"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Dienstag, 3. Mai 2011

Đức Gioan Phaolô II đã quan tâm đến Giáo Hội Việt Nam như thế nào?

Đức Gioan Phaolô II đã quan tâm đến Giáo Hội Việt Nam như thế nào?
Nhân dịp toàn thể con cái Chúa khắp Giáo Hội hoàn vũ vui mừng khi Đức Giáo Hoàng Bênêđictô 16 công bố tuyên Chân Phước cho Đức Gioan Phaolô II tại Giáo Đô vào Chúa Nhật Kính Lòng Thương Xót, ngày 01 tháng 5 năm 2011. 


Tưởng cũng nên nhắc lại, trong Năm Thánh 2000 vào ngày 30 tháng 4, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã phong Hiển Thánh cho Nữ Tu Faustina, tác giả của sứ điệp lời hiệu triệu về việc Kính Lòng Thương Xót Chúa, hôm đó là ngày Chúa Nhật II Phục Sinh và cũng kể từ đó Đức Gioan Phaolô II đã chọn ngày lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa vào Chúa Nhật II Phục Sinh hàng năm, đến năm 2004 thì ngày này đã được chính thức ghi vào lịch Phụng Vụ của Giáo Hội. Hoà chung với niềm vui đặc biệt của ngày trọng đại này, người viết nhìn lại những gì mà vị Tân Chân Phước đã quan tâm đến Giáo Hội Việt Nam trong thời gian Ngài giữ nhiệm vụ cai quản Hội Thánh Chúa, với lời nguyện cầu xin Chân Phước Gioan Phaolô II cầu bầu cho Giáo Hội và đất nước Việt Nam sớm thoát khỏi nạn vô thần. 

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là vị Giáo Hoàng đã sinh ra và lớn lên trong một đất nước bị chế độ cộng sản nắm trọn quyền thống trị. Có thể nói, Ngài là nhân vật đã góp phần không nhỏ vào việc làm sụp đỗ chế độ cộng sản. Qua các dữ kiện trải dài kể từ khi Ngài lên ngôi Giáo Hoàng cho đến khi Ngài từ giả cõi đời, Ngài đã từng hướng về đất nước Việt Nam xa xôi với ước mơ được đến thăm Việt Nam và Linh Điạ LaVang một lần nhưng chưa thực hiện được. Ngược dòng thời gian, nhiều sự việc xẩy ra cũng như qua các tin tức đã ghi nhận được trong quá khứ, người viết cảm nhận được sự cảm thông sâu xa của Ngài đối với Giáo Hội Việt Nam qua những trăn trở của Ngài, sự cảm thông thiết thực nhất, hơn ai hết, vì Ngài là vị Giáo Hoàng đã hiểu được hoàn cảnh Giáo Hội Việt Nam trong thời cộng sản cũng giống như Giáo Hội Ba Lan của Ngài khi còn chế độ cộng sản. Xin lần lượt trình bày vài nét khái quái về những quan tâm của Ngài liên quan đến Giáo Hội Việt Nam.

Đức Gioan Phaolô II đã khen ngợi Đức TGM Philipphê Nguyễn Kim Điền thuộc Giáo Phận Huế một câu mà nhiều người Công giáo Việt Nam đến hôm nay đều cảm thấy vô cùng thấm thía, đó là : collaborer en résistant”, nghĩa là: cộng tác trong đối kháng . Qua nghiên cứu và nghe ngóng tin tức, Ngài đã công nhận phong cách về việc hành xử cách điều hành Giáo phận của Đức GM Nguyễn Kim Điền khi miền Nam lọt vào tay cộng sản, thật đáng nêu gương cho nhiều vị chủ  chăn khác trong Giáo Hội Việt Nam nên bắt chước Đức Cha Điền là phải thực hiện “ cộng tác trong đối kháng”

Thật vậy, lúc bấy giờ khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II gặp các Giám Mục Việt Nam trong đó có Đức TGM Nguyễn Kim Điền, Đức Giaon Phaolô II đã tuyên dương Đức Cha Nguyễn Kim Điền là vị “Tổng Giám mục dũng cảm” (le vaillant Archevêque) trước mặt đông đủ hàng Giám mục Việt Nam nhân chuyến viếng thăm Ad limina vào năm 1981 của các Đấng tại Giáo đô Rôma.

