"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Sonntag, 6. März 2011

Cách mạng không đơn giản chỉ là hiệu ứng của đám đông

Nguyễn Thượng Long

Vừa qua, một hãng thông tấn rất có uy tín trong làng truyền thông quốc tế hỏi chuyện tôi về Đại Hội Đảng 11, về cách mạng Hoa Nhài và bao giờ thì “Hoa Nhài” sẽ nở ở Việt Nam? Câu hỏi hóc hiểm nhất là: “Nếu ở Việt Nam cũng có những biến động chính trị như ở Bắc Phi thì công an và quân đội có ra tay đàn áp như công an và quân đội Trung Quốc đã tàn sát sinh viên, học sinh của họ trong phong trào “ Mùa Xuân Bắc Kinh 1989” ngay giữa quảng trường Thiên An Môn không?

Theo tôi những câu hỏi này rất cần những trả lời nghiêm túc. Sau nhiều thập kỷ phải sống trong trật tự khắc nghiệt của xã hội toàn trị, để an toàn cho bản thân và gia đình, không phải người Việt Nam nào cũng dám trả lời người nước ngoài về những câu hỏi này. Tôi chỉ dám trả lời những câu hỏi đó khi tôi đã biết chắc chắn rằng, để được hoà nhập vào thế giới văn minh (WTO), chính phủ Việt Nam đã cam kết với quốc tế tôn trọng tất cả những gì mà xã hội văn minh đã thành tựu được như: Tuyên Ngôn Nhân Quyền, Công Ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị. Là một người dạy học, người viết báo…mà không dám trả lời câu hỏi này, người ta sẽ nghĩ gì về người Việt Nam ở trong nước đây?

Với câu hỏi thứ nhất : “Nghĩ gì về Đại Hội Đảng 11”

Tôi đã thẳng thắn trả lời rằng: Chỉ có bộ phận rất nhỏ đảng viên của Đảng Cộng Sản VN, những người có quá nhiều danh lợi liên quan đến Đảng, đến chính quyền… thì họ có những quan tâm theo cách riêng của họ. Đại đa số nhân dân Việt Nam, kể cả đại bộ phận đảng viên không có quyền lợi gì thì quan tâm lớn nhất đối với họ lúc này là:

• Vật giá có leo thang nữa không?

• Đồng tiền vốn dĩ đã quá ít ỏi, rất khó kiếm có tiếp tục bị lạm phát, bị phá giá, bị mất giá nữa không?

• Môi trường sống có tiếp tục bị ô nhiễm, đồ ăn thức uống hàng ngày có tiếp tục gây ngộ độc thực phẩm nữa không?

• Ốm đau đi bệnh viện có phải “làm luật” với bác sĩ, y tá, hộ lý không?

• Con cháu đi học có phải “chạy trường”, “chạy lớp”, “chạy điểm”, “chạy thầy, chạy cô” không? Có bị hư hỏng vì tệ nạn tràn lan khắp mọi ngõ ngách không? Ra trường có xin được việc làm không?

• Dắt xe ra đường hôm nay có bị tắc đường không? Có bị tai nạn giao thông không?

Sau 8 thập kỷ có Đảng, người dân Việt Nam hôm nay đã thực sự bội thực về những kiên định, những mô hình, những hứa hẹn sẽ có một đời sống tốt đẹp nhưng chưa một lần hiện hữu ở bất cứ đâu trên thế gian này, chỉ thấy mỗi kỳ Đại Hội là phố phường, làng mạc nhuộm đỏ một mầu cờ và tầng tầng khẩu hiệu hết sức đại ngôn, vô cùng sáo rỗng, còn lòng người thì ngày càng trĩu nặng những âu lo và thất vọng.

Tôi nghĩ, để toàn đảng toàn dân thực sự quan tâm đến Đại Hội, Đảng Cộng Sản Việt Nam phải có những thay đổi từ gốc rễ, phải từ bỏ việc đánh đồng Đảng là tổ quốc, Đảng là dân tộc, Đảng là chân lý, là muôn đời toàn bích… nhưng dường như lại vô cảm, vô trách nhiệm trước những âu lo trong lòng người dân như tôi vừa nêu.

