Francis Fukuyama là thành viên cao cấp tại Trung tâm mang tên
Olivier Nomellini, thuộc Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Freeman
Spogli, Đại học Stanford, đồng thời là tác giả các cuốn sách nổi tiếng
“Sự cáo chung của Lịch sử”; “Con người cuối cùng và cội nguồn của các
trật tự chính trị”. Zhang Weiwei là giáo sư tại Đại học Ngoại giao và
quan hệ quốc tế Geneva, thành viên cao cấp tại Viện Chungqiu và giáo sư
mời của Đại học Phục Đán, Trung Quốc. Ông cũng là tác giả của cuốn sách
“Làn sóng Trung Hoa: sự trỗi dậy của một nhà nước văn hiến”.
Francis Fukuyama: Trong
lịch sử thế giới, sự phát triển của nhà nước Trung Hoa có một tầm quan
trọng đặc biệt. Ở Phương Tây, người ta quen mô tả sự phát triển của các
thể chế theo những chuẩn mực dựa trên thực tiễn Châu Âu, trong khi đó
lại quên một sự thật: Trung Hoa là nơi đầu tiên mà nhà nước đã được
hình thành, tức là khoảng 1700 – 1800 năm sớm hơn Châu Âu.
Cho tới nay
có 3 loại hình thể chế chính trị trên thế giới. Loại thứ nhất là nhà
nước – một tổ chức được xây dựng theo cấu trúc thứ bậc có chức năng tập
trung, thâu tóm và sử dụng quyền lực nhằm thực thi luật lệ trong một số
lĩnh vực cụ thể. Xưa nay, nói đến nhà nước tức là nói đến năng lực buộc
người dân phải thực thi luật lệ. Thế còn nhà nước hiện đại thì sao? Ở
đây tôi dùng định nghĩa của Max Webber cho rằng nhà nước hiện đại thì
không dựa trên quan hệ bạn bè và gia đình. Việc tuyển dụng vào làm việc
không được căn cứ vào mối quan hệ riêng với người nắm quyền lực. Thay
vào đó, họ cần phải được đối xử khách quan với tư cách là những công dân
có những khoảng cách nhất định đối với người cầm quyền. Điều này là đi
ngược lại với các nhà nước thời xưa được điều hành bởi các mối quan hệ
gia đình hay dòng tộc của kẻ cầm quyền.
Loại hình nhà nước thứ hai là thể chế
pháp trị. Đó không phải chỉ đơn thuần là có luật pháp bởi lẽ mọi quốc
gia đều có các bộ luật của mình, tuy nhiên ở đây , luật phải phản ánh
được sự đồng thuận về mặt đạo đức trong cộng đồng và phải là mục tiêu
cao hơn ý chí của bất kỳ cá nhân hay tập thể nào đang điều hành nhà
nước. Nói cách khác, nếu như hoàng đế, tổng thống, vua hay thủ tướng mà
soạn ra luật theo ý riêng của mình thì đó không phải là nhà nước pháp
quyền. Thể chế pháp quyền đòi hỏi chính quyền ở cấp cao nhất cũng phải
tuân thủ luật pháp.
Thể chế chính trị cuối được đặc trưng
bởi nghĩa vụ giải trình và chịu trách nhiệm chính trị, nơi mà chính phủ
phải luôn có trách nhiệm trước nhân dân. Điều này hoàn toàn đối lập với
tình trạng điều hành đất nước nhưng chỉ nhằm phục vụ các mục đích riêng
của giới cầm quyền. Có rất nhiều quốc gia trên thế giới nơi mà những kẻ
cầm quyền coi đất nước như phương tiện để làm giàu cho bản thân và gia
tộc. Hiển nhiên đó không phải là những quốc gia có sự giải trình minh
bạch. Ở Hoa kỳ và các nước Phương Tây chúng tôi liên kết tính giải trình
và chịu trách nhiệm với các giá trị dân chủ. Tính giải trình và chịu
trách nhiệm chính trị luôn có ý nghĩa rộng hơn bầu cử dân chủ.
Hình thức giải trình và chịu trách nhiệm
sơ khai đã hình thành ở Anh vào thế kỷ 17 khi mà Quốc vương phải giải
trình trước quốc hội đại diện cho vẻn vẹn có 1% dân số Anh. Theo cách
hiểu ngày nay thì không thể coi đó một hình thức dân chủ. Thế nhưng tôi
tin rằng ở Trung Quốc mọi người đều biết phải có một sự giải trình và
chịu trách nhiệm mang tính đạo đức, có nghĩa là chính quyền hoàn toàn
không phải giải trình và chịu trách nhiệm thông qua bầu cử nhưng phải
thấy được trách nhiệm trước công chúng trên nền tảng của sự giáo dục
và tu thân , rèn luyện theo tinh thần của các bậc hoàng đế và vua chúa.
Điều này, theo tôi nghĩ mới chính là ý nghĩa bao trùm của sự giải trình
và chịu trách nhiệm chính trị ở Trung Quốc – đó là giải trình có nội
dung và sắc thái đạo đức.
Nhà nước thì luôn có xu hướng tập trung
quyền lực , còn thể chế pháp quyền và giải trình và chịu trách nhiệm
chính trị thì lại đặt ra những hạn chế theo phương thức , đó là, cho dù
chính quyền có mạnh đến đâu chăng nữa thì nó vẫn phải được kiềm tỏa bởi
pháp luật và chịu trách nhiệm giải trình trước nhân dân.
Tôi đã phát biểu rằng nhà nước đầu tiên
trên thế giới được thành lập ở Trung Quốc với một động cơ cũng tương tự
như ở Châu Âu – đó là trước áp lực của cạnh tranh quân sự. Cả một giai
đoạn dài Xuân – Thu và Chiến quốc trong lịch sử cổ đại Trung Hoa đã có
rất nhiều thế lực và thực thể chính trị Trung Hoa đấu nhau quyết liệt
suốt hơn 700 năm. Và chính áp lực cạnh tranh về quân sự đã buộc phải
hình thành nên các thể chế chính trị hiện nay. Cần phải đánh thuế và
tuyển dụng nhân viên thu thuế cũng như cần khen thưởng công trạng. Nếu
chỉ tuyển dụng trong số người thân và họ hàng thì chưa chắc đã có được
những tướng lĩnh quân đội tài giỏi nhất và như vậy, khó có thể thắng
trận.
Ngay từ thời nhà Tần - triều đại đầu
tiên đã thống nhất Trung Hoa, thì Trung Quốc đã phát triển một nhà nước
có nhiều nét tương đồng với nhà nước hiện đại tới mức đáng ngạc nhiên
Các kỳ thi tuyển người làm quan được
định kỳ tổ chức khi cần thiết bên cạnh một hệ thống quan liêu được sắp
xếp hợp lý theo tuyến và quân đội tuy được bố trí trên một lãnh thổ
rộng lớn nhưng được tổ chức chặt chẽ bởi những quy định chung. Sự ra đời
của nhà nước hiện đại nhưng lại diễn ra cách đây tới 2300 năm, tức là
trước Công nguyên 231 năm rõ ràng là một thành tựu lịch sử vĩ đại.
Điều mà Trung Quốc đã không phát triển
được đó chính là thể chế chính trị pháp quyền và thể chế giải trình và
chịu trách nhiệm chính trị công khai. Nguyên nhân vì sao Trung Quốc
không có thể chế pháp quyền lại nằm ở một đặc điểm lịch sử quan trọng: ở
Trung Quốc không có một tôn giáo nào mang tính áp đảo. Cá nhân tôi vẫn
cho rằng ở đa số các quốc gia , thể chế pháp quyền được hình thành bên
ngoài tôn giáo bởi lẽ tôn giáo thường đóng vai trò như ngọn nguồn của
những quy định đạo đức và được trông nom bởi một trật tự thứ bậc có tính
pháp lý riêng biệt – đó là tòa án tôn giáo với các thẩm phán, hội đồng
xét xử và linh mục. Điều này là có thực ở Do thái Israel cổ đại, Phương
Tây Thiên Chúa giáo, Ấn độ Hồi giáo và Hindu. Trong các xã hội đó mặc
nhiên đã hình thành những ràng buộc pháp lý mang dấu ấn tôn giáo đối
với các đại diện chính quyền .Tuy nhiên Trung Quốc đã không có được sự
hỗ trợ tôn giáo độc lập như vậy và nó cũng vắng mặt trong truyền thống
Trung Hoa. Bởi lẽ đó sự giải trình và chịu trách nhiệm một cách dân
chủ dân chủ đã không xảy ra nơi đây, dù chỉ là hình thức.
Phương Tây lại phát triển theo cách hoàn
toàn khác. Dưới thời phong kiến ở Châu Âu đã bắt đầu có hình thái pháp
quyền. Nhà thờ Thiên chúa giáo đã phát minh ra Bộ Luật vào thế kỷ 11,
tức là trước cả khi ra đời nhà nước Châu Âu kiểu cận đại. Các vị vua,
chúa ở Âu châu cũng giống như vua chúa ở Trung Hoa đã khởi đầu một quá
trình hình thành nên những nhà nước tập trung, quan liêu hùng mạnh vào
thế kỷ 16 và 17. Tuy nhiên họ đã làm những điều đi ngược với nền tảng
được tạo nên bởi các ràng buộc pháp luật (mang dấu ấn tôn giáo – ND) từng hạn chế khả năng tập trung quyền lực của họ.
Cội nguồn của dân chủ Phương Tây là sản
phẩm của những ngẫu nhiên lịch sử. Tất cả các quốc gia Âu châu phong
kiến thời trung cổ đều có hình thức định chế có tên gọi là nghị viện,
quốc hội hay tòa án tối cao. Đó là những cơ quan mà Vua chúa phải cần
đến khi họ muốn tăng thuế. Ở Anh quốc, nghị viện trên thực tế đã tỏ ra
hữu hiệu , mạnh mẽ và đã tuyên chiến với Vua. Vua James II đã bị lật đổ
năm 1688 và sau đó nghị viện đã chọn ra một vua khác để thay thế. Bởi
vậy, ý tưởng về một sự giải trình và chịu trách nhiệm trước một nghị
viện được bầu ra thực chất đã có từ thời cuộc cách mạng vẻ vang năm
1688. Xét theo nhiều góc độ, sự ra đời của dân chủ ở Âu châu là kết quả
của những diễn biến tại Anh. Ở một mức độ nhất định, điều này rất đáng
được ghi nhận bởi lẽ thể chế pháp quyền và sự giải trình đã đặt nền móng
vững chắc cho chế độ bảo vệ tác quyền ở Anh , sự phát triển kinh tế
mạnh mẽ và sự trỗi đậy của chủ nghĩa tư bản và cách mạng công nghiệp.
Ở Phương Tây ngày nay chúng ta có thể
nhận thức được một số cơ sở của thể chế quản trị xã hội. Hiển nhiên có
rất nhiều sự khác biệt giữa Phương Tây và Trung Quốc. Trung Quốc ngày
nay là do ĐCS lãnh đạo dựa trên học thuyết Marxism mà không phải là tư
tưởng Khổng giáo. Nhưng ở nhiều khía cạnh khác , cơ cấu quản trị xã hội ở
Trung Quốc ngày nay lại rất giống với những gì đã từng tồn tại dưới
triều đại Tần Thủy Hoàng. Đó là một chính phủ quan liêu tập trung có
chất lượng cao được xây dựng trên sự tuyển chọn khách quan và các luật
lệ mang tính hình thức. Bối cảnh lịch sử là như vậy.
Bây giờ cho phép tôi được trình bày về
mô hình Trung Quốc. Vậy mô hình này đã được hình thành như thế nào? điểm
mạnh và yếu của nó ra sao? và hệ thống Trung Hoa thuộc vào loại hệ
thống kiểu gì?
Đặc điểm đầu tiên đó là một chính phủ
tập trung, quan liêu và toàn trị. Di sản đó được truyền lại từ thời xa
xưa trong lịch sử Trung Hoa khi mà chính quyền đã đạt được mức độ thể
chế hóa cao trong nội bộ cũng như đối với bộ máy quan liêu rất phức tạp
có chức năng cai quản cả một xã hội rộng lớn. Ngày nay trong chính phủ
Trung Quốc tính giải trình và chịu trách nhiệm chủ yếu được thực hiện
theo chiều từ cấp dưới lên cấp trên trong hệ thống do ĐCS lãnh đạo,
thay vì Hoàng đế hay vua như trước kia. Đó là cách thể hiện tính giải
trình và chịu trách nhiệm của hệ thống này.
Nếu anh là một quan chức và chính phủ
muốn trừng phạt anh thì họ có thể bắt anh phải giải trình và chịu trách
nhiệm. Tuy nhiên lại không có sự giải trình theo chiều từ trên xuống
dưới để cho thấy cấp trên sẽ chịu trách nhiệm ra sao đối với những
người bị lãnh đạo ở cấp dưới. Tình trạng này đối lập với tính giải
trình và chịu trách nhiệm thực hiện theo quy trình thông qua bầu cử dân
chủ. Đó là tính giải trình và chịu trách nhiệm dân chủ hiện nay.
