Thanh Quang, phóng viên RFA
2010-12-09 - Gần đây, Tin tặc đánh phá hết website này đến trang blog khác nhưng giới cầm quyền, với tất cả quyền lực trong tay, lại có vẻ “án binh bất động”, không có biện pháp ứng phó nào cả.
Như vậy có điều gì bí ẩn bên trong không? Qua cuộc trao đổi với Thanh Quang, nhà báo tự do Lê Diễn Đức, chủ biên Đàn Chim Việt Online từ Ba Lan nhận xét:
Tôi thấy vấn đề này chẳng có gì bí ẩn cả, bởi vì thực ra mà nói, trong suốt những năm gần đây, nhà cầm quyền Hà Nội đều tìm cách ngăn chận những thông tin sự thật nói về tình hình kinh tế, xã hội cũng như tất cả những vần đề liên quan đất nước. Ban đầu họ chặn tường lửa. Nhưng chặn tường lửa thì người ta vẫn biết cách vào. Nên họ đổi sang cách khác.
Rồi khi nhận thấy việc ngăn chận Internet ngày nay rất khó, nên giới cầm quyền tìm cách tuyển đội ngũ giỏi về công nghệ thông tin – mà chúng ta gọi là những tin tặc hoặc hacker – để tấn công những trang mạng.
Bây giờ chúng ta thấy rằng những trang mạng bị tấn công, đa số của những bloggers quốc nội phản ánh sự thật đang diễn ra trong nước, cũng như những trang mạng hải ngoại có tinh thần tranh đấu cho tự do dân chủ. Họ phổ biến những thông tin nói rõ hành động của nhà cầm quyền, kêu gọi cải tổ chính trị cũng như cải cách cơ chế đất nước và yêu cầu mọi hoạt động của nhà cầm quyền phải cho dân chúng biết.
Tôi nghĩ quyền tự do ngôn luận cũng như quyền tự do báo chí, quyền truyền thông là quyền của tất cả công dân. Nhưng tất cả chế độ độc tài nào cũng đều sợ nhất là vấn đề thông tin sự thật. Do đó việc họ đưa tin tặc ra để tấn công các trang mạng nhằm ngăn chặn thông tin sự thật đến với quần chúng, thì đó là chuyện bình thường của tất cả chế độ độc tài, kể cả VN.
Vừa đá bóng vừa thổi còi
Thanh Quang: Nếu đi vào cụ thể một chút, thì người dân hiện thắc mắc – và rất bất bình – là tại sao giới cầm quyền, từ trung ương tới địa phương, vẫn cứ tiến hành những dự án không thuận lòng dân và nguy hại đến an ninh quốc gia, xã hội, từ bô-xít Tây Nguyên đến việc cho thuê rừng đầu nguồn.v.v…trong khi các quan chức chính phủ ra sức biện bạch cho những dự án mà toàn dân biết chắc là thua lỗ, nguy hiểm đó. Ông có ý kiến gì về vấn đề này ?
Nhà báo Lê Diễn Đức: Trong nhiều bài viết của tôi thì tôi cũng đã nêu lên những quan điểm riêng của mình, và tôi gọi Hà Nội là tập đoàn Mafia hay là tập đoàn tư bản đỏ. Tôi dùng những từ này có nặng hay không thì tôi có chứng minh. Bởi vì quốc nạn tham nhũng bây giờ không còn gì để giấu nữa.
Ngay tại diễn đàn Quốc Hội vừa qua, các đại biểu cũng đã có những ý kiến rất phê phán. Và người ta thấy rằng nạn tham nhũng ở VN không thể nào ngăn chận được với cơ chế độc quyền và đặc lợi như hiện nay. Cho nên điều dễ hiểu là những dự án, từ bô-xít Tây Nguyên, nhà máy điện, nhà máy xi-măng cho tới rất nhiều dự án lớn khác trúng vào tay tổng thầu Trung Quốc, thì một người ngây thơ nhất cũng biết rằng bây giờ giới cầm quyền VN vận dụng mọi thời gian, vận dụng lợi thế đang nắm toàn bộ quyền lực để họ hưởng lợi trong tất cả hợp đồng đó.
Những trang mạng bị tấn công, đa số của những bloggers quốc nội phản ánh sự thật đang diễn ra trong nước...
Nhà báo tự do Lê Diễn Đức
Tôi nhớ cách đây mấy năm khi ông Phan Văn Khải còn làm thủ tướng, trên diễn đàn Quốc Hội ông ta cũng đã nói là với một dự án như vậy, sự thất thoát công trình phải từ 15% tới 30-40%. Và tình trạng đó cứ kéo dài cho tới ngày nay. Chúng ta đã thấy rồi, những dự án lớn tầm cỡ quốc gia từ mấy chục triệu đô la cho tới mấy trăm triệu đô-la, thì tiền “lại quả” về tay ai ? Đương nhiên là về những người ký duyệt dự án.
Tôi cũng có một người bạn học cũ, hiện ở cương vị tương đối cao trong Quốc Hội. Ông ấy gặp tôi ở Ba Lan và nói rằng người ta phải ăn hối lộ, chứ nếu không ăn thì lấy đâu mà trả lại khoản tiền mua quan bán chức. Ông ta còn cho tôi biết tất cả chức vị ở Việt Nam hiện nay trong guồng máy đều phải chạy chức với số tiền nào đó – từ địa phương cho tới trung ương.