Với câu hỏi: Nghĩ gì về cách mạng Hoa Nhài và bao giờ thì cách mạng Hoa Nhài sẽ xuất hiện ở Việt Nam?

Tôi đã trả lời:

Trước hết, cách mạng không hoàn toàn đơn giản là một hiệu ứng của đám đông. Cách mạng là những chuyển động nội tại của một cộng đồng, một dân tộc, một đất nước theo chiều hướng đi về phía tiến bộ. Người ta có thể xuất khẩu lao động, xuất khẩu gái đẹp, chuyển giao công nghệ cho nhau, song không có chuyện xuất khẩu hay nhập khẩu được cách mạng. Cách mạng là sự tự giác ngộ, tự tìm đường, tự dấn thấn. Cách Mạng không phải là sự mô phỏng, càng không bao giờ là sự sao chép máy móc. Cách mạng là khoa học, là nghệ thuật giành chính quyền, giữ chính quyền, là khát vọng muôn đời của những con người luôn đi tìm sự hoàn thiện, một sự hoàn thiện hướng tới ánh sáng, niềm tin, danh dự và hạnh phúc đích thực cho bản thân mình cùng cộng đồng dân tộc của mình.

Nếu cách mạng chỉ đơn giản là hiệu ứng của đám đông thì dù đám đông có nhiều đến đâu cũng chỉ gây nên được những huyên náo không đáng ngại cho nhà cầm quyền. Có thể lắm, một đám đông cực kỳ phấn khích nhưng lại vô cùng nghèo đói về chính trị thì đám đông đó sẽ rất nhanh chóng tự biến mình thành món “thịt nướng” bất đắc dĩ trên bàn ăn của những thể chế toàn trị và độc tài đã có thâm niên cùng năm tháng.
Ngọn lửa Mohamed Bouazizi Tunisia
Trước những gì đang diễn ra ở Bắc Phi, Trung Đông… người ta chỉ đơn giản thấy Mohamed Bouazizi, một thanh niên Tunisia thất nghiệp phải đi bán dạo hoa quả để kiếm sống lại liên tục bị cảnh sát vòi tiền, sách nhiễu, chính quyền thờ ơ bỏ mặc, đã tự thiêu để phản đối. Sau cuộc tự thiêu đó là những cuộc biểu tình của sinh viên, học sinh, giới trẻ… Mươi ngày sau các cuộc biểu tình, tổng thống Tunisia bỏ chạy ra nước ngoài. Cách mạng Hoa Nhài đã thành công sau đó lan tới Ai Cập, đất nước của những kim tự tháp. Cũng chỉ qua các cuộc biểu tình, tổng thống Mubarak sớm đầu hàng và lùi bước trước những người biểu tình… rồi cách mạng Hoa Nhài lan tới Li-Bi, Yê-Men, Ba-ranh… và nay mai có thể sẽ lan tới Trung Quốc, Bắc Triều Tiên… như một thứ hiệu ứng Domino thật ngoạn mục. Người ta đâu có biết, để có thành công của cách mạng Hoa Nhài, văn hóa tổ chức của người dân Bắc Phi đã ở trình độ nào? Nhà cầm quyền nơi họ là độc tài thì độc tài ở mức độ nào so với tình hình tương tự ở Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Cu Ba và Việt Nam… -những vùng đất cuối cùng còn lại của chủ nghĩa cộng sản. (Văn Hoá Tổ chức - Khái niệm của chính trị gia nổi tiếng Nguyễn Gia Kiểng. Vấn đề này ông Kiểng đã từng nhiều lần đề cập trong các đề án dân chủ của ông).