Được biết phương thức “cộng tác trong đối kháng: collaborer en résistant” khi Ngài khen ngợi Đức Cha Điền trước mặt hàng Giám Mục Việt Nam, ngài muốn nói lên kinh nghiệm của Ngài trong cách hành xử rất thận trọng khi Ngài còn Tổng Giám Mục và giao tiếp với nhà cầm quyền Cộng sản tại Ba Lan. Đây là một sự thận trọng không mang tính thỏa hiệp, không nhân nhượng, không đầu hàng, đó là cách đối kháng khôn ngoan của một vị lãnh đạo tinh thần trong một Giáo Hội khi đang sống dưới chế độ cộng sản. Chắc chắn, cách hành xử đó sẽ mang lại ích lợi cho người dân và rất phù hợp với đức tin Kitô giáo. Thật vậy, trong nhiệm vụ của từng vị chủ chăn mỗi khi có chuyện cần giao tiếp với nhà nước cộng sản, nhất là cộng sản Việt Nam là phải áp dụng một sự “hợp tác mang tính đối kháng,” đối kháng để bênh vực cho lẽ phải, cho công lý, để bảo vệ công bằng xã hội, bảo vệ quyền sống của con người và quyền tự do của người dân, có khi bằng giá của cả mạng sống. Đối kháng cũng có nghĩa là không chấp nhận lối đối thoại hình thức, đối thoại cúi đầu, hay đối thoại để nhượng bộ, để bị lép vế trong cái gọi là “Xin Cho”.

Nêu gương sáng về lòng dũng cảm, cũng như sự can đảm cho các vị Hồng y trong dịp lễ tấn phong 42 Hồng Y vào năm 2001, trong đó có Hồng Y Nguyễn Văn Thuận người Việt Nam. Khi  đề cập đến ý nghĩa phẩm phục màu đỏ của chức Hồng y,  Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II cũng nhấn mạnh rằng: màu đỏ trong phẩm phục Hồng Y tượng trưng cho sự cam kết bảo vệ, cho sự phát triển và cho sự tự do của Giáo Hội, đến mức nếu cần thì phải hy sinh ngay cả mạng sống mình. Một trong những tấm gương anh hùng ấy đang hiện diện nơi đây là Ðức Hồng Y Việt Nam Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, người đã bị giam cầm trong tù ngục suốt 13 năm trường tại nơi chính quê hương của ngài. Nhiều người kể lại trong dịp lễ tấn phong Hồng Y này, Đức Gioan Phaolô II đã nhiều lần nhắc tên Việt Nam mỗi khi gặp Hồng Y Nguyễn Văn Thuận.

Ngày 19 tháng 6 năm 1988, một biến cố lịch sử đã đến với Giáo Hội hoàn vũ và là một vinh dự lớn lao cho Giáo Hội Việt Nam, đó là ngày phong Hiển Thánh cùng một lúc cho 117 vị Tử Đạo tại Việt Nam. Nhắc lại biến cố trọng đại của việc Phong Thánh này cũng là nhắc đến sự quan tâm của Đức Gioan Phaolô II đối với Giáo Hội Việt Nam. Thật vậy , khi có tin quyết định của Đức Gioan Phaolô II phong thánh cho 117 vị Tử Đạo Việt Nam thì Đức Giáo Hoàng đã đón nhận sự chống đối từ nhà nước cộng sản Việt Nam và đám quốc doanh a tòng chống đối Đức Giáo Hoàng một cách quyết liệt, điều đau buồn nhất là lại có thêm một số Giám Mục cũng hùa theo bọn quốc doanh này để phụ họa thêm việc chống đối, xin tạm quên tên các vị này vì nhắc lại thì đàn chiên càng thêm đau lòng. Trong ngày lễ phong Thánh này, mở đầu Bài giảng, Đức Gioan Phaolô II đã bày tỏ tâm tình của Ngài đối với đất nước và Giáo Hội Việt Nam một cách sâu đậm, Ngài nói: 

