Nhiều người Việt từng học tập, công tác ở Liên Xô những năm 80 hẳn đã hả hê khi đóng hàng gửi về VN, với những chậu, khay, thìa nhôm nặng chịch … Nhưng hôm nay lại nhói lòng khi biết có cha mẹ đỡ đầu của mình ở Liên Xô cũ đang khổ sở vì thảm họa sinh thái đến từ một số cơ sở công nghiệp lừng danh trong lịch sử.
Tháng 6/2008 tờ Portmone dành cho giới thượng lưu (đỏ hay da cam nhỉ?) ở Zaporozhe, đăng bài báo nổi tiếng, gọi là “Chuyện dân gian có hậu về sinh thái” (Добрая сказка об экологии). Hơn hai năm sau, báo giới lại có dịp nhớ lại sự tích này, nhân chuyện bùn đỏ Hungary.
Tờ Portmon cho biết dù nhà máy khói (vẫn) bay ngụt trời như áng mây chiều, người dân ở xứ sở của Taras Bulba bất hủ chỉ phải ngửi có 687 kg chất thải thôi, từ trẻ mới choai đến già khụ đế. Đó là nhờ những nỗ lực giảm thiểu, so với năm 2007, những 10 phần trăm khối chất thải, tức là còn có 170 triệu tấn. Tác giả hy vọng rằng những đấng vẫn cho chúng ta ăn bụi kia, chỉ hai kế hoạch năm năm không cần vượt mức, sẽ cho con cháu những dân cô dắc phóng khoáng được quyền thở không khí, từng thơm nức mũi tổ tiên mình.
Nhà máy nhôm Zaporozhe
Vì thế, tác giả viết tiếp, cái bọn nhà báo hay đầu cơ tin tức kia quả là đã hồ đồ khi dám phàn nàn về triển vọng sinh thái của thành phố. Bởi vì vào ngày Bảo vệ môi trường, một loạt các vị hùng anh của các nhà máy, như Thép Zaporozhe và Liên hiệp sản xuất Titan – manhê của Zaparozhe, đã được tôn vinh vì hăng hái hoạt động bảo vệ môi trường. Nhân thể cũng hỏi cả doanh nhân của dăm nhà máy luyện kim màu, kim đen khác, hội tụ đông đảo trong bình nguyên, (từng được biết đến như vùng của người Cô dắc tự do /запорожскиe вольности), nhưng có hảo tâm bảo tồn sinh thái.
Chân dung quắc thước của các nhà công nghiệp, nay oằn lưng hơn so với thời xô viết vì nhiệm vụ tăng thu giảm chi, quả có làm ta mềm lòng. Các câu trả lời của họ cũng gợi lại thời kỳ xô viết khi các con số to chóng mặt lại được nêu, về hiệu quả kinh tế, về hiệu quả làm sạch môi trường, về quy mô hiện đại hoá sản xuất, về hoàn thành các chỉ tiêu môi trường …
Món quà màu da cam (oранжевый «подарок»)
Ngày ấy, đại diện của Liên hiệp Nhôm Zaporozhe bị cho rằng đã không hợp tác với báo Portmon. Trên thực tế, họ đã từ chối bình luận hoạt động bảo vệ môi trường của mình.
Điều này có lý do chính đáng. Nhà máy đang quá bận rộn để khắc phục sự cố xảy ra do vỡ đường dẫn chất thải bùn đỏ.
Báo Portmon nhắc người đọc rằng hai tuần trước đó, đêm 28 rạng ngày 29 tháng 5/2008, nhiều chục tấn bùn công nghiệp quánh, có màu đỏ – da cam, đã tràn ngập 20 ha của vùng Shepchenko thuộc Zaporozhe.
Dân cư của bốn phố phường chịu sự xâm lăng của bùn đỏ đã dựa vào sức của mình để khắc phục “nhân họa” này. Vì chẳng có lực lượng nào của Bộ tình trạng khẩn cấp hay Liên hiệp Nhôm Zaporozhe (ЗАлК/Zalk) đến hiện trường. Mãi hơn 24 giờ sau, các lực lượng chức năng mới xuất hiện để tham gia khắc phục hậu quả.
Quan chức của Cục kiểm soát sinh thái, ông Ruslan Kizim cho rằng Zalk đã tìm cách che dấu tai hoạ này cho đến khi bị dồn vào chân tường. Sau khi chuyên ban về vụ này ra kết luận, nhà máy đã phải chịu phạt vì đã làm ô nhiễm môi trường. Trong khi các chuyên gia giải thích rằng bùn này có ảnh hưởng tới sức khoẻ người dân đâu mà sợ, có một điều không thể cãi, là đất ở nơi bùn tràn tới đã không thể tiếp tục canh tác.
