"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Sonntag, 30. Oktober 2011

Con tê giác Java cuối cùng ở VN đã bị bắn chết

Mặc Lâm, RFA - 2011-10-30
 
Ngày 25-10, trong buổi công bố kết quả điều tra quần thể loài tê giác tại Vườn Quốc gia Cát Tiên, Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) và Quỹ Bảo tồn Tê giác Quốc tế (IRF) đã đưa ra thông báo loài tê giác Java,còn gọi là tê giác một sừng, phụ loài thứ ba chỉ còn ở Việt Nam và Indonesia đã tuyệt chủng tại Việt Nam.
Photo courtesy of WWF
Tê giác một sừng còn được gọi tê giác Java tại Việt Nam.


Với công bố này thì Việt Nam chính thức mất tê giác vĩnh viễn và con tê giác bị bắn vừa rồi là con tê giác cuối cùng. Mặc Lâm phỏng vấn GSTSKH Đặng Huy Huỳnh, phó chủ tịch Hội Động vật Việt Nam để biết thêm chi tiết sau đây.

Trách nhiệm của VN

Mặc Lâm: Thưa Giáo sư, là người hoạt động trong công tác bảo vệ động vật, đặc biệt đối với những loài sắp tuyệt chủng, ông nghĩ thế nào về vụ con tê giác Java cuối cùng của Việt Nam vừa bị bắn chết lấy sừng tại Vườn Quốc gia Cát Tiên vừa qua thưa ông?
 
GSTSKH Đặng Huy Huỳnh: Tôi thấy đây là việc rất buồn, WWF rất có công, họ rất tích cực. Tôi có đặt vấn đề với các cấp chính quyền địa phương tôi bảo là con tê giác của Việt Nam. Nó là đặc hữu của Việt Nam chỉ có tại Việt Nam và Indonesia thôi. Khi phát hiện nó bị giết thì tổ chức quốc tế chỉ có trách nhiệm một phần thôi chứ người Việt mới là chính. Bởi vì đây là tài nguyên của ta chứ không phải tài nguyên của tổ chức quốc tế WWF.

javan-rhino-250.jpg
Tê giác Java tại VQG Cát Tiên chụp bằng hệ thống máy ảnh gắn cảm biến hồng ngoại. Courtesy dantri.com. 
 
Mặc Lâm: Xin Giáo sư cho biết luật pháp Việt Nam có nghiêm ngặt trong việc bảo vệ những loài thú quý hiếm hay không và những dự luật này được phổ biến rộng rãi trong công chúng như thế nào?
 

GSTSKH Đặng Huy Huỳnh: Hiện nay ở Việt Nam có nhiều chủ trương chính sách. Ví dụ như các loài động vật quý hiếm, thật sự công bằng mà nói thì từ thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bác Hồ đã đề ra là phải bảo vệ các loại thú ở trong rừng, đặc biệt những loài quý hiếm như hổ, voi... Từ đó đến nay đã có mấy trăm văn bản mà đặc biệt là có những luật như luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004, rồi luật Đa dạng sinh học năm 2008 rồi Luật thủy sản 2003. Trong các luật đều đề ra là phải bảo vệ các loại động vật, đặc biệt những loài quý hiếm có trong sách đỏ Việt Nam, hoặc là có trong nghị định 32/2006 của chính phủ.

Trước đây thì có nhiều nghị định nhưng gần đây thì nghị định 32 năm 2006 của Thủ tướng chính phủ là nghị định mới nhất bảo vệ các loại động vật, thực vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Trong đó có bản phụ lục 1 là bao nhiêu loài và phụ lục 2 là bao nhiêu loài. Loài nào cấm tuyệt đối không được săn bắn, loài nào có thể khai thác trong mức độ... nói chung chính sách của Việt Nam về luật thì có nhưng theo tôi việc kiểm tra sau khi có luật có chính sách thì rất yếu.
Khi phát hiện nó bị giết thì tổ chức quốc tế chỉ có trách nhiệm một phần thôi chứ người Việt mới là chính. Bởi vì đây là tài nguyên của ta chứ không phải tài nguyên của tổ chức quốc tế WWF.
GSTSKH Đặng Huy Huỳnh
Mặc Lâm: Theo ông thì việc tuần tra bảo vệ hay theo dõi để bảo vệ các cá thể này ra sao? Trách nhiệm chính hiện nay ngoài kiểm lâm ra thì còn lực lượng nào khác hay không?
 