Người đời hôm nay dường như chỉ còn nhớ người Nga năm 1991 rẽ ngoặt đường sang lộ trình dân chủ không tốn một viên đạn, không cần một cuộc biểu tình nào của phe đối lập. Người ta đâu còn nhớ, để có được cú bẻ lái dữ dội đó, ngay từ những năm đầu thập kỷ 1960, Nikita Khrushchev Tổng bí thư ĐCS Liên Xô, chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô đã phải ì ạch vác “cây thánh giá xét lại hiện đại” khốn khổ như thế nào trước sự la ó, công kích hết sức ác độc của Mao? Mấy ai nhớ trong Đại Hội ĐCS Liên Xô năm đó, Khrushchev đã phô diễn những gì về: “Nhà nước toàn dân”, “Đảng toàn dân”, “Chung sống hoà bình - Thi đua kinh tế” và “Chống sùng bái Staline…”

Sẽ sớm thất vọng thôi, nếu đơn giản suy nghĩ có một loại “hoa nhài” đa năng ứng dụng cho mọi dân tộc trên trái đất này. Dân tộc Bắc Phi đi đến dân chủ bằng cách mạng Hoa Nhài, người Việt Nam đi đến dân chủ sẽ bằng “hoa” gì ? chưa ai có thể nói trước được. Dù có là hoa gì thì cách mạng dân chủ chỉ thành công khi hội đủ những yếu tố chủ quan, khách quan và những yếu tố đó phải thực sự chín muồi trong một không gian có văn hoá tổ chức cao. Không có chuyện chỉ cần xuất hiện sự huyên náo của những đám đông trên đường phố là có ngay món “Bầu dục – Dân chủ” cho những chiếc bàn ăn nhếch nhác ở những thang bậc cuối cùng trong xã hội.

Hơn 20 năm trước, Việt Nam lỡ “chuyến tàu” cùng các nước XHCN Đông Âu và Liên Xô cũ để đưa dân tộc mình vào thời kỳ xây dựng một xã hội dân chủ. Việt Nam bất ngờ bị rơi vào thế cờ quá nguy hiểm, các yếu nhân của ĐCS Việt Nam lúc đó (Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, Đỗ Mười) quyết định đưa nhau đến Thành Đô, rồi nhanh chóng ngã nhào vào vòng tay Giang Trạch Dân và Lý Bằng. Đặng Tiểu Bình, kẻ đã từng xua hàng chục vạn quân tràn ngập các tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam năm 1979 với mệnh lệnh: “Phải dạy cho bọn lưu manh côn đồ một bài học” hôm đó lánh mặt không thèm ra tiếp. Những người trước đó là những kẻ thù truyền kiếp theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng thậm chí còn bị đưa vào cả những văn bản pháp lý cao nhất của Việt Nam, thoắt đã trở thành những đồng minh chiến lược, chỗ dựa cho ĐCS Việt Nam đưa dân tộc tiếp tục mò mẫm tìm đường lên CNXH.

Những gì đã diễn ra trong chuyến đi này đã làm cho Phạm Văn Đồng phải đấm ngực than trời: “Mình hớ, mình dại rồi mà còn nói “Sự nghiệp cách mạng là trên hết”. Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch, chính khách Việt Nam duy nhất dám trợn mắt, lớn tiếng với các Thái thú của Thiên triều cũng ngậm ngùi giã từ trần thế với lời ai điếu về “Một thời kỳ Bắc thuộc mới đã bắt đầu”. (Xin đọc “Hồi ức và suy nghĩ” Trần Quang Cơ)

Hơn 20 năm sau sự kiện Thành Đô, xã hội Việt Nam đã xuất hiện quá nhiều những tiêu chí hối thúc phải có sự thay đổi chính trị còn mạnh hơn cả những gì đã xuất hiện ở Bắc Phi và Trung Đông:

• Nạn tham nhũng liên quan đến các quan chức chóp bu.

• Bất công xã hội, phân hoá giầu nghèo.

• Tổng sản lượng quốc gia và bình quân yếu kém.

• Nạn thất nghiệp.

• Mặt bằng nhận thức, trình độ dân trí.

