Một cuộc cách mạng ắt sẽ phải có ít nhất một lá cờ làm đại diện, và cần rất nhiều những khẩu hiệu để thể hiện tư tưởng cũng như mục tiêu của cuộc cách mạng đó. Có ý kiến của một vài người cho rằng, cần loại bỏ lá cờ Vàng của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) cũ, vì dù sao nó cũng chỉ đại diện cho một nửa nước Việt Nam trong quá khứ. Hiện tại cần một lá cờ khác có ý nghĩa sao cho nó đại diện được cho cả ba miền Bắc – Trung – Nam Việt Nam mới có thể đoàn kết được nhân dân.
Không những thế, có nhiều nhà phân tích còn lo xa về việc hiện nay đang loạn về tuyên ngôn, tuyên bố, kêu gọi người dân quốc nội Việt Nam xuống đường giải thể chế độ Cộng Sản. Họ sợ nhân dân Việt Nam “dậy non” thì sẽ bị tổn thất về lực lượng, mất khí thế đấu tranh. Hãy nhớ rằng, khoảng 80% các cuộc cách mạng ôn hòa thành công trên thế giới, đều bắt đầu từ những cuộc nổi dậy nhỏ lẻ tự phát của quần chúng tại các địa phương. Ngay ở Việt Nam, chẳng cần ai kêu gọi, nó cũng đã từng lác đác xảy ra trong mấy năm gần đây tại Bắc Giang, Nghệ An, và quy mô nhỏ hơn nữa ở rất nhiều địa phương khác.
Không những thế, có nhiều nhà phân tích còn lo xa về việc hiện nay đang loạn về tuyên ngôn, tuyên bố, kêu gọi người dân quốc nội Việt Nam xuống đường giải thể chế độ Cộng Sản. Họ sợ nhân dân Việt Nam “dậy non” thì sẽ bị tổn thất về lực lượng, mất khí thế đấu tranh. Hãy nhớ rằng, khoảng 80% các cuộc cách mạng ôn hòa thành công trên thế giới, đều bắt đầu từ những cuộc nổi dậy nhỏ lẻ tự phát của quần chúng tại các địa phương. Ngay ở Việt Nam, chẳng cần ai kêu gọi, nó cũng đã từng lác đác xảy ra trong mấy năm gần đây tại Bắc Giang, Nghệ An, và quy mô nhỏ hơn nữa ở rất nhiều địa phương khác.
Một số người còn lo quá xa cho một tương lai sẽ như thế nào, nếu mai đây khi cách mạng nổ ra, sẽ có hàng chục những tổ chức của người Việt ở nước ngoài sẽ giương cờ xí (Cờ Vàng) trở về Việt Nam để giành “miếng bánh” cách mạng. Qủa là câu chuyện “cầm đèn chạy trước ô tô”. Vì sẽ còn phải mất nhiều công sức, trí tuệ, nước mắt và có thể cả máu nữa, thì nhân dân Việt Nam mới có cơ hội hạ bệ thành công chế độ Độc tài…
Người Việt ở nước ngoài là một đặc thù quan trọng trong yếu tố tổ chức đấu tranh giải thể Cộng Sản. Vì họ được sống trong môi trường chính trị dân chủ tự do, đa văn hóa, cho nên việc lập ra các hội đoàn, tổ chức chính trị là chuyện hết sức giản đơn và bình thường. Các tổ chức nói trên hoạt động được đến đâu, mang lại kết quả như thế nào, lại là chuyện khác. Vấn đề ra tuyên ngôn, tuyên bố, kêu gọi người Việt xuống đường cũng vậy, là quyền tự do. Người Việt trong nước đều có trí tuệ cả, họ nghe ai, hưởng ứng ai là do họ tự quyết định.
Nhưng có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng: Để có được những bước lùi của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam (CSVN) như hiện nay trước việc họ phải phần nào chùn tay trong hành động đàn áp những người đấu tranh, phần lớn là do công của những tổ chức và đảng phái chính trị đấu tranh nghiêm túc của người Việt hải ngoại. Họ đã tận dụng thế mạnh về nhiều mặt của mình, nhất là thế mạnh về lá phiếu cử tri, gây áp lực tác động lên chính phủ, lên quốc hội của những nước dân chủ sở tại, làm cho chính giới của các nước đó phải lên tiếng về vấn đề dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam – Một nước là đối tác làm ăn và có thể còn là con nợ của mình.
Điều thứ hai, cũng có thể xác nhận một cách chắc chắn rằng: Hầu như tất cả các nhà đấu tranh tại quốc nội, có tên trên mạng Internet, đều được một số tổ chức của người Việt ở nước ngoài trợ giúp về tiền bạc bằng nhiều con đường, thông qua nhiều cá nhân. Theo những quan sát của người viết bài này, một số nhà đấu tranh nổi tiếng trong nước đã nhận trợ giúp (như một khoản trợ cấp) hàng tháng là từ 100 đến 300 USD. Cá biệt có những người, chỉ trong khoảng từ 3 đến 5 năm lại đây đã nhận được tổng số tiền tương đương với hàng vài trăm triệu Đồng Việt Nam.
Cũng cần nhìn rõ một thực tế rằng: Vì bị công an liên tục bao vây phá hoại về kinh tế, mất công ăn việc làm, nên nhiều nhà đấu tranh thành ra thất nghiệp. Nếu không nhận được sự giúp đỡ quý giá về tài chính thì chắc chắn là đã có nhiều nhà đấu tranh trong nước phải bỏ cuộc từ lâu vì “bụng đói mắt hoa” thì chẳng còn hơi sức đâu mà đi đấu tranh nữa. Như vậy có thể thấy vai trò to lớn không thể thiếu của các tổ chức, đảng phái của người Việt ở hải ngoại đối với phong trào đấu tranh trong nước.
