Trung Quốc liên tục tăng cường tàu hải giám trên các vùng biển tranh chấp - Ảnh: Sinodefence
Từ nước Anh, nhà nghiên cứu biển Đông Dương Danh Huy trao
đổi với "Thanh Niên" về việc Trung Quốc huy động 13 bộ ngành để thực hiện bản đồ
“đường lưỡi bò”.
Mục đích của Trung Quốc là chiếm hết các đảo, chiếm “diện
tích lớn nhất” và “nhiều quyền lợi nhất” có thể trên các vùng biển. Để đạt mục
đích, họ dùng một số cái “không”: Không công nhận Hoàng Sa là vùng đang tranh
chấp chủ quyền; Không đàm phán chủ quyền đối với các đảo ở Trường Sa; Không xác
định phạm vi vùng biển mà họ có yêu sách; Không xác định điều họ yêu sách trong
vùng biển đó; Không chọn một cơ sở nhất định cho yêu sách đó; Không chấp nhận
đưa tranh chấp ra bất cứ trọng tài quốc tế nào; Không chấp nhận ý kiến của các
nước ngoài khu vực. Những cái “không” trên nhằm tạo ra tình trạng không thể
giải quyết được tranh chấp, bỏ ngỏ nhiều khả năng cho yêu sách của họ về biển,
tung hỏa mù chống phê bình.
Trong môi trường được tạo ra như thế, Trung
Quốc tận dụng cơ hội mở rộng và củng cố kiểm soát trên thực tế cũng như những
gì họ có thể cho là sự công nhận chủ quyền và quyền chủ quyền của họ.
Liệu Trung Quốc sẽ công bố tọa độ của đường chữ U (vốn xưa
nay rất mơ hồ) như họ vừa bóng gió hay không?
Hiện nay đường chữ U, với 9 đoạn đứt khúc, chứa sự mập mờ có
lợi cho Trung Quốc. Nếu bị phê phán như một ranh giới biển phi lý, Trung Quốc
có thể chống chế “Chúng tôi đòi các đảo bên trong đường đó” nhằm tránh né lời
phê bình “ranh giới biển phi lý”, mặc dù sự thật là nói như thế không có nghĩa
các yêu sách của họ về biển không ra đến đường đó.
Nếu Trung Quốc công bố tọa độ của đường chữ U với thế giới
thì việc làm đó trong hoàn cảnh hiện nay làm cho đường này mang dáng dấp của
một ranh giới biển. Như vậy, việc tuyên bố tọa độ của đường chữ U sẽ làm mất đi
phần nào hỏa mù chống phê bình của đường chữ U hiện tại. Nếu Trung Quốc tuyên
bố như thế thì đó là một bước leo thang trong tranh chấp biển, nhưng ngược lại,
nó cũng làm cho các nước khác cảnh giác hơn. Bị mất đi phần nào hỏa mù cũng sẽ
làm cho đường chữ U bị phê bình nhiều hơn.
Lâu nay, TQ đã ráo riết tuyên truyền yêu sách của họ, từ
trong nước ra thế giới, mà bằng chứng là “bản đồ chữ U”, “bản đồ Tây Sa”, “Nam
Sa”… được phát hành khắp nơi. Giờ đây, với việc họ đẩy mạnh hơn nữa thì tình
hình sẽ như thế nào?
Việc đẩy mạnh tuyên truyền “bản đồ chữ U”, “Tây Sa”, “Nam
Sa” gieo vào tâm lý mọi người quan điểm sai lầm rằng: “Hoàng Sa, Trường Sa của
Trung Quốc và đường chữ U là một điều bình thường”. Năm này qua năm khác, quan
điểm và ấn tượng sai lầm đó sẽ trở thành kiến thức phổ thông trên thế giới.
Ngay cả số ít biết sự thật cũng có thể đánh giá là Việt Nam không quan tâm đủ
về Hoàng Sa, Trường Sa và đường chữ U cho nên để cho quan điểm của Trung Quốc
được đăng tải khắp thế giới.
Đỗ Hùng (thực hiện)