"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Montag, 29. November 2010

Em là búp măng non, em lớn lên trong mùa…

 
Vũ Nhật Khuê (danlambao) – Thế hệ 8X của chúng tôi lớn lên thời tem phiếu. Mỗi ngày có bột bo bo và cơm độn. Chẳng có sữa dù quá đát, chẳng có bơ dù là chút “bơ thừa sữa cặn”. Đi nhà trẻ do Liên Xô xây tặng được dán đầy khẩu hiệu và hình ảnh từ ông Lê Nin cho đến ông Stalin. Chúng tôi lớn lên bằng những bài hát suông: “Em là búp măng non, em lớn lên trong mùa…”. Lớn chút nữa đi học cấp 1 thì hát bài. “Sáng nay em thức dậy sớm tiễn thầy ra biên giới, GIẾT GIẶC TRUNG QUÔC XÂM LĂNG…”. Vào cấp 2 thì hát bài: “Quân xâm lược bành trướng Bắc Kinh, đã dày xé mảnh đất tiền phương, Lửa đã cháy và máu đã đổ…

*
Đã xa rồi cái tuổi thơ bị nhồi sọ phải yêu “bác” yêu “đảng”. Hôm nay nhân cái vụ hành hạ trẻ con ở Bình Dương và nhiều chuyện vất bỏ trẻ sơ sinh, tự nhiên cái bài hát năm xưa lại hiện về…

Những hài nhi bị từ chối

 
Một cái tỉnh nhỏ bé như Kontum mà người ta lượm xác hình hài còn đỏ, thai nhi bị phá bỏ làm nên một nghĩa trang thì ở các đô thị lớn con số đó sẽ là cấp số nhân. Ở các trung tâm như BV Sản TW(Hà Nội), Bệnh Viện Từ Dũ, Bệnh Viện Hùng Vương (Sài Gòn), bệnh Viện Đa Khoa các tỉnh thành thì một thời người ta đem những thai nhi bị phá bỏ về nấu thức ăn cho heo. Ngày nay Việt Nam có hân hạnh đứng đầu thế giới về phá thai hằng năm. Những bà mẹ vị thành niên chưa biết gì về sức khỏe sinh sản thì đẻ con còn đỏ hỏn đem đi vứt cho kiến ăn, cho chó mèo ăn. Mới đây ở Quận 9 có vụ bà mẹ công nhân người Quảng Trị, đẻ con trong nhà trọ đem vứt, có người thấy và đem đi cấp cứu đứa trẻ may mắn này. Đây là một may mắn trong hằng triệu triệu sinh linh bị vứt bỏ thảm thương. Trước đây nhiều năm, ở Quảng Nam có cậu bé mới sinh ra bị mẹ đẻ đem quăng, chó ăn mất bộ phận sinh dục của cậu bé. Người ta phát hiện và vợ chồng một nhà báo ở Hà Nội nhận làm con nuôi, đem qua Mỹ chữa trị. Câu chuyện đau lòng của “Cậu bé Lính Chì” đã làm xúc động cư dân mạng một thời.

Không có một bà mẹ nào nhẫn tâm bỏ rơi núm ruột của mình nếu họ có đủ điều kiện nuôi nấng con cái mình.
Một xã hội khoác áo “sinh đẻ có kế họach” để cổ võ việc phá thai từ các bệnh viện công cho đến các phòng hộ sinh tư nhân là một xã hội tàn nhẫn và đạo đức về nhân tính cần được báo động.

Gần đây, Thái Lan phát hiện hơn 300 hài nhi bị phá bỏ được tìm thấy trong một ngôi chùa thì cả xã hội vào cuộc. Đất nước phóng túng về tình dục này lên án việc phá thai. Ngay cả các nhà sư cũng vào cuộc. Họ không ngồi yên nói mồm mà hành động. Cấm phá thai thì phải thêm nhiều nhà cho trẻ mồ côi và phụ nữ bị bỏ rơi. Họ “chữa bệnh” cách tận gốc.

Những trẻ thơ bị hành hạ

 
Ngày càng nhiều thông tin về trẻ thơ bị hành hạ trong các nhà trẻ, nhóm trẻ gia đình: Vụ nhóm trẻ Thiên Thơ ở Phú Nhuận cô bảo mẫu dán băng keo trẻ đang khóc khiến cháu tử vong. Bà Quảng Kim Hoa ở Biên Hòa hành hạ các cháu mẫu giáo. Một số cháu bị chết do ngột nước… Bị đánh hay cho vào cầu thang máy đến bị thương. Gần đây là vụ tắm trẻ cách thô bạo ở Bình Dương. Dư luận bất bình vì các trẻ thơ được chăm sóc bởi các “cô nuôi dạy HỔ”.
Lớn lên chút xíu nữa thì “vừa học vừa làm”. Trẻ em nghèo ở thành thị thì phụ đi bán vé số, bán hoa và nhiều nhất là đi ăn xin, đi đánh giày. Ở nông thôn thì đi chăn trâu, cắt cỏ, bắt ốc bắt tôm. Trong sách giáo khoa dạy cho học sinh còn có nguyên một bài: “Ngày công đầu tiên của cu Tý”. Chuyện cậu bé 6 tuổi đi chăn trâu lần đầu và được tính điểm trong hợp tác xã nông nghiệp vùng quê.

