Nguyễn Hữu Duệ
Nhân
dịp ông Ngô Đình Luyện từ Pháp qua Mỹ thăm Đức Tổng Giám Mục Ngô Đình
Thục đang nghỉ ở dòng Đồng Công tại Missouri, lúc ấy gần ngày giỗ Cố
Tổng Thống Ngô Đình Diệm, nên anh Nguyễn Văn Nghi và tôi mời ông đến San
Diego dự lễ giỗ ngày 1 tháng 11, sau đó đến Orange County dự lễ vào
ngày 2 tháng 11. Ông đến San Diego sớm, nên ở chơi với tôi hơn một tuần.
Khi
ở nhà tôi, tối nào ông và tôi cũng nói chuyện đến khuya, có khi đến 2, 3
giờ sáng. Tôi đã hỏi ông được nhiều chuyện của gia đình, và nhiều việc
quốc gia nữa, mà tôi chưa được đọc ở sách nào. Tôi xin kể ra đây để các
sử gia có thêm tài liệu về Tổng Thống Ngô
Đình Diệm, và nền Đệ Nhất Cộng Hoà do ông thành lập.
Tại sao Ông Diệm nhận lời về làm Thủ Tướng năm 1954?
Theo
lời ông Luyện kể, trước đó, mỗi lần muốn thay đổi Thủ Tướng, Quốc
Trưởng Bảo Đại đều mời ông Luyện đến, để nhờ thuyết phục Ông Diệm lập
nội các. Nhưng Ông Diệm đều từ chối, vì biết nếu về mà còn người Pháp
chỉ huy, thì cũng chả làm được gì, chẳng khác gì khi ông được mời làm
thượng thư Bộ Lại ngày Bảo Đại mới lên ngôi.
Ông
Luyện và Bảo Đại là bạn thân từ thuở nhỏ, cùng học với nhau thời thơ ấu
ở Pháp, vì vậy hai người thân thiết với nhau như anh em ruột. Bảo Đại
có nhiều người bạn Pháp cũng như ông Luyện, nhưng đối với ông Luyện thì
Bảo Đại
thân hơn, vì hai người cùng học một thầy người Việt Nam do triều đình
cử sang dạy về lễ nghi, lịch sử và cách xưng hô cùng luật lệ của triều
đình Việt Nam, hầu khi Hoàng Đế về chấp chánh thì đã sẵn sàng.
Vị
thượng thư mà triều đình cử sang là người cao lớn, đen, và mắt trông
hơi dữ dằn. Triều đình hy vọng nhờ vị thầy học này, Hoàng Đế sẽ nể nang
hơn. Ông Luyện có nói tên vị thượng thư này cho tôi nghe, nhưng nay tôi
quên mất rồi (hình như là cụ thượng Thứ thì phải).
Lúc
ấy Hoàng Đế đã khá lớn, ông rất thông
minh và thích thú khi học về lịch sử và quyền hạn của nhà vua. Mỗi lần
ông đến học, thầy giáo phải quỳ để đón và cách xưng hô rất là kính cẩn,
luôn miệng phải thưa là “Tâu Ngài”. Ngoài ra, triều đình cũng cử thêm
một số thị vệ để hầu hạ Hoàng Đế nữa.
Vì
được trọng vọng như vậy, đôi khi Hoàng Đế mải chơi tennis hay cưỡi ngựa
mà bỏ học, ông Luyện lại được thầy sai đi mời Hoàng Đế về. Khi ông đi
mời Hoàng Đế, bao giờ ngài cũng về ngay, và xin lỗi thầy. Ông Luyện và
Hoàng Đế nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp, xưng “mày tao” (tu-toi)
với nhau. Nhưng ở trong lớp thầy Việt Nam thì nói với nhau bằng tiếng
Việt,
ông Luyện cũng thưa là “Tâu Ngài”. Thầy bao giờ cũng để sẵn bánh kẹo,
nhất là chocolat, để Hoàng Đế và ông Luyện ăn, ngoài ra thị vệ phải hầu
trà.
Ông
Luyện kể thêm: Khi Hoàng Đế hồi loan, Ngài nhiều lần căn dặn ông Luyện
khi về nước phải đến gặp ngài. Khi ấy ông Luyện còn phải ở lại để học
thêm một thời gian nữa. Sau đó, ông đậu kỹ sư và về Việt Nam được bổ đi
coi điền địa của hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, ăn lương ngạch Tây nên
khá giầu (điền địa là cadastre). Có lần Hoàng Đế đi kinh lý các tỉnh
Quảng Nam, Quảng Ngãi, Qui Nhơn, có khâm sứ đi theo, các quan đi đón
đông lắm, trong số đó có ông Luyện. Khi gặp
ông, ngài ôm chầm lấy và la ông bằng tiếng Pháp: Tại sao khi về không đến thăm tôi? Và vẫn “tu, toi” với ông như khi ở Pháp. Ngài giới thiệu ông với ông khâm sứ rằng “Hai chúng tôi là amis d’enfance”. Và ngài bắt ông Luyện tuần tới phải về thăm ngài.
Khi
ông Luyện đến thăm, ngài đón tiếp rất niềm nở và mời hoàng hậu Nam
Phương ra giới thiệu, cùng giữ lại ăn cơm gia đình. Hoàng Đế cũng muốn
giữ ông Luyện làm việc gần ngài, nhưng ông từ chối.
Sau
đó, mỗi lần Hoàng Đế có bạn người Pháp sang thăm,
Ngài đều mời ông Luyện về Huế chơi cùng các bạn cũ, và ôn lại những
ngày thơ ấu ở Pháp một cách vui vẻ lắm. Sau này, Quốc Trưởng và ông
Luyện thường gặp nhau ở Pháp.
Khi
hội nghị Gènève bắt đầu, ông được Quốc Trưởng mời đến, và được giao cho
chức vụ đặc phái viên của Quốc Trưởng, để theo dõi hội nghị và trình
thẳng với Quốc Trưởng các diễn tiến của hội nghị. Ông cũng từ chối, viện
lý là không có quần áo sẵn sàng và phương tiện di chuyển. Quốc Trưởng
nói: “Đây là việc nước và của người bạn thân (ami), ông phải giúp tôi. Còn việc quần áo và phương tiện sẽ có người khác lo cho ông”.
Nói rồi ngài
gọi ông Quang và ra lệnh ông lo cho ông Luyện tất cả những gì ông cần
(tôi không rõ ông Quang là ai?) Ngoài ra ông cũng lưu ý ông Luyện thông
báo các diễn tiến hội nghị cho Ông Diệm hay để Ông Diệm rõ tình hình.
Ông
Luyện cũng kể rằng, Quốc Trưởng có vẻ hận người Pháp lắm, vì họ đã đặt
Ngài vào sự việc đã rồi, và không hề có giới chức cao cấp nào của Pháp
bàn với Quốc Trưởng điều gì trước đó cả. Quốc Trưởng cũng lưu ý ông
Luyện, là phải giao thiệp mật thiết với phái đoàn Mỹ ở hội nghị.
Khi
hội nghị sắp
kết thúc, chỉ còn bàn cãi về việc chia cắt ở vĩ tuyến nào thì ông Luyện
được lệnh Quốc Trưởng liên lạc với phái đoàn Mỹ, để nhờ họ giúp cách
nào giữ được Huế cho phía quốc gia.
Sau
đó, Quốc Trưởng mời Ông Diệm đến để giao cho chức vụ Thủ Tướng. Ông
Diệm từ chối, nhưng Quốc Trưởng cố ép, và nói ngài rất lo lắng cho số
phận của những người di cư và cán bộ trung kiên của người quốc gia. Ngài
thêm một điều kiện là cho Ông Diệm được toàn quyền về hành chánh và
quân đội. Thêm nữa, do sự thúc giục của ông Luyện, ông Cẩn cùng Đức Cha
Thục và các cán bộ ở trong nước, nên Ông Diệm nhận lời.