• Năng lực khai thác và vận dụng internet và điện thoại di động.

• Thời gian tại vị của các thể chế độc tài và toàn trị.

Vậy mà trước câu hỏi: “Bao giờ thì Việt Nam sẽ có cách mạng Hoa Nhài?” và “Liệu người Việt Nam vẫn lại nhỡ chuyến tàu ‘Hoa Nhài’ lần này hay không?”.Theo tôi, câu hỏi đó đến nay vẫn còn bỏ ngỏ, xin dành câu trả lời cho tất cả con dân nước Việt đang ở trong cũng như ngoài nước.

Không biết có phải chúng ta luôn có tiền lệ về chuyện “nhỡ tàu” là vì khi tạo ra chúng ta, mẹ Âu Cơ đã cài đặt, ký thác vào bộ mã gen con cái của mẹ “khả năng thích nghi” với mọi hoàn cảnh ở mức rất cao. Cứ nhìn vào hình hài đất nước 4000 năm kéo dài về hướng nam là biết tổ tiên chúng ta đã tự chọn đối sách gì trước những tham vọng lãnh thổ mạnh mẽ thế nào của các vương triều phương Bắc trong quá khứ và cả hiện tại.

Cuộc tháo chạy về phía Nam dường như đã làm dân tộc ta quên bén mình là những cư dân sống với biển. Cuộc mưu sinh nhọc nhằn ven những con sông, ven những đầm phá, lẩn quẩn với những nhọc nhằn của điều gọi là văn minh lúa nước đã làm “gien” thương mại, “gien” đi biển - vượt đại dương, “gien” làm kỹ nghệ của người Việt nhạt nhoà, dẫn đến chúng ta không làm chủ được trùng khơi và Biển Đông nơi Cha Rồng – Mẹ Tiên giao hoan và sinh thành ra chúng ta cùng trong một bọc đang bị “Lưỡi Bò 9 đọan” của Trung Quốc liếm sạch.

Những ám ảnh của những tháng năm cả nước sái mồm vì nhai bo bo, mì hạt… lương thực của trâu, bò, cừu, ngựa vẫn còn là những ám ảnh buồn của nhiều thế hệ người Việt Nam đã từng phải sống qua thời duy ý chí. Với những dân tộc văn minh, sự ăn uống kiểu thế được nghĩ là ăn tro đọ trấu, là sự đọa đầy, hạ nhục phẩm giá con người, với người Việt Nam thì việc ăn uống như thế lại được mô tả là khả năng thích nghi của người Việt ở đẳng cấp số 1 (Number one). May nhờ ơn đức tổ tông, phúc đức ông bà phù hộ mà bản trường ca Bo bo – Mì hạt đã sớm chấm dứt. Tôi nghĩ phải tạc tượng đồng, khắc bia đá cho những người như ông Kim Ngọc, người đã dám lén Đảng khoán chui cho nông dân trong những ngày đói khát đó. Ngọn nguồn của “ĐỔI MỚI” là đây chứ đâu có phải là những đại ngôn trong Đại Hội VI (1986) như: “Đổi mới hay là chết” (Trường Chinh),“Tự cứu trước khi Trời cứu”, “Những việc cần làm ngay”, “Không bẻ cong ngòi bút” (Nguyễn Văn Linh) .

Không biết có phải việc “nhỡ tàu” của Người Việt Nam ngoài sự liên quan đến khả năng thích nghi rất cao với hoàn cảnh thì có liên quan gì đến trạng thái tâm lý đặc biệt của người Việt Nam!

Người Việt hôm nay có thể vung dao hạ gục nhau ngay giữa đường chỉ vì một cú va chạm xe cộ. Sẵn sàng cướp đi mạng sống của nhau chỉ vì một cái nhìn đểu! Công an dễ dàng đập dập sọ kẻ đèo người yêu mà không chịu đội mũ bảo hiểm !... nhưng thật khó hiểu, người Việt Nam hôm nay lại không hề biết nổi giận khi túi tiền của mình ngày càng trở nên vơi mỏng đi vì lạm phát, vì hàng hoá tăng giá.

