"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Dienstag, 3. Mai 2011

Sự dối trá vạch trần qua một bài báo

Vũ Quí Hạo Nhiên
5682912610_546623864e.jpg
Mấy chục năm sau, một tổng biên tập báo vẫn tự hào với thành tích này
 
Trong ngày 30 tháng 4, bài báo trên trang web Dân Việt và VietNamNet hân hoan và hãnh diện kể chuyện ám sát Giáo Sư Nguyễn Văn Bông gây một số phản ứng, tuy không đại trà, nhưng khá mạnh mẽ. Như một nhân vật trên mạng nói: “Ðã đi khủng bố lại còn khoe trên báo.”
Dường như do ảnh hưởng của những phản ứng này, trang mạng VietNamNet bỏ bài này đi, nhưng trang mạng Dân Việt thì vẫn còn.

Không chỉ có trang mạng Dân Việt hãnh diện với việc đánh bom giữa đô thị. Trang mạng Dân Trí cũng vậy, vinh danh thành tích của một nữ du kích chuyên đánh bom đặt mìn, trong đó có cả bom nổ chậm đánh vào xe của một viên quận trưởng. Nữ du kích này khi đó chỉ mới là một cô gái 14 tuổi, mới tuổi lớp 8.

* * *
 
Chuyện ám sát GS Bông do chính nhân vật thực hiện vụ ám sát kể lại. Nhân vật này là Vũ Quang Hùng, bí danh Ba Ðiệp, khi đó là sinh viên Ðại học Khoa học, và sau này là phó tổng biên tập báo Công an TPHCM, tổng biên tập tạp chí Người Du Lịch, và biên tập viên Pháp Luật TPHCM.

Chuyện chiến tranh có thể có những hành động này khác, thì thôi tạm xí xóa cũng được.
Cũng 40 năm rồi, nếu thật sự muốn xí xóa thì cũng nhiều người chịu xí xóa. (Nhưng 40 năm rồi lại mang ra khoe nữa, thì chắc là chẳng muốn xí xóa đâu.)

Nhưng ở đây, có một điểm khá tinh tế, mà có lẽ giải thích tại sao người ta phải gỡ bài GS Bông, mà không gỡ bài trẻ em đánh bom.

Nếu quan tâm tới chuyện “đã đi khủng bố lại còn khoe trên báo,” người ta đã gỡ cả hai bài rồi.
Chỉ gỡ bài GS Bông và để lại bài trẻ em đánh bom, là dấu hiệu để đọc kỹ bài báo về vụ đánh ám sát GS Bông xem có yếu tố gì khác lạ khiến người ta lo ngại hơn?

* * *
 
Yếu tố đó tiết lộ một điều khác nữa về đảng Cộng Sản Việt Nam.

Tiết lộ này không chỉ đến từ hành động của một tờ báo VietNamNet, một tờ Dân Việt/Nông Thôn Ngày Nay, hay một tờ Dân Trí.

Tiết lộ này đến từ “đồng chí Tám Nam – phó ban An ninh T4 (tức khu vực Sài Gòn-Gia Ðịnh).”
Phó ban an ninh T4 tương đương với phó giám đốc công an cho cả vùng Sài Gòn-Gia Ðịnh. Và đó chính là chức vụ mà Tám Nam, tên thật là Thái Doãn Mẫn, đảm nhiệm sau 1975: Ðại tá phó giám đốc công an thành phố.

Ông này nói lý do ám sát Giáo Sư Bông, là vì nếu ông Bông trở thành thủ tướng, “cách mạng có thể gặp khó khăn hơn bởi Nguyễn Văn Bông là một trí thức có uy tínchính quyền ngụy chuyển từ quân sự sang dân sự mọi diễn tiến sẽ có lợi cho địch”.

Để hiểu cái dối trá được vạch trần trong lời nói này, phải hiểu khái niệm “narrative” của một phong trào chính trị.
* * *
 
Mỗi tổ chức chính trị, mỗi phong trào cách mạng, có một cái gọi là “narrative”. “Narrative” là nội dung chính, ý chính, hiện diện trong tất cả những lời tuyên truyền, ủng hộ cho việc làm của tổ chức, phong trào đó. Nó là câu trả lời cho câu hỏi “tại sao phải có phong trào chính trị này?” Nó là cả sự hiện sinh, cả cái raison d’etre của một phong trào chính trị.