Tôi hỏi ông Luyện:
- Cháu có nghe nói trước khi về nhận chức, Ông Diệm đã thề hết lòng trung thành với Quốc Trưởng, phải không?
-Tôi
không rõ lắm là các Thủ Tướng trước đó có phải thề giữ lòng trung thành
với Quốc Trưởng không, nhưng Ông Diệm chỉ thề là hết lòng phục vụ và
giữ vững nền độc lập của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Quốc Trưởng. Và
Quốc Trưởng cũng nhắc Ông Diệm rằng bất cứ trong trường hợp nào,
cũng phải đặt tổ quốc Việt Nam trên hết.
Ông
Luyện có đọc cho tôi nghe câu thề bằng tiếng Pháp, vì đã lâu tôi không
còn nhớ nguyên văn, nhưng tôi hiểu ý là như vậy. Cách đây ít lâu, tôi có
đọc một bài của giáo sư Tôn Thất Thiện nói về việc này, và ghi rõ câu
thề bằng tiếng Pháp, tôi nghĩ là đúng.
Sau
đó, có cuộc nói chuyện riêng giữa Quốc Trưởng và Thủ Tướng, ông Luyện
cũng có mặt. Quốc Trưởng nhắc Ông Diệm phải tìm mọi cách đẩy người Pháp
đi và củng cố quân đội, đào tạo cán bộ theo người Mỹ v.v… Khi Thủ
Tướng về nước, ông Luyện về theo và giúp Ông Diệm mọi việc.
Theo
ông Luyện, điều khó khăn nhất là việc đối xử với các giáo phái, và tìm
được cán bộ trung kiên. Ông Cẩn đã giúp rất nhiều trong việc này cho
miền Trung. Trong Nam, ông Nguyễn Ngọc Thơ là người giúp Thủ Tướng rất
nhiều trong việc sắp xếp nhân sự.
Việc
đối phó với tướng Nguyễn Văn Hinh và các giáo phái cũng rất khó khăn.
Miền Trung thì coi như ủng hộ Thủ Tướng 100%, nhưng trong Nam thì các
giáo phái luôn luôn đòi hỏi Thủ Tướng mọi điều. Ngay như Đức Hộ
Pháp Phạm Công Tắc, là người ủng hộ và quý mến Ông Diệm, cũng nghe
người Pháp mà phá chính phủ. Tuy nhiên, các đơn vị ở Bắc rút vào thì ủng
hộ Thủ Tướng hết lòng.
Ông
Luyện kể sư đoàn Nùng lúc đó đóng ở sông Mao, ông có ra gặp đại tá Wòng
A Sáng để nhờ đưa hai tiểu đoàn bí mật vào bảo vệ dinh Thủ Tướng. Đại
tá Sáng nhận lời ngay, và hứa nếu cần ông sẽ đem hết lực lượng Nùng vào
bảo vệ Thủ Tướng. Phương tiện di chuyển không có, đại tá Sáng phải trưng
dụng xe đò, xe lửa để đưa quân vào. Ngoài ra ông Luyện còn gặp trung tá
Thái Quang Hoàng, là người đã rút quân ra lập chiến khu để phản đối
trung tướng Hinh
v.v…
Tôi
hỏi ông Luyện về việc giao thiệp với người Pháp và đại sứ Mỹ ra sao,
ông kể: Đại Tướng Ely là cao ủy Pháp lúc bấy giờ rất thân với đại tướng
Taylor là đại sứ Mỹ, hai người mỗi lần muốn ép Thủ Tướng Diệm điều gì,
đều đi cùng với nhau, mặc quân phục, và cùng một ý kiến. Ông Diệm tức
lắm và gọi hai ông này là “hai chị bà sơ”. Ngoài mặt thì phải nhượng bộ,
nhưng Ông Diệm cứ âm thầm theo đuổi mục đích của mình là lo cho dân di
cư và tìm cách trục xuất cho được người Pháp ra khỏi Việt Nam, cùng dẹp
bỏ các giáo phái võ trang.
Việc truất phế Bảo
Đại
Vẫn
theo ông Luyện, Ông Diệm gặp khó khăn nhất khi ra lệnh đóng cửa các
sòng bài và nhà điếm, vì không còn lợi tức nào để gửi tiền cho Quốc
Trưởng hàng tháng nữa. Những người ở quanh Quốc Trưởng cũng không được
Ông Diệm o bế và tặng tiền như Bảy Viễn đã làm từ xưa, nên bị gièm pha
nhiều.
Cái công điện mà Quốc Trưởng gọi Thủ Tướng sang Pháp, là giọt nước làm tràn cái ly, nên buộc
lòng Ông Diệm phải đối phó. Ông nghĩ nước Việt Nam mà giao phó vào tay Bảy Viễn, thì sớm muộn gì cũng mất vào tay Cộng Sản.
Khi
công bố cưỡng lệnh Quốc Trưởng, ông Luyện được Thủ Tướng cử sang Pháp
gặp Quốc Trưởng, để trình bày sự khó khăn của chính phủ. Ông Luyện phải
đợi 3 ngày mới được Quốc Trưởng tiếp kiến. Trái với trước kia, ông Luyện
muốn gặp Quốc Trưởng lúc nào cũng được.
Ông
mang theo 700 ngàn đồng, là tiền quỹ đen của Thủ Tướng mà ông không
dùng đến từ ngày về nước, để biếu Quốc Trưởng.
Ông trình bày cho Quốc Trưởng rõ, là tình hình Việt Nam đã sáng sủa,
người Pháp sẽ phải rút đi, mình đòi lại được dinh Độc Lập và việc dẹp bỏ
các lực lượng giáo phái võ trang để thống nhất quân đội, thì chỉ còn là
vấn đề thời gian v.v… Quốc Trưởng và ông nói chuyện rất
lâu, và Quốc Trưởng không còn oán trách gì về Ông Diệm và ông Luyện nữa.
Nhưng ngài nói: “Tôi biết việc này do ông Nhu bày ra !”
Việc mua Toà Đại Sứ Việt Nam ở Anh Quốc
Anh
Trần Mạnh Phúc là tham vụ ngoại giao của Toà Đại Sứ Việt Nam tại Anh
quốc và được ông đại sứ Luyện rất mến trọng, có kể với tôi (anh Phúc
hiện ở San Diego) rằng:
Khi
Ông Diệm có ý định viếng Anh quốc thì Bộ Ngoại Giao trình Tổng Thống
nên mua một trụ sở cho Toà Đại Sứ để khi Tổng Thống viếng Anh quốc có
nơi tiếp tân, vì chắc chắn Nữ Hoàng Anh sẽ tới dự. Vì muốn cho nhanh
việc, nên Bộ Ngoại Giao ủy cho đại sứ Luyện lo việc
này. Muốn tiến hành mau lẹ, tòa nhà dùng làm Toà Đại Sứ tạm thời đứng
tên đại sứ Luyện. Dinh thự này khá lớn, tọa lạc cả một block đường,
không có số nhà, nói đến là ai cũng biết đó là khu đẹp vào hạng nhất ở
Luân Đôn, thủ đô Anh quốc.
Mới
mua được ít lâu thì đảo chánh xảy ra nên chưa kịp sang tên cho chính
quyền Việt Nam và tòa nhà này vẫn đứng tên đại sứ Luyện. (Chính
phủ Việt Nam cũng có một căn nhà tại Pháp, đứng tên Vĩnh Thụy, là tên
của Quốc Trưởng Bảo Đại. Sau năm 1975, nhà cầm quyền Hà Nội thu hồi căn
nhà này. Nhưng về sau, người vợ đầm của Bảo Đại là Monica thắng trong vụ
kiện
đòi lại, rồi đem bán đi).
