(TCTG) – Không có quân đội nào đứng ngoài chính trị. Do đó, quân đội nhất thiết phải đặt dưới sự lãnh đạo của giai cấp và mang bản chất giai cấp đã tổ chức ra nó… Quân đội bao giờ cũng là quân đội của một giai cấp, một nhà nước nhất định do một giai cấp, một nhà nước tổ chức ra nuôi dưỡng và sử dụng nó vào mục đích chính trị. Quân đội là công cụ thực hiện mục tiêu, ý đồ chính trị của một giai cấp, một nhà nước. Không có quân đội nào đứng ngoài chính trị. Do đó, quân đội nhất thiết phải đặt dưới sự lãnh đạo của giai cấp và mang bản chất giai cấp đã tổ chức ra nó. Vì vậy, quân đội của giai cấp vô sản thì phải do chính Đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo…
Để chống phá và đi đến xoá bỏ các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN), từ giữa thế kỷ XX, chủ nghĩa đế quốc đứng đầu là đế quốc Mỹ và các thế lực thù địch đã tiến hành chiến lược “diễn biến hoà bình” tấn công trên nhiều lĩnh vực, vào nhiều lực lượng, trong đó quân đội được xác định là đối tượng trọng điểm. Thực tế, chúng đã thực hiện thành công âm mưu “phi chính trị hóa quân đội” các nước XHCN ở Đông Âu và Liên Xô vào những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, góp phần làm sụp đổ chế độ XHCN ở các nước này.
Với quan điểm hết sức sai trái, phản động và phản khoa học, chúng cố chứng minh, quân đội là một hiện tượng vĩnh viễn, “trung lập về chính trị”, “phi giai cấp”, là tổ chức “ngoài giai cấp”, có nhiệm vụ thực hiện những chức năng “cộng đồng quốc gia”, phục vụ lợi ích toàn dân; hay quân đội là một tổ chức “nhân dân” đặc biệt đứng ngoài chính trị. Mặc dù chúng biết rằng, lịch sử loài người từ khi phân chia giai cấp và có đối kháng giai cấp là lịch sử đấu tranh giai cấp nhằm giải quyết mâu thuẫn giữa các giai cấp. Cuộc đấu tranh giai cấp phát triển đến một trình độ nhất định thì chuyển từ đấu tranh về kinh tế sang đấu tranh về chính trị, đặt ra vấn đề giành và giữ chính quyền. Đồng thời, trong mối quan hệ giữa chiến tranh và chính trị thì chính trị là mục đích còn chiến tranh là công cụ, phương tiện. Để đạt được mục đích chính trị thì cần phải có công cụ mạnh, công cụ đó chính là quân đội. Quân đội bao giờ cũng là quân đội của một giai cấp, một nhà nước nhất định do một giai cấp, một nhà nước tổ chức ra nuôi dưỡng và sử dụng nó vào mục đích chính trị. Quân đội là công cụ thực hiện mục tiêu, ý đồ chính trị của một giai cấp, một nhà nước. Không có quân đội nào đứng ngoài chính trị. Do đó, quân đội nhất thiết phải đặt dưới sự lãnh đạo của giai cấp và mang bản chất giai cấp đã tổ chức ra nó. Vì vậy, quân đội của giai cấp vô sản thì phải do chính Đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo. Và quân đội của giai cấp tư sản cũng không nằm ngoài quy luật đó. Nhưng trái ngược hoàn toàn với quân đội của giai cấp vô sản, quân đội của giai cấp tư sản do giai cấp tư sản tổ chức và lãnh đạo, là quân đội mang bản chất tư hữu, bóc lột, quân đội đó nhằm bảo vệ quyền lợi cho thiểu số giai cấp bóc lột của giai cấp tư sản, chủ nghĩa tư bản; đó là thứ quân đội đánh thuê cho giai cấp tư sản; là đội quân xâm lược, một đội quân “chống khủng bố” trá hình. Với bản chất hiếu chiến, xâm lược, chúng không từ một thủ đoạn nham hiểm, thâm độc nào nhằm lật đổ các nước không tuân theo sự chỉ huy của chúng.