“ Giáo Hội Rôma hôm nay gởi lời  chào Giáo Hội Việt Nam, mặc dầu trùng dương xa cách, nhưng rất gần gũi trong tình thân ái của tôi. Đồng thời tôi xin chào toàn thể dân tộc Việt Nam và nói lên rằng cả Giáo Hội hoàn vũ hết lòng cầu chúc cho dân tộc quý quốc được trăm phần an lành…”

Trong chuyến viếng thăm Ad limina vào đầu năm 2002 của hầu hết các Giám Mục Việt Nam. Đây là thời điểm mà cả thế giới đang chú trọng đến tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam không mấy tốt đẹp kể từ khi linh mục Nguyễn Văn Lý phát động đòi quyền Tự do Tôn giáo với khẩu hiệu “Tự do Tôn giáo hay là Chết” từ Nguyệt Biều đến An Truyền và linh mục Lý đã bị đàn áp một cách thô bạo và ngài bị bắt giam trong tù ngục kể từ ngày 17 tháng 5 năm 2001. Trong chuyền viếng thăm Ad limina lần này gồm đông đủ hàng Giám mục Việt Nam và khi tiếp kiến vị Cha chung, ngày 22 tháng 01 năm 2002, Đức Gioan Phaolô II đã trao tận tay từng vị Giám Mục Việt Nam hiện diện trong dịp này, mỗi vị một  bức Huấn Từ của Ngài gởi Giáo Hội Việt Nam. Huấn Từ này, đa số giáo dân Việt Nam có những ưu tư về Giáo Hội Việt Nam từ trong nước đến hải ngoại đều cảm nhận rằng đây là lời vàng ngọc mà vị Giáo Hoàng đã bày tỏ tâm tình đầy thiện chí khi nói với Giáo Hội và nhà nước cộng sản Việt Nam . Trước đây, tôi đã có những bài viết phân tích về giá trị của Huấn Từ , trong phạm vi bài này, tôi xin được đưa ra vài điểm chính yếu của Huấn Từ mà Đức Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh với Giáo Hội và nhà nước VC để chứng tỏ sự quan tâm đặc biệt của Ngài đối với Giáo Hội Việt Nam. Đức Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh về quyền độc lập của Giáo Hội trong đoạn 5  Huấn Từ như sau:

5. Như Công Ðồng Vatican II đã nhắc nhở chúng ta, “Giáo Hội, do trách vụ và thẩm quyền của mình, không hề lẫn lộn với cộng đồng chính trị và không bị ràng buộc vào một thể chế chính trị nào”. Vì thế “cộng đồng chính trị và Giáo Hội độc lập với nhau và tự trị trong lãnh vực riêng của mình”. Tuy nhiên, vì cả hai đều được mời gọi chu toàn sứ mạng đặc thù để mưu ích cho mình cũng như cho mọi người, nên việc phục vụ ấy càng hữu hiệu hơn “nếu hai cộng đồng cộng tác nhiều hơn với nhau một cách lành mạnh” (Gaudium et spes, s. 76).

Điều này chứng tỏ Đức Gioan Phaol ô II đã mạnh mẽ gián tiếp lên tiếng rằng: quyền tự do tôn giáo không phải là ân huệ Xin Cho. Tự nó phải được độc lập và tự trị, không cần phải lập ra cái ỷ Ban Đoàn Kết Công giáo để xin xỏ với nhà nước như đám quốc doanh thường ra mặt và cũng đúng như ý của Đức Tổng Kiệt tuyên bố trước Uỷ Ban thành phố Hà Nội ngày 20 -09-2008: “Tự do tôn giáo là quyền chứ không phải ân huệ xin cho”. Để nhấn mạnh về sự hợp tác lành mạnh giữa nhà nước với Giáo Hội, cũng trong đoạn 5 này, Huấn Từ viết tiếp: 