Sau
đảo chánh, Bộ Ngoại Giao có nhờ ông Trần Mạnh Phúc đi gặp đại sứ Luyện
để sang tên lại tòa nhà cho chính quyền Việt Nam. Ông Phúc gặp đại sứ
Luyện và được trả lời như sau:
“Tôi rất muốn làm theo Bộ
Ngoại Giao yêu cầu, nhưng rất tiếc sau khi đảo chánh, chính phủ đã ra
một sắc lệnh tịch thu toàn thể gia sản họ Ngô. Tất cả gia sản anh em tôi
đều bị tịch thu, nên bây giờ tôi không có quyền gì sang tên căn nhà
này”
Khi ông Phúc đến thăm ông Luyện tại nhà
tôi, tôi có hỏi ông Luyện vụ này thì ông xác nhận là đúng.
Tôi nói với ông Luyện:
-
“Theo ý cháu, tội gì mình để cho tụi Việt Cộng dùng tòa nhà này? Cụ đòi
lại bán đi để giúp anh em có phương tiện kháng chiến chống lại Cộng
Sản”
Ông trả lời:
-
Đâu có được! Anh thấy không, anh em tôi gia sản có gì đâu! Nếu tụi tôi
tham lam
thì bao năm nay thiếu gì cơ hội tụi tôi làm giàu. Một tòa nhà này thì
có nghĩa lý gì! Cho đến bây giờ mọi người mới hiểu cho anh em tôi.
Việc Thủ Tướng Trung cộng Chu Ân Lai muốn có liên lạc ngoại giao với Việt Nam Cộng Hòa
Ông
Luyện kể cho tôi nghe một bí mật hết
sức quan trọng mà tôi chưa nghe bao giờ. Ngày Thủ Tướng Chu Ân Lai
viếng Anh quốc (tôi quên không nhớ năm nào), phái đoàn của Chu Ân Lai
đông lắm, có đến hơn 100 người và được chính phủ Anh đón tiếp rất long
trọng. Ông Luyện được một tham vụ ngoại giao của Toà
Đại Sứ Trung Quốc đem biếu hai vò rượu “Mao Thái”, kèm thiệp của Thủ
Tướng Chu Ân Lai mời dự tiếp tân ở Toà Đại Sứ Trung Quốc với sự hiện
diện của Nữ Hoàng Anh.
Khi
ông được đại sứ Trung Quốc giới thiệu với Thủ Tướng Chu Ân Lai, Thủ
Tướng rất niềm nở, nói đã biết ông là em của Tổng Thống Việt Nam, là
người ông rất kính trọng
và ngưỡng mộ, xin ông Luyện chuyển lời thăm của Mao chủ tịch đến Ngô
Tổng Thống. Ông Chu nói ông không có cơ hội để nói nhiều với đại sứ
Luyện nhưng đã chỉ thị đại sứ Trung Quốc đến gặp đại sứ Luyện trình bầy
chi tiết sau.
Sau đó, đại
sứ Trung Quốc đến thăm ông Luyện ở Toà Đại Sứ Việt Nam. Đại sứ Trung
Cộng nói với ông Luyện rằng chủ tịch Mao rất cảm phục lòng yêu nước và
những gì Ngô Tổng Thống đã làm cho miền Nam Việt Nam được phồn thịnh như
ngày nay. Ý chủ tịch Mao muốn có liên lạc ngoại giao với miền Nam Việt
Nam.
Theo
ý Mao Trạch Đông, trước tiên hai bên sẽ đặt liên lạc trên cấp tổng lãnh
sự, sau đó sẽ nâng lên cấp đại sứ nếu tình thế cho phép. Theo Mao Trạch
Đông hai bên sẽ có liên lạc chặt chẽ về văn hóa và bình thường hóa việc
buôn bán giữa hai quốc gia, Trung Quốc sẽ dàn xếp để
hai miền Nam Bắc Việt Nam có đại diện giữa hai miền, sau đó sẽ đi đến
việc liên lạc, tiếp tế và buôn bán giữa hai miền v.v…
Ông Luyện trả lời là sẽ về trình Tổng Thống và sẽ trả lời ông đại sứ Trung Cộng sau.
Ông
Luyện đã đích thân về trình Tổng Thống
Diệm việc này. Sau đó gần hai tháng, ông được Tổng Thống triệu về và
cho biết là sau khi đã nhờ ông đại sứ Trung Hoa Quốc gia về tham khảo ý
kiến của Tổng Thống Tưởng Giới Thạch. Tổng Thống cũng tham khảo ý kiến
với đại sứ Hoa Kỳ thì đi đến kết luận là việc này chưa thể đồng ý trong giai đoạn này được.
Tổng Thống Diệm cũng cho ông Luyện rõ là khi ông sang thăm Đài Loan, ông và Tổng Thống Tưởng Giới Thạch đã giao ước với nhau
rằng sẽ hết lòng giúp đỡ nhau trong việc chống Cộng và hai nước coi nhau như anh em. Tổng Thống bảo ông Luyện về trả lời đại sứ Trung Quốc rằng chính phủ Việt Nam rất cảm ơn Mao chủ tịch và xin một thời gian để sắp xếp.
Khi
ông Luyện kể cho tôi nghe chuyện này, tôi chợt nhớ năm 1963, Bộ trưởng
quốc phòng Đài Loan là ông Tưởng Kinh Quốc (sau làm Tổng Thống Đài Loan)
có bí mật sang thăm Việt Nam và thường đàm luận với
Tổng Thống Diệm nhiều đêm (ông Tưởng Kinh Quốc là con Tổng Thống Tưởng
Giới Thạch)
Tổng Thống Diệm cũng nói với ông Luyện rằng ông đồng ý với Tổng Thống Tưởng Giới Thạch là không bao giờ tin được Cộng Sản, vì vậy phải rất thận trọng. Ngoài ra, Việt Nam Cộng Hòa có chính sách rõ ràng là nước nào đã có Toà Đại Sứ ở miền Bắc thì Việt Nam phải rất thận trọng khi đặt liên lạc ngoại giao với nước ấy.
Tổng Thống Diệm và ông Luyện có biết trước việc đảo chánh sẽ xảy ra không?
Tổng thống Gioan Baotixita Ngô Đình Diệm thăm Tây Nguyên
Ông
Luyện còn kể cho tôi nghe trước ngày đảo chánh độ mấy tháng, có một
linh mục dòng Jesuit (Dòng Tên) ở Hoa Kỳ đã bí mật sang gặp ông. Vị linh
mục này muốn giữ bí mật nên trước khi gặp ông Luyện đã ghé qua nhiều
nước Âu châu rồi mới đến thăm ông Luyện. Ông Luyện và vị linh mục này
gặp
nhau ở một tiệm ăn ở ngoại ô Luân Đôn.
Vị
linh mục này muốn cho Ông Diệm rõ là sớm muộn gì Hoa Kỳ cũng sẽ giúp
cho việc đảo chánh ở Việt Nam để lật đổ Tổng Thống Diệm. Theo linh mục
này thì sự việc xảy ra gần đây thôi. Ông Luyện hỏi vị linh mục này làm sao có thể ngăn chận được?
Vị linh mục này nói có hai ý kiến, theo ông thì Tổng Thống Diệm nên làm.
1.
Nên nhượng bộ chánh phủ Hoa Kỳ, đồng ý
tất cả những gì người Mỹ muốn qua đại sứ Hoa Kỳ. (Theo ông Luyện thì
người Mỹ muốn Việt Nam nhường cảng Cam Ranh cho người Mỹ một thời gian,
như Phi Luật Tân nhường cảng Subic, và để cho người Mỹ một thời gian vào
Việt Nam).
2.
Nếu Tổng Thống và chánh phủ Việt Nam không đồng ý thì Tổng Thống phải
công khai nói ra những gì Hoa Kỳ buộc Việt Nam mà Việt Nam không thể
chấp nhận được trong một cuộc họp báo, có đầy đủ ngoại
giao đoàn các nước, và Tổng Thống kêu gọi các nước giúp Việt Nam Cộng
Hòa chống Cộng Sản qua công hàm ngoại giao.
Ông Luyện hỏi thêm:
- Theo ý linh mục thì trong hai ý kiến này, ý kiến nào nên theo?