Và trên các phương tiện truyền thông, báo chí, mọi người đều thấy xuất hiện lá cờ Vàng ba sọc đỏ của Việt Nam Cộng Hòa trước đây, trong tất cả các cuộc biểu tình của người Việt ở hải ngoại. Đáng chú ý là tại một số quốc gia, lá cờ ấy đã được nhà nước công nhận như một biểu tượng chính thức của người Việt tị nạn Cộng Sản. Vậy lá cờ Vàng đang là biểu tượng đấu tranh không khoan nhượng với nhà cầm quyền CSVN. Lá cờ ấy cần được tôn trọng trên vị trí hàng đầu, tượng trưng cho cuộc đấu tranh giành dân chủ tự do và chính nghĩa của Người Việt.
Ngay lúc này, không một ai có thể tìm hoặc chọn, hoặc sáng tạo ra được một lá cờ cách mạng, khả dĩ để cho toàn dân Việt Nam có thể chấp nhận và sử dụng. Vậy tại sao chúng ta lại không chọn lá cờ Vàng làm biểu tượng cho cuộc đấu tranh hiện nay? Phải chăng ở Miền Bắc và một nửa Miền Trung Việt Nam, người dân bị tuyên truyền nhồi sọ mấy chục năm nay rằng lá cờ Vàng là của “ngụy quân ngụy quyền”, nên suy nghĩ thủ cựu lạc hậu đó đã hằn sâu vào trong tim trong óc của họ, khó lòng thay đổi được?
Nếu ai đó khó chấp nhận lá cờ Vàng thì cũng có thể đồng nghĩa là họ vẫn tôn thờ lá cờ Đỏ của chế độ Cộng Sản, họ vẫn chưa có sự thoáng đạt trong tư duy đấu tranh. Tại sao lại nói như vậy? Bởi vì lá cờ Vàng hiện nay không thể đại diện cho chính thể VNCH nữa, quốc gia đó không còn tồn tại, nó đã đi vào dĩ vãng của lịch sử. Ngày nay chúng ta cũng thấy rằng, không còn đảng phái hay tổ chức đấu tranh có tên tuổi nào lấy hai chữ “phục quốc” gắn kèm cho tổ chức của mình, như cách nay khoảng 25 đến 35 năm về trước. Lá cờ Vàng vì thế chỉ nói lên ý nghĩa đấu tranh, mà không mang ý nghĩa phục quốc.
Vấn đề con người, cụ thể là tuổi tác của các nhân sự trong các đảng phái và tổ chức của người Việt ở nước ngoài cũng là điều đáng quan tâm. Nếu nhìn các tấm hình chụp và phổ biến trên mạng Internet thì có thể đoán được là hầu hết những nhân sự đấu tranh đều đã khá già. Suy đoán theo mốc từ năm 1975, một viên chức hay binh sĩ VNCH trẻ nhất cũng khoảng 18 – 20 tuổi, thì ngày nay họ cũng đã khoảng 55 tuổi. Những người “trẻ” ấy lại đều không phải là công chức có cỡ, hay sĩ quan trung, cao cấp của VNCH, vì các chức sắc đó không thể có ở người trong độ tuổi 18 đến 20. Vậy họ không phải hoặc đặc biệt ít, có chân làm lãnh đạo của các đảng phái và tổ chức đấu tranh hiện nay của người Việt ở nước ngoài.
Theo tìm hiểu của người viết bài này, độ tuổi trung bình của các thành viên đấu tranh có tên tuổi ở hải ngoại đang khoảng 65 tuổi. Ở tuổi đó, nếu cách mạng giải thể chế độ Cộng Sản thành công, họ cũng khó có cơ may được lên làm tổng thống, thủ tướng hay các vị trí nào khác trong chính quyền dân chủ mới (ấy là nếu ta giả sử hôm nay cách mạng đã thành công rồi). Vì vậy chúng ta có thể kết luận động cơ đấu tranh của họ không phải vì muốn “chia phần” hay tìm kiếm một mối lợi nào cho riêng họ.
Về con cái và gia đình những quân, cán, chính của VNCH cũ. Hiện nay họ đã hoàn toàn hòa nhập vào Dòng Chính của các nước đã cưu mang họ, một số thành viên được sinh ra tại hải ngoại, nay hầu hết đều nói tiếng Việt không rành nữa, và họ đang bị “dòng chảy” tự nhiên của xã hội trong Dòng Chính cuốn đi, họ đã mất gốc Việt phần nào hoặc tất cả. Vậy họ cũng không thể về lại Việt Nam để làm quan chức được nữa. Họ không “giành phần” với nhân dân Việt Nam. Vậy quyền, nghĩa vụ, và trách nhiệm giải thể chế độ CSVN là hoàn toàn thuộc về nhân dân trong nước là chính.
Với những phân tích như trên, có thể thấy lá cờ Vàng không hề là mối đe dọa nào, dù là nhỏ nhất đối với quốc nội, như những suy nghĩ có phần cục bộ, thiếu nhìn xa nào đó của một vài cây bút hải ngoại. Ngược lại, nó đang là biểu tượng đại diện cho sự đấu tranh ôn hòa nhưng cương quyết, nhằm hạ bệ chế độ Độc tài. Sau này, khi cách mạng thành công, việc chọn quốc kỳ quốc ca sẽ do quốc hội mới quyết định, có thể còn phải thông qua trưng cầu ý dân. Lá cờ Vàng có được nhân dân Việt Nam chọn làm quốc kỳ hay không, là quyền của toàn dân, không ai có thể tùy tiện áp đặt.
Lê Nguyên Hồng