"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Montag, 29. November 2010

Ai sẽ thay ông Nguyễn Tấn Dũng?

Trung Điền

Những tin tức loan tải về việc một số đại biểu quốc hội CSVN đòi ngưng trách vụ Thủ tướng của ông Nguyễn Tấn Dũng trong thời gian quốc hội điều tra vụ vỡ nợ Vinashin đã là tín hiệu sau cùng của các phe quyền lực trong Bộ chính trị đưa ra cho ông Dũng: Hãy rút lui sau đại hội XI. Nghĩa là vào tháng 1 năm 2011 tới đây, ông Dũng nên nhận trách nhiệm và rút lui khỏi sân khấu chính trị Việt Nam cùng với các ông Nông Đức Mạnh, Nguyễn Minh Triết.
 
Sau gần năm năm nắm ghế Thủ tướng và sau nhiều năm nắm giữ vị trí Phó Thủ tướng dưới trào ông Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải, Nguyễn Tấn Dũng đã không những xây dựng một thành trì vững chắc trong bộ máy chính phủ mà còn nắm giữ “hầu bao” của các Tập đoàn kinh tế do chính ông Dũng lập ra và quản lý như Tập đoàn đóng tàu (Vinashin), Tập đoàn dầu khí; Tập đoàn Than và khoáng sản; Tập đoàn vận tải; Tập đoàn điện lực v...v.... Nói cách khác, trong gần 2 thập niên vừa qua, ông Dũng đã trở thành nhân vật có nhiều tiền nhất qua những “bốc hơi” rất tự nhiên của các tập đoàn kinh tế mà Vinashin (lỗ gần 4,5 tỷ Mỹ Kim) là một trường hợp điển hình. Tài sản của ông Nguyễn Tấn Dũng không thể vài trăm triệu mà phải tính cỡ vài tỷ Mỹ kim trở lên.
 
Nguyễn Tấn Dũng sinh năm 1949, sang năm ông ta mới 62 tuổi. Đây là độ tuổi tốt nhất để ông ta bước lên vị trí quyền lực sau cùng là Tổng bí thư đảng sau khi đã có trong tay hàng tỷ Mỹ kim và một dàn cán bộ thân tín ở các Tập đoàn kinh tế. Khi con người ta đã có nhiều tiền thì đương nhiên muốn có nhiều quyền hơn. Nguyễn Tấn Dũng không thể đi ra ngoài quy luật đó. Nhưng cũng chính quy luật đó, Nguyễn Tấn Dũng đã phải hứng chịu hầu hết những đòn tấn công – có thể nói là liên tục - từ các phe nhóm nhằm triệt hạ ông Dũng không chỉ ở vị trí Tổng bí thư mà cả vị trí Thủ tướng.
 
Hoàng Trung Hải
Nhiều dư luận tại Hà Nội cho rằng ông Dũng sẽ phải tự rút lui trong đại hội XI. Nếu ông vẫn ngoan cố bám víu quyền lực như ông Lê Khả Phiêu trong kỳ đại hội VIII vào năm 2001 thì cũng sẽ chuốc lấy thảm bại khi các phe đã đồng lòng lật đổ. Thay thế ông Dũng hiện có ba nhân vật được giới theo dõi tình hình chính trị Việt Nam nêu lên là phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Bí Thư Hà Nội Phạm Quang Nghị. Trong ba nhân vật này, Hoàng Trung Hải tuy là con rể của cựu chủ tịch quốc hội Nguyễn Văn An, nhưng không có nhiều triển vọng vì chưa được vào Bộ chính trị và chưa có nhiều kinh nghiệm “chiến đấu” giữa các phe quyền lực nên khó trụ ở ghế Thủ tướng. 