- Ý kiến 1 vì Việt Nam khó tách rời khỏi ảnh hưởng của Hoa Kỳ, vì mọi phương tiện chống Cộng đều do Hoa Kỳ viện trợ.
Tuy
nhiên, ý kiến
2 không phải là không đúng nếu Việt Nam được các cường quốc ủng hộ và
nhân dân Hoa Kỳ cũng như quốc hội Hoa Kỳ có thể thay đổi thái độ, thay
vì chống đối chiến tranh; quay lại ủng hộ.
Linh
mục cũng lưu ý thêm với ông Luyện rằng tình hình rất gay go từ khi vụ
Phật giáo xảy ra, chắc chắn là do bàn tay của CIA dính vào. Nếu đảo chánh xảy ra ở Việt Nam sớm muộn gì cũng giống như trường hợp của Trung Hoa
với Tưởng Giới Thạch vậy.
Ông Luyện vội về trình với Tổng Thống Diệm sự việc như trên. Tổng
Thống có vẻ suy nghĩ và hỏi ý kiến ông Luyện, thì ông khuyên Tổng Thống
nên nhượng bộ người Mỹ, vạn nhất nếu đảo chánh xảy ra dù mình có thắng
thì tiềm lực của quân đội cũng bị sứt mẻ, rất có hại cho việc chống
Cộng.
Cố vấn Giacôbê
Ngô Đình Nhu
Tổng Thống có vẻ không lưu ý về việc đảo chánh mà phàn nàn nhiều với ông Luyện về vụ Phật giáo. Ông
tỏ ra rất buồn vì người Mỹ đã nhúng tay vào vụ này. Theo tin tức đích
xác ông nhận được thì ông rất lo hậu quả của vụ này giữa Phật giáo và
Công giáo sẽ chống đối nhau.
Tổng
Thống Diệm nói sẽ nghiên cứu kỹ việc này và bảo ông Luyện sang gặp ông
Nhu để bàn thêm. Ông Luyện gặp ông Nhu và ông Nhu có vẻ chú ý và cũng
đồng ý nhưng ông lo rằng người Mỹ đòi mang quân vào và sử dụng Cam Ranh thì khó được Tổng Thống chấp thuận. Ông cũng lo rằng, nếu người Mỹ mang quân vào thì Nga và Tàu sẽ giúp miền Bắc nhiều hơn và có thể cũng đem quân vào nữa. Như vậy, Việt Nam sẽ là bãi chiến trường đẫm máu.
Còn
việc đảo chánh thì ông không lo vì đã nắm vững quân đội và xem mặt các
tướng lãnh thì thấy không ai có đủ khả năng làm việc này. Ông cũng đồng ý
với Ông Diệm rằng, vụ Phật giáo sẽ làm cho dân Việt Nam chia rẽ sau này.
Ông
Luyện ở lại Việt Nam hai ngày và họp với Tổng Thống cùng ông Nhu thêm
một lần sau đó. Tổng Thống bảo ông Luyện cứ yên tâm về lại nhiệm sở và
ông tin là mọi sự sẽ được giải quyết êm đẹp.
Ông Luyện nói với tôi: “Chắc Ông Diệm nói cho tôi yên lòng chứ kỳ này khác hẳn những kỳ trước, tôi gặp ông thấy ông buồn rầu và suy nghĩ nhiều lắm!”
- Cháu nghe nói sau đảo chánh cụ được vua
Ma-Rốc cho tỵ nạn phải không? Tôi hỏi.
- Đúng, việc này làm cho tôi suýt chết đấy! Tôi
đông con, các cháu lớn đều học ở Pháp và khi đi tỵ nạn chỉ có nhà tôi
và mấy cháu nhỏ theo sang Ma-Rốc. Đến phi trường, tôi được ông hoàng đệ (ông kể tên mà tôi quên), em vua Ma-Rốc đón ở phi trường và đưa về ở tạm tại dinh quốc khách.
Ông biết không? cái dinh này to và đẹp vô cùng, dinh Độc Lập của mình chả
thấm vào đâu. Gia nhân hàng hơn chục người, có lính gác rất trang trọng. Tôi bối rối vô cùng và nghĩ riêng tiền thưởng cho đám gia nhân này cũng sạt nghiệp mình, nên tôi trình với ông hoàng đệ rằng tôi đang gặp cơn bối rối, vì vậy tôi chỉ mong được ở một căn nhà nhỏ và đi dậy học ở đây để qua lúc này mà thôi.
Ông Hoàng đệ nói cứ ở tạm đó rồi sẽ tính sau.
Khi
ở đó, ông Luyện và gia đình được phục vụ rất chu đáo và ông Hoàng đệ
đến thăm luôn. Độ mấy ngày sau, ông hoàng đệ đến gặp ông Luyện,
có mấy người tùy tùng đi theo và mang cả bản đồ. Ông hoàng giới thiệu
với ông Luyện mấy người đi theo toàn là tổng giám đốc mấy công ty lớn ở
Ma-Rốc và kỹ sư cả.
Ông ta muốn giúp đỡ cho ông Luyện có việc làm cho khuây khỏa khi ở đây, và muốn ông Luyện đầu tư (invest) vào công ty khai thác mỏ vàng ở Ma-Rốc. Ông ta nói sơ khởi, ông Luyện chỉ cần bỏ 10 triệu đô la, sau đó
sẽ bỏ thêm sau, và hy vọng mỏ vàng này sẽ đem lại lợi tức hàng năm cho ông Luyện độ nửa triệu để sinh sống và có thể nhiều hơn nếu bỏ thêm vốn.
Ông Luyện nghe nói, sợ hết hồn. Nhưng nếu từ chối ngay, sợ bị hại mà khó lòng ra khỏi Ma-Rốc,
nên ông vờ hỏi thêm địa điểm và cách điều hành, làm như chú ý đến việc
này lắm. Sau đó ông trả lời là cho ông suy nghĩ ít lâu và cần phải bàn
với bà Nhu là chị dâu ông đã. Sở dĩ ông phải mang tên bà Nhu ra là bởi
trước đó, ông Nhu đã từng đại
diện Tổng Thống sang thăm Ma-Rốc để đáp lễ lại việc thái tử Ma-Rốc sang
thăm Việt Nam.
Ông Luyện nói: “Mình
đã nghèo mà họ cứ nghĩ là mình giàu có! Ông Duệ nghĩ xem, thiên hạ cầm
quyền thì giàu có đến mức nào mà anh em tôi thì có gì đâu! Tôi đang lo
muốn chết để làm sao có tiền cho các con ăn học mà họ nói chuyện toàn
bạc triệu, mà lại triệu đô la nữa chứ!”
Sau đó, ông Luyện phải bí mật gặp đại sứ Anh và Pháp ở Ma-Rốc, xin giúp đỡ bằng cách nào để
đi khỏi Ma-Rốc về Pháp dậy học. Ông Luyện phải lấy cớ về Pháp gặp bà Nhu để bàn việc. Các đại sứ Pháp và Anh đưa ông ra tận phi trường để về Pháp.
Tôi
nhớ lại cách đây ít năm, Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ có kể với tôi ngày
ông mới sang đây khi còn ở trại tỵ nạn, cũng có mấy người Hoa Kỳ đến
tiếp xúc với ông và hứa hẹn sẽ giúp việc làm cho một số người tỵ nạn.
Ông mừng lắm và hy vọng sẽ giúp đỡ cho anh em một phần nào. Một hôm, ông
được họ đến đón ở trại tỵ nạn và đưa đến một khách sạn rất sang trọng,
họ đưa vào phòng họp đã có sẵn
bản đồ và sơ đồ. Họ cũng thuyết trình trang trọng lắm và cuối cùng đề
nghị thiếu tướng Kỳ invest nhiều triệu đô la để khai thác mỏ vàng.
