Lê Hoành Sơn
Cách đây mấy tháng, có một số chính trị gia hải ngoại hứa chắc rằng đại hội XI của đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) sẽ có thay đổi, và lên tiếng khuyên người Việt hải ngoại nếu có ai về tham gia vào cái “đại hội thay đổi” đó thì xin qúy vị đừng có đánh phá!!! Ai chống cộng có lập trường dứt khoát thì cứ chống, còn ai về tham gia vào “đại hội thay đổi đó” thì cứ việc về!
Không biết các chính trị gia ấy lấy nguồn tin ở đâu, mà khẳng định chắc như đinh đóng cột. Biết là nói để dạm mồi, nên chẳng lên tiếng làm gì, chờ đại hội cộng đảng rồi sẽ thấy. Thật ra nếu để luồng sinh khí này bay mùi hoài trong cộng đồng người Việt hải ngoại thì cũng không tốt, nhưng cứ để thời gian trả lời rồi tự thân giác ngộ, sau này đừng tự diễn biến “đêm qua em mơ gặp bác hồ” nữa! Nay, chắc các chính trị gia này bị “hụt hẫng” ...vì mong hoài mà chẳng thấy “phe bên kia” nói gì cả. Không những thế, mà trước khai hội XI đúng 1 ngày, Đinh Thế Huynh, ủy viên trung ương đảng CSVN, Tổng Biên Tập báo CSVN có tên “Nhân Dân”, đã đại diện cho đảng CSVN tuyên bố những lời của kẻ cuồng vọng, thần kinh mê sản, trí tuệ xơ cứng rằng “Việt Nam không có nhu cầu đa nguyên đa đảng và dứt khoát không đa nguyên đa đảng”. (họp báo tại Hà Nội ngày 10/01/2011). Có lẻ Đinh Thế Huynh đem cái “thần kinh mê sản” này ra làm công trạng để được đề bạt vào Bộ Chính Trị cộng Đảng thay Tô Huy Rứa làm trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương Cộng đảng trong đại hội XI này.
Thật ra, còn ai lạ gì cái bản chất của đảng CSVN, độc tài là lẻ sống để bảo vệ quyền lực. Khi còn mang cái tên Cộng Sản thì nó đi đôi với độc tài như là một cặp song sinh, làm gì mà có “đa đảng” hay “thay đổi” thật sự. Có đa đảng chăng chỉ lập ra để làm mồi dụ những thành phần nhẹ dạ, bịp đồng bào và quốc tế như đảng Xã Hội và đảng Dân Chủ do Hồ Chí Minh thành lập năm 1946 rồi trao cho hai đảng viên tin cậy là Nguyễn Xiễn và Dương Đức Hiền cầm đầu. Chuyện “thay đổi” hay “đổi mới” cũng thế, có chăng chỉ với mục đích bảo vệ sự sống còn của Cộng đảng hầu duy trì quyền lực chứ làm gì có thay đổi thật sự, như Trường Chinh trước cảnh dân muốn nỗi loạn vì đói, đảng sắp phá sản không lối thoát phải kêu lên “đổi mới hay chết”. Như vậy thì đã quá rõ,đổi mới để cứu sống Đảng.
Đa nguyên, đa đảng là danh từ thường dùng đề cập đến một thể chế chính trị tự do dân chủ. Một đất nước có hai (2) hay nhiều đảng chính trị gọi là đa đảng (multi-party) sẽ kềm hãm đảng nắm quyền khi có những hành động sai trái, hoặc đi quá đà. Những đảng không nắm quyền đóng vai trò đối lập, họ có thành viên trong quốc hội để vận động bác bỏ những đạo luật thấy không có lợi cho quốc kế dân sinh. Những cuộc tranh luận về chính sách công khai tại quốc hội được đưa lên các hệ thống truyền thông và báo chí, không thiếu một chi tiết nào để người dân theo dõi một cách tường tận mà quyết định cho kỳ bầu cử tới, hoặc gửi thư bày tỏ sự bất đồng chính kiến. Người dân là người chủ, "cử" các vị đại diện dân ra gánh vác việc nước, nhưng nếu cảm thấy không làm tròn nhiệm vụ, thì kỳ sau chẳng còn ai tin vào khả năng để bỏ phiếu mà "cử" ra nữa. Đó là nét son thứ nhất của hệ thống chính trị đa đảng.
Trong nền chính trị đa đảng dân chủ, bất cứ một quốc gia nào trên thế giới đều có hệ thống tam quyền phân lập (Checks and Balances) hành pháp, lập pháp, và tư pháp để kiểm soát và chế tài lẫn nhau. Kiểm soát để làm gì vậy? Để không có một cơ quan nào có quyền hành tuyệt đối tự tung tự tác làm sai chính sách và đường lối của hiến pháp quy định hoặc tham nhũng ăn cắp tài sản quốc gia.... Đó là nét son thứ hai của hệ thống chính trị đa đảng.
