Khánh An, phóng viên RFA
2010-11-29- Có thêm hơn 1200 phụ nữ Việt Nam đã bị mua bán, đó là con số mới được Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, thuộc Bộ Công An Việt Nam, đưa ra tại một Hội nghị tổng kết vào hôm 23/11.
Con số nhói lòng trên khiến người ta không khỏi đặt câu hỏi về công tác phòng chống buôn người tại Việt Nam. Tại sao sau rất nhiều những ký kết của Việt Nam với các nước và các tổ chức, tình trạng buôn người vẫn mang nhiều màu sắc tiêu cực?
“Nó mua mình rồi nó đi kiếm thằng nào chưa có vợ để nó bán lại. Thằng nào đưa nhiều tiền thì nó bán, mình phải ở, không ở thì nó đánh”.
“Môi giới nó hại em, thời gian đầu tiên nó ngủ với em. Thế xong kiểu như là nó cứ cho đi những chỗ công việc làm không được, nó cứ cho đi xong lại cho về. Em về em bảo tìm cho em chỗ khác nhưng nó không tìm, nó cứ để em ở nhà để nó vớ vẩn với em. Sau đó thì em quên hết rồi, em bị cái bệnh này thì em quên hết rồi."
“Bà ấy rủ cháu lúc nào thì tôi không biết, bảo chỉ đi chơi thôi. Khoảng độ mấy tháng sau bà ấy trên Lạng Sơn về thì bà ấy bảo để cho nó đi lấy chồng ở bên ấy rồi. Người chồng của nó hơn nó khoảng đến chục tuổi ấy. Tôi chỉ đoán là con tôi sang bên đấy sống cực khổ hay là chồng nó đánh đập hay là thế nào chứ ở nhà thì thấy nó bình thường chứ không thấy có gì. Bây giờ thì cứ phải xích nó lại. Không xích thì nó lại đi, người ta lại ăn nằm với nó…”
Tích cực phòng chống ...
Trên đây chỉ là một vài trường hợp nạn nhân buôn người tại Việt Nam mà các phóng viên của Đài Á Châu Tự Do có dịp trò chuyện. Còn hàng trăm ngàn phụ nữ, trẻ em vẫn còn đang ở đâu đó trong những điểm đến của các đường dây buôn người, đó là chưa kể đến nguy cơ bị mua bán luôn rình rập hàng triệu phụ nữ khác, đặc biệt là tại các vùng nông thôn của Việt Nam.“Tình hình mua bán phụ nữ, trẻ em diễn biến phức tạp”, đó là câu nói người ta thường nghe được từ các báo cáo trong những hội nghị tổng kết về vấn đề phòng chống buôn người tại Việt Nam. Cũng tương tự, tại hội nghị tổng kết đợt cao điểm đấu tranh phòng chống tội phạm mua bán người và ngăn chặn tình trạng đưa người vượt biên trái phép trong vòng 2 tháng qua do Tổng cục cảnh sát tổ chức hôm 23/11 cũng đưa ra những nhận xét như trên.
Báo An Ninh Thủ Đô trích lời Thiếu tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó Tổng cục Cánh sát phòng chống tội phạm, kiêm Cục trưởng Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội, cho rằng việc “triển khai đồng bộ các biện pháp đấu tranh, phòng ngừa, công tác chống tội phạm mua bán người đã thu được kết quả đáng khích lệ”. Tuy nhiên, con số phát hiện được gần 1.300 nạn nhân đã bị mua bán gần đây khiến người ta không khỏi giật mình nhìn lại công tác phòng chống buôn người tại Việt Nam.