GSTSKH Đặng Huy Huỳnh: Lực lượng tuần tra, kiểm lâm, tuần tra trong các vườn Quốc gia Cát Tiên như vừa rồi tôi cũng có nói vào tháng 4 năm 2010 có một con tê giác chết nhưng một thời gian khá lâu mới phát hiện. Tôi có bảo phải rút kinh nghiệm trong việc này để chuần bị bảo vệ các loài khác. Nhiều loài hiện nay cũng đang đứng trước nguy cơ đấy.

Mặc Lâm: Riêng việc tổ chức chỗ cư trú của các loại thú trong sách Đỏ được thực hiện ra sao thưa ông? Môi trường sống của chúng có phù hợp và có thể theo dõi chúng một cách nhanh chóng hay không?
 
GSTSKH Đặng Huy Huỳnh: Với con tê giác hồi trước chúng tôi đã đề nghị có một chỗ nào đó cho nó. Quây lại trong vùng lõi của Cát Tiên cho rộng ra thì ta có thể bắt về nuôi giữ vì nó quá hiếm, nhưng cuối cùng thì không làm được. Hơn nữa nuôi như vậy rất tốn kém thành thử không làm được.

Lấy thí dụ như Đại Nam chẳng hạn, hiện nay họ cũng nuôi rất nhiều tê giác. Tất nhiên là tê giác quốc tế chứ không phải của mình, hay là ngoài Bắc thì Nghệ An cũng có nuôi.

Ý thức kém

Nhiều loài chim hoang dã được bầy bán trên vỉa hè của đường phố Hà Nội.  AFP
Nhiều loài chim hoang dã được bầy bán trên vỉa hè của đường phố Hà Nội. AFP
Mặc Lâm: Việc người dân không ý thức được sự bảo tồn động vật hoang dã là quan trọng nên họ săn bắn thú trong sách Đỏ là điều khó tránh và rất khó kiểm soát. Xin giáo sư cho biết nhà nước có lưu ý đến việc này hay không?
 

GSTSKH Đặng Huy Huỳnh: Vâng, chính xác nhà báo nói rất chính xác. Hiện nay vai trò của cộng đồng rất yếu. Muốn cộng đồng hiểu được rừng, hiểu được tài nguyên đó là tài nguyên của mình, tài nguyên đó là tài nguyên của dân tộc. Rõ ràng cái nhận xét này của cộng đồng hiện nay theo tôi còn rất kém.

Từ lâu nay Bộ Giáo dục Đào tạo cũng như nhà nước cũng nêu trong các trường đại học, từ mầm non cho tới đại học, các tỉnh cũng thế phải giáo dục nhân dân, phải đưa xuống các huyện các xã. Tôi thấy cũng có làm đấy nhưng việc làm này có lẽ chưa thành những mô hình lớn thành thử người dân với ý thức họ thấy rừng đối với cuộc sống. Phải cho họ biết không có rừng thì cuộc sống không thể tồn tại được. Hay là không có tài nguyên thì cuộc sống của ta sẽ rất khó khăn bởi vì chúng ta không thể nào sống thiếu tài nguyên được. Nhận thức của dân thì còn kém mà đó là trách nhiệm của nhà quản lý, trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương.

Mặc Lâm: Bên cạnh việc thiếu thông tin một cách đầy đủ về bổn phận bảo tồn thú hoang dã thì người dân cũng cần có quyền lợi nếu họ ý thức bảo vệ môi trường và thú hoang một cách tích cực. Theo Giáo sư thì vấn đề này có được nhà nước quan tâm hay không?
 
