BBC
Các diễn biến tại Trung Đông và Bắc Phi gần đây khiến những người ủng hộ dân chủ và nhân quyền bàn nhiều tới khả năng 'Cách mạng Hoa Nhài' sẽ lan tới Việt Nam.
Những bàn tán này càng rôm rả hơn sau khi có những cuộc tụ họp ở một số thành phố tại nước láng giềng Trung Quốc và kinh tế Việt Nam được đánh giá là thuộc hàng 18 nước dễ có nguy cơ vỡ nợ nhất, theo một bài trên Business Insider hôm 6/3. Tuy nhiên, ông Carl Robinson một phóng viên kỳ cựu của hãng thông tấn Hoa Kỳ Associate Press, người đưa tin từ Việt Nam trong thời gian chiến tranh, nay sống ở Australia nói có nhiều lý do khiến cách mạng khó xảy ra ở Việt Nam.
Ông Robinson nay quản trị nhóm 'Các Tay Săn tin thời Cuộc chiến Việt Nam' dành cho những phóng viên và những người từng làm việc ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975 và ông đã đi khắp các vùng miền ở Việt Nam trong 18 tháng qua.
Trong bài "Why Vietnam Won't Fall", đăng trên trang World Policy Blog, cựu phóng viên chiến tranh Việt Nam viết:
"Đơn giản là Việt Nam sẽ không sớm đi theo vết xe đổ của Tunisia, Ai Cập và có lẽ là cả Libya.
"Và lý do?
"Thật oái oăm đó cũng chính là những lý do mà Nam Việt Nam trước đây rơi vào tay những người cộng sản cứng rắn và không thỏa hiệp ở miền Bắc hồi năm 1975.
"Không ai muốn chiến đấu. Họ có nhiều thứ khác cần làm hơn."
Cá nhân chủ nghĩa
Carl Robinson nói sau gần 60 năm cai trị của Đảng Cộng sản ở miền bắc và hơn 35 năm ở miền Nam, cả xã hội Việt Nam ngày nay "cực kỳ cá nhân chủ nghĩa".
"Thay vì có sự đoàn kết và một mục tiêu chung, mỗi người đều vì chính bản thân, đều có tâm lý mạnh ai người ấy lo vốn dẫn tới sự sụp đổ bất ngờ của miền Nam và sau đó là cuộc bỏ chạy tuyệt vọng của Thuyền Nhân.Ai cũng bị coi như trẻ con và thường xuyên được dạy giáo lý qua các khẩu hiệu, các nghi lễ và các giấc mộng cao xa. Carl Robinson
"Ví dụ so sánh tốt nhất là một trường đạo nội trú mà trong đó quy định đặt ra để người ta vi phạm hay là để cho người khác tuân theo mà không phải mình.
"Ai cũng bị coi như trẻ con và thường xuyên được dạy giáo lý qua các khẩu hiệu, các nghi lễ và các giấc mộng cao xa."
Ông Robinson nói nhìn chung người Việt Nam cũng không để ý tới những rao giảng chính trị nhưng họ đủ hài lòng với thu nhập trung bình đang từ từ tăng lên ngưỡng 2000 đô la một năm.
Ông nói: "Dĩ nhiên lạm phát 12% là vấn đề nhưng cách đây ba năm nó lên tới 30%.
"Ai cũng giật gấu vá vai và chịu khó làm việc thêm.
"Chưa ai quên cuộc sống vất vả như thế nào sau năm 1975."
"... và con cái họ chỉ biết hưởng thụ vật chất và chơi bời.
"Đơn giản là tôi không thể nghĩ ra được những hoàn cảnh mà người Việt Nam sẽ nổi dậy và lật đổ chế động cộng sản."
Tham nhũng
Nhưng cựu nhà báo AP cũng nói thực tế không ai ưa chính quyền và người dân đều "đoàn kết" trong chuyện không thích chính phủ.
Tham nhũng là vấn đề khác trong xã hội và đây là chủ đề mà các nhà báo được phép đưa tin.
Carl Robinson viết:
"...Trong cuộc sống hàng ngày, mỗi người đều đồng lõa [với tham nhũng] bắt đầu với khoản hối lộ 15 đô la để khỏi bị phạt hay đưa tiền lót tay để nhanh có giấy phép cơi nới nhà.
"Tiền trở lại [xã hội] khi những viên chức tham nhũng, mà lương trung bình chỉ 150 đô la một tháng, tới quán ăn mà tiêu những đồng hối lộ khó kiếm.
"Ai cũng gian giảo theo một cách nào đấy."
Phản ứng
Ông Robinson nói công an Việt nam theo dõi chặt các diễn biến trong xã hội và ra tay một cách "có chọn lựa", nhất là đối với những cựu đảng viên cộng sản bỏ hàng ngũ và kêu gọi đa nguyên và dân chủ.
Sau tất cả những xáo trộn ở Việt Nam trong 60 năm qua, một cuộc cách mạng nữa - hay thậm chí chỉ là nổi loạn - đơn giản là sẽ không xảy ra.Carl Robinson
Ngoài ra khi người dân tức giận xuống đường, chính quyền cũng có phản ứng và ông Robinson dẫn ra ví dụ về vụ cảnh sát đánh chết người tại Bắc Giang.
Một khía cạnh nữa mà cựu nhà báo AP đưa ra là những người có khả năng gây ra các vấn đề trong xã hội đã được Việt Nam "xuất khẩu" đi.
Họ đã đi trong giai đoạn Thuyền Nhân và và hàng ngàn cựu quân nhân của miền Nam Việt Nam trước đây đã sang Hoa Kỳ theo thỏa thuận đạt được sau khi quan hệ giữa Hà Nội và Washington bình thường hóa.
Carl Robinson nói ngoại trừ có những bất ngờ lớn, ông tin rằng Việt Nam sẽ tiếp tục thay đổi từ từ và chính quyền cũng quan tâm hơn tới dư luận trong khi Quốc hội bắt đầu thể hiện quyền lực.
Ông Robinson kết luận:
"Sau tất cả những xáo trộn ở Việt Nam trong 60 năm qua, một cuộc cách mạng nữa - hay thậm chí chỉ là nổi loạn - đơn giản là sẽ không xảy ra".