Tính giải trình và chịu trách nhiệm của
Trung Quốc mang nội dung đạo đức nhiều hơn là thủ tục. Tính chịu trách
nhiệm về đạo đức có nghĩa là người lãnh đạo phải biết cảm nhận về trách
nhiệm đạo đức của mình trước người dân . Nếu các bạn quan sát trên thế
giới các chế độ toàn trị hiện đại khá thành công thì sẽ thấy chúng đều
tập trung ở Đông Á, chẳng hạn như Hàn quốc, Đài loan dưới thời Quốc dân
đảng, Singapore dưới thời Lý quang Diệu, Nhật bản trong giai đoạn đầu
của sự phát triển tư bản , khi chưa có dân chủ, và tất nhiên cả nước
Cộng hòa nhân dân Trung Hoa nữa.
Nói cách khác, kiểu giải trình và chịu
trách nhiệm này hoặc ít hoặc nhiều là một nội hàm của văn hóa Trung Hoa,
bởi lẽ theo Khổng giáo thì chịu trách nhiệm về đạo đức là một truyền
thống. Cũng có nhiều chính quyền toàn trị nơi mà kẻ cầm quyền cho rằng
làm chính trị có nghĩa là lấy của cải từ người khác về cho gia đình mình
hoặc bạn bè. Thế nhưng Trung Quốc không có truyền thống đó.
Yếu tố thứ hai trong mô hình Trung Hoa
đó là kinh tế. Ở đây tôi không cho rằng Trung Quốc khác các quốc gia
tăng trưởng nhanh ở Đông Á nhiều . Cũng như họ, mô hình Trung Quốc dựa
trên định hướng xuất khẩu và vai trò tích cực của các chính sách của nhà
nước nhằm hỗ trợ quá trình công nghiệp hóa.Tuy vậy, cũng có một số khác
biệt trong chính sách của Hàn quốc và Nhật bản. Đối với trường hợp
Trung Quốc thì chính sách công nghiệp không đặt ra các mục tiêu một cách
rõ ràng lắm, ví dụ như chỉ tiêu cho các ngành bán dẫn, thép hay đóng
tàu. Nói chung, chính phủ Trung Quốc chú trọng nhiều hơn tới các phương
tiện hạ tầng cơ sở , tài chính, đồng thời áp dụng một chế độ tỷ giá giúp
cho xuất khẩu của Trung Quốc cạnh tranh, hơn là lựa chọn những người
chiến thắng trong thi đua kinh tế. Tuy nhiên, Trung Quốc không nghiêng
về xu hướng dựa hoàn toàn vào kinh tế thị trường trong quá trình phát
triển của mình. (tức là vẫn dựa chủ yếu vào khu vực doanh nghiệp nhà
nước – ND )
Yếu tố tiếp theo trong mô hình Trung
Quốc đó là một hệ thống an sinh xã hội khá khiêm tốn nếu như so sánh với
các nước phát triển, cụ thể là Tây Âu và Scandinavia (là các nước theo
xu hướng Xã hội Dân chủ kiểu Bắc Âu có một số điểm gần với CNXH – ND).
Trung Quốc cố gắng đạt mức đảm bảo việc làm cao với khởi điểm ban đầu
khá thấp. Vẫn còn nhiều việc phải làm để giúp những người nghèo và giảm
bớt sự cách biệt về của cải cho dù về danh nghĩa Trung Quốc vẫn là một
xã hội Marxist. Một trong những kết quả phát triển của Trung Quốc đó là
hệ số Gini mà các nhà kinh tế dùng để đo độ bất bình đẳng đang có xu
hướng tăng nhanh trong mấy thế hệ gần đây. Rõ ràng là chính phủ Trung
Quốc thừa nhận đó là một vấn đề. Sự chênh lệch về mức sống giữa thành
thị , chẳng hạn như Thượng hải và các vùng nội địa quả là rất lớn. Các
nước Bắc Âu , ví dụ như Đan mạch, Nauy là những quốc gia có chế độ an
sinh phát triển đã hỗ trợ các gia đình có thu nhập thấp trong khi đó
Trung Quốc làm được rất ít trong lĩnh vực này.
Bây giờ hãy thử so sánh hai thể chế vừa
nêu để thấy những ưu và nhược điểm của chúng. Một bên là mô hình Trung
Quốc, còn bên kia là mô hình dân chủ tự do được hiện thân bởi các quốc
gia dân chủ như Anh, Mỹ, Pháp,Italy và một số các nước đang phát triển ,
ví dụ như Ấn độ.
Mô hình Trung Quốc có những ưu điểm cơ
bản , một trong số đó là quá trình ra quyết định . Đứng về góc độ này
thì sự khác biệt giữa Trung Quốc và Ấn độ là quá rõ ràng. Trung Quốc rất
mạnh trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng : sân bay lớn, đường sắt
cao tốc,cầu và đê đập nhờ vào cơ cấu chính quyền tập trung nên có thể
thực hiện nhanh hơn các dự án đó. Ấn độ là một đất nước vùng nhiệt đới
sẵn mưa nhưng hạ tầng cơ sở của thủy điện lại kém xa Trung Quốc. Tại sao
vậy ? Câu trả lời là : bởi vì Ấn độ là đất nước có chính phủ dân chủ
đặt nền móng trên pháp luật.
Khi mà Trung Quốc xây đập Tam hiệp thì
đã rất nhiều ý kiến phê phán và chống đối, tuy nhiên chính phủ vẫn cứ
làm theo ý định riêng của mình. Trái lại, mấy năm trước, công ty Tata
auto dự tính xây một nhà máy sản xuất ôtô ở Tây Bangalore và đã gây nên
những cuộc biểu tình phản đối, bãi công và thậm chí các công đoàn và tổ
chức nông dân còn đâm đơn kiện. Cuối cùng thì ý tưởng đó đã phải hủy bỏ
trước sự phản kháng chính trị mạnh mẽ.
Quả thực trong một số quyết định kinh
tế, hệ thống độc đoán kiểu Trung Quốc đã tỏ rõ ưu điểm của mình. Trong
trường hợp của Mỹ, chúng tôi có một chính phủ hoạt động theo luật pháp
và chịu trách nhiệm giải trình trước các cử tri . Tuy không đến nỗi tồi
tệ như Ấn độ trong quá trình ra quyết định nhưng chúng tôi cũng có những
vấn đề trong hệ thống chính trị của mình, ví dụ như thâm hụt ngân sách
dài hạn. Bất cứ chuyên gia nào cũng đều biết rằng tình trạng thâm hụt
ngân sách làm cho nền kinh tế thiếu bền vững và sẽ còn tồi tệ hơn dưới
tác động của cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay. Thế nhưng hệ thống
chính trị hiện nay của chúng tôi đang bị tê liệt trong việc ra quyết
định bởi vì còn vướng vào chuyện đối đầu giữa hai đảng Cộng hòa và Dân
chủ.
Các nhóm lợi ích của chúng tôi rất mạnh
và có khả năng phong tỏa một số quyết định. Ngay cả khi các quyết định
đó là hợp lý xét về dài hạn nhưng cuối cùng lại không được chấp thuận,
đơn giản chỉ vì gặp phải sự chống đối của một số nhóm lợi ích khác. Đó
là một vấn đề đau đầu mà nước Mỹ đang gặp phải. Nếu chúng ta có khả năng
thay đổi tình trạng bế tắc này trong một vài năm tới thì mới có thể
khẳng định rằng hệ thống dân chủ của Mỹ sẽ thành công trong tương lai
dài hạn.
Trung Quốc có rất nhiều ưu điểm khác
không bắt nguồn từ lịch sử và văn hóa. So với thế hệ trước, người Trung
Quốc hiện nay tương đối ít bị hệ tư tưởng chi phối và chính phủ cũng đã
thử nghiệm nhiều đổi mới. Những đổi mới này nếu hiệu quả sẽ được đưa vào
áp dụng, còn nếu không , sẽ bị loại bỏ. Trong khi đó chính phủ Mỹ lại
cứng nhắc trong việc ra các quyết định kinh tế. Mặc dù Hoa kỳ được coi
là rất thực dụng và có ý chí thử nghiệm những cái mới, nhưng tôi lại
không chia sẻ cách nhìn nhận đó.
Vậy là hệ thống Trung Quốc có nhiều ưu
điểm. Tuy nhiên giờ đây cần đặt ra câu hỏi về sự bền vững của nó. Sau
cuộc khủng hoảng tài chính, Trung Quốc đã hành động có hiệu quả còn Hoa
kỳ thì còn đang trầy trật vật lộn với thâm hụt ngân sách. Thế nhưng hệ
thống nào sẽ bền vững trong hai đến ba thập niên sắp tới ? Sự ưu tiên
của tôi vẫn sẽ dành cho hệ thống Hoa kỳ hơn là hệ thống Trung Quốc.
Có một số vấn đề thu hút sự quan tâm của
chúng ta đến hệ thống chính trị Trung Quốc. Đầu tiên, đó là sự thiếu
tính giải trình và chịu trách nhiệm của cấp trên đối với cấp dưới. Nếu
các bạn nhìn vào lịch sử các triều đại Trung Hoa thì điều thường thấy đó
là hệ thống tập trung quan liêu đó luôn thiếu thông tin và kiến thức về
xã hội bên ngoài dẫn đến kết cục là một sự quản trị kém hiệu quả. Đặc
tính quan liêu luôn mang lại tình trạng tham nhũng và điều hành yếu kém.
Trong chừng mực nào đấy,vấn đề này vẫn còn ở Trung Quốc hiện nay.
Tất nhiên là có nhiều cơ hội để thu thập
thông tin, chẳng hạn như chúng ta vẫn dùng Internet và nhiều hình thức
công nghệ truyền thông hiện đại để làm việc này. Tuy nhiên vấn đề lại
chính ở chỗ liệu chính quyền có khả năng đáp ứng nguyện vọng và tình
cảm của quần chúng cũng như tôn trọng ý kiến của họ về cách quản trị xã
hội hay không. Do vậy, tính giải trình và chịu trách nhiệm đối với quần
chúng cần phải được thể chế hóa thông qua bầu cử để làm sao các nhà
lãnh đạo luôn có cảm giác biết sợ. Nếu họ không làm việc đúng đắn thì họ
sẽ không được bầu nữa.
Vấn đề thứ hai tuy không còn tồn tại
trong hệ thống Trung Hoa nhưng vẫn thu hút sự quan tâm, đó là câu truyện
muôn thưở về “ ngụy vương” ( hay ông vua tồi tệ, kém cỏi – ND ) trong
lịch sử Trung Quốc. Không có gì phải nghi ngờ khi bộ máy chính quyền có
các quan chức được đào tạo tử tế, đủ năng lực hoặc những chuyên gia kỹ
thuật đáp ứng nhu cầu xã hội thì sẽ hiệu quả hơn một chính quyền dân chủ
trong ngắn hạn. Có được một vị “ vua anh minh” chưa thể đảm bảo rằng
sẽ không còn “ ngụy vương” xuất hiện sau này. Chưa có hệ thống giải
trình và chịu trách nhiệm để thay thế “ngụy vương” một khi con người này
xuất hiện , và làm sao có thể tìm được một vị “vua anh minh”? Và có
cách nào để đảm bảo rằng vị vua anh minh sẽ giúp tái hiện những vị vua
anh minh nối tiếp hết thế hệ này sang thế hệ khác ? Không có lời giải
sẵn cho những câu hỏi này.
Còn một vấn đề khác nữa trong mô hình
kinh tế. Mô hình hướng vào xuất khẩu là phù hợp với Trung Quốc khi nền
kinh tế quốc gia còn nhỏ nhưng nó sẽ phải thay đổi để trở nên một hệ
thống phù hợp và hiệu quả để đuổi kịp các nước đã công nghiệp hóa. Hiện
nay Trung Quốc đã là nền kinh tế đứng thứ hai thế giới thì mô hình hướng
vào xuất khẩu đơn giản là không thể tiếp tục được nữa.
Chúng ta nhận thức rõ rằng mô hình kinh
tế dựa trên nợ tiêu dùng ở Mỹ và Châu Âu cũng không bền vững và điều này
đã được cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay chứng minh là đúng. Và còn
nhiều vấn đề khác đang ngổn ngang, ví dụ như hệ thống Trung Quốc bị lệ
thuộc nặng nề vào “sự kiềm chế tài chính” – hay nói cách khác là mức
tiết kiệm chi tiêu cao sẽ dẫn đến suy giảm hiệu quả của thị trường. Bởi
vậy tôi cho rằng cần phải xem xét lại mô hình kinh tế này trong dài hạn.