Trong hệ thống chính trị tự do dân chủ đa đảng, truyền thông và báo chí hoạt động như đệ tứ quyền (hành pháp, lập pháp,tư pháp là tam quyền) làm nhiệm vụ cung cấp tin tức trung thực đến tận từng gia đình để người dân am tường từng sự việc xẩy ra, nắm rõ từng dữ kiện và quan sát cách ứng xử của những dân cử như thế nào? Đó là nét son thứ ba của hệ thống chính trị đa đảng.
Thế giới ngày nay, những nơi nào áp dụng thể chế chính trị đa nguyên đa đảng là có tự do dân chủ, nơi đó con người được tự do mưu cầu hạnh phúc, và giá trị con người được nâng cao, xã hội phát triển theo hướng nhân bản. Tự do dân chủ là quyền tự nhiên của con người mà Liên Hiệp Quốc đã đưa ra bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền để nói lên quyền căn bản của con người. Điều kiện “ắt có và đủ” để thực thi bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền là một nền chính trị tự do đa đảng.
Những nơi nào trên thế giới vắng bóng chính trị đa đảng thì bị cai trị bởi chế độ độc tài, quyền làm người bị chà đạp, hạnh phúc con người khó kiếm, giá trị con người bị coi khinh, tư tưởng con người không được phát triển, hoạt động con người bị ngăn cấm, và v.v...Nói tóm lại dưới chế độ độc tài, con người chỉ hơn động vật đi hai chân một chút thôi...
Tự do dân chủ có từ thế kỷ thứ 17 và 18 ở tây phương, do đó ở tây phương đời sống cao, phát minh khoa học nhanh, xã hội văn minh tiến bộ vượt trội, dân giàu và tiến bộ về mọi mặt. Đời sống công nhân, nông dân, trí thức được nâng cao...Còn những nước Cộng Sản vì cai trị độc tài cho nên chậm tiến lạc hậu, người dân bị cai trị một cách hà khắc, cúi đầu sợ hãi làm thân trâu ngựa...không được viết những điều mình nghĩ, không được nói những điều mình biết, không được nghe những điều mình muốn... Cuộc sống lúc nào cũng phập phồng lo sợ, bị gò bó chật chội, loanh quanh trong những quy luật của chế độ độc tài đã cho là “nhạy cảm”.
Độc tài có nhiều thứ, nhưng nguy hiểm nhất là độc tài Cộng Sản vì đó là thứ độc tài toàn trị, ngày trước chúng gọi là chuyên chính vô sản...có nghĩa là con người chỉ còn “trên răng dưới dế”, chứ chẳng có tài sản gì cả.
Ta thử hỏi:
Chế độ độc tài CSVN người dân có tự do mưu cầu hạnh phúc không?
Người dân có được tự do chọn lựa người lãnh đạo của đất nước không?
Người dân có quyền tự do vào Internet để tìm hiểu những văn minh trên thế giới không?
Người dân có quyền tự do viết blogger không?
Người dân có quyền có tự do tôn giáo hay không?
Người dân đòi tự do dân chủ có bị ở tù hay không?
Người dân có quyền chống lại khi CSVN đến thâu nhà, thâu ruộng, thâu vườn và cướp hết tài sản không?
Người dân khiếu kiện những oan sai của CSVN có được xét xử công bằng không?
Sinh viên học sinh ra trường có việc làm thích hợp với kiến thức học vấn hay không?
Con của cán bộ CSVN không học cũng được làm chỗ tốt đúng không? v.v. và v.v...
Và câu hỏi kết: Những vấn đề được nêu có phải nằm trong nhu cầu của đa nguyên đa đảng không?
Nếu những điều nêu trên là nhu cầu của đa nguyên đa đảng thì đó cũng là nhu cầu sống của con người. Đảng CSVN, qua Đinh Thế Huynh tuyên bố “Việt Nam không có nhu cầu đa nguyên đa đảng và dứt khoát không đa nguyên đa đảng” đã cướp mất đi nhu cầu sống của người Việt Nam.
Vậy thì, đại hội XI của CSVN nhất quyết đưa dân tộc trở về thời kỳ đồ đá, lội ngược dòng văn minh nhân loại, trừ khi CSVN “điên cuồng” cho rằng cái chế độ Cộng Sản Việt Nam nơi có lăng Ba Đình to tổ tướng đó tiến bộ và văn minh hơn thế giới tự do...thì hết thuốc chữa.
Lê Hoành Sơn