"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Sonntag, 16. Januar 2011

Thêm một nhà độc tài bị nhân dân lật đổ

Tổng thống Tunisia Ben Ali
Tổng thống Tunisia Ben Ali. Reuters
 
Tú Anh, RFI

Lịch sử vừa sang trang tại Bắc Phi với cuộc cách mạng « hoa lài », đóa hoa biểu tượng của Tunisia. Chỉ sau một tháng biểu tình đòi công ăn việc làm và phản đối đời sống đắt đỏ, phong trào xã hội tại Tunisia đã nhanh chóng biến thành phản kháng chính trị buộc Tổng thống Ben Ali và gia đình phải chạy trốn. Tình trạng tham ô gây phẩn nộ trong mọi tầng lớp dân chúng khiến cho ngay quân đội, thành trì bảo vệ chế độ, đã bỏ rơi nhà độc tài vào giờ phút gay go nhất.

Sau năm lần « đắc cử và tái đắc cử » với những tỷ lệ phiếu từ 90% đến 99%, Tổng thống Zine el-Abidine ben Ali, 74 tuổi đã cùng vợ con chạy sang Ảrập Xêút lưu vong sau khi bị Pháp, Ý và Qatar từ chối nhập cảnh.

Vì những nguyên nhân nào mà một nhà độc tài nắm hết quyền lực chính trị, kinh tế suốt 23 năm và có một lực lượng an ninh, quân đội hùng hậu trong tay lại một sớm một chiều đầu hàng trước một làn sóng thanh niên không vũ khí ?

Từ phản ứng bộc phát đầu tiên tỏ tình liên đới với một thanh niên có học thức nhưng phải đi bán hàng rong bị cảnh sát hà hiếp đến tẩm xăng tự tử hôm 17/12/2011 ở một tỉnh xa xôi , phong trào tranh đấu của giới trẻ Tunisia lan khắp nước. Chính quyền huy động cảnh sát chống bạo động đàn áp bằng lựu đạn cay và đạn thật làm chết 66 người, nhưng phong trào biểu tình không suy giảm và lan đến tận thủ đô chỉ trong vòng không đầy một tháng.

Trong những ngày cuối cùng, nhà độc tài phải ba lần lên truyền hình hứa hẹn trấn an. Nhưng dù hứa hẹn tái lập tự do báo chí, bãi bỏ kiểm duyệt internet, và cách chức một số nhân vật thân cận, các « động thái giờ chót » này chỉ làm cho người dân Tunisia cảm thấy hết sợ hải và càng tin tưởng hơn vào chiến thắng tất yếu của xu thế dân chủ.

Thanh niên chống đối, doanh nhân bất bình, quân đội bỏ rơi

Theo giới phân tích thì đằng sau lớp sơn vững chắc bên ngoài, chế độ của Ben Ali đã mục rữa từ bên trong. Người dân Tunisia có học vấn cao, nhưng đa số lại bị đặt bên lề xã hội. Họ không chấp nhận bị một gia đình thiếu học thức và tham ô lãnh đạo.

Theo báo cánh tả Libération của Pháp, bản thân tổng thống Ben Ali là một tay võ biền, tiến thân bằng vũ khí như Saddam Husein của Irak hay Boumediene của Algérie. Sau khi Tunisia độc lập, ông hoạt động trong ngành tình báo và chức vụ này cho ông điều kiện thuận lợi để lật đổ lãnh đạo đầu tiên là ông Bourguiba.

Đối lập cho biết thêm bà vợ thứ hai của ông là một thợ hớt tóc, nhưng nhờ vào quyền lực, hai người đã xây dựng một đế chế kinh tài. Từ hãng hàng không quốc gia đến khách sạng sang trọng , từ xăng dầu đến xe taxi và công ty khai thác thủy sản , từ hũ sửa chua của người lớn cho đến hộp sữa của trẻ con đều có bàn tay chia phần của gia đình nhà lãnh đạo hoặc của vợ ông.
Gia đình này bị dư luận nói lén là « kẻ cắp và vô văn hóa ». Cho đến hôm qua ai cũng phải nói lén, vì tất cả dân chúng đều bị theo dõi chặt chẽ. Bộ nội vụ có trong tay 100 ngàn cảnh sát. Trong bình mỗi 100 thường dân thì có một cảnh sát đứng sau lưng.

Mọi đòi hỏi dân chủ và tự do đều bị chính quyền từ khước với lý do là “dân trí không cao”.

Nhà nước mafia và cách mạng hoa lài

Mặc dù có tin đồn là ông bị ung thư tuyến tiền liệt, nhưng Ben Ali sửa đổi Hiến pháp để có thể ra tranh cử cho đến mãn đời như Hugo Chavez của Venezuela. Tuy nhiên lòng tham không đáy của bà vợ thứ hai Leila Trabelsi và các người con rễ đã làm cho người dân bình thường và thành phần doanh nhân cũng ngán ngẫm. Trong các bức điện ngoại giao mà Wikileaks tiết lộ, giới ngoại giao Mỹ tại Tunis gọi Tunisia “gần như”là một “nhà nước xã hội đen”.
 
Do tình trạng thối nát này mà quân đội đã bỏ rơi Tổng thống Ben Ali vào giờ phút nguy ngập. Binh sĩ không nổ súng vào người biểu tình, mà còn tỏ cử chỉ liên đới. Hình ảnh một thanh niên và một binh sĩ ôm nhau hay cảnh một sĩ quan nghiêm chào băng ca đưa xác một nạn nhân bị cảnh sát bắn chết lan truyền trên các mạng thông tin điện tử đã đánh hồi chuông báo tử chế độ.
 

Sau 28 ngày bị đàn áp đẩm máu với 66 người hy sinh , phong trào tranh đấu mà người dân Tunisia gọi là “cách mạng hoa lài” đã lật qua một trang sử độc tài như đã từng xảy ra tại Rumani, Indonesia, Nam Tư cũ, Kirghizstan… và theo nhiều nhà phân tích sẽ không dừng lại ở đây.