Thực chất của âm mưu “phi chính trị hoá” đối với Quân đội ta của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch là nhằm tước bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐNDVN), vô hiệu hóa quân đội, làm cho quân đội ta đứng ngoài chính trị, mất phương hướng chính trị và mục tiêu, lí tưởng chiến đấu, xa rời bản chất giai cấp công nhân, dẫn đến suy yếu về chính trị, tiến tới “tự diễn biến” và bị “vô hiệu hóa”, từ đó đi đến thủ tiêu sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội ta. Bởi vì, chúng hiểu rằng QĐNDVN đã từng là lực lượng nòng cốt trong hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam và hiện đang là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, nên muốn thực hiện “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ nhằm xóa bỏ chế độ XHCN ở nước ta thì trước hết phải “vô hiệu hóa” quân đội, làm cho quân đội “trung lập”, đứng ngoài chính trị, đứng ngoài cuộc đấu tranh giai cấp, quân đội không còn đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Trung thành với học thuyết của chủ nghĩa Mác-Lênin về quân đội kiểu mới của giai cấp vô sản, vận dụng đúng đắn, sáng tạo vào điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam; đồng thời kế thừa và phát triển kinh nghiệm đánh giặc của cha ông ta. Trong quá trình xây dựng lực lượng vũ trang, tổ chức và lãnh đạo quân đội, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Cách mạng Việt Nam muốn giành thắng lợi, phải đi theo con đường cách mạng vô sản, cần có bạo lực cách mạng và dùng bạo lực cách mạng để đập tan bạo lực phản cách mạng. Đó là bạo lực tổng hợp dựa trên sức mạnh toàn dân, chiến tranh toàn dân, toàn diện; nghệ thuật quân sự lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít địch nhiều. Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh luôn quan tâm việc Đảng phải lãnh đạo chặt chẽ quân đội. Người khẳng định: “Dân tộc Việt Nam nhất định phải được giải phóng. Muốn giải phóng thì phải đánh phát xít Nhật và Pháp. Muốn đánh chúng thì phải có lực lượng quân sự. Muốn có lực lượng thì phải có tổ chức” (1). Điều đó chứng tỏ rằng, sự ra đời của quân đội liên hệ mật thiết với sự nghiệp giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc và đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng là một tất yếu khách quan.
Thực tiễn, ngay từ khi ra đời, trong “Chính cương vắn tắt” của Đảng tháng 2/1930, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề xuất việc tổ chức ra quân đội công nông. Sau đó, “Luận cương chính trị” của Đảng tháng 10/1930 đã nêu rõ vấn đề: Phải vũ trang cho công nông, lập đội quân công nông và tổ chức đội tự vệ công nông. Ngày 22/12/1944 Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của QĐNDVN ngày nay. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, việc Đảng tổ chức ra quân đội để tiến hành đấu tranh cách mạng là một tất yếu khách quan, xuất phát từ yêu cầu sự nghiệp cách mạng của Đảng. Cùng với việc xây dựng lực lượng chính trị trong quần chúng cách mạng, Đảng ta coi trọng xây dựng và lãnh đạo chặt chẽ lực lượng quân sự của mình. Không những tổ chức ra quân đội, Đảng còn xác định tất yếu phải lãnh đạo quân đội. Chính nhờ sự lãnh đạo của Đảng hơn 60 năm qua Quân đội ta đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh và trở thành lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Từ những cơ sở lí luận và thực tiễn trên, một lần nữa chúng ta khẳng định: Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức và lãnh đạo QĐNDVN là một tất yếu khách quan và chỉ có sự lãnh đạo của Đảng, quân đội ta mới mang bản chất giai cấp công nhân, trung thành với Đảng với Tổ quốc, với nhân dân, phát huy được truyền thống vẻ vang, bản chất cách mạng, thực sự là lực lượng chiến đấu trung thành, là chỗ dựa vững chắc của nhân dân.
