"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Freitag, 6. Mai 2011

Việt Nam cấm phóng viên nước ngoài tới Điện Biên tường trình biểu tình

Có 170.000 người Hmong sinh sống tại Ðiện Biên, chiếm khoảng 35% dân số trong khu vực, đa số có mức thu nhập chưa tới 100 đô la/năm 
Hình: REUTERS 
 
Có 170.000 người Hmong sinh sống tại Ðiện Biên, chiếm khoảng 35% dân số trong khu vực, đa số có mức thu nhập chưa tới 100 đô la/năm

Chính phủ Việt Nam từ chối không cho ký giả ngoại quốc tới hiện trường nơi xảy ra vụ biểu tình đòi quyền tự trị của hàng ngàn người Hmong tại Điện Biên.

Hãng thông tấn AFP ngày 6/5 cho hay khi phóng viên AFP yêu cầu được tới Điện Biên để theo dõi vụ việc, thì phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Nguyễn Phương Nga, khẳng định không ai được phép đến khu vực vào lúc này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao viện dẫn các lý do bao gồm thời tiết và điều kiện đường xá.

Bà Nga nói thêm rằng các giới chức địa phương đang bận lo chuẩn bị lễ kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ vào ngày mai, 7/5/2011, nên không thể tạo điều kiện cho ký giả nước ngoài tới Điện Biên như đề nghị. Đồng thời, bà cũng nhấn mạnh là tình hình tại đây đã ổn định.

Trong khi đó tin Reuters ngày 6/5 nói rằng chính phủ Việt Nam thừa nhận tình trạng rối loạn vẫn chưa chấm dứt.

Mặt khác, tin của hãng thông tấn Đức DPA đánh đi từ Hà Nội trích lời một giới chức địa phương cho biết trong ngày thứ sáu (6/5) có ít nhất 3000 người Hmong biểu tình tại Mường Nhé thuộc tỉnh Điện Biên và số người biểu tình trong ngày cao điểm hôm thứ tư (4/5) lên tới 5000.

Trong khi đó, hãng tin Reuters ghi nhận có tới khoảng 7000 người Hmong tham gia biểu tình.

Các nguồn tin của giới chức địa phương và các tổ chức phi chính phủ về sự kiện này trái ngược nhau giữa lúc ký giả nước ngoài không được phép tới hiện trường.

Theo DPA, một tổ chức hoạt động của người Hmong ở Washington tố cáo có 28 người thiệt mạng trong vụ đụng độ khi chính phủ Việt Nam điều động quân đội đến giải tán người biểu tình. Ngược lại, giới chức Việt Nam phủ nhận không có trường hợp nào tử vong.

Một giới chức không nêu tên nói với DPA rằng không ai được phép tới Mường Nhé, kể cả Chủ tịch huyện, đồng thời cũng bác bỏ tin cho rằng những người biểu tình đã bắt cóc một nhóm giới chức chính quyền địa phương. Tuy nhiên, giới chức này thừa nhận có  ít nhất 1300 công an được điều động tới đây.

Reuters trích nguồn tin từ linh mục Phạm Thanh Bình ở Sapa nói rằng qua các mối liên lạc ông được biết là quân đội đã phong tỏa những người biểu tình và cắt điện cũng như các phương tiện liên lạc như điện thoại.

Cùng ngày hôm nay, bản tin đăng trên tờ Bloomberg News cho biết Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam cho hay đang tìm cách xác minh những tin tức chưa được kiểm chứng về các vụ thương vong có thể đã xảy ra trong các cuộc biểu tình này.

Theo Reuters, một phát ngôn nhân của đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam kêu gọi các bên liên quan tránh bạo động và giải quyết bất đồng một cách ôn hòa theo đúng luật pháp Việt Nam và các tiêu chuẩn nhân quyền được quốc tế công nhận.

Điện Biên là một trong những tỉnh nghèo nhất Việt Nam, nằm ở khu vực rừng núi hẻo lánh giáp  với Lào và Trung Quốc. Có 170.000 người Hmong sinh sống tại đây, chiếm khoảng 35% dân số trong khu vực, đa số có mức thu nhập chưa tới 100 đô la/năm.

Nguồn: Bloomberg News, Reuters, DPA, AFP
  
Tin liên hệ