểm của những người sống vào thời trung cổ hay trong những chế độ độc tài. Trong các xã hội tự do dân chủ, không phải chỉ có đảng cầm quyền mới xây dựng đất nước bằng những chính sách, nhưng cả đảng đối lập cũng góp sức bảo vệ và xây dựng quốc gia bằng những tiếng nói phê bình, chỉ trích từ tổng thống trở xuống. Chỉ có chính phủ không chấp nhận đối lập mới phạm quá nhiều lầm lỗi và hoang phí tài nguyên quốc gia mà thôi. GHVN cũng đang lâm vào tình trạng tương tự. Ngày xưa, bọn nịnh thần cũng tự cho mình lập được sự nghiệp lớn cho đất nước vì đã biết tâu hót nhà vua. Nhưng họ quên chính những vị trung thần dám can ngăn vua mới là những người ích quốc lợi dân thực sự.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết lắng nghe và can đảm sống theo sự thật và công lý để gia sản của Chúa không lãng phí trên quê hương chúng con. Xin cho chúng con biết khôn ngoan và nhiệt tình dấn thân cho Nước Chúa cùng với anh chị em chúng con. Amen.

đỗ lực
23.09.2007
...................................
[1] http://www.conggiaovietnam.net/LoiChuChan/ThuNgogoiCLB.NVB.htm

[2] The New American Bible 1991:1120.
[3] ibid.
[4] Toát Yếu Học Thuyết Xã hội của Giáo Hội, 2005, số 175.
[5] ibid, số 329.
[6] ibid.
[7] ibid, số 332.

Xin vui lòng giới thiệu cho người thân
Ghi danh tại địa chỉ:
tinmungvietnam@gmail.com
http://www.tinmungvietnam.net/