Lãnh đạo Zalk phủ định lời buộc tội “lấp liếm”, khẳng định rằng mọi biện pháp cần thiết đã được tiến hành để khắc phục hậu quả, chẳng trời mưa quá nên bùn đỏ lại cứ tràn thêm mãi ra. Các vị “vua nhôm” này cũng đổ lỗi cho những tay “chà đồ nhôm” (những kẻ sưu tầm trái phép kim loại màu/нелегальныe сборщики металла).
Nhưng tại phiên họp của chuyên ban về vụ tràn bùn đỏ này, các nguyên nhân được kết luận là:không có lực lượng bảo vệ bể chứa bùn, không có hệ thống báo động trên đường ống thải bùn đỏ, và những hành vi thiếu chuyên môn của CB CNV nhà máy.
Tác giả bài báo kết luận rằng chính … tiết kiệm là thủ phạm vụ tràn bùn này. Đúng hơn là nhà máy đã tăng thu bằng cách giảm chi về mặt bảo vệ môi trường sinh thái.
Hai năm sau, bài “Ở đâu tại Ukraine có thể lặp lại thảm hoạ bùn đỏ kiểu Hungary?”, báo “Delo” nêu kết quả điều tra nguyên nhân của sự cố tràn bùn ở Zaporoje năm 2008. Đó là do có kẻ đã lấy trộm van chặn của giếng tích bùn đỏ, dẫn đến đường ống dẫn bùn bị vỡ (1).
Bể chứa bùn đỏ ở Nikolaev, ngay trên bờ Hắc Hải. Ảnh vệ tinh
Bùn đỏ ở Hungary, phân bón ở Ucren
Sau thảm họa bùn đỏ ở Hungary, báo điện tử Người quan sát Ukraine (Oborzevatel) đã quay lại hiện trường vụ bùn đỏ ở Zaparoje, để viết nên bài báo “Bùn đỏ ư? Ngay ở Ukraine thiếu gì!” (Венгерский шлам? Своего полно!) (2).
Một sáng tháng năm 2008, dân tình trên các phố Strenikov và Petrovsky tỉnh dậy, nhận thấy một dòng sông đỏ quạch tràn ngập khắp sân vườn. Chỗ thì vừa ngập bàn chân, chỗ tới 30 – 40 phân. Nhìn thấy cây cối héo quắt đi trong nháy mắt, người dân lao vào dùng tất cả những gì có hình khum khum hót dọn thứ “quà” màu da cam này, để cứu nguồn vitamin gần như duy nhất cho ngày đông tháng giá.
Nhưng các chuyên gia của nhà máy nhôm bản địa đã ra sức an ủi người dân. Họ cho biết bùn đỏ là thứ vô hại, là phế liệu của bô xít, mà bô xít là sản vật của trời (материал природный/ vật liệu tự nhiên), không khác gì phân bón!
Trả lời phóng viên tờ Obozrevatel ông Ruzenko, có 600 mét đất miệt vườn bị thiên tai tạo bởi nền sản xuất nhôm tàn phá, cho biết hai năm trước, các “thần đèn” đến từ nhà máy nhôm còn khẳng định rằng các khóm mận của ông rồi sẽ tưng bừng đâm hoa kết trái.
Nhưng trên thực tế, mọi thứ đã ngược lại, các dàn nho khô héo, còn vườn táo thì tàn lụi. Vụ năm nay không dám trồng thêm cây gì, sợ rau quả từ thứ đất này chứa độc hại …
Bà Alevtina Chiligina láng giềng, ôm lấy đầu khi nhớ về thiệt hại hai năm trước do bùn đỏ. Bà cho biết khi nhìn thấy khóm cà chua, ớt tây, bắp cải trong vườn ngập trong bùn đỏ, bà đã khuỵu chân … Nhà máy hứa đền bù cho bà 5 ngàn grivna. Nhưng đến hôm nay, cả bà lẫn những khổ chủ khác chưa ai nhận được đồng nào.
Người dân cũng nghĩ rằng không phải lo bùn đỏ sẽ chảy vào sông Đanuýp từ Hungary. Vì nó đã ở trong sông này ít nhất hai năm rồi. “Xem TV, thấy lực lượng cứu trợ ở Hungary đi găng, mặc áo bảo hộ, đeo mặt nạ phòng độc. Vậy mà chúng tôi hai năm trước từng vốc bùn đỏ bằng tay”. Bà Nelly Burjakovskaya kể. “Rồi bùn đỏ ấy từ đây đã chảy xuống mương kia, từ đó mà ra thẳng sông Đanuýp”.
Những mỏ “phân bón” kiểu như thế rải rác trên các bãi thải CN ở các tỉnh như Sumsk, Kiev, Kharkov, Zaparozhe, Tcherkass, Kirovograd. Hoá chất độc hại các loại tàng trữ lâu năm ở các nơi này lên tới 22 ngàn tấn.
Chú thích:
1.http://delo.ua/biznes/ukraina/gde-v-ukraine-proizojti-vengerskaja-katastrofa-146024/#comments 2.http://www.obozrevatel.com/news/2010/10/29/400377.htm
Lê Đỗ Huy (thuật)