Triển khai đồng bộ các biện pháp đấu tranh, phòng ngừa, công tác chống tội phạm mua bán người đã thu được kết quả đáng khích lệ.Theo nhận xét của các chuyên gia công tác xã hội, Việt Nam hiện vẫn đang là điểm nhắm chính của các đường dây buôn người trong khu vực và thế giới. Theo thống kê của Chương trình hành động phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em giai đoạn 2004 – 2010, con số nạn nhân bị mua bán đã lên đến 4.793 người. Trong khi trước đó, một thống kê khác cho biết suốt giai đoạn từ năm 1998 – 2007 có 6.680 người nạn nhân bị mua bán. Đương nhiên những con số thống kê được chỉ có tính chất tương đối nhưng theo đánh giá của các cơ quan, tổ chức phòng chống buôn bán người thì tình trạng buôn bán phụ nữ, trẻ em tại Việt Nam đang có xu hướng gia tăng, nhất là đối với các đối tượng học sinh, sinh viên.
Thiếu tướng Đỗ Kim Tuyến
Vào tháng 9 vừa qua, Việt Nam đã ký cam kết với Trung Quốc, một điểm đến lớn nhất của các đường dây buôn người tại Việt Nam, về việc hợp tác phòng chống buôn người. Trước đó, chính phủ Việt Nam cũng đã từng có những cam kết hợp tác với các nước khác trong khu vực như Thái Lan, Lào, Indonesia… trong vấn đề phòng chống mua bán phụ nữ, trẻ em. Bên cạnh đó, các tổ chức phi chính phủ cũng đã có rất nhiều chương trình hỗ trợ cho Việt Nam trong việc giúp ngăn chặn, giải quyết thực trạng trên. Thế nhưng kết quả của công tác phòng chống mua bán người vẫn không đạt được hiệu quả như mong muốn.
... nhưng không hiệu quả.
Báo cáo thường niên năm 2010 về nạn buôn người trên toàn thế giới của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phổ biến hồi tháng 6 vừa qua đã xếp Việt Nam vào mức độ 2 và đưa Việt Nam trở lại vào danh sách cần phải theo dõi về vấn đề phòng chống buôn người. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với phóng viên Thanh Trúc của Đài chúng tôi, đại sứ CDebaca, thuộc Cơ quan phòng chống buôn người của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết:"Lý do và cũng là điều rõ nhất khiến Việt Nam bị tụt xuống một bậc trong danh sách xếp hạng về vấn đề buôn người năm nay, là vì trong lúc cố tập trung vào việc kiểm tra phòng chống tệ nạn buôn phụ nữ và trẻ em vào đường mãi dâm thì Việt Nam đã khá lơ là trước thực tế là quá nhiều công nhân lao động nam nữ mà họ đưa qua nước ngoài làm việc đã bị lạm dụng sức lao động quá đáng."
Phía Việt Nam ngay sau khi tiếp nhận bản báo cáo đã lên tiếng chỉ trích Hoa Kỳ không khách quan khi đưa ra bản báo cáo trên.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam cho rằng “Việt Nam coi tội phạm buôn bán người, đặc biệt là buôn bán phụ nữ và trẻ em là tội phạm nguy hiểm, xâm hại nghiêm trọng đến quyền con người và ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của xã hội. Do đó, Việt Nam rất chú trọng công tác phòng chống buôn bán người, kiên quyết đấu tranh và nghiêm khắc xử lý loại tội phạm này, đồng thời có các chính sách, biện pháp đẩy lùi và xóa bỏ tình trạng buôn người”.
Theo nhận xét của bà Christina Arnold sáng lập viên của Tổ chức chống buôn người (PHT) đã từng làm việc tại Việt Nam thì đúng là Việt Nam đã có những thành quả nhất định trong việc phòng chống nạn buôn người, đặc biệt từ những cá nhân, tổ chức phi chính phủ hay Hội Liên hiệp Phụ nữ. Tuy nhiên, bà cho rằng sở dĩ tình trạng buôn người tại Việt Nam thời gian qua vẫn không được cải thiện là do thiếu ý chí chính trị. Bà nói:
Theo tôi biết, những người dân tại Việt Nam thực hiện công việc này rất tốt nhưng chính quyền thì không làm được nhiều."Tôi nghĩ là trong một số trường hợp vì thiếu động lực chính trị từ phía chính quyền, chứ Hội Liên Hiệp Phụ nữ Việt Nam thực sự làm việc rất tốt. Họ xây dựng các mái ấm, làm các chương trình huấn luyện khá ấn tượng. Tuy nhiên, tôi nghĩ chính quyền cần có những chính sách để phòng chống buôn người một cách hệ thống. Theo tôi biết, những người dân tại Việt Nam thực hiện công việc này rất tốt nhưng chính quyền thì không làm được nhiều."
