Nguyễn Quang Lập
Cho đến tuần này mới thấy Hà Nội thực sự ra tay cứu rùa. Đã có phương án dẫn cụ rùa đến khu vực chân Tháp Rùa, lưu giữ trong bể bơi thông minh để chữa trị, chăm sóc; đồng thời triển khai đồng bộ các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường nước Hồ Gươm, bao gồm xử lý rùa tai đỏ, vớt rác, thu dọn chướng ngại vật và nạo vét bùn lòng hồ. Nhìn thấy rất rõ sự sáng sủa và tính hiệu quả của phương án này, ấy là muốn cứu cụ rùa trước hết phải cứu lấy Hồ Gươm.
Vấn đề là tại sao đến bây giờ mới có phương án này. Nó quá khó không ai nghĩ ra hay nó đã có cách đây 15 năm, kể từ năm 1996 lần đâu tiên phát hiện cụ rùa bị thương và nước Hồ Gươm nhiễm bẩn, mà không ai dám dùng? Ông Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội, trong một cuộc trả lời phỏng vấn đã nói: “Nước Hồ Gươm có dấu hiệu ô nhiễm dã lâu, nhưng có nạo vét hồ Gươm hay không, qua nhiều năm thảo luận, nâng lên đặt xuống, cuối cùng vẫn tồn tại 2 ý kiến: nạo vét và không nạo vét.” Theo ông Nghị: “sở dĩ như vậy vì Hồ Gươm được nhìn nhận không chỉ là cảnh quan du lịch, sinh thái bình thường mà là hồ gắn liền với truyền thuyết, lịch sử, tín ngưỡng, tâm linh, với tình cảm nên làm hay không làm đều nhiều ý kiến và đều hết sức đắn đo.
Sự đắn đo kéo dài 15 năm nay có còn gọi là đắn đo nữa không, hay là sự trì trệ? Nếu vì Hồ Gươm “gắn liền với truyền thuyết, lịch sử, tín ngưỡng, tâm linh, với tình cảm” của dân thì những hành động để Hồ Gươm sạch vô lẽ lại chống lại những tình cảm nói trên? Nói cách khác, nếu hiểu rằng việc để Hồ Gươm nhiễm bẩn, không nạo vét lòng hồ, để cho hồ có nguy cơ khô cạn, cá chết, rùa bị thương chính là xúc phạm nghiệm trọng đến tâm linh và tình cảm của dân ta thì chắc chắn không ai đắn đo dài lâu đến như thế.
Nhiều năm trước dân đã kêu nước Hồ Gươm nhiễm bẩn, tất cả đều rơi vào “ Im lặng đáng sợ”. Khi người ta chỉ váng bẩn trên mặt hồ thì bảo phải đo độ nhiễm bẩn mới khẳng định hồ có nhiễm bẩn quá mức cho phép hay không. Thế thì tại sao không đo, không lẽ đo độ nhiễm bẩn khó lắm hay sao? Thậm chí cá chết nổi lên, chẳng cần quan tâm vì sao cá chết, dân kêu thì bảo cứ để cho thiên nhiên tự điều chỉnh (!).
Cũng vậy, nhiều năm trước không phải người ta không biết việc xả rác, đổ vật liệu phế thải xuống hồ đã làm cho cụ rùa bị thương và viêm nhiễm. Chẳng thấy một người có trách nhiệm nào chịu khó lội xuống hồ kiểm tra xem thực hư thế nào. Không bắt được ai xả rác đổ phế liệu và nhìn thấy mặt hồ yên tĩnh là yên tâm kê cao gối ngủ kĩ. Đến khi nạo vét trong khoảng 100 m2 lòng hồ Gươm (đoạn gần tháp Hòa Phong) đã vớt được hàng trăm cục đá tảng, tấm bê tông rộng chừng 40 x 40 cm và vô số bát hương, tưởng rằng nghe được một lời ăn năn, ai dè lại vẫn gặp lời thở than muôn năm “Ý thức người dân kém quá”.
Quản lý Hồ Gươm theo kiểu cha chung không ai khóc. Người ta quá ngạc nhiên khi biết “Hiện có quá nhiều cơ quan cùng tham gia quản lý hồ Gươm. Cụ thể, về trật tự, an ninh, vệ sinh môi trường trên mặt nước, văn minh đô thị quanh hồ thuộc về quận Hoàn Kiếm. Riêng vệ sinh thu gom rác ngay trên đường dạo lại thuộc về Xí nghiệp Môi trường; trên thảm cây, bồn hoa lại do Cty Công viên cây xanh. Toàn bộ dưới lòng hồ lại do 2 cơ quan: Những vấn đề liên quan khoa học, kiểm tra trắc địa là do Sở KH&CN; liên quan cấp nước, nạo vét bùn, đường thoát, đường thải thì do Sở Xây dựng. Liên quan đến di tích như Tháp Rùa, Đền Ngọc Sơn thì do Sở Văn hoá – Thể thao & Du lịch…” Tình trạng này không chỉ có ở Hồ Gươm, nó có ở khắp nơi, chỉ riêng một cái vỉa hè cũng đã năm sáu cơ quan lý, cho thấy cơ chế quản lý thờì bao cấp vẫn còn nguyên đấy, chưa hề thay đổi.
Qua việc cứu cụ rùa đã lộ ra lối tư duy rùa, hành động rùa và thói rụt cổ rùa muôn thuở của ta. Phong cách “ nông dân”, lối làm ăn “ nhà quê”, đến đâu hay đó, bạ chăng hay chớ, nước đến chân mới nhảy, thiếu hẳn một tầm nhìn xa rộng là căn bệnh trầm kha không chỉ riêng Hà Nội. Mới hiểu vì sao bao nhiêu năm nay việc kinh doanh xăng, điện “ thua lỗ” ai cũng biết, đến bây giờ mới giật mình hốt hoảng tăng giá vù vù. Bi kịch.
Nguồn: Quê Choa