Thí dụ, để kêu gọi một cuộc cách mạng, “narrative” của phong trào cộng sản quốc tế là, “chủ nghĩa tư bản dựa trên sự bóc lột người lao động”.

Hay, “narrative” của phong trào Tea Party, tuy chưa rõ rệt lắm, nhưng có thể thấy ý chung là “Chính quyền rút thuế của người dân để tiêu dùng vào những mục tiêu không chính đáng”.

Cái “narrative” này một phong trào chính trị nào cũng có. Có thể người ta không gọi nó là “narrative.” Thậm chí chính người trong phong trào có khi còn không biết phe mình có một cái narrative nữa.

Nhưng, như những mạch điện trong não luôn hoạt động mà mình không biết là điện đang bắn, phong trào chính trị nào cũng có một “narrative,” và sự thành công hay thất bại của một phong trào chính trị lệ thuộc khá nhiều vào narrative này, cũng như sự sống còn của một con người phụ thuộc vào những đường truyền điện trong não.

* * *
 
Trong thời gian Cộng Sản Việt Nam khi đánh nhau với miền Nam, narrative của họ thay đổi uyển chuyển, nhưng một ý thường xuyên trong đó, là: “Chính quyền quân phiệt VNCH đàn áp bóc lột người dân.” Những chữ như “tội ác Mỹ ngụy” là một phần của narrative này.

Trong bài báo Dân Trí vinh danh nữ du kích chuyên đánh bom khủng bố, báo này kể người nữ du kích được đưa ra miền Bắc, được gửi đi Ðông Ðức “để tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ và bọn tay sai đối với nhân dân Việt Nam”. Ðó chính là một phần của narrative của cộng sản thời đó.

Nhưng chính câu nói của Tám Nam/Thái Doãn Mẫn vạch trần sự dối trá của narrative này.
nguyenvanbong.jpg
Tội của GS Nguyễn Văn Bông là ông "là một trí thức có uy tín"
 
Nếu quả thật chính quyền VNCH đàn áp bóc lột người dân, thì có lý do nào để ngăn chặn một diễn biến đang làm giảm bớt sự đàn áp bóc lột?

Cho nên câu nói của Tám Nam mới bộc lộ sự giả dối trong cái narrative của cộng sản Việt Nam.

Giáo Sư Bông bị giết, không phải vì ông tham gia đàn áp bóc lột ai cả, mà chính là nếu ông trở thành thủ tướng, miền Nam Việt Nam sẽ khá hơn.

Ðó mới là cái sợ của cộng sản, qua miệng Tám Nam. Cộng sản không sợ người dân bị ai đàn áp bóc lột, mà cộng sản sợ, và muốn ngăn chặn, không cho người dân miền Nam được sung sướng hơn, tiến bộ hơn, trong một chính phủ do một Thủ Tướng Nguyễn Văn Bông cầm đầu.

Cộng sản cũng chả phải đấu tranh chống một chính quyền “ngụy” quân phiệt nào đấy, vì nếu vậy thì sự tham gia của một thủ tướng dân sự, trí thức có uy tín, phải được hoan nghênh. Thay vào đó, cộng sản tổ chức khủng bố để ngăn chặn việc này.

Ðiều đó chứng tỏ, thêm một lần nữa, và từ chính miệng của một quan chức cao cấp trong chính quyền, qua lời kể của một nhà báo – tổng biên tập, phó tổng biên tập, biên tập viên – rằng tất cả những chiêu bài “giải phóng” chỉ là giả dối.

Cộng sản đánh miền Nam, chỉ vì muốn cướp chính quyền. Ai khiến cộng sản khó cướp chính quyền, thì cộng sản bỏ bom cho chết. Nhất là nếu người đó có thể làm ích nước lợi dân.

* * *
 
Bài báo về vụ ám sát GS Nguyễn Văn Bông bị gỡ xuống khỏi trang VietNamNet. Bài báo ca ngợi cô gái khủng bố thì không bị gỡ xuống.

Ðiều này chứng tỏ cộng sản Việt Nam, tới ngày hôm nay, vẫn hãnh diện với quá khứ khủng bố của mình, vẫn chưa muốn xí xóa gì, và chỉ sợ có một điều, là cái mặt nạ “vì nhân dân” của mình bị lột ra thôi.

Theo blog Nhảm