Ðể thực hiện sự” hợp tác lành mạnh” này, Giáo Hội mong đợi nơi chính quyền sự tôn trọng toàn diện nền độc lập và tự chủ của Giáo Hội, của quý giá nhất của sự  tự do tôn giáo đã được đề cập trong Công Đồng Vatican II – cũng như trong các Tuyên Ngôn và Hiệp Ước quốc tế đã nói tới – vừa có liên quan tới những cá nhân cũng như các cộng đồng tôn giáo. Ðối với những cá nhân, tự do tôn giáo đảm bảo quyền được tuyên xưng và thực hành tôn giáo của mình mà không bị cưỡng bách, quyền được đón nhận một nền giáo dục theo các nguyên tắc đức tin của mình, theo ơn gọi tu trì và thi hành những hành vi tư cũng như công nói lên quan hệ nội tâm nối kết con người với Thiên Chúa và với anh chị em mình. Ðối với các cộng đồng tôn giáo, tự do tôn giáo đảm bảo các quyền cơ bản như tự quản trị, cử hành việc phụng tự công cộng mà không bị hạn chế, giảng dạy công khai đức tin của mình và làm chứng về đức tin bằng lời nói cũng như chữ viết, nâng đỡ các phần tử của mình trong việc thực hành đạo, chọn lựa, giáo dục, bổ nhiệm và thuyên chuyển các thừa tác viên của mình, biểu lộ sức mạnh đặc biệt của giáo huấn xã hội, thăng tiến các sáng kiến trong lãnh vực giáo dục, văn hóa, từ thiện và xã hội (x. Vatican II, Dignitatis humanae, s. 4). Tôi cũng nồng nhiệt cầu mong rằng tất cả các phần tử của quốc gia đoàn kết với nhau để thăng tiến một nền văn minh tình thương, dựa trên các giá trị phổ quát về hòa bình, công lý, liên đới và tự do.”

Đức Gioan Phaolô II đã nhận biết, tại Việt Nam thực sự không có tự do tôn giáo nên Ngài đã nhấn mạnh là  Ngài mong đợi nơi chính quyền sự tôn trọng toàn diện nền độc lập và tự chủ của Giáo Hội đây là sự lên tiếng mạnh mẽ, thẳng thắn của Đức Gioan Phaolô II đối với nhà cầm quyền Việt Nam, Ngài đòi hỏi nhà nước phải tôn trọng toàn diện chứ không phải dùng lối “xin cho” để khống chế Giáo Hội. Quả thật Huấn Từ này là kim chỉ nam để các Giám Mục Việt Nam căn cứ vào đó mà can đảm khi giao tiếp với nhà nước, vì trên nguyên tắc Giáo Hội phải được độc lập và tự chủ chứ không phải chịu sự lệ thuốc vào nhà nước để được hưởng ân huệ xin cho như nhà nước Việt Nam đã và đang chủ truơng.

Nhưng than ôi, những lời vàng ngọc trong Huấn Từ của Đức Gioan Phaolô II gởi Giáo Hội Việt Nam năm 2002 hầu như đã đi vào quên lãng, vì một số chức sắc của Giáo Hội Việt Nam đã cam chịu đi vào con đường “xin cho” để được yên hàn vô sự.

Tóm lại, trong tâm tình tạ ơn, người viết xin ghi lại vài nét để tri ân những gì mà Đấng Chân Phước Gioan Phaolô II đã dành cho quê hương và Giáo Hội Việt Nam. Xin ngài cầu bầu cùng Chúa cho quê hương Việt Nam chúng con sớm có được nền công lý và sự thật, để mọi người dân được sống an bình, hạnh phúc.

Seattle, Đêm hướng về ngày tuyên Chân Phước Đức Gioan Phaolô II
Nguyễn An Quý