Chính vì đi làm thêm cực nhọc của các tuổi thơ bị đánh cắp nên mới có chuyện cháu Hào Anh ở Cà Mau bị hành hạ hơn trong địa ngục. Cháu Nguyễn Thị Bình bị tra tấn dã man ở tiệm phở tại Hà Nội. Nhiều cháu nhỏ từ Thanh Hóa bị bọn chăn dắt bắt ăn xin tận Sài Gòn. Xa hơn chút nữa tận Phnom Pênh nhiều cháu nhỏ bị bắt phải bán dâm trong các khu nhà thổ. Chỉ một ít may mắn được phát hiện còn đa số những mảnh đời còn lại vẫn chìm trong bóng đêm.

Quản lý nhà nước

Ngay từ trong bụng mẹ các thai nhi đã bị đối xử cách tàn nhẫn bằng chính sách ép các thai phụ đi làm đến những ngày sinh nở.

Việc phá thai đang được cổ võ và dễ dàng thực hiện tại bất cứ bệnh viện và cơ sở hộ sinh nào trên khắp cả nước.

Nhiều lao động công nhân không có tiền mà ăn vì bị giới chủ nuớc ngoài bóc lột được nhà nước bảo kê thì lấy gì nuôi con nếu không đem đi vứt bỏ.

Trẻ sơ sinh Việt Nam uống sữa đắt nhất thế giới vì chính sách đóng thuế rất cao vào sản phẩm này. So với các nước trong ASEAN thì trẻ em Việt Nam dưới 3 tuổi uống sữa đắt nhất.

 
Trường công mẫu giáo rất khó xin vào vì quá tải, chi phí thì đắt hơn những nhóm trẻ gia đình tự phát. Hôm nay 29/11/2010 Cháu Ngân ở Bình Dương vào “trường công” Sao Mai với giá là hơn 400 NgànVND/ tháng. So với nhà trẻ của bà Phụng thì 300 ngàn VND/ tháng.

Với những lao động nghèo thì tiết kiệm được 100 ngàn VND mỗi tháng là con số lớn. Đó là chưa kể đi những nhóm trẻ tự phát thì tiện lợi hơn về giờ giấc có thể đi trể về trể. Hay là giữ ngày nào tính tiền ngày đó. Không phải đóng sổ vàng, và đủ thứ các phí và lệ phí mỗi đầu năm học, cha mẹ không phải chạy chọt và mất tiền lót tay. Đó là chưa kể chính sách về hộ khẩu làm khổ biết bao nhiêu gia đình nhập cư.

Những nhóm trẻ tự phát này không được phòng giáo dục quan tâm và giúp đỡ các phương pháp tối thiểu về chăm sóc trẻ và sơ cứu ban đầu nếu gặp nguy hiểm. Nếu ai mà lỡ dại đi đăng ký thì bị hành hạ rất bầm dập và nhũng nhiễu từ cán bộ phòng giáo dục. Nên tốt nhất là làm chui. Bị bắt ở nội thành thì chạy ra ngoại thành. Có cầu thì phải có cung chứ.

Việc bắt giữ các bảo mẫu hành hạ trẻ con hay những người hành hạ lao động nhỏ tuổi chỉ là giải quyết phần ngọn. Nhà trẻ công không gởi trẻ được thì chạy ra nhà trẻ tư để gởi dù biết cơ sở vật chất nghèo nàn hơn. Chẳng lẽ ngồi nhà ôm con chờ chết đói. Còn nhỏ phải đi ăn xin, đi làm thêm vì gia đình nghèo khổ biết rằng “Cơm người khổ lắm mẹ ơi! Chẳng như cơm mẹ chỉ ngồi mà ăn” nhưng phải đi làm còn có cái để bỏ vào miệng nữa chứ.

Nhà nước chỉ quan tâm đến những thiên tài, và các trẻ thần đồng. Ngay cả Ngô Bảo Châu lúc còn nhỏ cũng uống sữa quá đát và mang dép nhựa đi học không thấy sao mà đòi hỏi?

Xa rồi tuổi thơ

 
Thế hệ 8X của chúng tôi lớn lên thời tem phiếu. Mỗi ngày có bột bo bo và cơm độn. Chẳng có sữa dù quá đát, chẳng có bơ dù là chút “bơ thừa sữa cặn”. Đi nhà trẻ do Liên Xô xây tặng được dán đầy khẩu hiệu và hình ảnh từ ông Lê Nin cho đến ông Stalin. Chúng tôi lớn lên bằng những bài hát suông: “Em là búp măng non, em lớn lên trong mùa…”. Lớn chút nữa đi học cấp 1 thì hát bài. “Sáng nay em thức dậy sớm tiễn thầy ra biên giới, GIẾT GIẶC TRUNG QUÔC XÂM LĂNG…”. Vào cấp 2 thì hát bài: “Quân xâm lược bành trướng Bắc Kinh, đã dày xé mảnh đất tiền phương, Lửa đã cháy và máu đã đổ…

Những bài học ở cấp 3 và đại học thì nhanh quên và phai mờ theo năm tháng.

Nhưng cái gì in vào trí óc non trẻ thì còn mãi với tháng năm. Như những bạo hành và trận đòn của những trẻ em bất hạnh sẽ còn mãi trong tâm trí của các em.

Không biết là tôi có may mắn hơn các em này không. Nhưng tuổi thơ của tôi sẽ là: “Em là búp măng non , em lớn lên trong mùa… GIẾT GIẶC TRUNG QUỐC XÂM LĂNG


Vũ Nhật Khuê
Danlambao.com