Các bộ trưởng giá cao nhất hiện nay là Bộ trưởng Giao thông Vận Tải. Chúng ta thấy hiện nay ở VN nổi lên một lớp giàu có khủng khiếp, xài “tiền tấn”, cho con cái du học nước ngoài, nhà cao cửa rộng, trong khi với đồng lương nhà nước quy định như vậy thì tiền này đâu ra ? Cho nên chúng ta không ngạc nhiên là tại sao, cứ có công trình nào, đối tác nào mà có thể mang lại cho họ nhiều lợi ích cá nhân nhất, tiền bỏ vào túi họ nhiều nhất thì họ ký.
Việc này đã hiển nhiên trong xã hội, ai cũng biết điều đó. Đây là vấn nạn khủng khiếp mà chỉ có đảng cầm quyền giữ đặc quyền thì không có cách nào khác được. Mà giữ đặc quyền thì họ lại không có thông tin tự do, không có ngành tư pháp độc lập. Họ vừa đá bóng vừa thổi còi, không ai trừng trị cả. Do đó, tình hình như hiện nay là chuyện tất nhiên.
Chủ quyền đất nước
Thanh Quang: Có lẽ một trong những vấn đề hiện nay cũng gây nhiều bức xúc trong dân chúng VN trong cũng như ngoài nước cùng công luận nói chung là vấn đề Biển Đông. Ông có nhận xét như thế nào về cách ứng phó của chính quyền VN trước hành động lấn lướt của TQ qua “đường lưỡi bò”, rồi họ dùng thế kẻ mạnh để lấn chiếm Hoàng Sa, Trường Sa của VN ? Được biết chiến thuật ngoại giao của VN là không đối đầu, vận động những nước khác nói hộ VN. Nhưng liệu sách lược đó có gây bất bình trong công luận không khi “đường lưỡi bò” ảnh hưởng lớn nhất đến VN mà VN không công khai lên tiếng?
Nhà báo Lê Diễn Đức: Chúng ta phải thống nhất quan điểm này: Dư luận VN có thể chấp nhận vấn đề sai trái của chính quyền trong đó họ sẽ đấu tranh đòi cải tổ. Nhưng đụng đến chủ quyền của đất nước thì bất cứ người dân nào cũng sôi sục, căm phẫn.
Bởi vì truyền thống chống ngoại xâm, chống sự bành trướng xâm lược từ phương Bắc đã có từ cả ngàn đời nay rồi. Nhưng tại sao nhà cầm quyền CS, trong suốt thời gian vừa qua, coi như hoàn toàn thụ động , thậm chí chấp nhận sự lấn lướt của TQ, từ sự kiện năm 1974 khi TQ dùng vũ lực đánh chiếm Hoàng Sa. Rồi trong thời chiến tranh chống Mỹ, TQ lợi dụng việc các nước anh em giúp đỡ nhau cũng cho quân mở rộng đường lấn chiếm từ biên giới phía Bắc rồi.
Đến lúc toàn bộ khối CS Đông Âu và Liên Xô sụp đổ trong những năm 89, 90, Hà Nội cảm thấy mình không còn chỗ đứng nào nữa. Mặc dầu chiến tranh biên giới phía Bắc năm 79 đã làm 2 nước rạn nứt rất lớn, nhưng Hà Nội phải cấp tốc sang điều đình với Bắc Kinh để tìm chỗ dựa, bởi vì không còn ai giúp nữa.
Theo tôi đây là một nguyên nhân quan trọng nhất chứng tỏ tại sao Hà Nội chịu sự lấn lướt của TQ. Tại vì họ phải bám TQ để tồn tại. Trước đây còn cả khối CS, còn bây giờ chỉ còn một nước lớn duy nhất có cùng ý thức hệ , cùng thể chế chính trị độc đảng với Hà Nội. Nếu không bám TQ thì họ không còn con đường nào khác. Tình trạng này dẫn tới thái độ nhu nhược của nhà cầm quyền Hà Nội trước việc TQ hãm hại, bắt giữ, bức bách ngư dân VN liên tục trong nhiều năm nay; rồi hành động Bắc Kinh xây dựng những căn cứ quân sự trên các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; rồi những tuyên bố nghênh ngang, kể cả “đường lưỡi bò” chiếm gần trọng biển Đông Nam Á mà Hà Nội vẫn làm ngơ.
Đụng đến chủ quyền của đất nước thì bất cứ người dân nào cũng sôi sục, căm phẫn.
Nhà báo tự do Lê Diễn Đức
Nếu có tuyên bố thì nhà cầm quyền cũng chỉ tuyên bố lấy lệ vì không thấy có hành động gì. Tôi thấy hiện nay nhà cầm quyền Hà Nội muốn có một số nước can thiệp, nói thay mình chính vì họ không đủ bản lĩnh để nói, hoặc không dám nói. Nhưng trước sự phẫn nộ cũng như chỉ trích của dư luận, họ thấy ảnh hưởng đến quyền lực của họ.
Khi người dân quá phẫn nộ về chuyện mất đất, mất biển, cho thuê 50 năm 300.000 hecta rừng đầu nguồn, rồi hàng vạn công nhân TQ khoác áo công nhân, kỹ thuật viên, rải khắp các công trình từ Bắc tới Nam, thì ai cũng nhìn thấy nguy cơ của cuộc Bắc Thuộc lần thứ tư. Bây giờ người VN, nếu nói đến việc xâm lấn của TQ, đều bất bình, phẫn nộ. Nhưng bây giờ Hà Nội khó có động thái nào mạnh với TQ, vì đó chính là chỗ dựa để họ tồn tại.