"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Freitag, 6. Mai 2011

Tản mạn về Ông tòa – Tòa án

Trịnh Khả Nguyên

Có một ông “tòa” nổi tiếng về tài xử án, các bản án “ly kỳ” do ông xử từ lâu đã thành giai thoại mà người ta từng dựng thành phim, đem chiếu trên TV. Ông  là Bao Thanh Thiên.  Có người, đôi khi gọi đùa ông là Bao Ny Lông. Nhưng không ai dám gọi là Bao Cao Su, vì dầu sao, bao ny lông vẫn sạch sẽ, thẩm mỹ hơn bao cao su. Xem ra, như vậy dù có tinh nghịch, đùa cợt chút xíu, song người ta vẫn kính trọng những người đáng kính, có đức độ, có công tâm  luôn đứng về phía lẽ phải (không phải lề phải đâu nha). Ông Bao Thanh Thiên có đủ đức tính của một quan tòa là  không xử án theo lệnh trên, dù là lệnh của “hoàng thượng”, nói kiểu bây giờ là giữ tư pháp độc lập với hành pháp. Trong khi xử, ông theo đúng trình tự tố tụng: cho các bên đối chất công khai. Ông đưa ra những nhân chứng, vật chứng có thực trước khi tuyên án, cho nên người bị xử phải  tâm phục khẩu phục, “cúi đầu nhận tội”.
Ông  BTT là ông tòa đội mũ cánh chuồn, mặc áo thụng của chế độ vương quyền hồi “cổ lai hy”, mà lại có được đặc tính của một ông tòa của thời nhà nước pháp quyền. 

Ngược lại, có những ông tòa mặc âu phục, thắt cờ ra vạt thời pháp quyền hẳn hoi mà xử án theo kiểu vương quyền thời Trung cổ. Ước gì mỗi ông tòa đều như ông Bao Thanh Thiên thì đâu có những bản án oan sai. Còn cái ông “Bao cao su” thì không biết là Thẩm phán của thời nào.

Một ông tòa khác, gọi nôm na là “tòa  Kiều” thì chỉ xử một phiên, nhưng một phiên độc đáo.  Tình tiết gay cấn trong phiên  này  là Kiều xử Hoạn Thư, kẻ trực tiếp xâm hại, hành hạ Kiều ngày trước. Mọi người có mặt đều nín thở chờ xem bản án như thế nào. Chính bị cáo cũng cầm chắc cái hình phạt năng Kiều dành cho mình, vì đây là dịp để trả thù  theo kiểu đàn bà, hơn là xét xử – Tôi dùng chữ  “đàn bà” là dựa vào câu Rằng tôi chút phận đàn bà (lời Kiều), kỳ dư không có ý xem thường giới nào cả. Thực ra “đàn” nào cũng có người thù vặt, có người không. Lại nữa, có nhiều người đàn bà mà hơn hẳn những đàn ông tầm thường. Không ở trong cái (tầm) thường tình đó, Kiều đã chơi đẹp, tha bổng cho Hoạn Thư, bởi một phần vì những lời tự biện hộ khôn ngoan của Hoạn Thư mà Kiều đã biết nghe (khác hẳn với nhiều quan tòa thời nay được đào tạo ra để không cần nghe bị cáo và Luật sư) và biết cân nhắc đánh giá là Đời xưa mấy mặt, đời nay mấy người. Và hẳn cũng bởi Kiều nghĩ rằng, phạt đối thủ khi đã nằm gọn trong tay mình rồi thì dễ như lấy đồ trong túi áo, nhưng chắc chắn thiên hạ sẽ chê cười đây là hành động trả thù nhỏ nhen,  Làm ra thì cũng ra người nhỏ nhen. Vậy quan tòa Kiều còn là người biết xấu hổ, một đức tính không thiếu được cho người cầm cân nẩy mực.

Kiều không hề qua một trường lớp luật học nào (kể cả tại chức, chuyên tu) nhưng xét xử như vậy, kể cũng thấu đáo, rành mạch, tình lý rõ ràng, lại cao thượng, khiến ai cũng tâm phục khẩu phục, không kém gì Bao Thanh Thiên. Nước ta hiếm có một ông tòa như vậy.

http://www.danchimviet.info/wp-content/uploads/2011/04/VU-AN-BAO-CHE-CHO-DANG.jpg
DBHB minh hoạ     © Đàn Chim Việt


Ông “tòa” hay bất kỳ ông gì rồi trước sau cũng bị / được công luận, xã hội phán xét đầy đủ việc làm cùng phẩm cách của mình, mà chẳng chờ đến khi đậy nắp quan tài “cái quan định luận”. Đừng tưởng quyền ở trong tay thì mặt có thể tha hồ vênh lên, chẳng cần gì miệng tiếng, muốn tuyên lệnh gì cho dân mà chẳng được. Bé cái nhầm đấy.

