Tờ Manila Times ấn bản điện tử hôm thứ Hai 07/03 đăng bài của tác giả Dan Marino trong chuyên mục 'Big Deal' ('Chuyện lớn') với tựa đề 'Kẻ du côn trong khu vực' ('Regional bully') nói về cách hành xử của chính quyền Trung Quốc.
Liên tục sau đó, thứ Ba 08/03 báo này lại đăng xã luận tựa đề 'Sức mạnh của Trung Quốc' ('Chinese might') gọi hành động của nước láng giềng là 'trực tiếp xâm phạm lãnh thổ Philippines'.
Tờ báo tiếng Anh lâu năm nhất Philippines nhắc lại sự kiện hôm 02/03, khi hai tàu chiến có gắn súng máy của Trung Quốc gây hấn với tàu thăm dò MV Venture của Philippines hoạt động trong khu vực Bãi Cỏ rong (Reed Bank), cách đảo Palawan 200 km về phía tây.
Vị trí thăm dò được Manila nói là nằm sâu trong khu vực kinh tế đặc quyền (EEZ) của Philippines.
Lực lượng vũ trang Philippines (AFP) đã điều hai chiến đấu cơ tới hỗ trợ tàu thăm dò.
Bài bình luận của Manila Times nói Đại sứ quán Trung Quốc chưa đưa ra giải thích về vụ việc, và phía Trung Quốc dường như muốn "phủi nhẹ" sự kiện này đi, như "trâu nước đuổi ruồi muỗi".
Dan Marino cho rằng, lý do gây hấn của Trung Quốc không có gì ngoài quyền lợi kinh tế, vì khu vực Bãi Cỏ rong được cho là có chứa trữ lượng khí gas và dầu lửa khổng lồ (440 triệu thùng dầu).
"Trong khi giá dầu thế giới đang lại tăng cao ngất thì việc thăm dò dầu khí ngoài Biển Đông sẽ được tăng cường."
Cây viết này cho rằng cả Philippines và Trung Quốc đều không trông đợi sự cố này là lần cuối.
Không ngang sức
Mới đây, chỉ huy không quân Philippines thừa nhận rằng nước này còn thiếu cơ sở vật chất kỹ thuật để có thể đối phó hữu hiệu với các tàu nước ngoài xâm phạm hải phận Philippines, thua kém nhiều so với Trung Quốc, Việt Nam hay Malaysia, là các quốc gia cùng tranh chấp chủ quyền trong khu vực.
Manila Times nói hai chiến đấu cơ OV-10 và Islander được điều tới hiện trường đều là loại cũ kỹ, ọp ẹp, "không thể làm được gì trong trường hợp phía Trung Quốc muốn gia tăng căng thẳng."
Tác giả Dan Marino kể lại một chuyến bay mà chính ông đã trải nghiệm trên chiếc Islander, khi máy bay của Không lực Philippines này mất độ cao ngay sau khi cất cánh.
"Trong khi quân đội Philippines đang tụt hậu so với các nước trong khu vực, phần lớn vì các tướng tá tham nhũng, thì quân đội Trung Quốc đang được trang bị súng to pháo lớn."
Bài viết nhắc tới việc Bắc Kinh tăng ngân sách quốc phòng hai chữ số trong năm nay, và nói điều gây quan ngại nhất là thái độ của Trung Quốc.
"Bắc Kinh không ngại có xung đột vũ trang trong việc khẳng định "chủ quyền lịch sử" đối với quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc gọi là Nam Sa. Năm 1988, cũng quanh quần đảo này, Trung Quốc đã hải chiến với Việt Nam mà kết quả là hơn 70 thủy thủ Việt Nam thiệt mạng."
Tác giả nhận định rằng sự cố Bãi Cỏ rong tuần rồi cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng rũ bỏ các cam kết đã đưa ra năm 2002 khi ký vào Tuyên bố chung về Cách hành xử ở Biển Đông.
"Với lực lượng quân sự mạnh mẽ hơn bao giờ hết, Bắc Kinh có thể nhăm nhe quay lại vai trò lịch sử là kẻ du côn trong khu vực."
Yêu cầu đối ngoại
Trong khi đó, trong xã luận mới nhất đăng hôm 08/03 cũng về chủ đề nói trên, Manila Times gọi hành động của Trung Quốc là "trực tiếp xâm phạm lãnh thổ Philippines".
"Sự việc này một lần nữa cho thấy, Trung Quốc thật là đáng sợ, chứ không phải là quốc gia hiền lành như các nhà ngoại giao nước này rêu giảng."
Báo này nói thanh niên Philippines có thể khó hình dung độ hiếu chiến của Trung Quốc, nhưng những gì mà nước này cho thế giới thấy trong những năm 1950, trong thời kỳ chiến tranh Triều Tiên và gần nhất là trong cuộc chiến 1979 với Việt Nam đã chứng tỏ điều đó.
"Sự kiện hôm 02/03 không phải lần đầu và cũng sẽ không phải lần cuối Trung Quốc phô diễn sức mạnh trước các quốc gia nhỏ hơn và yếu hơn ở Đông Nam Á."
Manila Times nói người Philippines đã nếm trải quyền lực của Trung Quốc tại Trường Sa vài lần trong quá khứ.
"Người Philippines cần có chính sách đối ngoại phù hợp, không để Trung Quốc muốn giần nhừ tử hải đội ọp ẹp của chúng ta lúc nào họ thấy cần trừng phạt chúng ta."
Bài xã luận kết thúc bằng câu: "Điều này không có nghĩa chúng ta phải cầu phục Trung Quốc mà có nghĩa là chính sách đối ngoại của chúng ta phải hướng tới làm sao để Trung Quốc không dám đối xử với chúng ta như những gì họ đã làm với Việt Nam năm 1979."
Giới bình luận khu vực cho rằng từ sau khi ông Benigno Aquino lên cầm quyền, chính phủ Philippines đang có các động thái thắt chặt quan hệ chiến lược với Hoa Kỳ.