"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Freitag, 6. Mai 2011

Linh mục ứng cử Quốc hội?

Linh mục Công giáo ra ứng cử Quốc hội tại Việt Nam không phải là chuyện mới lạ nhưng vụ cha Vincent Phạm Văn Tuyên tổ chức "Hội nghị tuyên truyền bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân" ở Thái Bình đang gây bàn tán trong dư luận.

Một số trang mạng Công giáo tiếng Việt và tiếng Anh đã phê phán hiện tượng họ gọi là "tu sĩ quốc doanh" hay "state priest".

Trước đó, tin cho hay Tổng giáo phận Sài Gòn ngày 29/4 đã đưa linh mục Pherô Nguyễn Văn Võ chính thức nhận xứ Vườn Xoài thay thế chánh xứ Linh mục Phan Khắc Từ.

Việc cất chức chánh xứ của Linh mục Phan Khắc Từ được nêu ra với lý do nếu ông trúng cử quốc hội sẽ phải tham gia nhiều kỳ họp và sẽ không thể chu toàn nhiệm vụ cha xứ như theo Giáo luật quy định.

Linh mục Phan Khắc Từ là Tổng biên tập báo Công giáo và Dân tộc, Phó chủ nhiệm kiêm Tổng thư ký Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, một người cũng vừa được Đảng cộng sản Việt Nam giới thiệu ra ứng cử đại biểu Quốc hội.

Dự kiến cuộc bỏ phiếu chọn các đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam diễn ra ngày 22/5 năm nay.

Hôm 5/5, BBC Việt Ngữ đã hỏi linh mục Phaolồ Tịnh, tên riêng là Nguyễn Bình Tĩnh (Cựu GM Tịnh), từng là Giám mục Giáo phận Đà Nẵng về chủ đề này.

Ông giải thích về các quy định của Giáo luật liên quan tới việc linh mục tham gia các hoạt động chính trị khác như thế nào.

Cựu Giám Mục Phao Lồ Tịnh: Theo Giáo Luật thì là linh mục không được phép tham gia chính trị. Muốn tham gia chính trị, tức là ra ứng cử đó, thì phải xin phép Giám mục và nếu Giám mục phép thì mới được phép tham gia như một số trường hợp ở bất cứ nước nào, kể cả ở Việt Nam. 

BBC: Có trường hợp nào các Giám mục không cho phép các linh mục tham gia như vậy không, và tại sao?

Có chứ, nhiều lắm (cười), đừng lấy làm lạ. Bời vì theo nguyên tắc và theo giáo luật thì linh mục không tham gia chính trị.

BBC: Thế những trường hợp nào thì Giám mục cho phép và những trường hợp nào thì lại không cho phép thưa ông?

Thí dụ một linh mục tốt, một linh mục cộng tác nhiều, đã có công nhiều đối với quốc gia và trước khi làm linh mục thì đã tỏ rõ lòng thành tâm thiện chí để phục vụ đất nước và có khi là yêu cầu đặc biệt của nhà nước nữa, thì trong trường hợp đó là Giám mục cho phép. Còn thường lệ thì Giám mục không cho phép.

BBC: Được biết Điều 285 triệt 3 của Giáo luật có nói rằng "Cấm các giáo sĩ đảm nhận các chức vụ công quyền có kèm theo quyền hành xử quyền bính dân sự". Vậy nếu như những chức vụ nào liên quan đến "hành xử quyền dân sự" thì tại sao Giáo luật lại không cho phép được tham gia?

Vấn đề này chẳng có gì là lạ vì đã là linh mục thì hoàn toàn chỉ ý, giống như ở bên đời, chỉ dấn thân cho một công việc thôi, thí dụ như một người học về kinh tế tài chính thì chỉ dấn thân cho công việc tài chính. Còn linh mục thì đã hoàn toàn học để phục vụ đạo thì chỉ nên phục vụ đạo thôi.

BBC: Vậy theo quan điểm của ông khi một linh mục khác muốn ra tham gia các công việc bên đời thì ông nghĩ sao ạ?

Theo tôi nghĩ nếu không có phép của Giám mục thì chắc chắn khi tham gia như vậy thì Giám mục sẽ lên án, tức là sẽ không cho làm lễ nữa, không cho thi hành chức vụ linh mục nữa, thí dụ như vậy. Còn nếu xin phép mà có lý thí dụ như quốc gia bấy giờ đang thiếu quá mà cần thì chắc Giám mục sẽ cho phép. Trong trường hợp đó thì tất nhiên là linh mục sẽ phải làm hết bổn phận của mình, xứng phận là một người đã ứng cử tốt và đồng thời là một người cử hành mưu ích thực sự cho nhân dân. Còn nếu không làm như vậy thì là cái lỗi của linh mục thôi.

Họp Quốc hội Việt Nam 21/3/2011
Linh mục Phan Khắc Từ (ngoài cùng bên trái) sẽ tiếp tục ra ứng cử Quốc hội khóa 13

Nguồn: bbc.co.uk