Điểm cuối cùng mà tôi muốn nhấn mạnh ở
đây, đó là vấn đề đạo đức. Tôi cho rằng chính phủ cần phải làm nhiều hơn
là đưa ra những chính sách kinh tế đúng đắn. Ngay cả khi chính phủ có
thể đảm bảo một sự tăng trưởng kinh tế trong dài hạn thì đó hoàn toàn
chưa thể coi là mục tiêu tối thượng. Chính phủ còn có những yêu cầu về
mặt đạo đức cần đáp ứng . Ngay cả khi một hệ thống có khả năng đáp ứng
đời sống vật chất dư giả cho các công dân nhưng nếu họ không thể tham
gia vào quá trình phân phối của cải xã hội hoặc không được tôn trọng
nhân phẩm đầy đủ thì sẽ có nhiều vấn đề phát sinh. Mùa xuân năm nay tại
các nước vùng Trung đông , chúng ta đã chứng kiến một chuỗi các cuộc nổi
dậy chống lại các chính phủ độc tài. Suy rộng ra, điều này cho thấy
rằng quần chúng đòi hỏi được tôn trọng phẩm giá . Cuối cùng thì tôi vẫn
không nghĩ rằng sự thành công chỉ phụ thuộc vào một mô hình này hay mô
hình khác, và có lẽ tôi là người đầu tiên thú nhận rằng ngay cả hệ thống
dân chủ của Mỹ thực sự cũng có nhiều vấn đề cần giải quyết.
Zhang. Trong phần trình
bày của mình, TS Fukuyama đã nêu lên bốn vấn đề có liên quan tới mô
hình Trung Quốc, cụ thể là tính giải trình và chịu trách nhiệm, pháp
quyền, “ ngụy vương” và tính bền vững. Tôi muốn được đáp lại quan điểm
của TS Fukuyama.
Những gì mà Trung Quốc đã và đang làm
quả thực rất đáng quan tâm. Có lẽ Trung Quốc ngày nay là một phòng thí
nghiệm lớn của thế giới về cải cách chính trị, kinh tế, xã hội, và luật
pháp. Điều mà TS Fukuyama nói đã làm tôi liên tưởng tới cuộc đàm luận
với tổng biên tập tờ báo Đức Die Zeit tháng 2 vừa rồi. Chủ đề lúc đó
cũng là mô hình Trung Hoa. Sau chuyến thăm Thượng hải gần đây, ông TBT
tờ báo đã có cảm nhận rằng có rất nhiều điểm tương đồng giữa Thượng hải
và New York. Trong mắt ông ta Trung Quốc có vẻ như đang bắt chước mô
hình Mỹ. Thậm chí ông ta đã đặt câu hỏi :” phải chăng không có mô hình
Trung Quốc mà chỉ có mô hình Mỹ ?” Tôi khuyên ông ta nên quan sát Thượng
hải kỹ hơn và hiểu thành phố sâu sắc hơn. Một người quan sát cẩn thận
sẽ thấy rằng Thượng hải đã vượt New York trên nhiều phương diện.
Thượng hải không chỉ có hạ tầng “cứng”
tốt hơn New York, chẳng hạn như tàu điện cao tốc, đường ngầm, sân bay,
cảng và nhiều phương tiện phục vụ thương mại mà còn cả hạ tầng “ mềm”
nữa. Tuổi thọ trung bình ở Thượng hải cao hơn ở New York từ 3 đến 4 năm,
tỷ lệ tử vong trong trẻ sơ sinh ở Thượng hải thấp hơn ở New York.
Thượng hải là nơi an toàn hơn nhiều để các cô gái có thể đi dạo trên phố
vào nửa đêm. Thông điệp mà tôi gửi tới cho học giả Đức là chúng tôi đã
học nhiều điều ở Phương Tây và sẽ vẫn tiếp tục học trong tương lai ,
nhưng có một sự thật là chúng tôi đã nhìn xa hơn cả mô hình cả của Mỹ và
phương Tây . Trong một chừng mực nào đó, chúng tôi đang tìm tòi các hệ
thống chính trị, kinh tế, xã hội, và luật pháp cho thế hệ kế tiếp.
Trong quá trình đó , những vùng đã phát triển cao hơn của Trung Quốc như
Thượng hải sẽ đóng vai trò tiên phong dẫn đầu. Còn bây giờ tôi muốn
chia sẻ ý kiến của tôi trước những mối nghi ngại của GS. Fukuyama về mô
hình Trung Hoa.
Thứ nhất, nói về tính giải trình và chịu
trách nhiệm như GS Fukuyama đã tranh luận thì đây chính là hình thức
dân chủ nghị viện đa đảng ở Phương Tây. Từng sinh sống ở Phương Tây hơn
20 năm, tôi cảm thấy rõ hơn bao giờ hết rằng tính giải trình và chịu
trách nhiệm chính trị hầu như không hiệu quả. Nói một cách thẳng thắn,
theo quan điểm của cá nhân tôi thì hệ thống chính trị Mỹ có cội rễ từ
thời kỳ tiền công nghiệp hóa cho nên nhu cầu cải cách chính trị ở Mỹ
cũng cấp thiết như ở Trung Quốc, nếu như không nói là nhiều hơn. Sự phân
quyền trong lĩnh vực chính trị nói riêng đã tỏ ra kém hiệu quả để giải
quyết các vấn đề của xã hội Mỹ ngày nay. Thực tế là hệ thống đó đã bất
lực không thể ngăn cản cuộc khủng hoảng tài chính gần đây. Tôi cho rằng
xã hội hiện đại có lẽ cần những hình thức kiểm tra và đối trọng. Cần
những đối trọng giữa các lĩnh vực chính trị, xã hội và vốn tư bản chứ
không chỉ riêng một lĩnh vực chính trị. Sự phân quyền ở Mỹ có những yếu
điểm của mình. Như GS Fukuyama đã phát biểu, có những nhóm lợi ích bất
di bất dịch như các tổ hợp công nghiệp- quốc phòng sẽ không bao giờ từ
bỏ quyền lợi của mình , và như vậy sẽ ngăn chặn các sáng kiến cải cách
mà Mỹ đang cần.
Tôi cho rằng tính giải trình và chịu
trách nhiệm mà Trung Quốc đang thực hiện bao trùm nhiều lĩnh vực rộng
lớn hơn ở Mỹ. Cuộc thử nghiệm ở Trung Quốc bao gồm cả một loạt các lĩnh
vực như kinh tế, chính trị và pháp luật. Chẳng hạn , chính quyền các cấp
của chúng tôi đều có ban hỗ trợ phát triển kinh tế và tạo việc làm. Cán
bộ của ban sẽ không được thăng chức nếu nhiệm vụ không hoàn thành. Tôi
đã đọc bài báo của Paul Krugman, nhà kinh tế đã từng đoạt giải Nobel ,
trong đó ông viết rằng tăng trưởng kinh tế và việc làm hầu như ở mức “
chết” – con số O trong 10 năm qua ở Mỹ. Tuy nhiên không một huyện, tỉnh,
thành phố nào của Trung Quốc trong suốt hai thập niên qua lại phải ghi
nhận một kỷ lục nghèo nàn như vậy. Trái lại, thành tựu kinh tế trên toàn
Trung Quốc rất ấn tượng. Điều này củng cố thêm cho thực tiễn của Trung
Quốc về tính giải trình và chịu trách nhiệm trong kinh tế. Tất nhiên
chúng tôi cũng có những vấn đề riêng của mình.
Cũng tương tự đối với tính giải trình và
chịu trách nhiệm trong chính trị và luật pháp. Chẳng hạn như chúng tôi
đang tiến hành đối thoại ở quận Jingan ở Thượng hải, đó là một quận kiểu
mẫu của thành phố. Năm ngoái xảy ra một vụ hỏa hoạn thiêu rụi cả một
tòa nhà chung cư trên địa bàn quận dẫn đến kết cục là khoảng 20 quan
chức cấp quận thuộc các ban ngành có liên quan đã bị trừng phạt vì tội
vô trách nhiệm hoặc sơ xuất trong công vụ. Đó là hiện thực của tính giải
trình và chịu trách nhiệm trong chính trị và luật pháp ở Trung Quốc .
Tương phản với những gì ở Trung Quốc,
cuộc khủng hoảng tài chính tại Mỹ đã làm cho các công dân Hoa kỳ mất từ
1/5 tới 1/4 tài sản của mình. Đã 3 năm trôi qua nhưng đâu có ai ở Mỹ
bị quy trách nhiệm về chính trị, kinh tế hay pháp lý. Để góp phần làm
cho tình hình tồi tệ thêm, các nhà tài phiệt – những nghi phạm đã gây
nên cuộc khủng hoảng tài chính lại được trọng thưởng hàng chục, thậm chí
hàng trăm triệu Đôla. Tuy nhiên điều làm tức giận công chúng Mỹ và cả
Tổng thống Obama là những khoản tiền thưởng đó vẫn tiếp tục được trao
cho các ông trùm tài phiệt đó theo điều khoản hợp đồng pháp lý mà họ đã
ký kết.
Điều này làm tôi nhớ tới vấn đề thứ hai
liên quan tới khái niệm pháp quyền mà G.S Fukuyama đã nêu lên. Chúng tôi
xúc tiến pháp quyền ở Trung Quốc , bởi vậy trên thực tế có rất nhiều
thứ cần được cải thiện . Tuy nhiên tôi cho rằng có một vài nguyên lý cơ
bản trong triết học truyền thống của chúng tôi vẫn giữ nguyên giá trị và
còn phù hợp. Chẳng hạn, khái niệm truyền thống về chữ “Thiên” hay “
Thiên đàng- Trời “ với ý nghĩa là lợi ích cốt lõi và lương tâm trong xã
hội Trung Hoa. Đó là điều không được vi phạm.Ở Trung QuốcLuật pháp được
áp dụng nghiêm chỉnh trong 99.9% các trường hợp , chúng tôi chỉ dành
một không gian nhỏ , nơi mà các giải pháp chính trị trong khuôn khổ pháp
quyền vẫn được áp dụng trong khi “ thiên” hay các lợi ích cốt lõi và
lương tâm của xã hội bị xâm hại. Nói cách khác, cách thưởng tiền của phố
Wall như đã nêu trên không bao giờ có thể xảy ra ở Trung Quốc. Bởi vậy
chúng tôi cố gắng phá vỡ sự cân bằng giữa pháp quyền và “ thiên” . Đó là
cái mà Trung Quốc muốn tìm kiếm cho chế độ pháp lý trong tương lai.
Nếu không, chúng tôi sẽ trở thành nạn nhân của cái được gọi là chủ nghĩa
tuân thủ pháp luật thái quá rất có thể gây tổn hại cho một xã hội phức
tạp và lớn như Trung Quốc.
Về vấn đề “ ngụy vương” đã có ngay lời
giải . Theo ước tính sơ bộ của tôi trong lịch sử có cả “ ngụy vương” và “
minh vương” thì ít ra cũng có tới 7 triều đại kéo dài được hơn 250 năm.
Nói cách khác, đó là quãng thời gian dài hơn cả toàn bộ lịch sử Hoa
kỳ.Đúng ra thì toàn bộ lịch sử cận đại của Phương Tây mới chỉ được
khoảng hai- ba trăm năm nhưng đã chứng kiến nào là chế độ nô lệ,chủ
nghĩa phát xít, vô số xung đột và hai cuộc thế chiến.
Theo quan điểm của tôi, sự đổi mới thể
chế chính trị của Trung Quốc hiện nay đã giải quyết dứt điểm vấn đề “
ngụy vương”. Điều đầu tiên và trước hết, lãnh đạo cao cấp của Trung Quốc
được chọn lựa theo phẩm chất , công trạng mà không theo “cha truyền con
nối”. Thứ hai là, nhiệm kỳ công tác được quy định nghiêm ngặt, lãnh đạo
tối cao không phục vụ quá 2 nhiệm kỳ. Thứ ba là, lãnh đạo theo nguyên
tắc tập thể, có nghĩa là không cá nhân lãnh đạo nào có thể đi quá lệch
khỏi sự đồng thuận của nhóm . Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng,
tuyển chọn người tài là một truyền thống lâu đời ở Trung Quốc và các
nhà lãnh đạo cao cấp hoặc các ủy viên thường trực BCT ĐCS Trung Quốc
được bầu chọn với tiêu chí thông thường là đã phải qua hai nhiệm kỳ là
chủ tịch tỉnh hoặc bộ trưởng.
Như các bạn biết, không hề dễ dàng để
lãnh đạo một tỉnh ở Trung Quốc , thường có tầm cỡ của 4 tới 5 quốc gia
Châu Âu. Hệ thống này có thể có những yếu điểm nhưng có một điều chắc
chắn rằng với hệ thống tuyển chọn nhân tài đó thì Trung Quốc khó có thể
lại
bầu ra một lãnh đạo tầm cỡ quốc gia bất
tài như George.W.Bush hoặc Naoto Kan ở Nhật bản. Thực ra , tôi không
quan tâm đến vấn đề “ ngụy vương” ở Trung Quốc bằng vấn đề “ George
.W.Bush “ ở Mỹ.