Trong bối cảnh tình hình thế giới hiện nay đang diễn biến phức tạp có lợi cho chủ nghĩa đế quốc, chúng càng đẩy mạnh âm mưu “phi chính trị hóa quân đội” với những thủ đoạn thâm độc và nham hiểm hơn đối với quân đội ta. Để đấu tranh chống âm mưu “phi chính trị hóa quân đội” thắng lợi phải kết hợp chặt chẽ với đấu tranh chống chiến lược “diễn biến hoà bình” của kẻ thù trên tất cả các lĩnh vực. Đó cũng là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và của cả hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong đó cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung, biện pháp chủ yếu sau:
Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, xây dựng các tổ chức đảng trong quân đội trong sạch vững mạnh.
Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, xây dựng các tổ chức đảng trong quân đội trong sạch vững mạnh (TSVM) là vấn đề then chốt trong việc xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị làm cơ sở xây dựng sức mạnh tổng hợp của quân đội. Bởi tổ chức đảng là hạt nhân lãnh đạo, trung tâm đoàn kết của đơn vị.
Mặt khác, bản chất của âm mưu “phi chính trị hóa quân đội” của kẻ thù là tước bỏ quyền lãnh đạo của Đảng ta đối với quân đội. Do đó, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội có ý nghĩa quyết định đánh bại âm mưu “phi chính trị hóa quân đội” của kẻ thù. Làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ tự “miễn dịch” được trước sự tấn công, xâm nhập của những tư tưởng sai trái của các thế lực thù địch.
Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội thực chất là giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân cho quân đội; là làm cho quân đội quán triệt sâu sắc chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, quan điểm, đường lối quân sự của Đảng vào quân đội; là tập trung nâng cao sức mạnh về chính trị, tinh thần, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu của quân đội. Đảm bảo cho Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với quân đội. Quân đội tuyệt đối phục tùng sự lãnh đạo của Đảng.
Để giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, vấn đề cơ bản, cấp bách hiện nay là phải xây dựng hệ thống tổ chức đảng trong quân đội thật sự TSVM, có sức chiến đấu cao. Vì vậy, phải thường xuyên chăm lo xây dựng các tổ chức đảng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức.
Trước mắt, các tổ chức cơ sở đảng trong Đảng bộ Quân đội cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, tổ chức thực hiện tốt cuộc vận động xây dựng chỉnh đốn Đảng, tiến hành tự phê bình và phê bình theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII và Nghị quyết Đại hội X của Đảng; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo đi đôi với phân công cá nhân phụ trách; qua đó xây dựng các tổ chức đảng TSVM, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng được thông suốt từ trên xuống dưới, tới từng đơn vị, từng cán bộ, chiến sĩ.
Bên cạnh đó, phải kết hợp chặt chẽ xây dựng các tổ chức cơ sở đảng TSVM với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Giải quyết tốt mối quan hệ giữa lãnh đạo với chỉ huy, giữa tổ chức đảng với các tổ chức trong đơn vị. Giữa đảng viên với quần chúng, cán bộ với chiến sĩ. Xây dựng các tổ chức trong đơn vị thực sự đoàn kết nhất trí cao. Sự vững mạnh và hoạt động có hiệu quả của các tổ chức cơ sở đảng là khâu then chốt góp phần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với từng đơn vị và toàn quân.
Kiên quyết đấu tranh với mọi hiện tượng buông lỏng xây dựng tổ chức đảng, hoặc không gắn việc xây dựng tổ chức đảng TSVM với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Đồng thời, chống mọi hiện tượng tiêu cực tập thể, sự suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống của cấp ủy, chỉ huy các cấp; hết sức tránh mọi biểu hiện hạ thấp vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ, đảng bộ đối với đơn vị.
Kiên quyết đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lí luận, vạch trần bản chất phản động chính trị, phản khoa học của âm mưu “phi chính trị hóa quân đội”.