Tôi hỏi thêm ông Luyện:
-
Chắc cụ cũng rõ việc ông Trần Văn Chương từ chức đại sứ Việt Nam ở Hoa
Kỳ và bà ấy từ chức quan sát viên thường trực ở Liên Hiệp Quốc để phản
đối Tổng Thống Diệm về vụ Phật giáo? Cũng như vụ ông Vũ Văn Mẫu cạo đầu
từ chức bộ trưởng ngoại giao?
-
Việc ông Mẫu, tôi không rõ chi tiết, nhưng tôi
biết chắc là ông ấy thấy Hoa Kỳ muốn có sự thay đổi ở Việt Nam và cũng
biết Hoa Kỳ muốn Việt Nam có Thủ Tướng, ông Mẫu ngấp nghé địa vị này nên
làm trước. Ngoài ra ở địa vị Ngoại trưởng, ông ấy rõ tình hình hơn ai hết.
Còn vụ ông bà Trần Văn Chương, tôi biết rất rõ. Chắc khi ở Hoa Thịnh Đốn, ông bị Hoa Kỳ mua chuộc và xúi bẩy. Trước khi từ chức, ông có viết cho Ông Diệm một thư dài, khuyên Ông
Diệm nên từ chức và ông sẵn sàng thay Ông Diệm trong lúc khó khăn này. Ông Diệm giận lắm. Ông
Nhu khuyên Ông Diệm cất chức ông bà Chương và bà Nhu gọi điện thoại gây
gổ với ông bà Chương, dọa sẽ cắt đứt liên lạc mặc dầu là cha mẹ ruột.
Theo ông Nhu kể lại thì bà Nhu trách ông Chương là luật sư mà không
biết gì về hiến pháp. Nếu Tổng Thống Diệm có từ chức thì phải nhường
quyền cho phó Tổng Thống chứ sao lại nhường cho ông Chương được? Ông Diệm cũng đồng ý cách chức ông bà Chương và đang tìm người thay thế thì ông bà Chương đã từ chức trước.
Gia
đình tôi, ai cũng rõ việc này do bà Chương chủ động, còn ông Chương là người rất hiền lành, mọi việc trong nhà do bà ấy quyết định cả. Bà ấy có nhiều tham vọng và ngang ngược lắm. Để tôi kể ông nghe chuyện nực cười này của bà ấy.
Bà
Nhu thấy tổ chức phụ nữ ở Phi Luật Tân rất thành công nên bà ấy rất
muốn sang thăm để học hỏi và được bà Tổng Thống Phi chính thức mời sang.
Khi đang sửa soạn thì bà Chương ở Mỹ về, và đòi tham gia phái đoàn.
Nực cười là khi gửi danh sách phái đoàn đến Bộ
Ngoại Giao để xin thông hành ngoại giao thì bà ấy đòi
trong thông hành của bà phải rút xuống 10 tuổi, chứ không chịu theo
tuổi trong thẻ kiểm tra, nên việc này đặt Bộ Ngoại Giao vào hoàn cảnh
khó xử.
Bộ Ngoại Giao không giải quyết được, nên trình Tổng Thống và ông Nhu quyết định. Ông đổng lý chuyển phiếu trình cho ông Nhu, đúng lúc ông Nhu đang đọc phiếu trình thì ông Luyện vào, ông Nhu đưa phiếu trình cho ông Luyện đọc.
Ông
Luyện nói đùa:
- Sao bà ấy không rút tuổi xuống hàng trăm cho được việc!
Rồi ông Luyện hỏi ông Nhu:
- Thế anh định sao?
Ông Nhu nói ngay:
- Thì còn sao nữa? Mình mà phê vào đây đồng ý cho rút tuổi thì còn thể thống
gì!
Đó
anh xem, thông hành ngoại giao chỉ làm cho đúng phép mà thôi, chứ chả
lẽ sang Phi người ta hỏi tuổi bà ấy sao? Và chả lẽ người ta lại xem
thông hành để biết tuổi người ấy? Tôi rất may là vợ tôi chỉ biết lo cho chồng con, chứ lại nhiều chuyện như gia đình bà Nhu nữa thì khổ cho Ông Diệm biết mấy!
Ông Luyện cũng cho tôi biết là từ khi bà Chương từ chức thì bà Nhu cắt liên lạc với cha mẹ, kể cả khi sang thăm Hoa Kỳ để giải độc bà cũng không liên lạc. Khi bà đến Hoa Thịnh Đốn và sau này khi di cư bà cũng không liên lạc nữa.
Cũng
nên nói thêm là tôi chưa hề gặp bà Luyện ở dinh Gia Long bao giờ, và
cũng chưa biết mặt bà và bất cứ người nào trong gia đình bà.
Chuyện ông Mẫu, ông
Đính
Còn
ông Vũ Văn Mẫu, tôi được gặp ông khi ông vào trình diện Tổng Thống
trước khi đi hành hương ở Ấn Độ. Mặc dầu khi gặp ông, tụi tôi vẫn đứng
dậy chào một cách lễ phép, nhưng thấy dáng điệu của ông không được tự
nhiên mấy khi đáp lễ. Ông vào phòng Tổng Thống không lâu lắm, độ 10 phút
sau, ông sang phòng ông Nhu và ở đó khá lâu. Ông Nhu ra lệnh cho mang
máy thâu băng vào để ông nói vào đó. Tôi không biết ông đã nói những gì,
nhưng ông Trần Sử là bí thư của Tổng Thống, có kể với tôi rằng ông Mẫu có làm đơn xin đổi thêm 4 ngàn đô la
nữa và được Tổng Thống chấp thuận. Sau này ông được làm Thủ Tướng lúc Cộng Sản sắp vào, và chưa kịp trình diện nội các thì đã bị Việt Cộng bắt.
Chuyện về tướng Đính và ông Luyện sau đây, tôi được anh em cận vệ kể lại, vì xẩy ra ngày tôi chưa về cạnh Tổng Thống.
Khi
Tổng Thống lên Pleiku, lúc ấy Thiếu Tướng Tôn Thất Đính làm tư lệnh
Quân khu II. Phái đoàn của Tổng Thống khá đông, có mấy vị đại sứ và cả
ông Luyện đi thăm khu dinh điền. Gặp hôm trời mưa, đường trơn, Tổng
Thống đã thay giầy bốt,
riêng ông Luyện vẫn đi giầy thường, thiếu tướng Đính phải ra lệnh lấy
giày vải nhà binh cho ông Luyện thay.
Khi mang giầy đến, Thiếu Tướng Đính bèn quỳ xuống cởi giầy cho ông Luyện trước sự ngạc nhiên của tất cả sĩ quan và phái đoàn. Sau khi đảo chánh, tôi được đổi về sư đoàn 25 làm Tham mưu phó hành quân kiêm trưởng phòng 3. Đại úy Trịnh Tiến là trưởng phòng 2 cũng kể với tôi như vậy (Đại úy Tiến lúc đó ở bộ tư lệnh Quân đoàn II, đơn vị cuối cùng của anh là Đại tá Trưởng phòng 2, Quân đoàn II)
Tôi
hỏi ông Luyện việc này, ông nhận là đúng. Ông nói thêm: Chắc ông Đính nghĩ mình là con cháu trong nhà nên có cử chỉ ấy. Ông nói: Ông Đính nhận là con nuôi ông Cẩn, và gọi tôi là cậu, xưng con.
Một
chuyện khác cũng liên hệ tới giầy, xẩy ra ngày Tổng Thống đi thăm khu
dinh điền Tánh Linh, và ở lại đó đêm thứ Bảy. Theo chương trình sáng Chủ
Nhật,
Tổng Thống dậy lúc 7 giờ, và xem lễ lúc 8 giờ ở nhà thờ gần đấy. Nhưng
Tổng Thống dậy sớm, bảo sĩ quan tùy viên gọi dây nói xin Cha Xứ cho Tổng
Thống xem lễ sớm hơn, vào lúc 7 giờ thay vì 8 giờ. Khi ông thay quần
áo, người lính đi theo lo việc này tối hôm trước đi ngủ với mấy người
bạn ở đơn vị giữ an ninh chưa về kịp. Đại úy Cảnh, là sĩ quan cận vệ, vội mang giầy vào để ông thay. Thấy vậy, ông cau mày hỏi:
- Thằng nớ đâu mà phải lo việc này?