Giới trẻ Việt Nam hôm nay đã từng cung kính đốt nến, lập bàn thờ Michael Jackson rồi ôm nhau khóc lóc khi thần tượng của họ bị đột tử, nhưng lại hết sức ơ hờ đứng nhìn một thằng Tàu quật ngã một người đồng bào của mình vì va chạm xe cộ rồi nắm 2 cổ chân người đó dựng ngược, dậu lên dậu xuống mặt đường Hà Nội đến lúc đỉnh đầu người này dập nát, óc người tung toé mặt đường mới thôi.

Gần đây nhất báo lề phải cũng đã tiếp tay để lăng-xê đám cưới Đan – Lê, đám cưới đồng tính nữ đầu tiên ở Việt Nam làm mê mẩn biết bao fan hâm mộ trong Nam ngoài Bắc trong khi đó tất cả dường như không một xót thương nào dành cho 2 nữ sinh Hằng – Thuý trong vụ án Hà Giang đầy bất công và xấu hổ, những nữ sinh này đã hơn một năm nay khốn khổ trong lao lý. Thử hỏi với những trạng thái tâm lý đặc biệt như thế thì làm gì mà đám “Tàu Lạ”, “Nước Lạ”, “Người Lạ” rồi “Lưỡi Bò 9 đoạn” lại chẳng thè lè liếm gần hết Biển Đông !
Ngọn lửa Phạm Thành Sơn – Đà Nẵng
Cũng rất đáng buồn, không ít người lúc này vẫn cứ vô tư, yên tâm tin rằng những trí thức lớn trong IDS, trong Bauxite.vn với nhiều ngàn chữ ký, những văn nghệ sỹ cấp tiến trong Hội Nhà Văn, trong nhóm thân hữu Đà Lạt, rồi Cù Huy Hà Vũ, Vi Đức Hồi, thậm chí cả các bậc lão thành cách mạng tầm cỡ đã từng nhiều lần đơn thư can gián Đảng chuyện này chuyện nọ, tất tật đều là “Diễn biến”, đều là bị xúi giục. Càng đáng buồn hơn khi ngọn lửa Phạm Thành Sơn bùng cháy trước cổng UBND Đà Nẵng cũng chỉ được người đời dửng dưng ngoái nhìn anh gục xuống trong lửa như nhìn một trường đoạn hoá vàng với hình nhân thế mạng của mấy bà, mấy cô.

Thử hỏi, với khả năng “thích nghi” hơn người, với những trạng thái tâm lý đặc biệt như trên, lại ở một mặt bằng văn hoá tổ chức yếu kém như những gì mà tác giả Nguyễn Gia Kiểng đã cảnh báo thì “Hoa” gì sẽ nở trên lộ trình Việt Nam đi đến dân chủ đây? Tôi rất tâm đắc với câu hỏi của Blogger Kami trong bài viết “Nghĩ về một cuộc cách mạng Hoa Nhài ở Việt Nam”. Blogger Kami viết: “Kể cả khi chính quyền Trung Quốc hiện nay sụp đổ, chính quyền Việt Nam chấp nhận đàm phán để đa nguyên, đa đảng. Xin hỏi: Họ sẽ đàm phán với ai đây?”.
*
Với câu hỏi: “ Một khi ở Việt Nam có biến động, liệu công an và quân đội có thẳng tay tàn sát nhân dân như những gì đã từng xảy ra ở quảng trường Thiên An Môn năm 1989 không?”.