GSTSKH Đặng Huy Huỳnh: Công bằng mà nói thì nghị quyết của trung ương có nhiều lắm, nói chung đảng và nhà nước có chú ý nhưng khi anh tổ chức cho dân thì hơi yếu hoặc là anh tổ chức sơ sài thành thử không tận đến người dân. Chúng tôi đề nghị đến tận người dân ở các vùng sâu vùng xa, những vùng rất hẻo lánh. Những vùng càng nghèo thì các loại động vật quý hiếm hiện nay thường ở. Những vùng dân còn nghèo, ý thức còn kém thì phải tăng cường không những tuyên truyền mà phải có chính sách cụ thể tức là nếu họ bảo vệ được rừng, bảo vệ những loại động vật quý hiếm thì họ sẽ được hưởng những quyền lợi gì.

Mặc Lâm: Ngoài việc giúp đỡ kỹ thuật thì Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên WWF có những chương trình nào giúp bảo tồn hay theo dõi các loại thú trong sách Đỏ hay không?
 
Nhận thức của dân thì còn kém mà đó là trách nhiệm của nhà quản lý, trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương.
GSTSKH Đặng Huy Huỳnh
GSTSKH Đặng Huy Huỳnh: Sắp đến Quỹ động vật hoang dã đang có dự án giúp cho Quảng Nam và Thừa Thiên Huế bảo vệ cho con Sao La. Hiện nay cá thể của nó mới phát hiện vào năm 92. Hiện nay toàn bộ từ Bù Mát Nghệ An qua tới Vũ Quang vào tới Quảng Bình, Dak Rong... chỉ còn khoảng hơn 200 con thôi. Vừa rồi trong cái đĩa của WWF cho thấy người dân đặt bẫy nhiều lắm. Họ đặt bẫy để bắt Sao La. Tôi có nói như vậy thì mình phải có cách. Hiện nay mình có dự án mấy triệu đô giúp cho Quảng Nam Thừa thiên Huế để tổ chức cái hành lang để mà bảo vệ con tê giác.

Tôi có đề nghị tổ chức hội thảo các nhà khoa học, các địa phương bàn với nhau vì nếu dân ở cái hành lang ấy họ không ý thức thì rất nguy hiểm. Phải làm sao rút kinh nghiệm từ bài học lớn của con tê giác tôi có đề ra như hổ hay voi chẳng hạn.

Mặc Lâm: Vai trò của Hội Động Vật Việt Nam như thế nào trong việc bảo tồn các loại động vật quý hiếm hiện nay thưa ông?
 
GSTSKH Đặng Huy Huỳnh: Mặc dầu các tổ chức động vật hoang dã thế giới tức là quỹ WWF đấy họ cũng rất có công họ đóng góp tiền bạc kỹ thuật còn vai trò Hội Động vật Việt Nam giúp tập hợp những nhà khoa học nghiên cứu về động vật nói chung. Chúng tôi tổ chức hội thì chúng tôi có trách nhiệm giúp cho nhà nước thôi. Mỗi lần có loài động vật nào xảy ra việc gì thì hội chúng tôi lại lên tiếng bảo vệ chúng như thế nào. Kinh tế cũng đừng phá hoại môi sinh của chúng chẳng hạn làm thủy điện hay trồng cao su. 

Đề nghị với nhà nước, chủ đầu tư đừng nên làm ở đây, hoặc phải có biện pháp giảm thiểu như thế nào... Hội chúng tôi phản biện như thế nhằm đưa ra đề nghị với nhà nước chứ còn quyền lực thì tất nhiên là không có. Mình chỉ là cơ quan tư vấn giúp cho các cơ quan chính phủ, chuyện này chuyện kia trên cơ sở khoa học mà thôi.

Mặc Lâm: Xin cám ơn ông.

Theo dòng thời sự: