Tú Anh, RFI
Vào ngày 19/01/1974 tại quần đảo Hoàng Sa đã diễn ra một trận chiến đẫm máu giữa hải quân Việt Nam cộng hòa và hạm đội Nam Hải của Trung Quốc. Theo tài liệu của Bộ Ngoại giao VNCH công bố cùng ngày này, thì 8 ngày trước, ngày 11/01/1974 Bắc Kinh đột nhiên lên tiếng đòi chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, mà Trung Quốc (văn kiện của Sài Gòn gọi là Trung Cộng) gọi là Tây Sa và Nam Sa.
Tình hình quần đảo Hoàng Sa bắt đầu nóng lên kể từ ngày 16/01/1974. Được Hoa Kỳ báo động là hải quân và không quân Trung Quốc xuất phát từ đảo Hải Nam tiến chiếm Hoàng Sa, Sài Gòn yêu cầu Hạm đội 7 của Mỹ trợ sức nhưng Hải quân Mỹ từ chối.
Theo tuyên cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam cộng hòa ngày 19/01/1974 thì Hải quân Việt Nam cộng hòa đưa 4 tàu quân sự đương đầu với 11 chiến hạm của Trung Quốc.
Thoạt đầu, hải quân Việt Nam kêu gọi tàu Trung Quốc rút khỏi hải phận của Việt Nam. Với một lực lượng đông gấp ba lần, Trung Quốc cho đổ quân lên các đảo Cam Tuyền, Quang Hòa và Duy Mộng và liên tục khiêu khích quay mũi tàu đâm vào chiến đỉnh Việt Nam.
Sáng ngày 19/01/1974, một hộ tống hạm của Trung Quốc loại Kronstadt bắn vào khu trục hạm Trần Khánh Dư mang số HQ-04. Để tự vệ, các chiến hạm Việt Nam phản pháo gây hư hại cho hộ tống hạm Trung Quốc. Cuộc giao tranh tiếp diễn gây thiệt hại cho cả đôi bên.
Tuyên cáo của Bộ Ngoại giao chính quyền Việt Nam cộng hòa so sánh hành động xâm phạm này của Bắc Kinh với những vụ thôn tính Tây Tạng, tấn công Ấn Độ và xâm chiếm Triều Tiên đe dọa hòa bình Đông Nam Á và thế giới.
Còn theo hồi ký «Can trường trong chiến bại» của Phó Đô đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, Tư lệnh Vùng I Duyên hải thì diễn biến tại mặt trận có hơi khác một chút.
Đích thân Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh bằng giấy trắng mực đen với Tư lệnh Hải quân vùng I của miền Nam Việt Nam «bằng mọi cách» không để một tấc đất của tổ tiên mất vào tay giặc.
Giai đoạn đầu, chỉ huy chiến trường là Đại tá Hà Văn Ngạc kêu gọi Trung Quốc rời khỏi hải phận Việt Nam nhưng hải quân Bắc phương vẫn tiếp tục áp sát vào đội hình của phía Việt Nam. Trong thế yếu, đánh thì chắc chắn là thua mà không đánh không được, vị chỉ huy Việt Nam đã quyết định ra tay trước bắn vào đài chỉ huy của soái hạm Trung Quốc. Trong trận đánh chớp nhoáng và không cân xứng này, hộ tống hạm Nhật Tảo bị đánh đắm, Hạm trưởng là Thiếu tá Hải quân Ngụy Văn Thà tử trận. Tổng cộng 58 quân nhân, gồm thủy thủ và lực lượng Biệt hải hy sinh tại Hoàng Sa.
Nhân kỷ niệm 37 năm trận Hoàng Sa, mời quý thính giả nghe lại lời kể của một người lính biển xạ thủ trọng pháo Vương Văn Hà trên hộ tống hạm Nhật Tảo. Ông là pháo thủ bắn phát đạn đầu tiên vào đài chỉ huy của khu trục hạm Trung Quốc. Hiện ông định cư tại Paris. Bài phỏng vấn được phát lần đầu vào ngày 19/01/2010.
Kỷ niệm của xạ thủ Vương Văn Hà được ghi lại trong bài «Kẻ sống sót trong trận chiến Hoàng Sa» đăng trên tạp chí Lướt sóng của Hội Hải Quân Việt Nam cộng hòa, California năm 2001.
Mất Hoàng Sa là bước đầu dẫn đến một mất mát to lớn khác: ngày 14/03/1988 Trung Quốc chiếm Trường Sa cũng qua một trận đánh không cân xứng. 74 chiến sĩ của Quân đội Việt Nam đã hy sinh (theo nguồn báo Nhân dân ngày 28/03/1988).
Kể từ đó đến nay, ngư dân Việt Nam thường bị biến thành mồi ngon cho các vụ bắn giết, hà hiếp, bắc cóc đòi tiền chuộc mạng tại vùng biển xanh ngàn đời của Việt Nam.
Nguồn: RFI