Nếu hệ thống chính trị Hoa kỳ vẫn sẽ như
hôm nay thì tôi thực sự lo rằng Tổng thống Mỹ sắp tới sẽ còn bất tài
hơn cả George.W.Bush . Với tư cách là một siêu cường, các chính sách của
Mỹ có ảnh hưởng toàn cầu cho nên một sự thiếu vắng lãnh đạo hay tính
giải trình và chịu trách nhiệm ở Mỹ sẽ có thể gây nên những hậu quả
nghiêm trọng. Tôi muốn nghe quan điểm của G.S Fukuyama về vấn đề “
George. W.Bush”. Tổng thống Bush đã điều hành đất nước tồi nên Mỹ đã suy
thoái mạnh sau tám năm cầm quyền. Ngay cả một đất nước như Hoa kỳ cũng
không thể chịu đựng nổi thêm tám năm suy thoái nữa.
Về tính bền vững của mô hình Trung Quốc,
trong cuốn sách mới đây của tôi nhan đề “Làn sóng Trung Hoa” , tôi đã
đưa ra luận điểm rằng Trung Quốc là một nhà nước văn hiến có một không
hai , với logic và chu kỳ phát triển riêng của mình. Bởi thế cho nên ý
tưởng về các “ triều đại” là rất có ích ở đây. Một triều đại hưng thịnh ở
Trung Quốc thường kéo dài từ 200 đến 300 năm , có khi lâu hơn và logic
này đã được kiểm chứng trong 4000 năm qua. Từ viễn cảnh đó thì Trung
Quốc hiện nay mới đang ở giai đoạn đầu của một chu kỳ đi lên. Đó cũng là
lý do vì sao tôi lại lạc quan về tương lai của Trung Quốc đến vậy.
Sự lạc quan của tôi còn có chỗ dựa là
khái niệm “ khí ” hay còn gọi là xu hướng chủ đạo là thứ mà rất khó quay
ngược lại , một khi đã được bắt đầu. Xu hướng phát triển được khởi đầu ở
Nhật bản nhờ cải cách của Minh Trị vào cuối thế kỷ 19 , trong khi đó
Trung Quốc đã không làm được điều này do sức ỳ bên trong quá lớn, tức là
“ âm khí” vượng. Ngày nay “ vận khí “ hay xu hướng chủ đạo mới đã được
bắt đầu và tạo được đà mạnh mẽ sau 3 thập kỷ cải cách và mở cửa. Xu thế
chủ đạo này khó có thể bị đảo ngược cho dù vẫn có những làn sóng ngược
chiều. Vận khí này đang định hình xu hướng chủ đạo đại chu kỳ phát
triển của Trung Quốc. Điều không hay là có nhiều học giả Phương Tây
không hiểu điều này nên đã đưa ra những dự báo bi quan về một sự “sụp
đổ” của Trung Quốc từ 20 năm nay. Thay vào sự sụp đổ của Trung Quốc thì
chính những dự báo đó đã sụp đổ. Một số người Trung Quốc trong nước vẫn
còn nghiêng về lập trường bi quan này , nhưng tôi nghĩ rằng lập trường
đó cũng sẽ “sụp đổ” mà không phải đợi tới 20 năm nữa.
G.S Fukuyama có nhắc tới sự quá lệ
thuộc của mô hình Trung Quốc vào thương mại. Quả thực Trung Quốc phụ
thuộc nhiều vào ngoại thương, thế nhưng sự phụ thuộc đó hơi bị thổi
phồng . Ngoại thương chiếm một tỷ trọng lớn GDP nếu tính theo tỷ giá hối
đoái chính thức. Thế nhưng ngoại thương được tính theo US $ , phần còn
lại của GDP thì lại được tính theo Nhân dân tệ được định giá thấp hơn
thực tế. Do vậy , theo tôi thì sự phụ thuộc vào ngoại thương bị đánh giá
quá cao so với thực tế.
Nhìn về tương lai thì có thể nhu cầu nội
địa của Trung Quốc sẽ lớn nhất thế giới. Quá trình đô thị hóa Trung
Quốc cho tới năm 1998 còn chưa được khởi động. Nhưng từ nay trở đi sẽ có
tới 15-25 triệu dân cư chuyển ra thành thị hàng năm ở Trung Quốc. Một
mức độ đô thị hóa chưa từng có trong lịch sử loài người sẽ tạo ra nhu
cầu khổng lồ của thị trường nội địa, theo ước tính sẽ còn lớn hơn cả nhu
cầu gộp lại của toàn bộ các nước phát triển trong tương lai.
Nếu nói về sự tôn trọng các giá trị cá
nhân, tôi không nghĩ là có sự khác biệt lớn giữa Trung Quốc với phần còn
lại của thế giới.Mục tiêu cuối cùng thì đâu cũng vậy , đều là tôn trọng
và bảo vệ những giá trị và quyền con người. Nhưng sự khác biệt chính
là ở phương tiện để đạt mục tiêu đó. Trung Quốc có truyền thống triết
lý riêng tương phản với triết lý về cá nhân ở Phương Tây và cách tiếp
cận của Trung Quốc dựa trên truyền thống của mình mang lại những kết quả
tốt hơn để khuyến khích các giá trị và quyền con người.
Tôi mô tả vấn đề này qua ví dụ về các
cách tiếp cận khác nhau giữa Đặng Tiểu Bình và Mẹ Teresa . Cách của
Đặng đã giúp cho gần 400 triệu người Trung Quốc thoát cảnh nghèo đồng
thời mang lại giá trị cũng như quyền con người ,chẳng hạn : họ có thể
xem TV, lái xe trên đường cao tốc , lướt Internet hay Blog để bình luận
về đủ mọi vấn đề. Thế nhưng ở Ấn độ , dù bằng phương pháp cá nhân của Mẹ
Teresa đã có rất nhiều người đã được giúp đỡ và Mẹ được vinh dự nhận
giải Nobel về Hòa bình, nhưng bức tranh về đói nghèo ở Ấn độ vẫn không
thay đổi nhiều.
Tôi muốn đề cập tới sự tham gia của công
chúng vào quá trình ra quyết định. Quả thực tôi rất hy vọng là G.S
Fukuyama sẽ có cơ hội nghiên cứu trên thực địa tại Trung Quốc. Vậy quá
trình ra quyết định một cách dân chủ được tiến hành như thế nào ở Trung
Quốc? Cho phép tôi đưa ra một ví dụ, ở Trung Quốc cứ 5 năm một lần chúng
tôi lại xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế quốc dân. Đó là một quá
trình kết tinh của hàng chục ngàn đợt góp ý, thảo luận trên mọi cấp độ
trong xã hội Trung Quốc. Theo tôi, đó mới thực sự là một quá trình ra
quyết định dân chủ , có thể bảo đảm chất lượng cho các quyết định. Sự
chênh nhau giữa Phương Tây và Trung Quốc nhìn theo góc độ này , chân
thành mà nói , là rất lớn. Theo thiển ý của tôi thì Trung Quốc đã đạt
tới “ mức sau đại học” còn Phương Tây có thể còn đang “học đại học” hoặc
thậm chí còn đang “ ở cấp độ trung học” , nếu lấy việc này để làm cơ sở
so sánh.
Những bất ổn ở Trung đông , thoạt nhìn
có thể nghĩ là người dân theo đuổi tự do. Thế nhưng một trong những
nguyên nhân gốc rễ của vấn đề , theo tôi hiểu lại không nằm ngoài lĩnh
vực kinh tế. Tôi đến Cairo 4 lần. Hai mươi năm trước thành phố này tụt
hậu khoảng 5 năm so với Thượng hải, còn giờ đây sự chênh lệch là 40 năm.
Một nửa số người độ tuổi thanh niên thất nghiệp. Nếu không nổi loạn thì
họ còn biết làm chi đây?
Quan sát tình hình Trung đông đã đưa tôi
tới kết luận rằng , trong khi có nhiều người ở Phương Tây ăn mừng Mùa
xuân A rập thì đừng quá lạc quan. Tôi hy vọng rằng khu vực này sẽ ổn
thỏa nhưng sẽ khó khăn trước mắt và Mùa xuân A rập ngày hôm nay có thể
sẽ biến thành mùa đông A rập không lâu nữa với việc quyền lợi của Hoa kỳ
sẽ bị suy yếu.Tình hình ở khu vực không khá hơn Trung Quốc hồi cách
mạng Tân Hợi 1911 bởi một giai đoạn hỗn loạn kéo dài sau đó. Trung đông
còn phải đi qua một con đường dài và chúng ta hãy đợi và thấy điều gì
sẽ tới.
Fukuyama. Tôi xin phép
trả lời từng câu hỏi một. Trước tiên,khi so sánh những hệ thống chính
trị khác nhau thì tôi nghĩ rằng nên tách bạch các chính sách riêng ra
khỏi các thiết chế.Có nghĩa là phải nhìn thấy sự khác nhau giữa những
chính sách cụ thể do một vài lãnh đạo nào đó đưa ra với cả hệ thống tổng
thể nói chung. Rõ ràng là những người ra quyết định ở Hoa kỳ đã từng
phạm rất nhiều sai lầm, ví dụ như chiến tranh Iraq buộc chúng tôi phải
trả giá đắt. Hay như cuộc khủng hoảng tài chính bắt nguồn từ phố Wall là
kết quả của hệ tư tưởng thị trường tự do, tiêu dùng gia đình quá trớn
và sự sự mở rộng quá mức của thị trường bất động sản. Tuy nhiên những
lỗi lầm trong chính sách là điều có thể xảy ra với mọi chế độ vào bất kỳ
lúc nào. Tôi không nghĩ rằng các chế độ dân chủ lại có xu hướng đưa ra
những chính sách sai lầm nhiều hơn các nhà nước độc tài. Thực tế là ,
các chế độ độc tài và toàn trị luôn gặp nhiều rắc rối nghiêm trọng hơn.
Những sai lầm có thể tiếp tục níu kéo toàn xã hội vì không thể dễ dàng
đuổi cổ những kẻ đã ra quyết định. Bởi vậy cái giá phải trả rốt cục sẽ
rất lớn.
Ngài nói rằng Trung Quốc sẽ không bao
giờ lựa chọn một nhà lãnh đạo quốc gia như George .W.Bush. Thôi được, kể
cũng hơi nặng nề khi nói như vậy. George . W.Bush làm Tổng thống trong 8
năm, nếu ngài quay trở lại với vấn đề “ ngụy vương” thì ngụy vương gần
đây nhất của Trung Quốc , nói rất chân thành , chính là Mao Trạch Đông.
Sự tàn phá mà Cách mạng văn hóa đã gây ra cho xã hội Trung Quốc còn
nghiêm trọng hơn rất nhiều những gì mà George.W.Bush đã làm đối với xã
hội Mỹ.
Ngài cũng có nhắc tới một vài đặc trưng
của lãnh đạo Trung Quốc. Tôi công nhận những mặt tích cực của lối lãnh
đạo tập thể và việc hạn chế nhiệm kỳ đối với các nhà lãnh đạo Trung
Quốc. Nếu Gaddafi hoặc Mubarak bị hạn chế nhiệm kỳ thì Libia và Ai cập
đã không bất ổn như vậy.
Ngài cũng phát biểu rằng sự đồng thuận
cần đạt được trong nội bộ lãnh đạo trong khi đưa ra những quyết định
quan trọng. Theo ý tôi, điều này chính là một bài học được rút ra từ
Cách mạng Văn hóa. Trong quá khứ, sự đồng bóng, trái tính của một cá
nhân đã gây tổn hại cho cả xã hội. Bởi vậy ĐCS đã phải lập ra những
thiết chế, trong đó có quy định về nhiệm kỳ.
Tôi muốn bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với hệ
thống của Trung Quốc. Có nhiều người Mỹ không thể nhận thấy một thực
tế : mặc dù Trung Quốc là quốc gia độc tài nhưng lại được thể chế hóa
cao, có sự kiểm soát và đối trọng trong hệ thống của mình. Tuy nhiên
chúng ta cần phải suy nghĩ về dài hạn.
Cơ cấu của thể chế hiện nay trong ĐCS
Trung Quốc được tạo nền móng từ ký ức và kinh nghiệm của những người
từng sống qua cuộc cách mạng văn hóa. Cho tới giờ ở Trung Quốc người ta
vẫn chưa thể nói nói hết những gì về giai đoạn lịch sử đó. Các ngài
không dạy thế hệ trẻ về những gì đã diễn ra trước đây , họ chưa hề trải
nghiệm cách mạng văn hóa và rồi sẽ quên sự kiện đó . Nhưng vấn đề ở chỗ
là điều gì sẽ xảy ra nếu như thế hệ mới không có kinh nghiệm và hiểu
biết về những vết thương tâm lý trong một xã hội của nền độc tài toàn
trị . Liệu họ có sẵn sàng sống với sự kiểm soát sử dụng quyền lực hiện
nay không?