Tôi kể việc này, để quý vị độc giả có
dịp biết thêm về “người và việc”. Khi đảo chánh lật đổ Tổng Thống, tướng Đính gọi là làm cách mạng để lật đổ chế độ “phong kiến gia đình trị”, trong khi tướng Đính nhận là con cháu trong nhà con nuôi ông Cẩn.
Gần đây, đọc cuốn hồi ký của tướng Đính, tôi thấy sợ cho tình người. Viết sao cũng được!
Việc Tổng Thống Diệm dùng người
Tôi hỏi ông Luyện:
- Cụ đã đọc quyển sách do ông Đỗ Mậu viết chưa?
- Có người đem cho tôi một cuốn, nhưng tôi không đọc. Tôi nghĩ đọc để mà thoải mái, chứ đọc mà bực mình thì đọc để làm gì!
Tôi hỏi thêm:
- Thế cụ nghĩ sao khi người ta phàn nàn là Tổng Thống không
biết dùng người nên mới xảy ra vụ đảo chánh để đến nỗi chết?
-
Thì tôi đã kể với anh rằng khi mới về, tìm được người hợp tác rất là
khó. Anh xem, sau đảo chánh qua bao nhiêu là chánh phủ mà có ai thành
công đâu, và có ai được khen là biết dùng người đâu! Vì mình chỉ được
huấn luyện theo người Pháp, và họ nào có muốn đào tạo mình thành các
cấp lãnh đạo giỏi đâu!
Tôi
đồng ý với anh là Ông Diệm không dám làm mạnh để đưa các người trẻ ra,
nhưng nếu làm nhanh quá sẽ gây nhiều xáo trộn và chưa chắc đã thành
công. Vì vậy, ông dành mọi phương tiện cho các trường đại học, nhất là
trường Võ Bị Đà Lạt, trường Quốc Gia Hành Chánh, trường Thiếu Sinh Quân,
trường Quốc Gia Nghĩa Tử v.v… Hy vọng sau này đào tạo nhiều cán bộ trẻ,
giỏi để gánh vác việc nước. Thật ra những người như Đính và Mậu hay
Đôn, Khiêm, Minh… đều là sĩ quan cao cấp
cũ, các sĩ quan trẻ thì cấp bậc còn thấp quá nên chỉ thay thế dần dần
mà thôi. Đó cũng là sự khó khăn của ông để đến nỗi chết. Lại còn kéo
theo cả anh Nhu và anh Cẩn tôi nữa. Gia đình tôi có 6
anh em trai, anh Khôi tôi thì Cộng Sản giết và 3 anh tôi thì bị người
Quốc Gia giết, chỉ còn tôi và Đức Cha phải lưu lạc nơi quê người.
-
Có bao giờ Tổng Thống và cụ nghĩ đến việc sẽ có ngày xảy ra biến cố và
gia đình gặp tai biến mà lo có tiền bạc, nhà cửa ở ngoại quốc để phòng
khi tai biến xảy ra không?
-
Không, chưa bao giờ anh em
tôi nghĩ đến chuyện này. Ông Diệm rất vững lòng tin vì ông nghĩ suốt
đời ông chỉ lo cho đất nước thì việc gì ông phải lo sợ! Ông luôn luôn
nhắc anh em tôi rằng mình làm việc cho quốc gia để giữ tiếng tăm cho gia
đình họ Ngô từ bao đời nay rồi. Nếu lợi dụng để lo cho được giàu có thì
có nghĩa gì!
Để tôi kể cho anh nghe một chuyện mà khó ai có thể tin được. Anh biết không, hồi đó, tôi xin nghỉ hai tuần lễ về thăm mẹ tôi đau, khi mẹ tôi khỏi, tôi về Saigon nghỉ.
Tôi thích đánh golf
nên nhiều lần lên sân golf ở gần nhà thương Cộng Hòa chơi. Tôi thường
chơi với mấy bạn người Pháp, và mấy người Tàu, vui vẻ lắm, họ chơi giỏi
hơn tôi nhiều. Sau khi chơi xong, thì rủ nhau đi ăn và uống rượu.
Có
một lần, mấy người Tàu rủ vào Chợ Lớn ăn ở một cái cercle. Ăn cơm có
nhiều món ngon lắm, nhưng đặc biệt, tôi thích nhất là mấy thứ đậu hũ. Có
thứ đậu hũ ăn ngậy và béo, nhưng mùi hơi thúi, tôi chưa hề được ăn bao
giờ. Tôi khen ngon, nhưng mấy người bạn Pháp thì không dám đụng đũa. Một
người bạn Tàu mới ở Hồng Kông sang du lịch, nói với tôi:
- Ông sành ăn lắm! Món đậu hũ này do tôi đề nghị, rất khó làm vì rất công phu.
Nhưng ở đây làm không ngon bằng Hồng Kông, nhất là do gia đình tôi làm
thì ngon lắm. Tiện đây, tôi mời quý vị thứ Bảy này đi Hồng Kông nghỉ, và
đến nhà tôi ăn cơm, tôi sẽ đưa quý vị đi thăm một số phong cảnh ở đó. Một người Pháp, một người Tàu và tôi nhận lời đi.
Tối
hôm ấy, hắn mời khách lại nhà ăn cơm, và ngủ ở nhà hắn. Nhà rất lớn và
sang trọng. Cơm ăn đặc
biệt có nhiều món đậu hũ. Riêng món đậu hũ thúi, thì ngon hơn ở Chợ Lớn
nhiều. Cũng có nhiều món rau xào lạ lắm. Món mặn thì chỉ có hai món cá
và ngỗng quay. Ăn xong, tụi tôi chơi mạt chược đến khuya, sáng hôm sau
đi ăn sáng và xem phong cảnh ở Hồng Kông. Tôi cũng đi
Hồng Kông nhiều lần, nhưng không có người hướng dẫn sành sỏi nên không
thích mấy. Đi chơi với hắn thì vui lắm, và ăn nhiều món lạ. Có nhiều món
rất sơ sài, nhưng ngon miệng lắm, tôi chưa được ăn bao giờ.
Chiều về đến Tân Sơn Nhất, có ông phó tổng giám đốc Quan Thuế và một nhân viên ra đón ngay ở phi cảng. Ông có vẻ băn khoăn lo
lắng và nói với tôi:
-
Thưa cụ đại sứ, xin cụ hiểu cho sự khó khăn của tụi con. Nhưng đây là
lệnh của Tổng Thống, tụi con phải thi hành. Xin cụ cho tụi con được xem
hành lý của cụ.
Tôi
ngạc nhiên vì xưa nay đi đâu, kể cả ngoại quốc, chưa ai khám xét hành
lý của tôi cả, vì mình là nhân viên ngoại giao cao cấp đi bằng thông
hành ngoại giao. Thế mà về nước mình lại bị khám xét bởi lệnh của Tổng
Thống?
Tôi bình tĩnh trả lời:
- Tôi đi chơi chứ không phải đi công vụ, chả cần có lệnh Tổng Thống cũng vậy, các ông cứ làm đúng phận sự của các ông.
Tôi
mang theo cái va ly mang từ Anh Quốc về, nên khá to. Sau khi khám xét
xong, thấy chả có gì, anh này cứ xin lỗi tôi hoài và có vẻ lo lắng. Tôi
cám ơn, lên xe
ra về.
Về tới dinh Gia Long, tôi vào thẳng phòng Ông Diệm với vẻ bực bội. Gặp tôi, ông cười hỏi:
-
Sao chú? Chắc khó chịu lắm phải không? Tụi nó cứ nói ra nói vào và báo
cáo với tôi rằng chú đi Hồng Kông để giúp tụi Tàu chuyển bạc về Việt Nam
(ngày đó tụi Việt Cộng có nhiều tiền Việt Nam để ở Hồng Kông lắm mà
không sao mang vào Việt Nam được), nên tôi phải cho khám, để tụi nó khỏi
xuyên tạc và sau này tụi nó không dám báo cáo bậy nữa. Và cũng để quan
thuế không nể nang một người nào, cho họ dễ làm
phận sự của họ.
