"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Sonntag, 26. September 2010

Vụ tàu cá Trung Quốc: Một sự trịch thượng đáng lo ngại

Chiếc tàu cá của Trung Quốc bị Nhật bắt giữ hồi đầu tháng 9, căn nguyên của những căng thẳng Trung -Nhật . Ảnh chụp hôm 8/9/2010

Đức Tâm

Trong vụ tàu cá Trung Quốc bị Nhật Bản bắt giữ, viên thuyền trưởng tàu cá đã được trả tự do hôm thứ sáu, 24/09, trước sức ép rất mạnh của Bắc Kinh. Trong vụ này, người ta nhận thấy Trung Quốc có thái độ rất giận dữ, thậm chí đích thân thủ tướng Ôn Gia Bảo còn đe dọa Nhật Bản. Sau đây là phân tích của giáo sư Ngô Vĩnh Long, đại học Maine, Hoa Kỳ.


Đây là một thái độ rất trịch thượng và ngang tàng của Trung Quốc. Trung Quốc đã biết trước rằng việc này xẩy ra trong dịp sẽ có những cuộc gặp ở Liên Hiệp Quốc, tại New York và có những vấn đề lớn hơn để giải quyết. Do vậy, Trung Quốc làm lớn vụ tàu cá, để những nước như Mỹ, Nhật Bản phải nhượng bộ, phải khoan hòa, bởi vì có những vấn đề kinh tế, những vấn đề lớn đang phải thương lượng với Trung Quốc.

Mặt khác, Mỹ và Nhật Bản không muốn những vấn đề nhỏ chi phối, do vậy, họ chịu nhượng bộ. Nhưng nếu Trung Quốc cứ tiếp tục làm như thế, thì càng ngày Trung Quốc càng ở vào thế bị động. Người Mỹ có câu: Hãy cho đối thủ của mình thêm nhiều dây thừng, để tự thắt cổ.

Tôi nghĩ là Nhật Bản giải quyết ôn hòa vấn đề ngay bây giờ, để cho mọi người thấy là Trung Quốc đã quá lố, chứ không phải là Nhật Bản hay Mỹ sợ trong vấn đề này.

RFI: Chẳng lẽ Trung Quốc không hiểu được sự nhún nhường của phía Nhật Bản và Hoa Kỳ?

Ngô Vĩnh Long: Vâng, Trung Quốc họ biết như vậy, nên họ mới làm căng. Nhưng làm căng như vậy, một phần, là để chứng minh cho quần chúng của họ là họ mạnh. Hiện nay, Mỹ và Nhật Bản có những vấn đề kinh tế lớn với Trung Quốc. Đây là nước mà Nhật Bản xuất khẩu hàng sang nhiều nhất, trong khi đó, Mỹ chưa giải quyết được vấn đề kinh tế của mình. Họ cần những hàng rẻ từ Trung Quốc sang để cho những người lao động, ít tiền, có thể tiêu dùng. Cho nên, họ phải tiếp tục mở cửa trao đổi hàng hóa với Trung Quốc. Còn Mỹ thì đẩy mạnh vấn đề hối đoái, vấn đề giá trị đồng nhân dân tệ.

Nếu để một chuyện nhỏ về chủ quyền ầm ĩ lên, thì Trung Quốc có thể dùng việc này để đánh lạc hướng vấn đề chính là mậu dịch, hối đoái. Do vậy, Nhật Bản tạm im vấn đề chủ quyền ở đảo Điếu Ngư, đồng thời, chứng minh cho mọi người thấy rằng Trung Quốc quá lố.

RFI: Như vậy có thể hiểu rằng Trung Quốc muốn dùng vấn đề tàu cá để đánh lạc hướng sự chú ý của Mỹ, Nhật Bản về vấn đề thương mại và tiền tệ. Trong khi đó, Nhật Bản, Hoa Kỳ cũng không muốn để cho sự cố tàu cá ảnh hưởng đến những vấn đề lớn khác, như tiền tệ, thương mại?

Ngô Vĩnh Long: Đúng thế. Còn một vấn đề nữa là Nhật Bản, Mỹ cứ nhân nhượng như vậy, để tiếp tục dùng Trung Quốc như là nơi bán hàng sang, hoặc là chỗ lắp ráp hàng rẻ để bán cho các nước khác. Tức là « Trung Quốc cứ nhịn ăn để tiếp tục làm đầy tớ cho chúng tôi. Nhưng nếu anh quá đáng thì lúc đó, chúng tôi sẽ có phản ứng ».

Việc xẩy ra ở đảo Điếu Ngư chứng minh cho thế giới biết là Nhật Bản khoan hòa. Đây là đảo mà Nhật Bản quản lý. Đảo của Nhật Bản, được giao cho Nhật Bản, chứ không phải là Nhật Bản chiếm đóng. Trung Quốc không có tranh chấp về đảo này cho đến năm 1972, khi tìm thấy là ở gần đó có dầu lửa. Trung Quốc trong hai năm qua, tiếp tục gửi tàu sang, gây ra nhiều chuyện xung quanh đó, còn Nhật Bản vẫn luôn ôn hòa. Kỳ này, do có đụng vào tàu Nhật Bản thì Tokyo mới bắt. Trước sau, thì Nhật Bản cũng thả thôi. Nhưng Trung Quốc làm quá. Vậy thì Nhật Bản thả nhưng đồng thời để cũng cho mọi người thấy thái độ quá lố của Trung Quốc.