Bởi vậy vì sao tôi vẫn tin rằng một hình
thái pháp trị có kiểm soát và đối trọng trong dài hạn sẽ có ý nghĩa
sống còn chứ không chỉ dựa vào ký ức và kinh nghiệm của một thế hệ. Nếu
chẳng may thế hệ tiếp theo không có những thứ đó thì họ rất có thể lặp
lại sai lầm . Thể chế pháp quyền và dân chủ chính là phương tiện để gìn
giữ những gì được coi là tốt, là tích cực, tiến bộ của ngày hôm nay và
truyền lại cho những thế hệ sau.
Trong cuốn sách mới hoàn thành của tôi
có một điều được nêu lên như một luận cứ, đó là tất cả chúng ta đều
có bản chất chung của loài người. Chính vì có những đặc tính đó nên con
người như chúng ta mới yêu thương gia đình, anh , chị em và con cái.
Quý trọng bạn bè và gia đình là cách tự nhiên trong quan hệ xã hội giữa
người với người. Tuy vậy , chúng ta không thể đặt nền móng của các hệ
thống chính trị trên quan hệ bạn bè và gia tộc được. Bởi vậy, một trong
những kỳ tích của nền chính trị Trung Hoa là đã thiết lập nên được hệ
thống chính trị mang tính thể chế cao , không phụ thuộc vào quan hệ bạn
hữa và gia đình, giòng tộc cũng như các mối quan hệ cá nhân khác.
Theo cách đó, để được nhận vào các cơ
quan công quyền thì phải thi bất kể người đó có ảnh hưởng thế nào. Hệ
thống tuyển chọn này đã được thể chế hóa đầy đủ từ đầu thời Tiền Hán vào
thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên. Nhưng vào cuối thời Hậu Hán ,
khoảng thế kỷ thứ 3, hệ thống chính trị bị tầng lớp quý tộc soán quyền,
chủ yếu đó là những gia tộc giàu có và nắm nhiều quyền lực. Sau đó là
thời kỳ Tam quốc rất phức tạp và rối ren trong lịch sử Trung Hoa. Chủ
yếu là các gia tộc giàu có đã soán quyền đồng thời thủ tiêu chế độ tuyển
dụng người tài đương thời. Tôi cho rằng điều này có thể xảy ra đối với
bất kỳ hệ thống chính trị nào.
Đó cũng là điều mà tôi lo ngại cho chính
hệ thống của Mỹ hiện nay bởi lẽ có những tầng lớp siêu giàu. Họ có thể
chăm sóc con cái họ trong những điều kiện rất hoàn hảo và gửi chúng tới
những trường học rất tốt. Tất nhiên đó chưa phải là những gì đang diễn
ra ở Trung Quốc nhưng có thể sẽ trở thành mối đe dọa đối với hệ thống
Trung Quốc.
Bằng cách nào để có thể đảm bảo rằng
tầng lớp tinh hoa lãnh đạo đất nước được tuyển chọn trên cơ sở tài năng
lại không thiên vị gia tộc và bạn bè mình ? Tôi cho rằng trong mấy thập
kỷ qua, ĐCS Trung Quốc đã làm tốt công việc . Tuy nhiên vẫn tồn tại vấn
nạn tham nhũng trong toàn bộ hệ thống, vì ai mà chả muốn quan tâm nhiều
hơn tới họ hàng, bạn bè và con cái của mình. Tôi cho rằng một trong
những vấn đề nội tại của hệ thống thiếu sự giải trình và chịu trách
nhiệm chính trị của cấp trên đối với cấp dưới và đa số quần chúng đó
là rất khó ngăn cản sự len lỏi của những mối quan hệ riêng tư vào hệ
thống chính trị. Đó là nan đề mà tôi cho rằng cho tới nay vẫn chưa có
lời giải.
Tuy vậy, trong dài hạn, để duy trì hệ
thống cho hai hay ba thập niên nữa tôi cho rằng Trung Quốc cần đẩy mạnh
sự giải trình và chịu trách nhiệm của cấp trên đối với quần chúng ở dưới
nhằm giải quyết nan đề này. Ít ra thì trong một hệ thống dân chủ, nếu
có sai thì vẫn có thể sửa sai, đôi khi cũng mất một vài năm.
Cho phép tôi nói qua về một nhận định
liên quan tới nước Mỹ. Chúng tôi đang trải qua cuộc khủng hoảng tài
chính. Như G.S Zhang đã phát biểu là không ai bị trừng phạt. Tôi cũng
nghĩ rằng điều này thật là khủng khiếp vì chúng tôi đã không buộc những
người có trách nhiệm về cuộc khủng hoảng này phải chịu trách nhiệm. Tại
sao lại xảy ra điều này quả là rất phức tạp.Nhưng tôi không cho rằng nó
liên quan tới hệ thống chính trị dân chủ của chúng tôi. Năm 1930 đã có
một cuộc khủng hoảng tài chính còn lớn hơn hiện nay dẫn tới việc bầu
chọn Roosevelt làm Tổng thống và thiết lập hệ thống an sinh xã hội và
điều hành chính quyền đổi mới. Người ta đã đưa ra nhiều biện pháp mạnh
bởi lẽ nhân dân tức giận về những gì đã xảy ra. Hệ thống của chúng tôi
đã thiết lập được một sự giải trình và chịu trách nhiệm thực sự để đối
phó với những sai lầm trong chính sách như thế đó.
Theo một nghĩa nào đó, tôi thậm chí còn
nghĩ rằng trong vài năm vừa rồi ở Mỹ một cách chính thức , cuộc khủng
hoảng vẫn chưa tới mức quá lớn, bởi vì trên thực tế ,các nhà hoạch định
chính sách trong phạm vi nào đó đã hạ thấp mức độ nghiêm trọng của nó.
Bởi vậy động năng chính trị có lợi cho cải cách đã bị xói mòn và điều
này giải thích tại sao chúng tôi đã không kịp thời có những cải cách
chế độ điều hành. Nhưng dù sao tôi không nghĩ rằng hệ thống dân chủ của
chúng tôi đã gây nên cuộc khủng hoảng hiện nay.
Zhang. Quốc gia nào
cũng có những sự kiện hoặc lỗi lầm khủng khiếp trong lịch sử phát triển
của mình, kể cả Trung Quốc. Cách mạng Văn hóa và Đại nhảy vọt quả thực
là những thảm họa. Tôi từng trải qua cách mạng Văn hóa và có những ký ức
của riêng mình . Tuy vậy cần phải nhấn mạnh lại rằng không có quốc gia
nào là ngoại lệ. Hoa kỳ có một trang sử của sự thảm sát người da đỏ và
chế độ nô lệ cũng như tệ kỳ thị chủng tộc được thể chế hóa kéo dài hơn
một thế kỷ. GS Fukuyama cho rằng các sai lầm
được khắc phục bởi chính hệ thống Hoa kỳ
thì Cách mạng văn hóa và Đại nhảy vọt cũng đã được sửa sai bởi chính hệ
thống Trung Quốc. Vấn đề “ ngụy vương” cũng được giải quyết bởi hệ
thống Trung Quốc. Ngày nay không một cá nhân lãnh tụ nào có thể đi ngược
lại quy định thể chế bởi lẽ ở Trung Quốc đã hình thành hệ thống chuyển
giao quyền lực kết hợp giữa lựa chọn và bầu chọn .
Tôi cho rằng hệ thống hỗn hợp này có thể
là tốt hơn việc bầu cử đơn thuần ở Phương Tây, đặc biệt trong bối cảnh
tìm kiếm một hệ thống chính trị cho thế hệ sau.. Cái mà Phương Tây đang
thực hành đó là tăng cường hệ thống bầu bán qua tranh cử mà tôi gọi là
“những cuộc trình diễn dân chủ” hay “dân chủ kiểu Hollywood”. Đó là sự
thể hiện khả năng trình diễn nhiều hơn là khả năng lãnh đạo. Chừng nào
mà quy trình này vẫn hoạt động thì không quan trọng ai sẽ trúng cử, dù
là ngôi sao điện ảnh hay vận động viên điền kinh chuyên nghiệp. Ngược
lại, theo truyền thống quản trị xã hội truyền thống có một ý tưởng rất
quan trọng cần tuân thủ , đó là quốc gia chỉ có thể được điều hành bởi
những người đủ tài năng và kinh nghiệm , được lựa chọn theo chế độ tuyển
dụng nhân tài. Điều này đã ăn sâu vào tiềm thức của người Trung Hoa.
G.S Fukuyama có nhắc tới Chủ tịch Mao.
Một mặt, đúng là ông đã có những lỗi lầm nghiêm trọng. Nhưng mặt khác,
chúng ta không nên bỏ qua một sự thật là ngày nay ông vẫn được tôn trọng
khắp nơi trên đất Trung Hoa. Điều này nói lên rằng Mao đã làm gì đó
đúng đắn. Sẽ không sòng phẳng nếu phủ nhận thành tựu chủ yếu của ông ,
đầu tiên là thống nhất một đất nước rộng lớn như Trung Quốc; hai là,
giải phóng phụ nữ và ba là, cải cách ruộng đất. Đặng Tiểu Bình đã có lần
phát biểu công của Mao so với tội sẽ là tỷ lệ 70% trên 30%. Chính tai
tôi đã nghe thấy những lời này và cho rằng như vậy mới công bằng. Có lẽ
sự khác biệt trong nhận thức của Mao xuất phát từ sự khác biệt về truyền
thống văn hóa : Trung Quốc có truyền thống thay đổi chính trị trong khi
đó Phương Tây lại thay đổi pháp lý.
Nhờ có ba thập niên cải cách và mở cửa
một tầng lớp trung lưu đã hình thành và ổn định vị thế. Tôi chia xã hội
Trung Quốc ra làm ba giai tầng : thượng , trung và hạ. Cơ cấu này có thể
ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan trên diện rộng như dưới thời Mao. Thứ chủ
nghĩa cực đoan đó vẫn có ở các quốc gia như Ai cập bởi lẽ ở đó còn thiếu
tầng lớp trung lưu. Cơ cấu xã hội này cho thấy lý do vì sao Trung Quốc
sẽ không nghiêng về chủ nghĩa cực đoan.
Về vấn đề tham nhũng, tôi cho rằng cần
phải làm một sự so sánh theo “chiều dọc” và cả “ chiều ngang”. Tham
nhũng ở Trung Quốc là nghiêm trọng và không dễ ngăn cản. Tuy nhiên khi
nhìn lại lịch sử thế giới các bạn sẽ thấy rằng tất cả các cường quốc ,
kể cả Mỹ đã trải qua những giai đoạn tham nhũng tăng cao và thường trùng
hợp với quá trình hiện đại hóa nhanh chóng. Như thầy dậy của ngài là
Samuel Huntington đã quan sát thấy rằng quá trình hiện đại hóa nhanh
nhất thường đi kèm tình trạng tham nhũng tăng cao nhất. Điều này xảy ra
chủ yếu là do chế độ điều hành và giám sát không theo kịp sự tăng trưởng
về tài sản và vốn khi diễn ra quá trình hiện đại hóa nhanh chóng.
Rốt cục thì nạn tham nhũng ở Trung Quốc
sẽ bị chặn đứng và được giải quyết thông qua sự thiết lập những thiết
chế giám sát và điều hành hữu hiệu hơn.
Tôi từng qua Mỹ nhiều lần và thấy rằng
cách định nghĩa thế nào là tham nhũng có ý nghĩa rất quan trọng. Trong
cuốn sách mới viết , tôi đã đưa ra khái niệm “ tham nhũng 2.0” khi mà
cuộc khủng hoảng tài chính đã làm phát lộ rất nhiều vấn đề nghiêm trọng
của “ tham nhũng 2.0”. Chẳng hạn như các cơ quan đánh giá mức tin cậy
về tài chính đã thu lời qua kinh doanh trên thị trường chứng khoán bằng
cách trao cho các sản phẩm và định chế tài chính thiếu minh bạch chứng
chỉ AAA. ( là mức có độ tin cậy cao trên thị trường chứng khoán quốc tế –
ND ). Tôi coi đó là tham nhũng. Thế nhưng ở Mỹ người ta lại gọi đó là “
rủi ro đạo đức” trong hệ thống pháp lý Mỹ. Tôi cho rằng cuộc khủng
hoảng tài chính có thể được ngăn chặn hiệu quả hơn nếu vấn đề này bị xử
lý như là tham nhũng.
Chúng ta cũng có thể so sánh theo chiều
ngang. Tôi đã đi thăm hơn 100 quốc gia. Thực tế sinh động cho thấy , mặc
dù ở Trung Quốc người ta phàn nàn rất nhiều về tham nhũng , nhưng ở các
nước khác tình hình còn tồi tệ hơn rất nhiều. Để so sánh chúng ta tìm
hiểu các quốc gia có kích cỡ từ 50 triệu dân trở lên và đang ở cùng
trình độ phát triển, chẳng hạn như Ấn độ, Ukraina, Pakistan, Brazil , Ai
cập và Nga. Kết quả đánh giá của tổ chức Minh bạch quốc tế cũng đồng
thanh với nhân định của tôi.