Anh biết không? Ông (Diệm) có vẻ thích thú lắm và cười ra tiếng.
Tôi (ông Luyện) hỏi lại:
- Thế nếu tôi làm bậy thật thì anh không sợ mang tiếng sao?
- Anh em mình ở với nhau từ nhỏ đến giờ, tôi không biết tính chú sao? Nếu chú làm bậy, tôi cũng chả bênh
chú.
Sau đó, tôi sang gặp ông Nhu, nghe chuyện tôi kể, ông Nhu cũng ngạc nhiên.
Tôi
về phòng nghĩ còn tức, nên mời Tuyến (bác sĩ Tuyến) và Thuần (bộ trưởng
phủ Tổng Thống) đến kể cho họ nghe, hy vọng họ biết ai đã báo cáo bậy
về tôi. Hai ông này thề không biết gì,
và tôi thấy họ ngạc nhiên hết sức, không hiểu tại sao Tổng Thống lại
làm như vậy? Tuyến cho tôi biết thêm là cụ có nhiều tin báo cáo thẳng mà
chính ông cùng ông Nhu cũng không biết.
Vụ nhà thầu Pháp
Ông Luyện kể cho tôi nghe một chuyện nữa:
-
Có mấy người Pháp học cùng trường kỹ sư với tôi,
đến phàn nàn với tôi về việc đến thầu xây cất nhà máy đường (chắc là
nhà máy đường Hiệp Hòa ở Đức Hòa) bị ông Thuần, bộ trưởng phủ Tổng Thống
xử ép, vì họ trúng thầu rồi mà ông Nguyễn Đình Thuần lại muốn giúp cho
nhà thầu Mỹ được.
Tôi hỏi Ông Diệm: tại sao lại như vậy?
Ông
trả lời rằng chưa được ông Thuần trình báo. Và muốn cho công bằng, ông
bảo tôi ngồi đợi ông Thuần mang hồ sơ lên trình để hỏi cho rõ trước mặt
tôi.
Ông
Thuần mang hồ sơ lên trình và có ý kiến là tuy
nhà thầu Pháp trúng thầu thật, nhưng ông ngại nhà thầu Pháp không có
kinh nghiệm và máy móc ông nghĩ là của Mỹ tốt hơn. Vả lại, tiền này là
của viện trợ Mỹ, nên ưu tiên cho họ.
Thấy ông Thuần có ý chê kỹ sư Pháp học cùng trường với tôi, nên tôi hỏi lại:
- Thế đấu thầu để làm gì? Cứ theo điều lệ sách thì phải thi hành cho đúng chớ.
Ông Thuần nể tôi không dám cãi, và ông cụ lại sợ hai bên mếch lòng nhau, nên bảo:
- Thôi, việc này để tôi xem lại.
Sau
tôi nghe nói người Pháp được trúng thầu. Tôi cũng biết, Tổng Thống
ngoài những tin của bác sĩ Tuyến và tổng nha Cảnh sát công an, ông còn
có nhiều tin của các nơi báo cáo cho ông nữa. Bác sĩ Tuyến kể với tôi
nhiều lần ông gọi Tuyến lên và
cho xem báo cáo về hoạt động của Việt Cộng ở Sàigòn, nơi tụi nó liên
lạc và đóng quân ở các vùng nữa, mà ông Tuyến thấy nhiều tin rất đúng.
Có
một lần Trung Tá Hùng là tham mưu trưởng Biệt Bộ phủ Tổng Thống và Đại
Úy Bằng, là sĩ quan hầu cận được một trưởng ty Cảnh sát mời ăn ở một
tiệm sang ở Sài Gòn, uống rượu say sưa làm ầm ĩ, thế mà cũng có người
báo cáo đến tai ông. Ông giận lắm, gọi hai ông này lên la mắng. Lần đầu
tiên tôi thấy ông la to như vậy với các nhân viên ở gần ông. Thường khi
ông nói rất nhỏ nhẹ, gọi chúng tôi bằng anh, và không bao giờ la mắng,
ông coi tụi tôi như trong gia đình.
Sau
vụ ấy, các nhân viên cao cấp trong phủ Tổng Thống được một văn thư của
ông đổng lý Quách Tòng Đức đại ý như sau: Tổng Thống dạy các nhân viên
làm việc cạnh Tổng Thống phải giữ tác phong, để giữ uy tín cho phủ Tổng
Thống. Cấm ngặt không được bê tha vào các nơi trà đình tửu điếm ăn uống
say sưa, để dân chúng phàn nàn. Các nhân viên cao cấp đều phải ký vào
văn thư để nhận rõ là đã được lệnh này. Tôi cũng phải ký, và từ đó tụi
tôi chả dám nhận lời mời của ai đi ăn tiệc cả trừ khi đi với bạn bè và
gia đình.
Chuyện
Đức Cha Thục
Tôi cũng hỏi ông Luyện về Đức Cha Thục:
-
Cháu nghe người ta đồn Đức Cha muốn lên Hồng Y, nên cố gắng hoạt động
để có thêm người rửa tội vào đạo Công giáo. Chuyện này hư thực ra sao?
-
Sao có vụ ấy được. Nếu Ông Diệm không làm Tổng Thống thì có thể, vì Đức
Cha quá thâm niên. Những người bạn của ngài học cùng ở La Mã, nhiều
người
làm Hồng Y lắm, nhưng Việt Nam bị chia cắt, và Toà Thánh cũng khôn
ngoan lắm; bên đời em làm Tổng Thống thì anh làm Hồng Y sao được? Có cái
các ông thày tu thì ông nào cũng mong nhiều người theo đạo của mình,
thấy có thêm được con chiên thì thích lắm. Đức Cha cũng vậy.
Ông
Duệ biết không? Ngày học ở La Mã, Ngài có đến 4 bằng tiến sĩ, và cả
trường ai cũng phục ngài. Anh biết không? Ngày Đức Cha Simon Hòa Hiền
được Toà Thánh bổ nhiệm làm giám mục Sàigòn thì mọi người cũng đồn đại
là Đức Cha thích về làm chỗ ấy và Tổng Thống cũng vận động với Toà Thánh
về việc này. Thật ra là vô lý, vì Tổng Thống quý
Đức Cha Hiền lắm. Có lần ngài gặp rắc rối về pháp lý, chính Tổng Thống phải đứng ra dàn xếp.
Một
sáng ngài (ĐC Hiền) dậy sớm, tự lái xe đi có việc mà không gọi tài xế
vì quá sớm. Rủi đụng gẫy chân một người đàn ông, mà ngài không có bằng
lái xe. Gia đình họ kiện. Mặc dù vụ này không có gì to tát, nhưng về
pháp lý thì rắc rối. Chả nhẽ để gọi một vị giám mục ra
tòa, nên Đức Cha Thục phải nhờ Tổng Thống can thiệp cho ngài. Rất nhiều
người phải đến dàn xếp với người bị nạn, để xin bãi nại và phải thu xếp
cho người này một việc làm mới xong.
Ngày
Đức Cha (Thục) được bổ nhiệm làm tổng giám mục Huế, ông rất mừng, kể cả
Tổng Thống nữa, ông nói thật là Thiên Chúa đã sắp xếp cho gia đình tôi
để Đức Cha về Huế gần mẹ già và phụng dưỡng mẹ lúc cuối cuộc đời.
Còn gì đau khổ hơn cho ngài là lúc về già mà chết một lúc 3 người em và mẹ già lúc chết ông không được nhìn mặt. Thêm một việc nữa, là khi ở La Mã, đức Hồng Y bộ trưởng của Toà Thánh mời ngài đến, để xin ngài từ chức tổng giám
mục Huế, và ngài sẽ nhận chức tổng giám mục của một địa phận chỉ có tên trong Kinh Thánh, nên ngài bị giao động mạnh. Vì vậy ngài bị đám của Đức Cha Lefèvre mua chuộc, mời ngài phong chức cho một số giám mục và linh mục của họ.