Tôi trả lời người đã hỏi tôi rằng:


Với tư cách một người Việt Nam mang huyết thống Lạc Hồng tôi nói: Trong
“Hồi Ký Mao Trạch Đông ngàn năm công tội” của Đại tá Tân Tử Lăng, có những trang viết người Trung Quốc ăn thịt người vì đói khát. Nhà nọ đổi con cho nhà kia để ăn thịt con, thì việc người Trung Quốc có thể tắm máu người Trung Quốc là bình thường. Còn đã là con cháu mẹ Âu Cơ thì “Nhiễu điều phủ lấy giá gương – Người trong một nước phải thương nhau cùng” và “Thương người như thể thương thân”. Vả lại công an, quân đội là ai? Chẳng lẽ trong gia đình họ, gia tộc họ, làng xóm họ lại không có ai là dân oan, là những người gặp bất công và ngang trái? Khi nhắm mắt kéo cò, vung tay ném lựu đạn, khi đập dùi cui lên đầu nhân dân…tôi nghĩ rằng tay họ sẽ run.

Với tư cách là một người hoạt động chính trị, một con người của thời thế, tôi trả lời rằng: Một khi người công an thực sự sống theo khẩu hiệu hết sức không ổn về văn hoá: “ Công an Nhân dân chỉ biết còn Đảng còn mình ” và quân đội thì: “Quân đội Nhân dân trung với Đảng…” thì điều gì cũng có thể xảy ra. Khi người ta để những thuộc tính của con người sinh vật trỗi dậy theo bản năng thì người ta sẽ có cả 1001 cách thức để biện minh.


Để khép lại đề tài này, tôi xin đặt lại một câu hỏi: Bạn nghĩ gì về đoạn văn sau mô tả cuộc tập trận của 500 công an trong một tình huống giả định phải đàn áp cuộc biểu tình của hàng ngàn dân oan kéo vào Phan thiết một ngày hạ tuần tháng 02/2011. Cuộc tập trận đó diễn ra dưới sự thị sát trực tiếp của ông Trần Đại Quang UVBCT, Thứ Trưởng Bộ Công An cùng các lãnh đạo tỉnh uỷ thuộc các tỉnh thành khu vực Đông Nam Bộ nơi đang tiềm ẩn rất nhiều bức xúc của người dân:


“Tình thế cấp bách, Giám đốc Công An tỉnh quyết định điều động them 100 cảnh sát cơ động (Lúc đầu đã tung ra 500CS) dẫn theo chó nghiệp vụ xuống trấn áp những kẻ quá khích. Hàng rào CSCĐ lập tức được triển khai theo đội hình chiến đấu, dần tiến công bao vây những người gây rối. Song những kẻ quá khích đang hăng máu vẫn không một chút sợ hãi. Hàng trăm nông dân bị kích động vẫn xông tới ném đá, ném chai xăng, đập phá 1 xe ô tô và 2 xe máy của lực lượng chốt chặn. Lúc này, 2 xe vòi rồng được điều động tới phun thẳng nước vào đám đông. Lực lượng CSCĐ quăng trái nổ khói màu mù mịt. Những loạt trái nổ đinh tai nhức óc của CSCĐ đã cảnh tỉnh, kiềm chế những kẻ hung hăng. Người sợ hãi bỏ chạy, kẻ hoảng sợ nằm bẹp dí, lập tức bị CSCĐ khống chế bắt lên xe. Vài phút sau đoàn người biểu tình đã bị khống chế hoàn toàn, thành phố Phan Thiết bình yên trở lại. Chứng kiến cảnh này, một người dân Phan Thiết nói với chúng tôi: CSCĐ chiến đấu hay hơn phim, công an mình giỏi quá”. (Đ T – Đ M. Báo CAND 23/02/2011).


Thế đấy! Bạn đọc nghĩ gì?


Phần tôi, tôi thấy trường đoạn này không hơn được những trò chơi bạo lực mà con cháu chúng ta đang chơi trong các quán net. Giá mà CSCĐ và QĐND làm những trường đoạn tương tự rồi mang ra dằn mặt bọn “Tàu Lạ”, “Nước Lạ” đang ngông nghênh ngoài Biển Đông và cả trên rừng thượng nguồn, trên các vùng Bô Xít ở Tây Nguyên thì hợp lý và giá trị biết bao.

Nguyễn Thượng Long
Hà Đông
© Thông Luận 2011