Để thực hiện âm mưu “phi chính trị hóa quân đội”, kẻ thù rất coi trọng phá hoại ta trên lĩnh vực tư tưởng, lí luận. Mục tiêu của kẻ thù phá hoại ta trên lĩnh vực này là phủ nhận quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng quân đội kiểu mới, về bản chất cách mạng, mục tiêu, lí tưởng chiến đấu cao cả của quân đội ta và gieo rắc, truyền bá các quan điểm tư sản sai trái phản động về “quân đội trung lập”, “quân đội phi giai cấp”, làm cơ sở biện minh cho việc tước bỏ sự lãnh đạo của Đảng ta đối với quân đội, gây tâm lí hoang mang, dao động trong cán bộ, chiến sĩ. âm mưu tạo ra những yếu tố làm mất ổn định trong quân đội tiến tới làm suy yếu về chính trị, vô hiệu hóa quân đội.
Do vậy, đấu tranh với các thế lực thù địch trên mặt trận tư tưởng, lí luận chống âm mưu “phi chính trị hóa quân đội” có tầm quan trọng đặc biệt và là mặt trận xung yếu, nóng bỏng, gay go, quyết liệt hiện nay.
Nhiệm vụ cơ bản trong đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, lí luận chống âm mưu “phi chính trị hóa quân đội” hiện nay là: cùng với việc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, lí luận nói chung của toàn Đảng, Quân đội ta phải hết sức coi trọng, góp phần đấu tranh bảo vệ và phát triển quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng quân đội kiểu mới mang bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc sâu sắc; đấu tranh mạnh mẽ, không khoan nhượng vạch trần bản chất phản động về chính trị, phản khoa học của âm mưu “phi chính trị hóa quân đội”. Những luận điệu về “quân đội trung lập”, “quân đội phi giai cấp” là vô căn cứ, phản khoa học cả về lí luận và thực tiễn; là nhân danh “dân chủ hóa” để lừa bịp về chính trị; thực chất là tước bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội ta, hòng chuyển hóa lập trường chính trị, bản chất giai cấp công nhân của quân đội.
Trong cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, lí luận, cần tiếp tục khẳng định: QĐNDVN ra đời từ phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân ta, được Đảng và Bác Hồ tổ chức và lãnh đạo. Quân đội ta không có mục tiêu chiến đấu nào khác là độc lập dân tộc và CNXH để đem lại hạnh phúc, no ấm cho quảng đại quần chúng nhân dân lao động và của cả dân tộc, đó cũng là mục tiêu chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Để tiến hành đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lí luận chống âm mưu “phi chính trị hóa quân đội” có hiệu quả, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân cần tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng; chú trọng và thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lí luận trong quân đội có đủ phẩm chất, năng lực, nhanh nhạy, sắc bén trong đấu tranh và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho lực lượng này tích cực tham gia đấu tranh với kẻ thù trên mặt trận tư tưởng, lí luận. Công tác tư tưởng phải góp phần đắc lực trong việc xây dựng, nâng cao bản lĩnh chính trị cho bộ đội ở mọi lúc, mọi nơi, làm cho họ tự “miễn dịch” trước những âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù.
Đẩy mạnh việc tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lí luận, sớm kết luận những vấn đề mới và bức xúc từ thực tiễn đấu tranh chống âm mưu “phi chính trị hóa quân đội”; nâng cao sự thống nhất với quan điểm, đường lối của Đảng, sự đồng thuận trong toàn quân và toàn dân.
Âm mưu “phi chính trị hóa quân đội” là thủ đoạn cực kì nham hiểm, thâm độc của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch nhằm tước bỏ sự lãnh đạo của Đảng với quân đội ta. Vì vậy, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần nhận thức đúng mức độ nguy hiểm của âm mưu này; thường xuyên nâng cao cảnh giác cách mạng, quyết tâm và có chủ trương, hình thức, biện pháp đấu tranh có hiệu quả, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, góp phần làm thất bại hoàn toàn chiến lược “diễn biến hoà bình” của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch./.
Trung tá, ThS. PHẠM TUẤN QUANG
Khoa Công tác Đảng, Công tác chính trị
Trường Sĩ quan Chính trị
__________________
Khoa Công tác Đảng, Công tác chính trị
Trường Sĩ quan Chính trị
__________________
(1) – Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H, 1995. tr 329