Dòng thừa sai Paris được xây cách đây vài trăm năm, nhưng về mặt kiến trúc không hề lạc hậu chút so với hiện nay, trong nhà dòng còn lưu giữ những bức tranh sơn mài về các cảnh thanh trừng đạo Công Giáo tại Việt Nam thời xưa, những bức tranh khá đẹp nhưng nội dung lại quá bi đát với cảnh gông cùm, đầu rơi máu chảy. Có một tảng đá vuông vắn cao chừng 1 mét, bề ngang 1,2 mét, bề dài 3 mét gì đó ghi tên các Thánh tử đạo ở các nước, nhìn hàng tên Việt Nam thấy dài dằng dặc.
Ở đây còn lưu giữ những di vật của một số vị thánh tử đạo người Việt Nam, có cả một căn phòng riêng để trưng bày tài liệu,hiện vật như cái túi, đôi giày, tranh ảnh, phòng chiếu phim.
Có ông cha cố người Pháp từng ở Việt Nam, ông nói tiếng Việt rành rẽ lắm, chả biết tên Pháp của ông là gì, ông bảo gọi ông là cha May, đấy là tên người ta gọi ông lúc ông ở Việt Nam.
Lâu lắm mới gặp được người Việt đến chơi, cha May bồi hồi tâm sự về những ngày tháng xa xưa ở Việt Nam, cha May cũng từng bị giam cầm hơn 1 năm, nhưng cái hổi cha còn ở Việt Nam cách đây hơn 30 năm, lúc đó mình còn bé tí chả biết gì cả. Cha May dẫn đi thăm nhà dòng, cha chỉ căn phòng mà đức tổng Ngô Quang Kiệt từng ở nhiều năm lúc còn học ở đây, lúc đó Đức Tổng chỉ là một linh mục, căn phòng khá đẹp.
Cha May có lẽ xúc động khi ôn lại những ngày ở Việt Nam, ông vừa nói vừa khóc, ông ở Việt Nam một quãng thời gian dài, từng chống gậy đeo túi một mình lặn lội núi rừng để đi làm mục vụ, bệnh tật sốt rét , đói và lạnh.
Ở Việt Nam bây giờ, như ở giáo phận Hưng Hóa, có linh mục chỉ đi làm lễ xa lắm là 3 cây số nhưng cũng tậu xe hơi. Có hôm đám ma của một bà cố ở Hưng Hóa, thấy các ông cha ở đây tụ ở bãi đậu xe bàn tán chỉ trỏ khoe nhau về xe hơi của mình. Thế mới biết thời Việt Nam CNXH các linh mục sướng hơn thời thực dân nhiều lắm.