Chuyện bà Nhu, ông Cẩn
Bà phu nhân Ngô Đình Nhu
-
Còn về bà Nhu, mọi người đồn là giàu có lắm, bà có mấy dãy phố buôn bán
ở Paris và có đồn điền ở Ba Tây nữa. Tuy không tin, nhưng cháu cứ nghĩ
là bà cũng có ít nhiều. Nay gặp
cụ
cháu mới biết bà chả có gì.
-
Bà Nhu thì bây giờ ai cũng biết bà chả có gì! May quá Đức Cha Thục có
quen một bà bá tước giàu có, nên bà cho ở nhờ một thời gian, và mấy đứa
con đứa
nào cũng học giỏi, thành tài cả. Cháu Lệ Quyên và cháu Quỳnh đều dạy
đại học ở La Mã, còn Trác thì tốt nghiệp đại học và lấy vợ rồi.
- Cháu nghe nói giữa Đức Cha và ông Cẩn ở ngoài Trung có nhiều va chạm xảy ra.
-
Tôi chả tin. Anh biết gia đình tôi thế nào rồi. Đức Cha là nhất, tôi và
anh Cẩn thì kém tuổi Đức Cha nhiều lắm, nên sợ ngài như cha. Ông Cẩn
đâu dám va chạm với ngài. Vả lại có gì để mà va chạm? Đức Cha chỉ lo cho
Giáo hội. Ngài đang
chú tâm sửa lại nhà thờ Phú Cam, có để ý gì đến việc chính trị đâu!
Ngày
ông Luyện ở San Diego chơi với tôi cả tuần lễ, tôi mời ông đi xem sở
thú và Sea World, cùng phong cảnh trong vùng. Ông đều từ chối và nói mấy
câu làm tôi cảm động.
-
Anh nghĩ tôi còn vui gì mà đi xem phong cảnh? Tôi chỉ muốn đi gặp đồng
hương, ai tôi cũng thích, miễn gặp người để tâm sự là tôi mừng rồi.
Vì
vậy, tôi đưa ông đi thăm các Cha,
cả các chùa và một số thân hào nhân sĩ ở San Diego. Gặp ông, ai cũng
vui vẻ và cũng có nhiều người tới thăm ông nữa. Ông nói chuyện rất cởi
mở và thành thực. Ông ngủ rất ít, chỉ độ 3, 4 giờ một ngày, và hút thuốc lá liên tục, ngày đến hai gói.
Chuyện ông Luyện
Hôm
dự lễ cầu hồn cho Tổng Thống và
ông Nhu ở nhà thờ Linda Vista, thấy đồng bào đến chật nhà thờ và nghe
Cha giảng về Tổng Thống, ông cảm động chảy nước mắt và nghẹn ngào khi
lên cám ơn.
Ngày
hôm sau, anh em ở Orange County xuống đón ông lên trên ấy để dự lễ cầu
hồn cho Tổng Thống, tôi đi cùng và ở nhà ông Cao Xuân Vỹ. Ban tổ chức có
mời cả Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ và Trung Tướng Nguyễn Bảo Trị dự lễ
nữa. Theo anh em đề nghị thì để Thiếu Tướng Kỳ đến đón ông ra nhà thờ,
nhưng ông bàn để ông đến đón Thiếu tướng Kỳ, vì Thiếu tướng Kỳ là khách,
và đã từng làm phó Tổng Thống, để tỏ lòng cảm ơn và kính trọng. Tôi
nghĩ ông đúng là một nhà ngoại
giao.
Ông nói với tôi và anh em là được dự lễ cầu hồn cho Tổng Thống ở San Diego và Orange County làm ông xúc động và an ủi vô cùng.
Hôm
sau, khi đang ăn sáng thì được điện thoại là Đức Cha Thục ở dòng Đồng
Công bị đau nặng và đang nằm nhà thương. Anh em ai cũng bận, nên tôi đi
cùng ông sang nhà dòng Đồng Công.
Trên máy bay, khi từ toilet ra, dây lưng bị đứt, khiến quần ông muốn tụt ra, vì ông mặc đồ cũ từ ngày xưa, nay ông ốm đi
nhiều. Tôi phải tháo dây lưng của tôi cho ông dùng. Tôi cảm thấy thương ông, vì ông nói rằng cả chục năm nay, ông chưa may quần áo mới và thay dây lưng.
Khi
đến nơi, gặp ông Trường là chủ một khách sạn lớn ở New York sang, mang
theo một bác sĩ Việt Nam (tôi nhớ bác sĩ tên là Nghiêm thì phải). Sau
đó, Đức Cha bình phục dần và được các tu sĩ ở nhà dòng trông nom tận
tình lắm. Khi ở nhà dòng, tôi được gặp Đức Cha Của, Cha Cao Văn Luận và
mấy Cha tôi quen ở Huế nữa.
Tôi ở lại 3 ngày với ông, rồi về California. Trước khi về, tối hôm ấy ở hotel ông nói với tôi:
-
Ở Việt Nam tôi chỉ gặp ông vài lần và không biết nhau nhiều, sang đây
vì ông thương ông cụ mà lo cho tôi hết lòng, tôi thật cảm ơn ông nhiều
và không bao giờ quên được những ngày ở gần nhau.
Tôi thưa: Như vậy cụ rõ là
anh em thương Tổng Thống đến mức nào.
Ông mở ví, móc hết tiền ra, và nói:
-
Như tôi đã kể với ông là tôi nghèo lắm, khi đi chỉ mang theo có 600 đô
la, và chưa tiêu một đồng nào. Vé máy bay và khi ở New York được ông
Trường lo cho, đến San Diego được ông lo cho mọi thứ, kể cả vé máy bay
sang đây. Nay tôi đề nghị chia đôi số tiền này, ông lấy 300 đô la gọi là
tiền tôi góp vào tiền máy bay ông mua cho tôi. Thật chả đủ vào đâu,
nhưng là tấm lòng của tôi.
Tôi từ chối:
-
Cụ càng nghèo, con càng thương cụ. Chắc nếu cụ giàu có như gia đình của
các Quốc Trưởng khác, chắc gì cụ đã cần đến con. Con xin cụ cứ tự
nhiên, để con có chút kỷ niệm với cu, và để nhớ đến Tổng Thống.
Ông nắm tay tôi và chảy nước mắt, làm tôi cảm động.
Khi về Pháp, ông viết cho tôi một lá thư khá dài để cám ơn, nhắc lại cái dây lưng, và nói sẽ giữ suốt đời để làm kỷ niệm.
Tôi xin phép nhà văn Lữ Giang trích mấy dòng trong cuốn sách: “Những bí ẩn lịch sử đằng sau cuộc chiến Việt Nam” để kết luận nhận xét về Tổng Thống Diệm, và anh em của người:
“Tất
cả những người trong dòng họ Ngô đều có lòng yêu nước nồng nàn. Cả dòng
họ đều nuôi quyết tâm để giành lại độc lập cho quê hương và không
khuất phục trước mọi khó khăn. Cụ Ngô Đình Khả bị sa thải vì không
hướng dẫn vua Thành Thái theo ý muốn của người Pháp, và không ký tên vào
tờ biểu yêu cầu vua Thành Thái thoái vị theo lệnh của khâm sứ Pháp. Ông
Ngô Đình Khôi bị mất chức vì có các hoạt động chống Pháp và bị giết vì
mưu toan ngăn chận sự thống trị của Cộng Sản trên đất nước. Ông Ngô Đình
Diệm và Ngô Đình Nhu đã bị hạ sát vì chống lại việc Hoa Kỳ muốn can
thiệp trực tiếp vào miền Nam Việt Nam.”
Nguyễn Hữu Duệ