Hơn thế nữa cần phải nhìn Trung Quốc
theo các vùng miền khác nhau. Các vùng đã phát triển của Trung Quốc miễn
dịch tốt hơn với tham nhũng. Có lần tôi làm việc ở Italy với tư cách là
giáo sư mời, nhân tiện tôi thăm Hy lạp vài lần và nghĩ rằng Thượng hải
dứt khoát ít tham nhũng hơn Italy và Hy lạp. Ở miền nam nước Ý , Mafia
nghiễm nhiên hợp pháp hóa sự tồn tại của mình thông qua hệ thống dân
chủ. Lần đầu tiên tôi tới thăm Hy lạp cách đây 20 năm , khi đó thâm hụt
ngân sách rất cao. Còn giờ đây Hy lạp đang phá sản và cần sự hỗ trợ
quốc tế. Tôi nói với các bạn Hy lạp của mình rất chân thành : “ hai mươi
năm trước, Thủ tướng của các bạn là Papandreou. Hai mươi năm sau Thủ
tướng của các bạn vẫn là Papandreou. Nền chính trị của các bạn có vẻ như
là công việc của một vài gia đình và nền kinh tế Hy lạp bị phá sản bởi
lẽ hệ thống an sinh xã hội thì quá cao còn thực tiễn quản trị lại quá
nghèo nàn, kém cỏi.” Có lần tôi còn đùa rằng chúng tôi cần gửi một đội
ngũ các nhà quản trị từ Thượng hải hoặc Chongqing để giúp đỡ Hy lạp quản
trị tốt hơn. Quả thực , bất kể là hệ thống chính trị nào, độc đảng , đa
đảng hoặc không đảng phái thì rốt cục vẫn là vấn đề quản trị hiệu quả
và mang lại được gì cho nhân dân của mình. Bởi vậy, quản trị tốt là điều
quan trọng hơn dân chủ hóa theo phong cách Phương Tây.
Điều này đã đưa tôi tới chính đề “sự
cáo chung của lịch sử” mà GS Fukuyama nêu lên. Tôi chưa công bố quan
điểm của mình , tuy nhiên nó hoàn toàn đối lập với GS Fukuyama. Tôi nhìn
nhận rằng: không phải một sự cáo chung của lịch sử mà phải là chấm
hết cho sự cáo chung của lịch sử.
Dân chủ Phương Tây có thể chỉ là một
hình thái mang tính giai đoạn trong lịch sử lâu dài của loài người. Tại
sao tôi lại nghĩ vậy ? 2500 năm trước , một vài thành phố – quốc gia
chẳng hạn như Athen đã thực hiện dân chủ trong số các công dân nam giới
của mình và sau đó lại bị khởi nghĩa Sparta đánh bại. Từ đó cho tới nay,
hơn 2000 năm trôi qua từ “dân chủ” chủ yếu mang một nghĩa rộng tiêu
cực, thông thường là tương đương với “chính trị của đám đông dân chúng”.
Các quốc gia Phương Tây không thực thi hệ thống mỗi người một lá phiếu ở
nước họ mãi cho tới khi quá trình hiện đại hóa ở nước họ đã hoàn thành.
Thế nhưng ngày nay hệ thống chính trị dân chủ kiểu này không thể giải quyết các vấn đề lớn sau đây.
- Thứ nhất là, thiếu vắng văn hóa
“ tài năng phải là đầu tiên”. Bất cứ ai được bầu lên đều có thể điều
hành đất nước. Điều này đã trở nên quá đắt đỏ tới mức không chịu nổi
thậm chí đối với Mỹ.
- Thứ hai là , gói dịch vụ an sinh
xã hội chỉ có thể tăng thêm chứ không giảm đi. Bởi vậy không thể tiến
hành những cải cách như Trung Quốc đã thực hiện trong lĩnh vực ngân hàng
và các xí nghiệp nhà nước.
- Thứ ba là, càng ngày càng khó
khăn để tạo ra sự đồng thuận ở các quốc gia dân chủ. Ngày trước, đảng
thắng cử với 51% phiếu bầu đã có thể tập hợp toàn xã hội ở các nước phát
triển. Ngày nay, xã hội Mỹ đang bị chia rẽ sâu sắc và phân cực. Đảng
nào thất cử, thay vì thừa nhận thất bại lại tiếp tục gây cản trở.
- Thứ tư là, những vấn đề đơn giản
có tính chất dân túy có thể làm giảm sút mối quan tâm vào các vấn đề
dài hạn của đất nước và xã hội. Ngay cả Mỹ cũng đang bị mối đe dọa này
rình rập.
Năm 1793, Vua George III của Anh quốc
đã phái đặc phái viên của mình tới Trung Hoa để mở mang thương mại hai
chiều. Thế nhưng vua Càn long đã quá ngạo mạn vì tin rằng Trung Hoa mới
là quốc gia nhất thế giới. Bởi vậy Trung Quốc chẳng cần học hỏi ai. Điều
này khi đó đã được định nghĩa là “ sự cáo chung của lịch sử”, và từ đó
Trung Hoa bị tụt hậu . Còn giờ đây tôi lại nhận thấy một tư duy tương
tự ở Phương Tây.
Cần phải tới Trung Quốc đê tận mắt chứng
kiến Trung Quốc đã tự cải cách như thế nào trong ba thập kỷ qua. Mỗi
bước đi nhỏ nhưng cuộc hành trình không ngừng, không nghỉ. Phương Tây
vẫn có niềm tin mạnh mẽ vào hệ thống của mình, tuy nhiên đó cũng chính
là cái hệ thống ngày càng trở nên có lắm vấn đề. Hy lạp, cái nôi của
nền dân chủ Phương Tây đang phá sản, còn nợ ngân sách của Anh đã cao tới
90% tổng sản phẩm quốc dân.
Vậy còn Hoa kỳ thì sao ? Tôi làm một con
tính đơn giản, cuộc tấn công 9/11 làm hao tổn cho Mỹ 1000 tỷ $. Hai
cuộc chiến không khôn ngoan lắm làm tốn gần 3000 tỷ $ và khủng hoảng tài
chính khoảng 8000 tỷ $. Hiện nay nợ ngân sách của Mỹ vào khoảng từ
10000 tỷ$ tới 20000 tỷ$. Nói cách khác, nếu đồng Đôla Mỹ mà không phải
là đồng tiền dự trữ quốc tế – mà vị thế này có thể không kéo dài mãi-
thì Mỹ đã bị coi là đã phá sản rồi.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc, điều mà
chúng tôi vẫn gọi là “ vận khí ” hay xu hướng chủ đạo có tầm cỡ và tốc
độ chưa có tiền lệ trong lịch sử loài người. Cảm nhận của riêng tôi là
hệ thống Phương Tây đang trượt dốc nên cần cần đại tu và cải cách. Một
số người Trung Quốc luôn miệng ca ngợi và tôn thờ mô hình Mỹ , thế nhưng
đối với những ai đã sống ở Châu Âu và đi Mỹ nhiều lần thì điều này là
quá giản đơn và ngây thơ. Cần phải khách quan khi so sánh Trung Quốc với
các nước Phương Tây. Cái gì là điểm mạnh và điểm yếu của Phương Tây ?
Đâu là ưu điểm và nhược điểm của chúng ta và điều gì đáng học hỏi hay
ghi nhận từ Phương Tây ? Đó mới là lối tư duy đúng.
Fukuyama . Một lần nữa
tôi muốn nói rằng ngài cần phân biệt giữa hệ thống chính trị và chính
sách trong ngắn hạn. Khỏi phải nói cũng biết trong nhiệm kỳ trước, Hoa
kỳ đã vay nợ quá nhiều. Nhưng quả thực tôi lại không nghĩ rằng đó lại là
vấn đề của hệ thống dân chủ.
Nước Đức rất giống Trung Quốc ở một điểm
là nền kinh tế lớn , liên tục có xuất siêu và một thị trường việc làm
bùng nổ. Nhưng đồng thời Đức lại không bị ám ảnh bởi những đổi mới quá
đáng trong lĩnh vực tài chính , điều đã làm suy thoái nền kinh tế Mỹ và
cũng là nguyên nhân của bong bóng bất động sản. Đây cũng là một đất
nước dân chủ, có điều là Đức đã có những lựa chọn khác Mỹ. Bởi vậy tôi
không nghĩ rằng việc xác định một quốc gia là dân chủ hay không dân chủ ở
đây là cần thiết. Mọi quốc gia đều có thể phạm sai lầm.
Một lần nữa tôi muốn đặt sự vật vào viễn
cảnh tương lai. Thực sự tôi không muốn xem thường những kỳ tích mà
Trung Quốc đã đạt được. Tuy nhiên theo quan điểm của tôi thì ngài không
thể suy đoán cho tương lai dài hạn nếu chỉ căn cứ trên những kết quả
ngắn hạn. Nhật bản đã là một nước tưởng như không biết dừng bước vào
những năm cuối của thập niên 1980 trước khi bong bóng bất động sản vỡ
tung . Sau khi bong bóng vỡ và tiếp theo những chính sách sai lầm là 20
năm kinh tế trì trệ và tăng trưởng thấp. Thế mà nhiều người vào những
năm 1980 đã tin rằng Nhật bản sẽ tăng trưởng cao hơn, cao nữa và sẽ vượt
Hoa kỳ. Hồi đó trên thế giới đã nảy nở một đức tin vào uy thế Nhật
bản. Còn giờ đây, nếu nhìn vào tăng trưởng kinh tế trong dài hạn thì
điều gì sẽ là thách thức lớn nhất đối với Trung Quốc cũng sẽ chính là
điều sẽ thách thức mọi nền kinh tế khác.Thoạt tiên trong giai đoạn đầu ,
tăng trưởng kinh tế và công nghiệp hóa rất nhanh thu hút nhiều cư dân
nông thôn ra thành thị .
Châu Âu cũng đã tăng trưởng rất nhanh
trong giai đoạn này, Hàn quốc và Nhật bản cũng vậy. Có lẽ 25 năm trước
Trung Quốc cũng đã bước vào quá trình này. Đến một điểm nào đó, sự
chuyển dịch này đã thu hút hết nhân lực ra khỏi khu vực nông nghiệp thì
sẽ nảy sinh một thách thức mới về năng suất trong một nền kinh tế trưởng
thành hơn. Tôi cho rằng có lẽ đây là một sự thật có tính toàn cầu và
chẳng có quốc gia nào có thể duy trì liên tục mức tăng trưởng 2 con số
cho tới khi đạt cái mốc đánh dấu sự ra nhập danh sách các nền kinh tế đã
công nghiệp hóa. Điều này rồi cũng sẽ xảy ra với Trung Quốc.
Giai đoạn tới đây nền kinh tế Trung Quốc
sẽ phát triển chậm lại. Mọi quốc gia, đặc biệt là các nước Châu Á sẽ
phải đối mặt với vấn đề giảm tỷ lệ sinh đẻ , thậm chí đó sẽ trở thành
một gánh nặng lớn. Số người già cả ngày càng lớn do tuổi thọ được nâng
cao đồng thời tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh cũng thấp , đó là chưa kể
đến chính sách một con. Điều này là một sự thật ở Đài loan, Singapore và
cả Trung Hoa lục địa.
Gần đây tôi có dự một cuộc họp , tại đó
một nhà kinh tế phát biểu rằng vào những năm 2040-2050 Trung Quốc sẽ có
khoảng 400 triệu người trên 60 tuổi. Quả thực đó sẽ là một thách thức
khủng khiếp mà các quốc gia phát triển khác cũng đang gặp phải. Bởi
vậy, khi chúng ta nói về tính dẻo dai của một hệ thống chính trị ,
chúng ta phải luôn nghĩ trong dài hạn. Với tỷ lệ sinh sản giảm và dân số
tuổi già ngày càng tăng thì hệ thống của chúng ta sẽ phải tỏ ra linh
hoạt ra sao ? Tuy nhiên tôi không thể nói rằng các quốc gia dân chủ có
mọi lời giải. Đó là thách thức đối với mọi người.
GS Zhang có nêu lên vấn đề về chủ nghĩa
dân túy với hàm ý rằng quần chúng không phải bao giờ cũng quyết định
đúng trong các xã hội dân chủ. Tôi nghĩ là có rất nhiều ví dụ liên quan
đến nhận định này trong các chính sách của Hoa kỳ hiện nay. Đã đôi lần
tôi phải lắc đầu vì những quyết định ngu ngốc của các nhà chính trị. Thế
nhưng, Abraham Lincoln, người mà tôi cho là Tổng thống vĩ đại nhất của
Hoa kỳ đã có một câu nói nổi tiếng :” Anh có thể lừa một vài người suốt
đời, tất cả mọi người trong một lúc nào đó, nhưng không thể lừa tất cả
mọi người mãi mãi.”
Đặc biệt cùng với sự gia tăng của giáo
dục và thu nhập thì tôi nghĩ rằng chủ nghĩa dân túy mà ngài nói đến,
theo một số khía cạnh, cũng đã thay đổi . Đó là phép thử của nền dân
chủ thực sự. Đúng là quần chúng trong ngắn hạn có thể quyết định sai
hoặc chọn nhầm lãnh đạo.