Bà Christina Arnold, SLV của PHT
Có nhiều ý kiến cho rằng tình hình chống buôn người tại Việt Nam chưa đạt hiệu quả và thiếu tính hệ thống.
Tổ chức NGO có nhiều nỗ lực và sáng kiến trong vấn đề giúp Việt Nam phòng chống nạn buôn người, cũng như vấn đề thi hành trách nhiệm của chính phủ Việt Nam trong công tác này.
Những ngày này, Quốc Hội Việt Nam đang thảo luận sôi nổi xung quanh Dự thảo Luật phòng, chống mua bán người. Có nhiều ý kiến thừa nhận rằng các cơ quan chức năng vẫn chưa thực sự chú trọng đến công tác phòng chống buôn người và không có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành ở các địa phương.
Tổng kết sau 6 năm thực hiện Chương trình hành động quốc gia về phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em từ năm 2004 – 2010, chỉ mới có 12/63 tỉnh thành xây dựng kế hoạch chỉ đạo công tác này. Điều này cho thấy ngay cả cấp lãnh đạo ở nhiều địa phương cũng còn nhận thức rất thấp về tầm quan trọng của vấn đề phòng chống buôn người.
Trong khi đó, các tổ chức NGO hoạt động tại Việt Nam lại rất nỗ lực và có nhiều sáng kiến trong việc giúp đối phó với nạn buôn người. Ngoài việc hỗ trợ chính quyền trong công tác giúp các nạn nhân buôn người tái hòa nhập với xã hội, các tổ chức phi chính phủ còn tổ chức các chiến dịch giúp giáo dục kiến thức phòng tránh HIV/AIDS, hỗ trợ các cơ sở trong việc nâng cao kỹ năng công tác giúp các nạn nhân, thiết lập mạng lưới hợp tác phòng chống buôn người với các chính phủ và với nhau.
Rất khó thực hiện
Tuy nhiên, công việc của họ không phải lúc nào cũng suông sẻ và nhận được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương. Bà Christina Arnold, sáng lập của Tổ chức Phòng chống buôn người (PHT) kể về một kinh nghiệm sang Việt Nam làm việc của bà:"Chúng tôi chưa từng nhận trợ cấp từ chính quyền (Việt Nam). Họ cũng không thực sự cởi mở, chẳng hạn như có lần chúng tôi muốn đến một nhà mở để xem có thể giúp được gì nhưng bị họ từ chối. Rồi sau đó họ cũng để cho chúng tôi đến một nhà mở.
Tuy nhiên, chúng tôi bay từ Hoa Kỳ sang đến đây không phải để cuối cùng bị từ chối, tôi hiểu là cũng có những lý do để họ không tin tưởng tất cả mọi người đến làm việc dưới danh nghĩa chống buôn người, nhưng rất nhiều người khác họ không hề có ý xấu, cho nên việc đó dễ làm người ta bực mình."
Ngoài việc tham gia trực tiếp vào công tác phòng chống buôn người ở Việt Nam, một số tổ chức NGO còn đầu tư vào việc khảo sát, nghiên cứu, phân tích để tìm giải pháp cho thực trạng trên. Tổ chức ActionAid Việt Nam (AAV), Alliance Anti Trafic (ATT), Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO)… chính là những tổ chức đã đóng góp rất nhiều trong việc đưa ra các dữ liệu, xây dựng khung chương trình cho các hoạt động phòng chống buôn người, cũng như đóng góp, tư vấn cho các quyết định, dự thảo Luật về phòng chống mua bán người tại Việt Nam, đơn cử như ý kiến đóng góp của tổ chức AAT trong việc ban hành Quyết định 17 của Thủ tướng chính phủ về quy chế tiếp nhận và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho phụ nữ, trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài trở về; hay như một trong những kết quả khảo sát nghiên cứu của Tổ chức Action Aid đã được đăng tải trên phần góp ý cho Dự thảo Luật phòng chống mua bán người của Quốc Hội như sau:
Chính quyền nên có những chương trình huấn luyện chính thức để làm việc với chính phủ Campuchia và những tổ chức phi chính phủ.“Buôn bán phụ nữ và trẻ em là một vấn đề quyền con người. Nghiên cứu của Action Aid Việt Nam tiến hành tại một số tỉnh miền Nam Việt Nam, Trung Quốc, Cam-pu-chia và Đài Loan cho thấy nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em thường diễn ra trong bối cảnh di cư đang ngày càng trở nên phổ biến.
