"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Mittwoch, 1. Dezember 2010

Lê Bích Phương và tấm huy chương vàng

Lê Bích Phương sau khi đoạt huy chương vàng 
Lê Bích Phương là vận động viên duy nhất đoạt huy chương vàng cho Việt Nam tại Á Vận hội vừa qua
 
Mười tám tuổi, lần đầu đi thi đấu tại Á Vận hội, thắng đương kim vô địch thế giới karate, đoạt huy chương vàng - đó là một vài cụm từ có thể dành để mô tả Lê Bích Phương, người duy nhất đoạt huy chương vàng cho đoàn thể thao Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc. 


Cô gái quê ở Gia Lâm nói cô bị lôi cuốn bởi môn võ truyền thống của Nhật Bản khi đi xem một trận thi đấu trong khuôn khổ giải thi đấu của các nước Đông Nam Á khi lên mười tuổi.
"Tôi biết đến karate từ năm mười tuổi nhưng đến năm 13 tuổi tôi mới đi tập karate.
"Trong gia đình cũng không có ai theo võ hay theo thể thao.
"Mới đầu tập luyện bố mẹ cũng chỉ muốn cho đi theo những lớp năng khiếu phong trào và cũng không muốn cho tôi đi theo con đường chuyên nghiệp.
"Nhưng sau khi tập luyện một thời gian tôi quyết định sẽ theo con đường chuyên nghiệp."

Mười tám tuổi nhưng Phương tỏ ra khá điềm đạm và chững chạc.

Cô nói đằng sau chiến thắng là cả một quá trình luyện tập vất vả, hầu hết là tập 6, 7 tiếng một ngày chỉ trừ cuối tuần.
"Nhiều khi cường độ tập luyện rất mệt mỏi, nhiều khi rất nản chí và chỉ muốn dừng lại, không muốn tập tiếp.
"Nhưng tôi rất đam mê võ, rất yêu võ nên tôi sẽ cố gắng vượt qua."

Huy chương vàng

Khi đặt chân tới Quảng Châu, Phương không phải chịu gánh nặng của sức ép phải đoạt vàng.

Cô nói với BBC: "Tôi chỉ đặt hy vọng lên mình là sẽ cố gắng thi đấu hết mình và sẽ cố gắng nếu may mắn sẽ giành được huy chương đồng."

Nhưng sự tự tin của Phương ngày càng tăng, nhất là khi cô dẫn trước đối thủ người Macau tới 8-0 trong trận bán kết.

Trong khi đó đương kim vô địch thế giới người Nhật Miki Kobayashi đã có trận phải chật vật mới thắng.

Phương nói về trận chung kết karate ở hạng cân dưới 55kg mà những Bấm hình ảnh cho thấy chiến thắng của cô không dễ dàng:
"Trong trận đấy tôi không nghĩ mình sẽ được huy chương vàng vì đối thủ của tôi là nhà vô địch thế giới.
"Tôi chỉ muốn mình sẽ thi đấu hết mình để thử sức với đấu thủ nặng ký.
"Tôi nghĩ trong trận đấu tôi cũng gặp nhiều may mắn."

Và chuyện cô là lính mới cũng khiến đối thủ không có cơ hội để tìm hiểu sở trường sở đoản của cô kỹ lưỡng như cô có thể xem các video về đối thủ.

Khi được hỏi về Bấm đòn đá mang lại cho cô ba điểm trong trận thắng 4-3 trước Kobayashi, Phương nói:
"Đòn đá đấy là đòn sở trường của tôi. Trong một năm nay tôi đã tập luyện rất nhiều."
Mỗi khi trọng tài hô 'hasime'- bắt đầu, thì tôi lại di chuyển, giữ khoảng cách với đối thủ. Lê Bích Phương
Lê Bích Phương cũng cho biết cô bám sát đấu pháp mà huấn luyện viên Lê Công đã đề ra.

"Trong đấu pháp đấy, mỗi khi trọng tài hô 'hasime'- bắt đầu, thì tôi lại di chuyển, giữ khoảng cách với đối thủ.
"Mỗi lần đối thủ tấn công thật mạnh, thường thì các vận động viên khác sử dụng đấu pháp là sẽ cản chặn đòn tấn công, nhưng mà tôi di chuyển lách và thoát khỏi đòn tấn công và khi có thời điểm tôi sẽ dùng đòn chân đá lên.
"Những lúc tôi không duy trì độ tập trung tốt, hoặc duy trì chiến thuật tốt thì bác Lê Công ở ngoài lại chỉ đạo để đưa tôi đi đúng hướng chiến thuật đề ra."

May mắn

Nói chuyện với BBC về chiến thuật mà ông đề ra cho Lê Bích Phương trong trận chung kết, huấn luyện viên Lê Công nói:

"Trận chung kết thì tôi đã xác định cho em Phương như thế này.
"Tôi đã từng có nhiều vận động viên thắng vận động viên vô địch thế giới của Nhật Bản.
"Chẳng hạn như năm 2002 ở Busan, vận động viên Vũ Thị Kim Anh đã thắng vận động viên vô địch thế giới của Nhật Bản một cách áp đảo.
"Tôi nói với em Phương 'chị Kim Anh đã từng thắng vô địch thế giới của Nhật Bản nhưng thắng áp đảo, dũng mãnh. Nhưng với con thì con không thể thắng bằng điều đó được mà con phải thắng bằng sự khéo léo, uyển chuyển.'
"Và tôi đã xây dựng chiến thuật cho em, bởi vì tôi biết vận động viên Nhật Bản rất mạnh trong tấn công và vận động viên này đã vô địch Châu Á, vô địch Thế giới."

Tuy nhiên ông Công nói ông đã phải nhắc Lê Bích Phương chuyển sang tấn công sau khi Kobayashi của Nhật Bản ghi được một điểm.

Nhưng ông cũng đề nghị Phương quay trở lại đấu pháp phòng thủ phản công sau khi gỡ lại được một điểm.

Chiến thuật này đã giúp Phương ghi được ba điểm từ đòn đá sở trường khi Kobayashi phải tấn công để ghi thêm điểm.

Ông Công cũng thừa nhận Lê Bích Phương gặp may khi một số lần bị ngã mà đòn tấn công của Kobayashi không trúng người.

"Dám đánh"

Người đã giúp karate Việt Nam đoạt huy chương vàng trong ba Á Vận hội gần đây nói điều quan trọng để chiến thắng, ngoài chuyện biết điểm mạnh, yếu của mình và của đối thủ, là tinh thần thi đấu.
"Cái quan trọng là mình...có dám đánh không.
"Mình phải thừa nhận Nhật Bản là quê hương [của karate], Nhật Bản có kỹ thuật và Nhật Bản có tinh thần thi đấu rất tốt, mình phải khẳng định điều đó.
Cái quan trọng là mình đầu tiên có dám đánh không.Huấn luyện viên Lê Công
"Và họ có những vận động viên giỏi nhiều hơn mình.
"Nhưng chúng ta là người Việt Nam, chúng ta điều đầu tiên là dám đánh. Tôi xây dựng vận động viên phải dám đánh.
"Cái thứ hai là tôi quan điểm thế này - một đòn chậm có thể thắng một đòn nhanh.
"Ví dụ anh nhanh mà anh đánh vào vùng hở, vùng mà tôi cho là vùng tối ấy, tôi lợi dụng tôi đánh anh thì có khi anh lại thua tôi.
"Ví dụ đòn của em Phương, họ tấn công, mình thoát ra được mình dùng đòn chân là họ dính ngay."

Ông Công cũng nói ngoài những ưu điểm, Kobayashi của Nhật Bản cũng có những nhược điểm, trong đó có đòn chân yếu và đỡ đòn chân "cũng không phải là giỏi".

'Cảm kích'

Về phía Lê Bích Phương, cô nói cô sẽ cố gắng để bảo vệ danh hiệu vô địch Á Vận hội.
Lê Bích Phương
Lê Bích Phương nói cô cảm kích trước sự chào đón của người hâm mộ
Cô nói cô chưa có nhiều kinh nghiệm thi đấu nhưng sẽ 'tích lũy dần'.

Phương nói với BBC: "Tôi có sở trường là đòn chân nhưng kỹ thuật đòn tay của tôi lại rất kém.
"Trong thời gian tới tôi sẽ cố gắng thật tốt để hoàn thiện kỹ thuật đòn tay của mình."

Khi được hỏi về sự chú ý của người hâm mộ kể từ khi cô mang về chiếc huy chương vàng duy nhất cho đoàn Việt Nam, Phương nói:
"Tôi rất là cảm kích vì tôi cảm thấy được rất nhiều người quan tâm.
"Tôi không nghĩ là mình được mọi người quan tâm nhiều đến như thế, được mọi người biết nhiều đến như thế."
"Cũng có một vài comment trên những bài báo, họ nói rằng 'nhìn tôi rất nữ tính nhưng không ngờ tôi lại thi đấu đối kháng karate rất là mãnh liệt."

Còn về những khoản tiền thưởng cho huy chương vàng, Phương nói:
"Em sẽ gửi toàn bộ số tiền em được tặng thưởng cho mẹ. Em muốn mẹ toàn quyền quyết định số tiền đấy."