Nguyễn Sinh Hùng
Nguyễn Sinh Hùng sinh năm 1946, người Nghệ An, gia nhập đảng CSVN vào năm 1978. Năm 2002 được ông Phan Văn Khải đề bạt làm Bộ trưởng tài chánh và được bầu vào Bộ chính trị từ năm 2006. Hiện nay ông Nguyễn Sinh Hùng là phó Thủ tướng thường trực và là Phó bí thư ban cán sự đảng từ năm 2007. Ngoài trách vụ thay thế ông Nguyễn Tấn Dũng tiếp khách và điều hành chính phủ khi ông Dũng vắng mặt tại Hà Nội, ông Nguyễn Sinh Hùng đang đảm nhận ba công việc. Thứ nhất là Trưởng ban chỉ đạo xây dựng nhà Quốc hội; thứ hai là Trưởng ban chỉ đạo Tây Nam Bộ; và thứ ba là Trưởng ban chỉ đạo tái xây dựng Vinashin.
Mặc dù ở trong Bộ chính trị, nhưng ông Hùng phải liên đới chịu trách nhiệm chung với ông Nguyễn Tấn Dũng trong việc để cho Vinashin sụp đổ. Do đó, trong đại hội đảng XI, Nguyễn Sinh Hùng còn trụ lại trong Bộ chính trị và giữ được ghế phó Thủ tướng là may mắn lắm; còn không thì sẽ ra đi nên khó mà tranh ghế Thủ tướng. Người đang được dư luận tại Hà Nội đề cập hiện nay là Bí thư thành phố Hà Nội, Phạm Quang Nghị, có nhiều triển vọng thay thế Nguyễn Tấn Dũng.
Phạm Quang Nghị
Phạm Quang Nghị sinh năm 1949, người gốc Thanh Hóa. Nghị tốt nghiệp Trường Cán Bộ Quản Lý Văn Hóa – Thông Tin năm 1980. Được đề bạt làm Vụ trưởng vụ Đào tạo Bộ thông tin Văn hóa năm 1991. Năm 2000, ông Nghị được đưa về làm Bí Thư Hà Nam, đến năm 2001 được bầu làm Ủy viên trung ương đảng nhiệm kỳ VIII và được Phan Văn Khải cất nhắc làm Bộ trưởng Văn hóa – thông tin năm 2002. Năm 2006 được bầu vào Ủy viên Bộ chính trị. Ngày 28 tháng 6 năm 2006, Phạm Quang Nghị được Bộ chính trị phân công làm Bí thư thành ủy Hà Nội thay thế ông Nguyễn Phú Trọng được đề cử làm chủ tịch Quốc hội.

Tại sao lại là Phạm Quang Nghị?
 
Trong cuộc chạy đua ghế Tổng bí thư cho nhiệm kỳ 2011 – 2016, Phạm Quang Nghị là một trong 7 tuyển thủ (Trương Tấn Sang, Hồ Đức Việt, Tô Huy Rứa, Phùng Quang Thanh, Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng, Phạm Quang Nghị) của vòng đầu tiên. Sau cuộc đua này, Phạm Quang Nghị, Tô Huy Rứa và Phùng Quang Thanh bỏ cuộc chỉ còn lại 4 tuyển thủ là Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Phú Trọng, Hồ Đức Việt và Trương Tấn Sang. Nhìn vào thành tích và vị trí quyền lực của 4 người còn lại, ai cũng thấy rằng Nguyễn Tấn Dũng có ưu thế nhất và chính ưu thế này mà ông Dũng đã trở thành “đích nhắm’’ trong suốt năm 2010 vừa qua. Nguyễn Tấn Dũng phải ra đi.
 
Trong ba người còn lại, Nguyễn Phú Trọng tuy không có nhiều tài năng nhưng có một sự hậu thuẫn lớn từ cánh cán bộ miền Bắc, đặc biệt là hai bộ phận quan trọng là Thành ủy Hà Nội và Khối Lý luận trung ương. Trước khi làm chủ tịch Quốc hội từ năm 2006, Nguyễn Phú Trọng đã là Bí thư Thành ủy Hà Nội vào năm 2000, đàn anh của Phạm Quang Nghị và từng nắm chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương - đàn anh của Tô Huy Rứa, hiện là Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. Nguyễn Phú Trọng đã liên kết với Phạm Quang Nghị và Tô Huy Rứa để giúp mình tranh ghế Tổng bí thư.
 
Trong ngày khai mạc lễ hội ngàn năm Thăng Long vào ngày 1 tháng 10 năm 2010 tại công viên Lý Thái Tổ, Phạm Quang Nghị đã sắp xếp chỉ một mình Nguyễn Phú Trọng đến dự lễ khai mạc và phát biểu. Trong lễ kỷ niệm 60 năm hữu nghị Việt Trung, Tô Huy Rứa đã sắp xếp cho một mình Nguyễn Phú Trọng xuất hiện và cam kết với Bắc Kinh về việc kiên trì thực thi 16 chữ vàng dù có những biến đổi của thời cuộc. Những sắp xếp nói trên cho thấy là Phạm Quang Nghị và Tô Huy Rứa đang “vận động’’ ghế Tổng bí thư cho Nguyễn Phú Trọng. Đặc điểm của bộ ba này là được lòng Bắc Kinh rất nhiều so với các nhân sự lãnh đạo khác.
 
Trong mối quan hệ như vậy, việc ông Phạm Quang Nghị trở thành Thủ tướng thay thế ông Nguyễn Tấn Dũng từ sau Đại hội XI có nhiều xác xuất xảy ra. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những ước tính, dựa trên một số những biến chuyển của tình hình đấu đá hiện nay giữa các phe trong thượng tầng lãnh đạo đảng CSVN. Nếu phe ông Nguyễn Tấn Dũng lật ngược lại thế trận thì lúc đó tình hình sẽ khác đi rất nhiều.
Tóm lại, vấn đề đấu đá quyền lực trong nội bộ đảng CSVN đã đến hồi quyết liệt. Ông Dũng bị tấn công hay ai đó bị tấn công đều giống nhau một điểm là họ đều say mê quyền lực.
 
Trung Điền
25/11/2010