Biểu tình lớn ở Quảng Ngãi
Sáng ngày 7/3/2011, hàng ngàn người dân đã tập trung biểu tình, biểu thị nguyện vọng và sự phản đối tập thể trước trụ sở UBND tỉnh Quảng Ngãi.
Người dân tham gia biểu tình đến từ những vùng bị thu hồi đất để xây dựng các khu kinh tế, khu công nghiệp, các dự án phát triển đô thị, khu du lịch, các cơ sở sản xuất của doanh nghiệp tư nhân trong tỉnh, chủ yếu là từ huyện Bình Sơn của Khu kinh tế Dung Quất; có một số ít là đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi.
Nguyện vọng chung của số người biểu tình vẫn là đòi hỏi chính quyền phải minh bạch, công khai, công bằng, thực hiện đúng các chính sách, luật pháp về thu hồi, định giá đất, đền bù, tái định cư, bảo đảm cuộc sống; công bằng trong việc đối xử giữa người bị thu hồi đất với các chủ đầu tư, nhất là tư bản tư nhân, giữa những đối tượng bị thu hồi đất thuộc nhiều giai đoạn chính sách khác nhau, giữa người bị thu hồi có đền bù cho dự án với người bị thu hồi để nhường đất sản xuất cho người đến tái định cư; bảo đảm sự trong sạch, không vụ lợi trong qui trình thực hiện thu hồi, đền bù; có trách nhiệm với môi trường…
Cuộc biểu tình kéo dài từ giữa buổi sáng đến giữa buổi chiều. Chính quyền đã huy động nhiều xe cơ giới đặc dụng, với hàng trăm cảnh sát cơ động được trang bị chuyên nghiệp để thị uy, trấn áp. Lực lượng cảnh sát đã được lệnh cho xe chạy và kéo còi báo động khắp thành phố Quảng Ngãi đồng thời phong tỏa con đường lớn dài hơn 1km trước UBND tỉnh.
Công an đánh người liệt tứ chi khiến tử vong vì lỗi không đội mũ bảo hiểm
Ông Trịnh Xuân Tùng, 53 tuổi, ngụ tại 525 Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, sáng nay tử vong sau 6 ngày thở bằng máy tại BV Việt Đức (Hà Nội).
Như tin đã loan, ngày 28/2, ông Tùng bị ông Ninh, một Trung tá công an phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội đánh một cách tàn bạo làm trật hai đốt sống cổ sau khi cự cãi về lỗi không đội mũ bảo hiểm. Ông Tùng còn bị công an khóa tay bằng còng số 8 tại Đồn Công an phường Thịnh Liệt.
16h cùng ngày, khi phát hiện ông Tùng bị liệt tứ chi, gia đình ông van xin Trực ban Công an phường Thịnh Liệt cho họ đưa nạn nhân đi cấp cứu nhưng không được.
Đến 21h30, Công an phường Thịnh Liệt mới dùng xe thùng chở ông Trịnh Xuân Tùng đến bệnh viện Bạch Mai. Lúc này, chiếc còng số 8 vẫn lủng lẳng trên cổ tay ông.
Nửa đêm hôm sau, ông Tùng được chuyển tới bệnh viện Việt Đức. Chiều cùng ngày, ông Tùng được một Phó Giám đốc bệnh viện tiến hành phẫu thuật.
Trước khi phẫu thuật, ông Tùng bị trật hai đốt sống cổ dẫn đến liệt tứ chi, liệt cơ hô hấp. Sau khi phẫu thuật, ông Tùng vẫn liệt tứ chi, liệt cơ hô hấp và còn bị liệt thêm cả đường tiêu hóa. Sau 6 ngày chống chọi với tử thần, sáng ngày 8.3 ông Tùng tử vong.
3.000 công nhân đình công đòi tăng lương
Theo hãng tin DPA hôm 8.3 cho biết, gần 3.000 công nhân nhà máy Yamaha Motor Việt Nam 2 ở Hà Nội đã đình công đòi tăng lương từ ngày 7.3. Một viên chức giấu tên của công ty nói với hãng thông tấn Đức DPA là, công nhân yêu cầu tăng lương thêm 400.000 đồng/tháng, tương đương với 19 đô la. Các công nhân cho biết là tình hình vật giá tăng cao, như việc tăng giá khí đốt, xăng dầu và điện mới đây, khiến họ không thể sống nổi với đồng lương hiện nay.
Hiện nay, mức lương khởi điểm tại nhà máy Yamaha Motor 2, nằm ở khu công nghiệp Nội Bài, ngoại thành Hà Nội là 1.650.000 đồng, người làm được 5 năm hưởng mức lương khoảng 2 triệu đồng. Theo báo Thanh Niên, thì một số công nhân cho biết là, trước thời điểm giá xăng dầu và điện tăng, nhà máy đã đồng ý tăng lương thêm 200.000 đồng, nhưng chỉ áp dụng cho các công nhân đã làm việc từ hai năm trở lên.
Theo nhận định của hãng tin Đức DPA, nạn lạm phát ở Việt Nam sẽ còn gây ra nhiều cuộc đình công tự phát trong tương lai.
Nguồn: Radio Chân Trời Mới
Nguồn: Radio Chân Trời Mới