Nhưng trong dài hạn, nhân dân sẽ quyết định
đúng đắn. Tôi nghĩ rằng trong lịch sử Hoa kỳ chúng tôi có thể chỉ ra
nhiều quyết định ngắn hạn sai lầm, nhưng cuối cùng thì nhân dân sẽ hiểu
quyền lợi của họ ở đâu và điều này sẽ hướng họ tói những quyết định đúng
đắn.
GS Zhang cũng đề cập tới tầng lớp trung
lưu. Ông nói rằng họ sẽ đẩy lùi khả năng quay trở lại của chủ nghĩa cực
đoan dân túy hoặc sự nổi loạn.
Một trong những người thầy của tôi là GS
Samuel Huntington năm 1968 đã viết một cuốn sách có tựa đề “ Trật tự
chính trị trong những xã hội đang thay đổi” . Trong đó có một điều đáng
lưu ý khi ông phát biểu rằng các cuộc cách mạng không bao giờ được tạo
ra bởi những người dân nghèo. Thực sự là tầng lớp trung lưu mới kiến tạo
ra các cuộc cách mạng vì lẽ để cách mạng thành công phải có những
người được đào tạo biết cách tận dụng các thời cơ, vận hội. Thế nhưng
những cơ hội đó bị các hệ thống chính trị và kinh tế ngăn cản nên mới
nảy sinh sự chênh lệch giữa kỳ vọng và khả năng của hệ thống đáp ứng
chúng , và điều này làm phát sinh sự bất ổn chính trị
Bởi vậy theo tôi thì sự lớn mạnh của
tầng lớp trung lưu không phải là đảm bảo đẩy lùi tình trạng nổi loạn mà
chính là nguyên nhân của bất ổn.
Những gì đã xảy ra ở Ai cập và Tunisy
chính là do sự gia tăng của giai cấp trung lưu và vì càng ngày càng có
nhiều người được học hành biết sử dụng Internet. Khi đã được kết nối với
thế giới bên ngoài, họ mới hiểu ra các chính phủ của họ mới kém cỏi làm
sao.
Nói về sự tăng trưởng bền vững ở Trung
Quốc tôi không nghĩ rằng nguồn gốc của sự bất ổn sẽ bắt nguồn từ những
người nông dân nghèo ở các vùng quê. Cách mạng về chính trị được thiết
kế bởi giai tầng trung lưu có học bởi vì hệ thống chính trị hiện nay
đang ngăn cản họ kết nối với thế giới bên ngoài rộng lớn hơn và cho họ
vị thế xã hội mà họ xứng đáng được hưởng.
Tôi biết rằng hàng năm có tới 6 – 7
triệu sinh viên mới ra trường ở Trung Quốc. Và một trong những thách
thức lớn nhất đối với sự ổn định không phải là dân nghèo ở Trung Quốc mà
là lệu xã hội có khả năng đáp ứng những kỳ vọng của tầng lớp trung lưu
có học .
Về vấn đề tham nhũng, tôi không muốn
thuyết phục mọi người rằng dân chủ thì có thể giải quyết vấn đề tham
nhũng hiệu quả hơn bởi một thực tế rất hiển nhiên đó là rất ít chế độ
dân chủ đồng thời lại có mức độ tham nhũng cao. Đứng về nhiều góc độ,
Trung Quốc có thể ít tham nhũng hơn nhiều nước trong số các nước dân chủ
đó . Tuy nhiên tôi lại phải nghĩ rằng một trong những con đường đấu
tranh chống tham nhũng chính là tự do báo chí , nơi mà người dân có thể
phơi bày tham nhũng mà không lo bị đe dọa hoặc trả thù.
Cứ cho là ở các quốc gia dân chủ không
phải lúc nào cũng được như vậy đi, chẳng hạn như ở Italy, Thủ tướng sở
hữu toàn bộ truyền thông. Tuy vậy tôi vẫn nghĩ rằng dù sao đi nữa, được
tự do phát ngôn mà nhờ vậy mà quần chúng có thể phê phán những người có
thế lực trong hệ thống chính trị có phân cấp mà không sợ bị trả thù cá
nhân là một ưu điểm. Đó chính là ưu điểm khi có một hệ thống dân chủ tự
do.
Zhang . Cảm ơn GS
Fukuyama. Ngài nói rằng chúng ta cần đánh giá theo một khuôn khổ thời
gian dài hơn. Năm 1985 tôi đến Mỹ với tư cách là một phiên dịch cho lãnh
đạo Trung Quốc, chúng tôi được gặp TS Henry Kissinger. Khi được hỏi về
mối quan hệ Trung – Mỹ ông ta đã nói rằng ông thà nghe chúng tôi trước
vì chúng tôi tới từ một quốc gia có hàng ngàn năm văn hiến. Tất nhiên
đó là biểu hiện của sự nhã nhặn. Tuy vậy chúng ta cần nhớ rằng Trung
Quốc đã từng là một quốc gia tiên tiến nhất về sức mạnh và hệ thống
chính trị trong gần 2000 năm qua. Tôi trân trọng TS Fukuyama vì không
giống với nhiều học giả Phương Tây khác , ngài đã dành nhiều thời gian
và sức lực để nghiên cứu các thiết chế chính trị của Trung Hoa cổ đại,
bằng chứng là kết luận của TS về việc Trung Quốc đã xây dựng nên nhà
nước hiện đại đầu tiên trên thế giới.
Trung Quốc bị tụt hậu so với Phương Tây
trong khoảng 200- 300 năm gần đây. Thế nhưng Trung Quốc đang đuổi kịp
nhanh chóng, đặc biệt tại các vùng đã phát triển . Tôi sợ rằng Phương
Tây hơi quá ngạo mạn và không thể nhìn Trung Quốc với một tư duy rộng
mở. Theo tôi thì Phương Tây đã có thể học hỏi ở Trung Quốc một số điều.
Tổng thống Obama có thể đúng khi ông thúc giục Mỹ xây dựng đường sắt cao
tốc, quan tâm nhiều hơn đến giáo dục cơ sở, giảm thâm hụt ngân sách,
tiết kiệm nhiều hơn, phát triển công nghiệp chế tạo và vực dậy khu vực
xuất khẩu. Ông đã nhấn mạnh rằng Hoa kỳ không thể xếp hạng 2 thế giới.
Rõ ràng là ông ta đã cảm nhận được áp lực từ sự trỗi dậy của Trung Quốc.
GS Fukuyama có vẻ lạc quan về vấn đề chủ
nghĩa dân túy và rất tin tưởng rằng Hoa kỳ có thể học trên những lỗi
lầm của mình , thay vì bị dẫn dắt bởi chủ nghĩa dân túy. Tuy nhiên tôi
thiên về quan điểm cho rằng chủ nghĩa dân túy hầu như đã trở nên lan
rộng hơn trên thế giới nhờ truyền thông hiện đại. Ngày nay một đất nước
hay một xã hội quả thực là có thể đổ vỡ sau một đêm chỉ vì chủ nghĩa dân
túy quá mức, và điều này còn ý nghĩa hơn vấn đề thể chế chính trị.
Ở Trung Quốc, truyền thống hàng ngàn năm
đã để lại dấu tích ở mọi thứ. Tôi không nói truyền thống là luôn tốt
hay xấu, quan điểm của tôi là không thể hoặc không thực tế nếu loại bỏ
truyền thống đã in dấu lên mọi thứ mà chúng ta đang làm hôm nay. Bởi vậy
tôi luôn nói rằng, dù thích hay không thích thì tính cách Trung Hoa và
những “ gien di truyền lịch sử” vẫn luôn tồn tại cùng chúng tôi. Điều
mà chúng tôi có thể làm là phát huy các ưu điểm trong truyền thống của
mình đồng thời ngăn ngừa những nhược điểm . Những gì đã diễn ra trong Cách mạng văn hóa cho
chúng ta thấy rằng rất khó để phá hoại truyền thống. Trung Quốc thừa
hưởng nhiều truyền thống rất tốt đẹp trong đó có niềm tin vào chế độ sử
dụng nhân tài. Bởi vậy tuyển chọn kết hợp với một số hình thức bầu chọn
đang hứa hẹn một tương lai ở Trung Quốc và chúng tôi sẽ làm tốt việc
này khi đã có hàng ngàn năm truyền thống tuyển chọn nhân tài.
GS Fukuyama nói về những hình thái thay
thế của dân chủ. Đó chính là lĩnh vực mà quan điểm của chúng ta khác
biệt. Trung Quốc không có ý định tiếp thị mô hình của mình như một hình
thái thay thế cho các quốc gia và dân tộc khác. Mục tiêu của chúng tôi
chỉ đơn giản là điều hành , quản trị đất nước mình hiệu quả , cũng có
nghĩa là hoàn thành sứ mệnh đối với 1/5 nhân loại , và không có gì hơn
là đạt được mục tiêu đó. Nhưng có một sự thật là nếu anh làm tốt việc gì
đó thì những người khác sẽ noi gương . Ngày nay thực sự tất cả các nước
láng giềng Châu Á của Trung Quốc, từ Nga cho tới Ấn độ, từ Việt nam cho
tới Lào, Cămpuchia và các dân tộc Trung Á đang học hỏi mô hình Trung
Quốc bằng cách này hay cách khác.
Quan điểm của GS Huntington về sự xung
đột giữa tầng lớp trung lưu với nhà nước được đa số học giả Phương Tây
và một số học giả Trung Quốc ủng hộ xã hội dân sự độc lập chia sẻ. Tuy
nhiên Trung Quốc lại có một truyền thống văn hóa lâu đời của riêng mình
mà theo đó tầng lớp trung lưu có những ảnh hưởng khác biệt. Đa số người
Phương Tây nhìn nhận chính quyền như là “ điều không muốn nhưng phải
chấp nhận”, thế nhưng đa số người Trung Quốc lại coi chính quyền như một
sự “ bất đắc dĩ phải có” . Với di sản văn hóa như vậy, tầng lớp trung
lưu có nhiều khả năng trở thành những người ủng hộ trung thành nhất vị
thế ổn định của Trung Quốc trên thế giới. Hơn nữa, thay vì đối đầu, quan
hệ giữa tầng lớp trung lưu với nhà nước Trung Quốc nói chung là tích
cực. Điều này làm nảy sinh sự dính kết xã hội không có ở các xã hội
Phương Tây.
Bây giờ tôi sẽ nói về vấn đề tham nhũng.
Chúng ta ai cũng biết bốn con rồng Châu Á : Hàn quốc, Đài loan,
Singapore và Hong kong. Sau khi quá trình hiện đại hóa (có thể hiểu là công nghiệp hóa – ND)
hoàn thành trên diện rộng, Đài loan và Hàn quốc đã tiếp thu hệ thống
chính trị Phương Tây trong khi Họng kong và Singapore lựa chọn ít nhiều
vẫn giữ nguyên hệ thống hiện hành. Hãy nhìn vào tình hình hiện nay: Hong
kong và Singapore ít tham nhũng hơn Hàn quốc và Đài loan theo nhận định
của tất cả những ai nghiên cứu về tham nhũng. Trong những năm 1960
tình trạng tham nhũng ở Hong Kong là trầm trọng , nhưng vấn nạn này đã
được ngăn chặn thành công khi thành lập Ủy ban độc lập chống tham nhũng
(ICAC). Nói cách khác, hệ thống dân chủ Phương Tây không phải là giải
pháp tốt nhất đối với vấn nạn tham nhũng , ít ra là trong thế giới ngoài
Phương Tây.
Tổ chức minh bạch quốc tế đưa ra chỉ số
về tham nhũng cho thấy trong các nền “ dân chủ” với dân số 50 triệu trở
lên tình trạng tham nhũng trầm trọng hơn Trung Quốc. Thực tế là tham
nhũng ở Đài loan trở nên tồi tệ hơn sau khi có dân chủ. Nếu không thì
lãnh đạo Trần Thủy Biển đã không chịu kết cục phải ngồi tù. Liên tiếp 5
tổng thống Hàn quốc được dân bầu đều dính líu vào các vụ tham nhũng tai
tiếng . Trái ngược lại, Hong Kong và Singapore không cần phải tiếp nhận
mô hình chính trị Phương Tây lại thành công trong nỗ lực giảm tham
nhũng đáng kể nhờ chế độ pháp quyền và đổi mới các định chế.
Một số người Trung Quốc đã biến tấu câu
nói nổi tiếng của Churchil về dân chủ thành câu “ dân chủ là hệ thống ít
tồi tệ nhất “. Tôi đã kiểm tra lại bối cảnh mà Churchil phát biểu câu
này và thấy câu nói được phát ngôn trong cuộc tranh luận ở Westminster
vào năm 1947. Rõ ràng là ông ta nói về dân chủ kiểu Phương Tây và được
thực thi ở Phương Tây. Winston Churchill bản thân cũng mạnh mẽ chống lại
nền độc lập của Ấn độ. Vậy thì làm sao ông ta có thể ủng hộ Ấn độ tiếp
nhận nền dân chủ kiểu Phương Tây ? Tôi tự mượn câu nói của Churchill để
mô tả mô hình Trung Quốc giống như một “ mô hình ít tồi tệ nhất”, có
nghĩa là tuy có những yếu điểm nhưng nó cho kết quả thực tế tốt hơn
những mô hình khác.
Fukuyama. Cho phép tôi
được bắt đầu từ vấn đề về tầng lớp trung lưu. Phải chăng tầng lớp trung
lưu Trung Quốc khác biệt với tầng lớp trung lưu ở những xã hội không
Trung Hoa? Đó cũng là vấn đề mà tôi đã tranh luận rất nhiều với GS
Huntington. Năm 1990 GS viết cuốn sách có tựa đề “ sự xung đột giữa các
nền văn minh” trong đó về cơ bản ông dựa trên luận cứ cho rằng văn hóa
quyết định hành vi. Bất chấp những đổi thay do quá trình hiện đại hóa
mang lại, ông cho rằng, văn hóa vẫn quyết định hành vi của con người ,
dù đó là người tân tiến.
Tôi tin rằng văn hóa rất quan trọng. Lý
do vì sao tôi nghiên cứu chính trị quốc tế chính là tôi thích quan sát
những người khác mình. Bởi lẽ sự đa dạng văn hóa là một thực tế và thật
tuyệt vời khi mọi người không ai giống ai. Nhưng có một câu hỏi lớn hơn
đó là phải chăng văn hóa tỏa sáng xuyên thời gian theo cách thức phản
kháng lại sự phát triển của chính trị, xã hội và kinh tế hay là quá
trình hiện đại hóa sẽ dẫn tới một sự hội tụ về văn hóa?
Cho phép tôi viện dẫn một ví dụ. Nhìn
quanh căn phòng thấy có nhiều phụ nữ ngồi hẳn có người sẽ tự hỏi : sao
lại có nhiều thính giả nữ thế nhỉ ? . Thời trước , vị thế của người
phụ nữ bị hạ thấp và họ bị hạn chế nhiều cơ hội trong những xã hội mà
tài sản thừa kế chỉ được truyền cho nam giới. Điều này từng là hiện thực
ở Mỹ và Châu Âu vào thời kỳ mới phát triển. Nhưng khi bạn tới thăm các
quốc gia phát triển và nơi đây ở Đông Á bạn sẽ thấy phụ nữ khắp nơi. Tại
sao lại như vậy ? Tại sao vị thế của phụ nữ lại được nâng cao như vậy
? vì sao họ làm việc ở các văn phòng và nhà máy? Vì sao họ được hưởng
quyền bình đẳng với nam giới về kinh tế và xã hội ? Nguyên nhân chính là
quá trình hiện đại hóa. Ngày nay không ai có thể vận hành một nền kinh
tế mà lại thiếu sự tham gia của lực lượng lao động nữ.
Saudi Arabia không cho phép phụ nữ lái
xe , bởi vậy họ phải thuê gần nửa triệu lái xe từ Nam phi tới chỉ để đưa
đón phụ nữ nơi đây.Nếu như họ không có dầu lửa thì có lẽ không thể
tượng tượng nổi hệ thống kinh tế này sẽ ra sao. Mặc dù văn hóa đạo Hồi
có những quy định về vai trò của người phụ nữ, thế nhưng ở Trung đông
phụ nữ đang trở nên mạnh mẽ và được tổ chức tốt hơn về chính trị. Họ
đòi hỏi những quyền lợi bình đẳng như nam giới . Điều này đối với tôi có
vẻ như một trường hợp mà các nền văn hóa khác nhau đều đi tới những
giải pháp tương đồng về vấn đề vai trò người phụ nữ. Điều đó diễn ra
chẳng phải vì văn hóa là yếu tố quyết định , mà bởi quá trình hiện đại
hóa buộc xã hội phải tìm được lời giải.
Tôi không nghĩ rằng chúng ta có một xã
hội hiên đại mà không dành cho phụ nữ quyền bình đẳng . Tất nhiên đó vẫn
là một vấn đề còn để ngỏ. GS Zhang nói rằng tầng lớp trung lưu được học
hành, tương đối an toàn, có tài sản riêng sẽ khác với tầng lớp trung
lưu ở nơi khác chỉ bởi vì họ sống trong môi trường văn hóa Trung Hoa. Có
thể đúng như vậy.
Nhưng theo quan sát của tôi thì tầng lớp
trung lưu trong các nền văn hóa khác nhau thực ra lại ứng xử rất giống
nhau.Trong thế giới A rập , người ta nghĩ rằng dân A rập là khác biệt do
chịu ảnh hưởng của Hồi giáo. Thế nhưng năm vừa qua nhân dân các nước A
rập đã xuống đường biểu tình chống chính phủ. Bởi thế tôi cho rằng
một số giả thuyết về vai trò của văn hóa có thể không còn đúng nữa. Có
thể văn hóa quyết định một số hành vi trong quá khứ, nhưng trong điều
kiện hiện nay, điều này đã khác rồi. Dưới ảnh hưởng của Internet và du
lịch có lẽ hành vi của con người được định hình bởi nhu cầu và khát
vọng của thế hệ đương đại , nhiều hơn là bởi những truyền thống sâu nặng
của quá khứ.
Cho phép tôi phát biểu một điều cuối
cùng về những gì tôi đồng tình với GS Zhang. Tôi cho rằng có sai lầm
trong nhân dân Mỹ và Châu Âu khi đánh giá những thành tích của Trung
Quốc, kể cả trong quá khứ và hiện tại. Cuốn sách gần đây của tôi viết có
sáu chương thì ba chương về Trung Quốc. Riêng Trung Quốc đã chiếm nhiều
chương hơn những khu vực khác của thế giới. Tôi thực sự đã dành nhiều
thời gian để bản thân mình giảng thật nhiều giờ về lịch sử Trung Quốc ở
mức có thể được, vì tôi nhận thấy sức mạnh của lịch sử Trung Hoa rất
quan trọng đối với người Mỹ và cả người Trung Quốc.
Không có nền văn hóa nào có thể tồn
tại với các giá trị và định chế vay mượn. Điều mà tôi nhận thức được là
Trung Quốc đang tìm lại những cội rễ xác thực của mình. Đó là một việc
tốt mà Trung Quốc cần phải làm. Thách thức ở đây là trong khi đi tìm lại
niềm tự hào trong lịch sử và truyền thống , cần phải tương thích chúng
với những định chế hiện đại. Chúng ta phải làm việc này theo cách không
dẫn đến chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và chủ nghĩa Sôvanh nước lớn.
Một nước Nhật hiện đại sẽ phải như thế
nào? Nó sẽ không giống Mỹ, Anh hoặc Pháp mà phải giàu đặc trưng Nhật.
Tôi nghĩ rằng một Trung Quốc hiện đại cũng cần có những đặc trưng rất
Trung Hoa. Cho nên một nhiệm vụ quan trọng là phải chỉ ra những gì thực
sự là đặc trưng Trung Hoa và những gì mà xã hội hiện đại đòi hỏi. Đó
cũng là một phần của trật tự quốc tế rộng lớn hơn. Và chỉ có cách đó
chúng ta mới có thể chung sống trong hòa bình.
Zhang. Nhiều nhà khoa
học chính trị Phương Tây có quan điểm rằng hiện đại hóa sẽ dẫn đến sự
hội tụ văn hóa. Thế nhưng kinh nghiệm cho thấy không hẳn là như vậy. Lấy
Trung Quốc là một ví dụ. Người Trung Quốc ai cũng biết là luôn bận bịu
với hiện đại hóa, tạo tài sản và kiếm tiền. Thế nhưng mấy năm trước có
một bài hát đã nhanh chóng trở thành nổi tiếng toàn quốc vì đã động viên
mọi người hãy thăm cha, mẹ của mình thường xuyên hơn. Bài hát đó đã
sưởi ấm trái tim mỗi người Trung Quốc và đề cập trúng nỗi trắc ẩn trong
lòng công chúng. Nói khác đi, bất chấp những bước đi hối hả của hiện đại
hóa và sự gia tăng của chủ nghĩa cá nhân , cốt lõi của truyền thống
Trung Hoa vẫn là gia đình. Và vì nó mà người Trung Quốc sẵn sàng hy sinh
nhiều hơn đa số người Phương Tây.
Bản sắc văn hóa không thể thay đổi được
bởi hiện đại hóa. Nếu không thì thế giới này sẽ thật là nhàm chán. Mà
làm sao có thể làm thay đổi bản sắc của một nền văn hóa lực lưỡng như
văn hóa Trung Hoa ? Một khi nói đến văn hóa McDonald thì cũng có Tám
trường phái ẩm thực Trung Hoa và quả thực, chúng rất khác nhau. Thực tế
là kẻ đi trước mà không đủ sức chinh phục kẻ đến sau thì kẻ đến sau sẽ
đồng hóa người đi trước. Tôi đánh giá cao quan điểm của Edmund Burke,
một nhà triết học chính trị Anh thế kỷ 19, người cho rằng mọi thay đổi
trong hệ thống chính trị phải xuất phát từ chính truyền thống của dân
tộc.
Ngoài ra, tôi nghĩ rằng nguyên nhân
chính của sự đề cao văn hóa chính là thái độ ngưỡng mộ của chúng tôi
đối với minh triết gắn kết với văn hóa. Minh triết và tri thức là hai
thứ khác nhau. Ngày nay chúng ta có nhiều tri thức hơn bất kỳ lúc nào
trong quá khứ. Trẻ em học phổ thông có thể biết nhiều hơn Khổng Tử hay
Socrat. Tuy nhiên minh triết của nhân loại hầu như không thay đổi. Ở đây
tôi có một lời khuyên giản dị không biết GS Fukuyama có chấp nhận hay
không: nên chăng cần thêm yếu tố minh triết vào ba yếu tố cơ bản của các
thể chế chính trị hiện đại mà GS đã nêu, cụ thể là nhà nước, tính giải
trình, chịu trách nhiệm và pháp quyền. Hoa kỳ đã từng thắng trong
nhiều cuộc chiến tranh đứng về phương diện chiến thuật, nhưng lại thua
nếu nhìn từ góc độ chiến lược, ví dụ như cuộc chiến Việt nam,
Afghanistan và Iraq chỉ là một vài minh chứng. Đó là các tình huống có
liên quan tới minh triết và tôi nghĩ rằng tầm quan trọng của minh triết
là không thể bỏ qua.
Mới đây tôi qua Đức giảng bài. Có một
nhà kinh tế Đức kể cho tôi một câu chuyện, đó là Thủ tướng Angela Merkel
hỏi một nhà kinh tế Đức khác rằng tại sao không có nhà kinh tế của Đức
nào đoạt giải Nobel về kinh tế. Câu trả lời là “thưa bà Thủ tướng,
xin đừng lo lắng về điều đó vì ở đâu có những nhà kinh tế hạng nhất thì
nơi đó sẽ không có nền kinh tế hạng nhất”. Nói cách khác, ở nơi đó nền kinh tế có vấn đề.
Trong số các môn khoa học xã hội mà
phương Tây đã xây dựng nền móng, tôi cho rằng môn kinh tế là gần với sự
thật nhất vì nó giống khoa học tự nhiên ở chỗ phải dựa trên các mô
hình toán. Với quan niệm đó, thành thực mà nói môn khoa học chính trị và
các môn khoa học xã hội khác được khởi đầu ở phương Tây có thể được coi
là xa sự thật hơn môn kinh tế. Bởi vậy đó cũng là lý do vì sao chúng
ta cần phải dũng cảm hơn trong tư duy và can trường hơn trong những nỗ
lực để có những bài diễn thuyết mang tính đổi mới.
Tôi chia sẻ một điểm tương đồng với GS
Fukuyama đó là cả hai chúng ta đang nỗ lực soạn ra một chương trình cho
môn khoa học chính trị phương Tây. Cuốn sách mới của GS đã kết nối cả
nhân chủng học, xã hội học, kinh tế học, khảo cổ học và nhiều môn khoa
học nữa. Những nỗ lực của GS xứng đáng được chúng ta tôn trọng và ghi
nhận, mặc dù tôi không đồng tình với GS về tất cả mọi thứ.
Về phần mình, tôi và các cộng sự thực ra đang tiến xa hơn GS Fukuyama và chúng tôi đang đặt dấu hỏi (xét lại – ND)
đối với toàn bộ các bài giảng về chính trị phương Tây. Tuy nhiên chủ ý
của chúng tôi không phải là lấy điểm chính trị hay chứng minh Trung Quốc
hay và phương Tây dở hoặc ngược lại, mà là cố gắng tìm những lời giải
mới trước các thách thức toàn cầu như giảm đói nghèo, sự xung đột giữa
các nền văn hóa, sự thay đổi khí hậu và nhiều vấn đề khác có liên quan
tới quá trình đô thị hóa. Minh triết của phương Tây quả thực là chưa đủ
và minh triết Trung Hoa sẽ có những đóng góp của mình.