Lại có một thứ tòa án không phụ thuộc vào thời đại, vào thể chế xã hội, nhưng ở đó vua quan hay sĩ thứ đều phải tự phán xét mình dù thường trực, dù nhất thời, dù âm thầm, dù công khai. Đó là tòa án lương tâm. Chính cái tòa án này làm cho con người phải chùn tay trước một hành vi vô đạo, hay ít nhất cũng suy nghĩ lại, cắn rứt không thôi khi đã trót làm những điều bất công cho người khác.
 
Không lúc nào như trong thời chiến, người ta dễ biện hộ cho việc bắt bớ, bắn giết của mình với rất nhiều lý do như vì phải chiến thắng, vì mạng sống của mình, của đồng đội, vì mũi tên hòn đạn vốn vô tình v.v. Nhưng sau đó, đâu phải người ta “vô cảm” mãi, có người đã hối tiếc suốt đời về việc mình làm. Chẳng thấy cuộc chiến  ở Việt Nam đã qua hơn 30 năm nhưng đến nay viên Trung úy Mỹ vẫn ân hận về vụ thảm sát ở Mỹ Lai (Quãng Ngãi) đấy sao? Nhiều vụ tương tự khác cũng thế, những người từng gây ra các chuyện đau khổ cho người khác trước đây, bây giờ không ít người vẫn lấy làm ân hận về những gì mình làm thuở trước, muốn làm một việc gì đó để chuộc lại lỗi lầm. Ấy là chưa kể có người đã biết ngăn người khác đừng đốt một kỷ niệm tinh thần vô giá của đối thủ, một quyển nhật ký chẳng hạn. Phải nói đó là những con người trong mình vốn có một tòa án của trái tim. Dĩ nhiên nếu nói đến những kẻ như Pôn Pốt, như Gadhafi và nhiều loại người  khác, thì đòi hỏi ở họ cái thứ tòa án nói ở đây là điều xa xỉ. Họ tàn sát, hành hạ hàng loạt đồng bào mình, đẩy người ta vào chỗ chết bằng mọi biện pháp rùng rợn mà đâu có tỏ ra hối tiếc. Đã thế còn dùng hết xảo thuật để che đậy tội lỗi, tự ca tụng mình là tiêu điểm của thời đại, của loài người “trung tâm của sự đoàn kết, được nhân dân yêu quí” (lời của M. Gaddafi). Họ là những con  người đã… hết thuốc làm người.

Tuy nhiên, xem ra trên thế gian này, giữa hai cực: hết thuốc làm người, và luôn luôn có tòa án trong tim, thì loại lưng chừng ở giữa không phải là ít. Có kẻ thì có pháp luật đàng hoàng, nhưng lại vin vào pháp luật để bẻ queo pháp luật. Có kẻ thì pháp luật do mình đặt ra, khi xử lại cũng do mình xử, nếu xử thấy chưa trúng ý mình thì ngang nhiên sửa lại luật, bao giờ vừa ý mới thôi. Có kẻ luật pháp là một đường nhưng còn vin vào những giáo lý tôn giáo hoặc những thứ đã gần như tôn giáo, những đức tin được nhồi sọ lâu ngày… để thực hiện một thứ “luật rừng / luật phi luật” thực chất phụng sự một tập đoàn lợi ích rất nhỏ nhoi. Với họ người dân không thể công khai đối lập, vì họ thường nhân danh thần thánh hộ vệ nhân dân mà ta có thể tạm gọi là những kẻ độc đoán, lạm quyền được thần thánh hóa hoặc lý tưởng hóa. Vì lợi ích phe nhóm họ có thể chà đạp lên tất thảy, ấy vậy mà người dân lại vẫn phải xưng tụng họ, coi việc họ làm là mệnh lệnh của đấng chí tôn, bắt nguồn từ một mục tiêu rất cao cả. Những kẻ cai trị loại này thì dân chúng quả không biết đường nào mà đối phó, xoay xở, đành chỉ biết cúi đầu. Cứ xem khắp Á cùng Âu, họ không phải là số nhiều nhưng cũng còn không ít. Ngẫm nghĩ cho kỹ, đây chính là tấn bi kịch của nhân loại trong thời đại hiện nay.

T.K.N.