Trong các vấn đề tại vùng biển gần đảo Điếu Ngư hay tại biển Đông Nam Á mà Việt Nam gọi là Biển Đông, Trung Quốc đối xử không cân xứng. Khi thuyền chài của Việt Nam đi đến gần đảo Hoàng Sa, thì Trung Quốc bắt, Trung Quốc bắn, Trung Quốc làm cho nhiều người bị thương, chết. Rồi Trung Quốc bắt người ta đền. Trong khi đó, Trung Quốc đến đảo của Nhật Bản, đụng thuyền của người ta, rồi lại bắt người ta xin lỗi. Rõ ràng, thế giới sẽ thấy thái độ, cư xử này của Trung Quốc là không cân xứng.

RFI: Thưa, trong sự cố vừa rồi, phải chăng thái độ của Trung Quốc cho thấy là họ khá tự tin hoặc bắt nạt các nước khác trong khu vực?

Ngô Vĩnh Long: Vâng, cái đó cho thấy là Trung Quốc bắt nạt. Còn tự tin hay không thì tôi không biết. Có thể họ có nhiều vấn đề khó khăn ở trong nước. Họ phải làm như vậy để chứng minh cho dân chúng thấy là họ mạnh. Nhưng vấn đề là càng làm như vậy, thì càng có nhiều người gờm Trung Quốc. Tôi nghĩ, trong những tháng tới, chẳng hạn, nhiều nước sẽ có thái độ rất dè dặt với Trung Quốc. Hiện bây giờ, người ta cũng đã có thái độ dè dặt rồi.

Trong vấn đề đảo Điếu Ngư, Hoàng Sa, Trường Sa, khi mà chỉ có tranh chấp chủ quyền giữa các nước và không gây bất ổn định trong khu vực, thì người ta có thể tạm để yên. Nhưng khi vấn đề bắt đầu gây bất ổn định, thì các nước sẽ có phản ứng chung. Tôi nghĩ bây giờ, các nước bắt đầu có phản ứng chung, nhưng mà họ làm từ từ.

Do vậy, nếu Trung Quốc cứ tiếp tục hành xử như vậy, thì Trung Quốc càng ngày càng tự cô lập mình. Có thể Mỹ hay một số nước khác, bắt đầu từ từ rút bớt đầu tư ra khỏi Trung Quốc và đưa sang các nước khác ở Đông Nam Á hay khu vực khác. Họ sẽ tìm các thị trường mới. Trung Quốc cũng cần các nước khác, bán hàng cho họ. Có thể nói, các bên đều cần nhau. Thế nhưng, nếu Trung Quốc cứ tiếp tục trịch thượng và hàm hồ như hiện nay, thì người ta càng ngày càng e dè.

RFI: Sự e dè này, liệu Trung Quốc có nhận thức được hay không ? Hay họ cho rằng hiện nay hay trong tương lai, các nước vẫn tiếp tục cần Trung Quốc vì Bắc Kinh có những thế mạnh trong quan hệ kinh tế?

Ngô Vĩnh Long: Tôi nghĩ có nhiều phe phái ở bên Trung Quốc và có nhiều người cảm thấy Trung Quốc hơi đi quá. Nếu muốn làm một trong những đàn anh trong khu vực, thì Trung Quốc phải có lối đối xử khá hơn. Mặt khác, cũng có những nhóm, ví dụ quân đội Trung Quốc, nhất là hải quân. Bây giờ họ có tầu chiến, nhiều vũ khí và muốn xưng hùng, xưng bá.

Ngoài ra, những hãng dầu khí Trung Quốc cần thêm nguồn dầu khí. Chỗ nào mà họ chiếm được hoặc đe dọa người khác không được khai thác, thì họ sẵn sàng vào làm.

Tôi nghĩ, nếu vấn đề chỉ liên quan đến một hai nước, thì Trung Quốc có thể hành xử như vậy. Nhưng nếu Trung Quốc làm quá, tất cả các nước xung quanh hợp tác với nhau đề đối đầu lại thì Trung Quốc sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

RFI: Qua sự cố va chạm giữa tàu cá Trung Quốc và tàu tuần tra Nhật Bản, có thể rút ra được điều gi, tạm gọi là kinh nghiệm về cách ứng xử với Trung Quốc, nhất là đối với những nước như Việt Nam, đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc?

Ngô Vĩnh Long: Tôi nghĩ bài học lớn là khi Trung Quốc làm điều quá lố, khích động như vậy, thì một nước như Việt Nam, phải có phản ứng rõ ràng, phải lên tiếng cho thế giới biết là Trung Quốc quá lố, thì Trung Quốc sẽ bị động, mất uy tín với nhiều nước trên thế giới. Còn im lặng thì họ sẽ tiếp tục làm tới.

Xin cảm ơn giáo sư Ngô Vĩnh Long

http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20100926-vu-tau-ca-trung-quoc-mot-su-trich-thuong-dang-lo-ngai