Bà Christina Arnold
Rất nhiều phụ nữ biết rõ những nguy cơ do việc di cư mang lại song vẫn quyết định ra đi và trở thành những đối tượng rất dễ bị tổn thương và bị buôn bán.
Điều quan trọng là cần phải hiểu rằng rất nhiều phụ nữ tự quyết định việc ra đi, do đó các can thiệp cần được thực hiện ngay từ trước khi họ rời quê hương và tại điểm đến của họ, từ đó giúp họ hiểu và lên tiếng yêu cầu các quyền cơ bản mà họ được hưởng”.
Cần chính phủ hợp tác
Hiện Dự thảo Luật Phòng chống mua bán người vẫn đang còn nhiều tranh cãi. Các ý kiến đóng góp cho rằng Dự thảo Luật đưa ra còn mang tính khẩu hiệu, không rõ ràng, không đưa ra được phương pháp cụ thể, có nhiều điểm trùng lắp với các điều luật khác, còn yếu trong việc bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân…Tuy nhiên, nhiều trong số các ý kiến cho rằng Dự thảo Luật trên cần phải đi sát với thực tế, đồng thời cần xây dựng một hành lang pháp lý chặt chẽ và đủ mạnh, thể hiện được ý chí chính trị trong việc quyết tâm đối phó với nạn buôn người.
Bà Christina Arnold cho rằng điều quan trọng là phải cho các nạn nhân buôn người biết chính phủ quan tâm đến họ. Bà nói:
"Chính quyền nên có những chương trình huấn luyện chính thức để làm việc với chính phủ Campuchia và những tổ chức phi chính phủ. Họ nên tìm hiểu số lượng nạn nhân Việt Nam tại Campuchia, nỗ lực tìm đến những nạn nhân này và cho họ biết rằng chính phủ quan tâm đến họ.
Đôi khi người Campuchia đối xử với họ rất tệ, đặc biệt là những tổ chức của chính phủ. Tôi rất sốc khi biết được là ngay cả những tổ chức phi chính phủ cũng đối xử phân biệt. So với các cô gái Campuchia thì các cô gái Việt Nam thường bị bỏ rơi. Việc tự mình thoát ra khỏi hoàn cảnh đó để trở về lại Việt Nam không hề dễ dàng.
Ví dụ như ở Thái Lan họ có một chương trình rất hay là họ cộng tác với các tổ chức, chẳng hạn như IOM, và nếu họ biết được là có một cô gái từ Việt Nam muốn trở về nước thì tổ chức IOM sẽ trả tất cả các chi phí để cô ta hồi hương. Cách này sẽ giúp giảm bớt áp lực cho các cô gái và họ dễ dàng trở về hơn."Rất nhiều phụ nữ biết rõ những nguy cơ do việc di cư mang lại song vẫn quyết định ra đi và trở thành những đối tượng rất dễ bị tổn thương và bị buôn bán.Tổ chức Action Aid
Nói tóm lại, từ tình hình và hiệu quả thực tế trong công tác phòng chống mua bán người, có thể thấy Việt Nam không thiếu những hỗ trợ của quốc tế và các tổ chức tại địa phương, nhưng vấn đề nằm ở chỗ các nỗ lực sáng tạo, những hỗ trợ ấy chưa được kết nối bằng một ý chí chính trị để có thể phát huy hết hiệu quả của nó.